HV101 - Những điều chưa hiểu đúng về Nguyễn An Ninh* (Tiếp theo và hết)

Người bạn thân cùng thời thứ hai của ba tôi là chú Hà Huy Giáp. Chú không phải người Sài Gòn, ở tận ngoài Hà Nội, chưa được đọc báo Tiếng Chuông Rè, chưa được nghe Nguyễn An Ninh diễn thuyết như chú Giàu, nhưng từ lúc còn ngồi ghế nhà trường chú cũng đã nghe về Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh là những nhà yêu nước và chú hâm mộ, muốn noi gương các ông làm cách mạng. Cha mẹ mất sớm, năm 1926 lúc 18 tuổi, chú đã quyết định vào Sài Gòn để tìm cách sang Pháp, sang Nga. Chú viết:
“Hồi còn trẻ trước khi vào Sài Gòn, tôi có đến trường Bưởi thăm các anh Nguyễn Xiển, anh Tỷ, anh Hãn. Các anh dặn tôi, vào Sài Gòn thế nào cũng phải đến nhà ông Nguyễn An Ninh, nghe nói ông ấy có đầy đủ sách cộng sản, xin cho chúng tôi mấy cuốn”(4).

Vào Sài Gòn chú mới biết ba tôi đã vào tù, chú tìm lên nhà ở Hóc Môn để chiêm ngưỡng tủ sách cộng sản lớn nhất thời bấy giờ. Đến nhiều lần chú trở thành người thân trước khi chú vào Thanh niên Cách mạng, trước khi có Đảng Cộng sản. Chú luôn kính mến ba má tôi suốt 70 năm dù trong hoàn cảnh nào, kể cả sau ngày ba tôi mất, kể cả khi có người ăn theo nói năng thiếu trách nhiệm, chú luôn bảo vệ ba tôi. Chú bảo: “Nguyễn An Ninh không phải là nhà cách mạng thì chẳng có ai là cách mạng cả”.

Trong suốt những năm hoạt động cách mạng, chú luôn được Đảng tin cậy, được vào Trung ương Đảng, được làm việc kề cận Bác Hồ, giữ nhiều chức vụ quan trọng. Những năm sắp nghỉ hưu, chú là Phó ban Nghiên cứu lịch sử Đảng của Trung ương (ông Trường Chinh là Trưởng ban), là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh đầu tiên, chú đọc rất nhiều tư liệu quan trọng về Bác Hồ, về Đảng Cộng sản Đông Dương.

Má tôi kể, tính của chú rất khác chú Giàu, chú Giàu rất sôi nổi, thích tranh luận, còn chú Giáp rất điềm đạm, bình tĩnh và kiệm lời, luôn nhường nhịn bạn bè, một con người hiền lành và rất chín chắn. Chú viết:

“Trong khi nghiên cứu sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, tôi đọc tài liệu mật thám Pháp thấy được Nguyễn An Ninh thời học ở Pháp là một thành viên trong nhóm người hay tụ tập ở nhà số 6 Villa des Gobelins và khi về nước thì làm đại lý cho báo Le Paria. Trước hết nếu so sánh hai tờ báo La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh, xuất bản ở Sài Gòn ngày 10-12-1923 với tờ Le Paria của Hội Liên hiệp thuộc địa mà Nguyễn Ái Quốc là linh hồn, xuất bản ở Paris ngày 1-4-1922, thấy như hai anh em sinh đôi ở hai thời điểm khác nhau”(5).

Qua đoạn viết thấy chú rất cẩn thận, chú viết báo La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh còn Le Paria của Hội Liên hiệp thuộc địa mà Nguyễn Ái Quốc là linh hồn, không giống một số người viết Le Paria là của Nguyễn Ái Quốc, cũng như họ viết báo L’Annam của Phan Văn Trường, đúng ra phải viết rằng L’Annam là nối tiếp từ La Cloche Fêlée đổi tên và mời luật sư Phan Văn Trường làm giám đốc chính trị vì ông có quốc tịch Pháp. Đó là trách nhiệm với lịch sử, viết đúng với sự thật.

