Ông tên là Trần Tích Phiên, người làng Vị Xuyên - tỉnh Nam Định, dòng dõi nhà Nho, thông minh, có tài văn chương, lâm thời rất nhanh chóng trong giây phút là thành văn.
Ông là người nghĩa hiệp lâm cơ ứng biến. Lúc còn trẻ gặp hồi các tỉnh Bắc kỳ lần lần thất thủ, ông theo cụ Nguyễn Quang Bích và ông Lưu Vĩnh Phúc chống quân Pháp rồi bị thương. Từ đó ông không còn hoạt động được nữa vì sức khỏe sa sút. Sau đó cụ Nguyễn Quang Bích mất ở vùng thượng du, cụ Tán Thuật chạy sang Trung Quốc, tình hình cứu quốc Bắc kỳ nhiều nơi thất bại. Ông Trần Tích Phiên (tục gọi ông Hai Ưng) sức yếu cũng đành bó cánh.
Ông là người vui tính, mỗi khi gặp cảnh tịch mịch cô liêu thì ông lại tìm cách để tiêu khiển. Một hôm trời đã tối, ông gặp tôi và rủ đi xem hát tuồng mà tôi thì chẳng thích gì món ấy. Tôi biết tính ông cho nên cũng chiều ý ông bèn nhận nhời nhưng cũng còn đem câu chuyện này kia ra để nói vã. Đến lúc ra đi đã đến hơn mười giờ đêm. Đến rạp hát hỏi xem tối nay diễn tích gì mới được ông chủ rạp cho hay: Tích gia đình cụ viên ngoại và chàng Kim Trọng làm chay cho Thúy Kiều để tẩy oan… Ông Tích Phiên - Hai Ưng vừa ngồi vào ghế thì ông chủ nhà hát niềm nở chạy lại cầm tay và nói: - Ối chà! Ối chà! May quá, may thật là may, sao lại gặp được ông đây (vốn hai bên đã quen biết nhau lâu rồi).
Ông chủ rạp lại nói tiếp, tối nay diễn tích như thế… như thế… Thì giờ này sắp đến vai làm lễ tẩy oan cho Thúy Kiều, rất cần bài văn tế, nếu không thì hồi tuồng sẽ nhạt. Còn vai chính của bài văn tế là Kim Trọng, giờ biết làm sao? Trong nửa giờ nữa mà có được thì hay lắm, quý lắm. Ông Hai Ưng nói:
- Nếu tôi phải làm văn tế thì ai xem cho tôi. Thế ra tôi mất tiền không à!
- Được! Được, xin ông cứ giúp cho rồi ông muốn xem mấy tối nữa cũng được. Chỉ sợ ông không xem được suốt cả tháng thôi. - Miệng chủ rạp nói mà tinh thần rất vui, cứ nói cười hớn hở. Ông Hai Ưng cũng cười:
- Nói người đem giấy bút ra tôi đọc cho mà viết.
Ông chủ vội gọi người của ông và bảo lấy tờ giấy rộng, dặn viết chữ thật to để dễ đọc vì trong vở chưa có sẵn. Nếu viết chữ nhỏ, ban đêm người đọc văn có thuộc lòng đâu mà đọc ngắc ngứ thì kém cả vẻ hay đi mất. Giấy bút đem lại, ông Hai Ưng tức thì đọc ngay rằng:
“Thương ôi! Tài sắc bậc này
Bi hoan mấy nỗi
Nước trôi hoa rụng
Trâm gãy bình rơi
Đắm ngọc chìm hương
Ngọn bèo chân sóng
Vi lau san sát
Non bạc trùng trùng
Chiếc lá bơ vơ
Tình xưa lai láng
Một phen tri kỷ
Hết kiếp đoạn trường
Đau đớn thay
Tiên thề tay thảo
Nét vẽ câu thơ
Dưới nguyệt chén đồng
Khi ngày quạt ước
Đinh ninh đôi mặt
Căn dặn tấc lòng
Gặp bước lưu ly
Ai hay vĩnh quyết
Ba mươi sáu chước
Mười mấy năm trời
Lên thác xuống ghềnh
Vào sinh ra tử
Vì tôi trót ước
Để chị riêng oan
Càng nói càng đau
Giọt dài giọt ngắn
Lấy câu vận mệnh
Lập một đàn tràng
Mây kéo tối rầm
Trầm bay nhạt khói
Nàng nhẽ có hay
Đủ mặt một nhà
Biện dâng một lễ”.
Ông Hai Ưng đọc cho người chép có hai mươi phút là xong. Chữ dùng toàn trong Kiều. Thật là kỳ tài!
_____
* Thập Hoài Nguyễn Công Chuẩn (1883-1956) là bậc túc Nho, thời cách mạng có công lớn được Nhà nước phong danh hiệu Lão thành cách mạng. Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã từng đến đàm đạo với cụ Nguyễn Công Chuẩn tại tư gia ở Vũ Trung, Kiến Xương. Khi đó cụ Nguyễn Sinh Sắc còn đem theo cả Bác Hồ (mới chừng 10 tuổi). Cụ Nguyễn Công Chuẩn là ông nội của nhà nghiên cứu Hán-Nôm Nguyễn Tiến Đoàn (đã quá cố).
(Chú thích của nhà thơ Nguyễn Ánh Tuyết)