HV101 - Đại thần triều đình phổ biến tài liệu cách mạng của Phan Bội Châu

Trong sách Văn thần Việt Nam (NXB Văn Hóa - Thông Tin, 2006), đoạn viết về quan thượng thư Hồ Lệ, giáo sư Vũ Ngọc Khánh ghi câu thơ dân gian:

“Làm quan mà chẳng ham tiền

Như ông Hồ Lệ chẳng phiền chi ai”.

Có lời ngợi ca trên là vì ông Hồ Lệ, nhiều năm làm quan của triều Nguyễn, từ Bố chánh, Tổng đốc đến Thượng thư, Đại thần cơ mật viện, đều rất liêm khiết, không bao giờ ăn của đút lót, hối lộ mà cũng không hề nhận quà biếu của bất cứ ai. Những ngày lễ, Tết, ông chỉ tiếp người đến chúc mừng, ai đem trà rượu đến, ông đều không nhận.

Khi làm Bố chánh, Thủ hiến tỉnh Phú Yên, ông chủ trương trừng trị mạnh thuộc hạ tham nhũng, và ủy lạo nhân dân.

Thời vua Thành Thái, ông làm Thượng thư bộ Binh kiêm Đô sát viện trưởng (đô sát viện - nơi giám sát các quan và cả can gián vua).

Khoa thi hương năm Quý Mão (1903) tại trường Thừa Thiên có tên Lê Tấn, người Nghệ An, con nhà giàu, thi hạch ở tỉnh không đậu (có đậu kỳ thi hạch đó mới được thi hương), y vào Huế xin học chữ Pháp tại trường Quốc học để xin đi thi hương. Y thuê một ông tú tài ở Nghệ An đội tên y vào trường thi thế. Không ngờ thi đậu. Đến lúc xướng danh cử nhân, Lê Tấn đi lãnh áo mão. Trở về quê, y được tiếp rước linh đình, tiệc tùng thả cửa. Dư luận bàn tán xôn xao về việc Lê Tấn thuê người thi hộ.

Nhân danh viện trưởng Đô sát, ông Hồ Lệ tâu lên vua, đòi Lê Tấn vào kinh để hội đồng sát hạch lại. Lê Tấn được tin, hoảng sợ lẩn trốn, cùng ông tú tài đã thi hộ tiếp tục giúp hắn tập bài, tập chữ. Còn thân nhân của y thì vào Huế chạy chọt, lo lót khắp nơi, chỉ trừ chỗ ông Hồ Lệ là không vô lọt.

Sáu tháng sau, quan chức Nghệ An bắt được Lê Tấn đưa vào Huế. Ông Hồ Lệ tâu lên vua, lập hội đồng sát hạch có đủ thượng thư sáu bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công. Sáu ông thượng thư họp tại Công đường bộ Binh để ra đề thi. Còn Lê Tấn thì ngồi ở góc trong làm bài.

Sau khi hội đồng chấm bài, thấy nét chữ có hơi giống nét chữ trong quyển thi trước, nhưng văn lý trong bài quá kém, ông Hồ Lệ tâu lên vua tước bỏ học vị cử nhân của Lê Tấn.

Nhận được tờ “phiếu” tâu của ông Hồ Lệ, vua Thành Thái phê sau tờ phiếu: “Tên Lê Tấn này đem vào mạt hạng cử nhân cũng được”.

Có lời phê của vua như vậy, vì Lê Tấn đã tìm đủ cách lo lót tới các bà thân thế ở nội cung để tâu vua “chiếu cố” cho y!

Tiếp được lời phê của vua, ông Hồ Lệ rất phân vân, suy nghĩ, rồi dâng sớ can vua. Sớ viết: “Tên Lê Tấn quả làm được cử nhân thì thần không mặt mũi nào còn đứng giữa triều đình. Như thế công luận sẽ ra sao? Và thư pháp tương lai sẽ sinh tệ hại như thế nào?”.

Trước những lời lẽ chính trực ấy, vua phải nghe theo mà tước bỏ học vị cử nhân của Lê Tấn. Sĩ phu đương thời nghe tin ấy lấy làm khoái trá!

Tháng 6 năm Thành Thái 15, ông Hồ Lệ phụng chỉ làm Khâm sai đại thần ra Hà Tĩnh xem xét vụ các quan đầu tỉnh và phủ, huyện ở đây thông đồng bán lúa công dự trữ gian dối để thu lợi.

Viên tuần vũ Hà Tĩnh là môn hạ của ông, nhưng ông không vì tình riêng, vẫn điều tra minh bạch, trừng trị thẳng tay. Tuần vũ, bố chánh và các quan phủ huyện có tội đều bị cách chức, có người bị tù.

Khi ông Hồ Lệ làm Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), thì ở Hà Tĩnh, Phan Đình Phùng khởi nghĩa chống Pháp, phát động phong trào “Cần Vương”. Sĩ phu hai tỉnh Nghệ, Tĩnh hưởng ứng rất đông. Đối với các biện pháp chống phong trào yêu nước của thực dân Pháp vạch ra, giao cho các quan chức tỉnh thi hành, ông chỉ làm qua loa, khiến viên công sứ Pháp ở Nghệ An bất bình. Hắn gửi giấy về Tòa Khâm sứ ở Huế, báo cáo: “Tổng đốc Nghệ An không sốt sắng, điềm tĩnh quá”.

