Ván cờ vô tiền khoáng hậu
Mỗi lần từ căn cứ xuống thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), Mười Chấp(1) và Tư Chuyển(2) về ẩn náu trong căn hầm bí mật nhà anh Can, cơ sở cách mạng. Một hôm, mới tờ mờ sáng, Chủ tịch Hội đồng hương chính ngụy, cũng là cơ sở của ta chạy sang báo cho anh Can biết tin: “Hôm nay địch có cuộc bố ráp lớn trên quy mô 3 xã, không biết trên địa bàn mình có anh em ta về không?”. Ngồi trong hầm nghe được, Mười Chấp suy tính giây lát rồi giở nắp lớp phên tre hầm bí mật bước ra nói với Tư Chuyển và anh Can: “Tôi phải đi, nhỡ chúng có bắt được thì cũng một người. Nếu không có việc gì, tối tôi sẽ quay lại”. Tư Chuyển lo lắng: “Sáng bạch rồi, ban ngày ban mặt anh đi sao được, lỡ bất trắc…”. Mười Chấp cười cười trả lời: “Khỏi lo, tau đã có cách. Lão Can, bộ quần áo tây, đôi giày và chiếc kính của mi đâu đem tau mượn”.
Mười Chấp đóng bộ xong, đeo kính đen, miệng ngậm thuốc lá Rubi lững thững ra đi. Đến khỏi xóm Khuông, ông theo con đường đất thẳng tắp đi về phía xã Kỳ Trung. Vừa tới bến đò, đã thấy lố nhố đám lính hương dũng, dân vệ địch dáo dác nhìn ngó kiểm soát từng người. Đến sát bọn chúng, Mười Chấp gằn giọng quát bảo:
- Chặp nữa, Huỳnh Giáo, Chi trưởng công an Tam Kỳ sẽ đến thị sát vùng này, chúng bay phải theo dõi, canh gác cho cẩn thận, chớ để mấy thằng Cộng sản giả dạng lọt lưới. Hôm nay là ngày bố ráp triệt để, bọn bay biết không?
Nghe vậy, đám hương dũng rét rẹt, không dám hỏi han, tưởng là “sếp” trên xuống, nên để ông tự do lên đò qua sông. Đến Kỳ Trung, Mười Chấp tới ngay nhà Phó Cựu vốn là địa chủ có hạng, lại còn làm thầy coi mạch, bốc thuốc chữa bệnh có tiếng. Vào nhà, ngồi chưa nóng đít, Mười Chấp thưa:
- Dạ thưa thầy, tôi ở Quảng Ngãi ra, ông già tôi bị bệnh phong chạy chữa quá lâu vẫn không khỏi, nghe danh thầy tôi lần hỏi đến đây nhờ phước thầy giúp cho.
Trong khi chờ đợi Phó Cựu đủng đỉnh uống trà, Mười Chấp sa vào bàn cờ để sẵn mân mê từng con cờ có vẻ thích thú. Thấy vậy Phó Cựu hỏi:
- Chú mày có biết đánh cờ không?
- Dạ cũng võ vẽ đôi chút!
- Thế thì ta làm vài ván cho vui cái đã.
Phó Cựu ngồi vào xếp các con cờ, rồi hai bên vào cuộc tỉ thí. Lúc này Lê Đắc Ấn, con trai của Phó Cựu, làm Chủ tịch Hội đồng hương chính xã Kỳ Trung đang chỉ huy quân lính của chúng đi lùng sục gắt gao, súng nổ đì đùng trong các xóm gần đó. Lúc thủ hòa, lúc ăn, lúc thua, các ván cờ được Mười Chấp tính toán kỹ để kéo Phó Cựu say máu lao vào cuộc thư hùng. Đưa tay xem đồng hồ đã 11 giờ trưa, Mười Chấp ra vẻ sốt ruột:
- Trưa quá rồi, tôi xin được hầu thầy chừng này ván. Xin thầy hốt (bốc) thuốc cho, đặng tôi còn về.
