HV101 - NGUYỄN CHƠN - vị tướng đánh giặc không thua trận nào

Nguyễn Chơn, vị chỉ huy lẫy lừng với những trận đánh, những chiến dịch ở Trung Trung bộ. Thời đánh Mỹ, khi người chiến sĩ tự giới thiệu: “Tôi là lính Sư đoàn Nguyễn Chơn”, là người ta biết người ấy ở Sư đoàn 2. Hình như trong quân đội ta, chỉ có Nguyễn Chơn là vị tư lệnh được vinh danh tên cho sư đoàn. Người chỉ huy tài giỏi, đức độ sẽ nâng cao vị thế của người lính cũng như danh hiệu đơn vị. Nguyễn Chơn ở Hà Nội có một mình. Vợ ông là Anh hùng Trần Thị Lý(*), đang công tác ở Quân khu 5. Căn phòng làm việc đồ đạc đơn sơ, chiếc bàn gỗ phía sau là tấm bản đồ lớn gần hết vách.

Khi nhà văn Nguyễn Chí Trung giới thiệu tôi, ông cười:

- Cậu thì tôi quen mặt rồi, thường coi đánh cầu lông mà. Các cậu ráng ghi chép bằng văn cho hết những trận đánh, chiến dịch lớn, cố gắng khắc họa hình ảnh người chiến sĩ, vì không có họ, tướng tá giỏi, phương án tác chiến hay đến mấy mà người lính không quyết tâm, không sáng tạo trong chiến đấu, cũng không thắng nổi. Trong chiến tranh, người lính ở cấp cơ sở có ý nghĩa quyết định đấy.

Nguyễn Chơn là vậy, ông luôn nghĩ đến chiến sĩ. Trước trận đánh, ông luôn cùng các đội trinh sát, tác chiến vào tận vị trí gần đồn bót, cứ điểm địch để quan sát. Ngay khi giữ trọng trách quan trọng ở Bộ Quốc phòng, ông vẫn coi mình như một chiến sĩ. Tướng Nguyễn Chơn luôn có mặt ở biên giới Tây Nam, phía Bắc, nhiều lần ra quần đảo Trường Sa. Ông là vị tướng không ưa bàn giấy.

Hình như chỉ huy đánh giặc giỏi phải có năng khiếu, tài năng bẩm sinh. Nhắc đến Nguyễn Chơn là nhắc đến những chiến thắng. Trong kháng chiến chống Pháp, người con của đất Hòa Vang - Quảng Nam này đã cầm súng bộ binh lao vào đồn tiêu diệt địch. Trận thắng nổi tiếng nhất mà anh chiến sĩ trẻ Nguyễn Chơn tham gia là trận ta đã xóa một đồn Pháp ở đèo An Khê. Đánh xóa sổ, tan rã đội hình địch được Nguyễn Chơn phát huy và trở thành một trong những cách đánh hiệu quả cao khi nói về tướng Nguyễn Chơn. Giờ đây, những trận đánh ấy đã được đưa vào giáo trình trong các trường đào tạo sĩ quan.

Tập kết ra miền Bắc, được đi học Trường sĩ quan Lục quân, tốt nghiệp ông xung phong trở về miền Nam chiến đấu. Được bổ nhiệm cấp tiểu đoàn rồi trung đoàn trưởng Trung đoàn Ba Gia. Trung đoàn Ba Gia thuộc Sư đoàn 2 ấy vốn có nhiều chiến công trong kháng chiến chống Pháp, khi Nguyễn Chơn cầm quân có thêm nhiều chiến công vang dội trên quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng, làm vẻ vang danh hiệu Đi đầu diệt Mỹ. Trong chiến dịch Mậu Thân, trung đoàn ấy đã tung hoành ngang dọc trong thành phố Đà Nẵng. Mậu Thân báo hiệu sự phá sản phòng thủ của địch ở đô thị lớn, tạo nên cơn chấn thương tâm lý thất bại cho Mỹ - ngụy. Năm 1971, Nguyễn Chơn là Tư lệnh sư đoàn 2, tham gia chiến địch Đường 9 -Nam Lào, cùng Lực lượng Vũ trang yêu nước Lào giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven, giải phóng Bản Đông. Chiến dịch Đường 9 Nam Lào đã đánh tan âm mưu thâm độc của Mỹ - ngụy hòng cắt đứt sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Năm 1972, Sư đoàn 2 trở về Tây Nguyên tham gia chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh, giải phóng quận lỵ Đắc Tô, sau đó tiến về thị xã Kon Tum. Trong chiến dịch Thượng Đức, các đơn vị nhận nhiệm vụ đánh đầu tiên, không thể đột phá được tuyến phòng thủ của quân dù địch, thương vong nhiều. Sư đoàn 2 được lệnh chi viện, sư trưởng Nguyễn Chơn nghiên cứu cách đánh mới, bằng việc dùng đơn vị mũi thọc sâu chia cắt đội hình quân dù, phối hợp với pháo, cối đánh trực diện. Sư dù, bị bất ngờ với lối đánh chia cắt ấy, đã rung động, tháo chạy.

Tôi tạm sơ lược vài ba trận đánh, chiến dịch Nguyễn Chơn chỉ huy vậy. Còn nếu kể hết, chắc sẽ rất dài. Tuổi trẻ, cuộc đời chiến sĩ Nguyễn Chơn được nối tiếp với những trận đánh, những chiến công đã đi vào sử hiện đại nước ta. Nguyễn Chơn là tư lệnh đánh giặc không thua trận nào, là vị tướng bậc thầy về lối đánh xóa sổ hoàn toàn phiên hiệu đơn vị địch. Đó là danh hiệu toàn quân đặt cho ông.