Vì vậy, Viện cơ mật tâu xin giáng ông một cấp nhưng vẫn lưu làm tổng đốc. Năm 1895, Nguyễn Thân, tay sai khét tiếng của thực dân pháp, người Quảng Ngãi, làm tiết chế quân vụ đại thần đem quân đi đánh dẹp Phan Đình Phùng.

Quân Nguyễn Thân kéo đi từ Thừa Thiên ra đến Hà Tĩnh, đến đâu các quan tỉnh đều đem lễ vật như trâu, bò, heo, rượu nghênh tiếp tưng bừng. Khi đến Nghệ An, ông Hồ Lệ chỉ đi cùng các quan tỉnh ra tiếp suông lấy lệ, chứ không có lễ vật gì cả. Nguyễn Thân rất không vừa lòng. Nhân người con trưởng của ông Hồ Lệ là cậu ấm Cả đi ngựa ngang qua đường nơi đóng quân của Nguyễn Thân, Thân cho bắt giam lại và đòi chém, có ý bắt ông Hồ Lệ phải khuất phục nếu muốn xin tha cho con. Nhưng ông không thèm nói năng gì. Chúng giam cậu Cả hơn một tuần mới thả.

Thấy Nguyễn Thân cậy quyền hách dịch và thời sự không được như ý, ông xin về nhà dưỡng bệnh và mở trường dạy học, không muốn ra làm quan nữa. Tháng 8 năm Thành Thái thứ 9, nhà vua bổ ông làm Thượng thư bộ Hình, ông xin cáo từ, lấy cớ là chưa lành bệnh. Năm năm sau, nhân Nguyễn Thân bị cách chức, vua có chỉ triệu ông ra làm Thượng thư bộ Binh, thay cho Nguyễn Thân và kiêm luôn Đô sát viện trưởng.

Thời gian này, Phan Bội Châu đã bắt đầu làm cách mạng, có dự liệu liên kết với quan trường để nhanh chóng phát huy ảnh hưởng cách mạng. Trong quyển Tự phán, cụ Phan Bội Châu viết, có đoạn:

“…Nhưng còn một kế hoạch nữa là âm kết với quan trường, còn chưa có mối manh, vì thế tôi dùng văn tự khiêu phát, làm quyển sách Lưu cầu huyết lệ thư.
Làm xong, tự đem trình quan thượng thư bộ Binh là Hồ Lệ, xin nhờ Hồ giới thiệu bản sách ấy đến các quan lớn bộ, viện. Quan Đông các Nguyễn Thảng, quan bộ Lại Nguyễn Thuật, thảy đều có nhắn tôi nói chuyện, nhưng tỏ ý phòng họa riết.

Tôi quay lại cụ Hồ Lệ, nói chuyện lâu lắm, cụ than thở với tôi rằng: “Những lúc có thể làm được việc thì chưa gặp được người như anh, nay vạn sự không chút tự do, còn nói gì được nữa”. Hồ là người còn có khí phách trong quan trường nhưng kết quả sở đắc chỉ có ngần ấy, còn trông vào ai được nữa!… Tuy nhiên, đe con nai mà được con cọp, nhận lầm con mắt cá mà được hạt châu, việc này ra ngoài ý mình tính, cũng đáng lạ thật!

Khi cụ Hồ đã được bản sách ấy thì khiến môn hạ, thuộc hạ sao chép lại và đem khắp đồng hương thân sĩ xem, các bạn học Nam Nghĩa cùng tranh nhau chép xem. Các ông chí sĩ như cụ Tây Hồ, cụ Thai Xuyên, cụ Thanh Bình nhân đó mà thành ra bạn tâm phúc với tôi, cho đến những đồng chí Nguyễn Lang, Ấu Triệu, lúc ấy mới bắt đầu biết tôi. Tôi sở dĩ gặp được bạn như trên kia, thảy là ơn quyển Lưu cầu huyết lệ thư giới thiệu”.

Đương thời kỳ ấy, đang làm một đại thần triều đình dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp mà tự tay phổ biến một cuốn sách cách mạng của nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, cụ Hồ Lệ quả là một nhân cách lớn, đại dũng, có lòng yêu nước nồng nàn.

Cụ Hồ Lệ sinh năm 1848 ở làng Phù Mỹ, nay là thôn Phù Mỹ - xã Lộc Hòa - huyện Đại Lộc - tỉnh Quảng Nam, qua đời năm 1905, hưởng thọ 58 tuổi.

Hiện nay, tên cụ được khắc trang trọng trên tấm bia các danh nhân, đặt trong khu tưởng niệm các nhà yêu nước, các anh hùng liệt sĩ của huyện Đại Lộc - tỉnh Quảng Nam.

(Theo sách Văn thần Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh và sách Quảng Nam xưa và nay của nhà Quảng Nam học Hồ Ngận)

ĐẶNG MINH PHƯƠNG