Chú Giáp đã nói với má tôi, càng nghiên cứu về Bác Hồ, càng thấy Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh rất giống nhau, cùng quan điểm, cùng hành động và đều bị chỉ trích là quốc gia hẹp hòi. Vì vậy mà trong quyển hồi ký của chú Giáp có nhan đề Đời tôi, những điều nghe thấy và sống nhiều trang chú nhắc đến Nguyễn Ái Quốc thì có tên của Nguyễn An Ninh liền sau đó. Má tôi còn nói, đâu chỉ có hai người đó giống nhau, mà họ có đến ba người, vì lẽ gì đó mà người ta cứ tách họ ra, nếu không có Nguyễn Thế Truyền thì công việc của Nguyễn Ái Quốc ở Paris sẽ như thế nào? Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh là hai nhà trí thức lớn mà còn rất trẻ nên bọn cầm quyền ra sức mua chuộc, nhưng họ từ bỏ tất cả để làm hai cánh tay cho Nguyễn Ái Quốc, vì họ sớm nhận ra Nguyễn Ái Quốc là người có khả năng dẫn dắt từng bước đi của dân tộc. Chúng tôi cũng ước mong sao các nhà nghiên cứu, các nhà sử học đừng quên một ai, những người đã cống hiến cả đời mình cho dân tộc. Má tôi thường dặn tư liệu mật thám không phải đúng hết, chỉ đúng về thời gian còn nội dung có khi bị đánh lừa, còn người viết có khi vì động cơ cá nhân muốn lợi dụng danh nghĩa người đã khuất để đề cao mình.

Chú Giáp là người biết những hoạt động bí mật của Nguyễn An Ninh, vì chú đã cùng một vài chú trong tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội chưa bị sa lưới mật thám, dự Đại hội thành lập An Nam Cộng sản đảng tháng 8-1929. Theo hồi ký của má tôi, bà Nguyễn An Ninh, thì bà đã giới thiệu cốt cán Thanh niên Cao vọng cho chú Châu Văn Liêm để thành lập Đảng Cộng sản. Tại sao lực lượng Thanh niên Cách mạng có cơ sở vững mạnh ở Nam Kỳ từ năm 1927 mà khi thành lập Đảng lại phải nhờ đến lực lượng Thanh niên Cao vọng của Nguyễn An Ninh?

Cuối năm 1928, tại Sài Gòn xảy ra vụ án mạng gây chấn động, lúc đầu nhà cầm quyền cho là vụ cướp của giết người nên chỉ bắt một số người. Sau đó tên Đỗ Đình Thọ phản bội khai ra vụ án do tranh giành quyền lãnh đạo trong tổ chức Thanh niên Cách mạng, nên nhà cầm quyền đã vây bắt gần hết lãnh đạo Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng, bắt cả lãnh đạo Tỉnh bộ và lãnh đạo các Chi bộ cơ sở. Vì vậy, khi chú Châu Văn Liêm và Phạm Văn Đồng từ Quảng Châu trở về Sài Gòn để lập An Nam Cộng sản đảng thì lực lượng không còn. Vợ chú Liêm là cô Phạm Thị Các là đại lý bán tơ lụa lãnh cho nhà tư sản lớn nhất Sài Gòn là ông Võ Thành Mong, là chỗ thân quen nên Châu Văn Liêm nhờ ông Võ Thành Mong đưa đến gặp bà Nguyễn An Ninh. Ông Võ Thành Mong là cốt cán của Thanh niên Cao vọng vùng Hóc Môn - Bà Điểm đã giúp tiền bạc, cơ sở vật chất cho Châu Văn Liêm mở đại hội. Xứ ủy đầu tiên của An Nam Cộng sản đảng ở Nam Kỳ có bốn người của Thanh niên Cao vọng được bầu là: Võ Thành Mong, Hồ Văn Long, Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần cùng hàng trăm người cốt cán được kết nạp vào Đảng. Giai đoạn đầu của An Nam Cộng sản đảng, lực lượng Thanh niên Cao vọng chiếm đa số, chú Giáp lúc đó chưa được bầu vào Xứ ủy, còn chú Phạm Văn Đồng đã bị bắt trong vụ án đường Barbier cùng ông Tôn Đức Thắng và các người khác, nên ông Đồng, ông Tôn không phải là lớp cộng sản đầu tiên của Nam Kỳ, má tôi là người biết rất rõ vì chính má tôi là người giới thiệu lực lượng ưu tú của Thanh niên Cao vọng để giúp chú Châu Văn Liêm mở đại hội.