Phó Cựu thư thả trả lời:
- Bệnh phong có ai chết ngay đâu. Thôi ta ăn cơm, nghỉ ngơi, chiều làm vài ván nữa, rồi tôi hốt thuốc, anh về cũng chưa muộn.
Phó Cựu gặp được tay cờ lợi hại, thích thú bảo vậy. Cuộc cờ buổi chiều lại diễn ra giằng co, quyết liệt. Lê Đắc Ấn tạt về nhà. Thấy con trai, Phó Cựu hiu hiu tự đắc giới thiệu với Mười Chấp:
- Con trai tôi, Chủ tịch Hội đồng hương chính xã ni đó. Hồi sáng đến giờ hắn chỉ huy truy quét mấy thằng Cộng sản nằm vùng. Giờ anh đánh với nó vài ván, tôi đi lấy thuốc cho anh đây.
Chỉ chờ đến giây phút cuối cuộc chơi đầy thử thách và táo bạo trong những tình huống ngặt nghèo, nhưng bao giờ cũng bình tĩnh, chủ động, Mười Chấp giả bộ ái ngại, nhưng rồi cũng ngồi vào cùng Lê Đắc Ấn. Ông quyết định ăn ngay ván đầu. Được vài nước, Mười Chấp đi quân cờ chặn đường kết thúc. Chợt, ông ngước lên nhìn thẳng vào mặt Lê Đắc Ấn điềm tĩnh hỏi:
- Hồi sáng đến giờ anh cho lính đi sục vây bắt Mười Chấp. Vậy Mười Chấp “Phó Bí thư Tỉnh ủy Việt Cộng” đây, anh dám bắt ông ta không?
Quá bất ngờ, đến nỗi cha con Phó Cựu mặt tím tái, mắt trắng dã, đờ người ra nhìn Mười Chấp. Mười Chấp tiếp đòn cân não:
- Anh không dám bắt tôi, thì tôi bắt anh. Nói vậy thôi, tôi chưa ra tay đâu. Nhưng từ nay anh chớ có hung hăng vây ráp Cộng sản. Còn bây giờ tôi đi đây, nếu làng này nổi trống mõ hô hoán, anh đừng trách tôi…
Nói xong, Mười Chấp bước ra khỏi nhà lẩn vào ngõ tắt, để lại hai cha con Phó Cựu đứng chết lặng trong sợ hãi.
Có điều, sau cuộc cờ vô tiền khoáng hậu đó, Mười Chấp đã xây dựng Lê Đắc Ấn thành cơ sở cách mạng tích cực của ta. Năm 1964, Lê Đắc Ấn được tín nhiệm cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng xã Kỳ Trung. Về sau anh tham gia chiến đấu và hy sinh ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Trận đánh lạ đời
Chiều 30 Tết năm nọ, một tiểu đoàn lính ngụy bất ngờ càn quét vào thôn 3 xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Hơi lạ, khi vào đến đầu làng chúng rải quân nằm im, không nổ súng, đốt nhà cướp của. Giữa bọn địch và lực lượng du kích, cán bộ xã Phú Thọ chỉ cách nhau vài đám ruộng.
Ba ngày trôi qua vẫn thế. Lãnh đạo xã tức tốc họp bàn nhận định: Có thể bọn địch bị thua trận ở Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, hoặc là phản chiến chạy về đây. Dù thế nào ta cũng phải chủ động tấn công binh vận thăm dò, chặn đứng trước khi bọn chúng đánh phá. Ban đầu, ta bắt loa kêu gọi rồi ngâm thơ, ca nhạc, hát dân ca. Có những lời ca thắm thiết:
Bắn vào ai?
Tôi phải bắn vào ai?
Trong tay đang cầm cây súng Mỹ
Nhìn quê hương máu rỉ trong tim!
Đồng ruộng, bờ tre thân thuộc quá
Bóng dáng ai kia, không phải người xa lạ
Đòn gánh cầm tay, tóc xõa ngang vai…
Bắn vào ai?