* * *

Ông là vị tướng đi lên từ những năm khó khăn nhất của cách mạng miền Nam. Nhà văn Nguyễn Chí Trung cho hay, khi Nguyễn Chơn từ miền Bắc trở về, cách mạng miền Nam đã sáng lên với đường lối mới, nhưng hậu quả sự đàn áp dã man của Mỹ - ngụy vẫn rất nặng nề. Sau khi quân chủ lực của ta lên đường tập kết, giặc xé Hiệp định Genève, bằng thủ đoạn đàn áp, bắt bớ, bắn giết công khai và cả thủ tiêu bí mật cán bộ kháng chiến và đồng bào từng ủng hộ cách mạng. Nhiều bãi chợ, sân trường trở thành pháp trường, xác người kháng chiến bị nhốt rọ thả trôi sông. Những người còn sót lại bắt đầu gây dựng cơ sở và họ nhận thấy, muốn có tự do, không còn con đường nào khác là đấu tranh chính trị, kết hợp với vũ trang. Nhưng vũ khí đâu mà đánh giặc? Chính lúc đó, một tia hy vọng thắp lên từ cơ quan cấp trên rằng, sẽ có tàu chở vũ khí từ miền Bắc vào miền Trung, cần chuẩn bị bãi đón bí mật, an toàn tuyệt đối. Và Nguyễn Chơn đã được chọn đi tìm bến. Sau mấy tháng luồn rừng, trèo núi ở dọc bờ biển Quảng Nam, ông đã chọn được bãi đáp, thuận tiện cho tàu vào và khá an toàn. “Tôi chọn nơi hiểm trở, thông thường địch ngại đến những nơi ấy. Lính đánh thuê, được trả bằng tiền nên ít muốn giáp mặt với gian khổ”, ông nói với tôi vậy. Bến Nguyễn Chơn chọn mang lại kết quả tốt nhất, được tàu không số đổ hàng một thời gian dài.

Nguyễn Chơn là con người của thực tiễn. Ông chứng minh tài năng của mình bằng những hành động. Trước mỗi trận đánh, chiến dịch khi bàn thảo trên sơ đồ, bàn tác chiến, Nguyễn Chơn nói rất ít, sau đó bằng mọi cách, ông phải đi thị sát chiến trường, đến tận các cứ điểm, tìm chỗ sơ hở của địch để bộ đội ta đánh kết hợp bao vây, đánh thọc sâu vào đầu não đối phương. Đây chính là cách đánh nhanh, ít tổn thất cho ta, chiến sĩ ít đổ xương máu.

* * *

Nguyễn Chơn không phải là người kể chuyện hay, ông rất ít kể về những trận đánh, chiến dịch mình chỉ huy. Ông thường nói với tôi rằng, cách mạng luôn có những bước ngoặt, những thăng trầm, nên đòi hỏi mọi người phải kiên định cái đích lựa chọn ban đầu. Cũng vậy, trong chiến tranh, có nhiều trận đánh, thậm chí chiến dịch, chúng ta phải rút lui, nhưng ngay khi rút lui vẫn phải nhắm tới trận chiến đấu tương lai để giành lại thế trận, làm nên chiến thắng.

Những năm Liên Xô thực hiện cái gọi là cải tổ, phương tiện truyền thông trên thế giới ra sức cổ xúy cho người đứng đầu nước ấy. Nguyễn Chơn vẫn điềm tĩnh, bằng đôi mắt của người nhen nhóm xây dựng cách mạng từ cơ sở, từng đối mặt với kẻ thù trên chiến hào, ông cho rằng, người lãnh đạo thường rêu rao cải tổ kia thực ra là một kẻ cơ hội, độc ác, mang danh cải tổ nhưng trở về chế độ xã hội cũ, khi nắm được quyền bính không chăm lo xây dựng đất nước, nâng cao đời sống nhân dân mà luôn chu du khắp các nước giàu có, miệng nói dân chủ nhưng độc tài, cách chức, hạ bệ vô số những người chân chính. Tàn ác nhất là phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là xương sống của chế độ, bảo vệ đảng, bảo vệ cuộc sống của nhân dân, phải có lý tưởng, nếu phi chính trị, sẽ trở thành đội quân vô hồn, hỗn tạp.

Những nhận xét ấy của tướng Nguyễn Chơn vô cùng đúng, khi Liên Xô sụp đổ, chia đàn xẻ nghé, tướng lĩnh, sĩ quan và cả triệu binh lính buông xuôi, chả khác gì viên chức khi bị sa thải.

Chính trong những ngày biến động ấy, tướng Nguyễn Chơn đến với bộ đội đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo.

Ngày 30-12-2015, thời gian chớm bước sang năm mới, vị tướng lỗi lạc Nguyễn Chơn đã vĩnh biệt chúng ta. Nhân dân, cán bộ chiến sĩ quân đội bàng hoàng trước sự mất mát to lớn. Nhưng nghĩ lại, đó cũng là quy luật của đời người. Nguyễn Chơn ra đi, nhưng sự nghiệp đánh giặc giải phóng và bảo vệ đất nước của ông ở lại với lịch sử và được thế hệ trẻ tiếp nối. Một cuộc đời như thế, cũng rất đáng mơ ước.

TP.Hồ Chí Minh, ngày 19-1-2016

 

_____

(*) Trùng tên, không phải chị Trần Thị Lý “Em là ai? Cô gái hay nàng tiên” trong thơ Tố Hữu.

NGUYỄN QUỐC TRUNG