Tôi muốn nói rõ điều này vì theo quyển 1 bộ Văn kiện Đảng đã chú thích rằng: Tổ chức Thanh niên Cao vọng đã ngưng hoạt động từ năm 1926. Đó là sự nhầm lẫn, không những Thanh niên Cao vọng đóng góp cho việc thành lập Đảng Cộng sản đầu tiên ở Nam Kỳ vào cuối năm 1929, mà Nguyễn An Ninh còn cùng ông Nguyễn Văn Trân đi bán dầu cù là suốt từ năm 1932 đến 1935 để kết nối các thành viên Thanh niên Cao vọng, giúp cơ sở Đảng phục hồi sau đợt khủng bố trắng của nhà cầm quyền đối với tổ chức cộng sản vào năm 1930-1931.

Tôi xin nói tiếp chuyện chú Giáp. Giữa năm 1987, chú mới được nghỉ hưu khi đã ở tuổi gần 80, chú về sống tại TP.Hồ Chí Minh với gia đình. Chỉ hai tháng sau, chú chủ trì cuộc hội thảo khoa học đầu tiên về Nguyễn An Ninh do Ban Tuyên huấn Thành ủy tổ chức theo sự chỉ đạo của anh Dương Đình Thảo, Thường vụ Thành ủy, vào ngày 15-9-1987 mà tôi đã trình bày trong tạp chí Hồn Việt số 72, tháng 8-2013.

Một năm sau, chú viết quyển sách đầu tiên về ba tôi, chú định viết tiếp quyển thứ hai về những ngày cuối cùng của ba tôi nơi Côn Đảo, nhưng rất tiếc chú bị bệnh nặng và sức khỏe suy sụp dần. Những ngày chú lâm bệnh, chúng tôi đến thăm, cả chú và chú Giàu tuy là những bậc công thần, có công với đất nước, nhưng thời kỳ vừa thoát khỏi bao cấp, mọi thứ còn thiếu thốn, cuộc sống quá thanh bạch, chú Giàu còn may mắn sống thêm mười mấy năm trong cuộc sống đủ đầy an vui của tuổi già. Vậy mà chú Giáp vẫn lạc quan, chú đã luôn động viên con cháu, động viên chúng tôi còn sống ngày nào phải có ích cho xã hội ngày đó, đừng mải lo toan tính toán cho riêng mình mà hổ thẹn với cha ông. Nghe chú dặn dò mà thương cảm vô cùng. Chú còn kể chuyện vui:

“Từ ngày chú suýt chết (1990), bác sĩ không cho làm việc, chú có nhiều thì giờ để nằm xem phim, hay nhất là bộ phim Tây du ký, chú ngộ ra nhiều điều. Không có con đường đế vương cho những ai đi tìm chân lý. Ngay Phật Thích Ca còn phải từ bỏ ngai vàng trầm luân trong bể khổ mới tìm ra chân lý cho đạo Phật. Tam Tạng phải trải qua bao khổ cực mới đến được cửa Phật, nhưng Phật lại trao kinh không có chữ, ngụ ý của Phật không muốn chúng sinh mê tín vào kinh Phật, giáo điều theo sách vở. Nhưng Đường Tăng lại không hiểu ý của Phật cứ đòi kinh phải có chữ để làm theo, bất đắc dĩ Phật phải trao kinh có chữ. Nhưng cuối cùng trên đường về, người và kinh đều rơi xuống sông, mất mấy trang cuối để cho người đời sau phải bổ sung tiếp kinh Phật. Ấy là Phật dạy không giáo điều chủ nghĩa”.