Tôi phải bắn vào ai?...
(Súng Mỹ, lòng ta)
Đến đêm thứ ba, địch vẫn im lìm không có một phản ứng nhỏ nào. Bên ta không thể xác định ý đồ của bọn chúng đang muốn làm gì đây, bèn quyết định viết một lá thư và sắm một số quà bánh tết thật ngon, cử một cụ bà mang sang chỗ chúng. Trong thư có nội dung: “Các anh đến quê hương chúng tôi vào những ngày Tết - mảnh đất bị đạn bom Mỹ cày xới. Tuy nhiên, với truyền thống hòa hiếu của con Lạc cháu Hồng, chúng tôi có chút quà thơm thảo, thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào, trong những ngày xuân các anh ly hương xa nhà…”.
Bà cụ (mẹ chiến sĩ) ra đi, tất cả đều hồi hộp chờ đợi. Không nghe có tiếng la quát, súng nổ. Bà cụ bình yên trở về, trao lại cho anh em ta bức thư phúc đáp, kèm một ít quà đáp lễ của bọn địch. Thư bọn địch có đoạn: “…chúng tôi được lệnh thượng cấp hành quân về nơi đây. Chúng tôi hứa với các ông sẽ không có hành động gì hại dân…”.
Quà của địch là hai gói thuốc lá “quân tiếp vụ” và một bao diêm quẹt. Phía ta suy đoán: “Phải chăng địch gửi lửa cho ta cảnh báo, là sẽ thiêu cháy vùng giải phóng?”. Ta viết thư phản công. Bọn chúng lại viết thư gửi lại thanh minh. Đến lá thư thứ ba, chúng xin được sang bên kia suối để tát nước bắt cá. Ta lại nhận định và phản đối ngay ý đồ muốn thanh lọc để bắt Cộng sản của bọn tâm lý chiến đi theo chúng. Địch nhẫn nhục làm thinh. Lá thư thứ tư ta đưa ra ý kiến hai bên cử đại diện gặp nhau giữa cánh đồng để nói chuyện, mỗi bên 6 người. Bọn địch đồng ý.
Cuộc gặp đã diễn ra suôn sẻ. Đại diện của ta thăm hỏi sức khỏe, gia đình, vợ con bọn chúng, nhằm gợi nỗi nhớ nhà, nhớ quê trong những ngày Tết. Họ tỏ ra xúc động. Và để vui xuân, hai bên tổ chức mấy buổi đánh bóng chuyền giao lưu giữa binh sĩ ngụy với anh em du kích.
Bọn địch không khỏi ngạc nhiên và quá đỗi bất ngờ. Ở vùng giải phóng kháng chiến ác liệt thế này, mà “Việt Cộng” có bánh trái, thuốc lá xịn, đường sữa, hoa tươi, báo chí, bà con ăn mặc đẹp, lại có bóng chuyền, sân lưới đàng hoàng. Cuộc đấu bóng chuyền diễn ra vui nhộn tưng bừng được coi là “sự kiện lịch sử” giữa hai đối thủ…
Nhân dân xã Phú Thọ và lân cận nghe tin lạ, kháo nhau, kể cả trong vùng địch kiểm soát cũng tìm cách kéo đến xem đông như hội. Trong thời gian thi đấu ta tranh thủ trao quà, sách báo và vận động, yêu cầu bọn địch rút quân khỏi nơi đây để nhân dân yên ổn vui xuân. Một số lính nhân cơ hội này đã đào ngũ trốn khỏi đơn vị về với ta.
Những lá thư, những trận đấu bóng và nghệ thuật đấu tranh chính trị mềm dẻo, kiên trì, khôn khéo của bà con và cán bộ ta đẩy lùi được một tiểu đoàn lính chính quy ngụy thất trận ở đường 9 Nam Lào trở về, nay lại thất trận tiếp!
_____
(1) Mười Chấp: Đỗ Thế Chấp, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, qua đời năm 1980.
(2) Tư Chuyển: Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, qua đời năm 1985.