Bài này bàn về 5 hy vọng là những điều kiện cần để đất nước có thể vươn lên trong năm mới: “Sự trong suốt” (minh bạch) trong cơ chế quản lý; Sự quay về “tính thiện” của công dân; Sự nâng cao ý thức trách nhiệm công dân; Sự chú trọng đến chất lượng hơn số lượng; và các Bộ phải có tầm nhìn chiến lược, tối ưu hóa toàn cục trên phạm vi cả nước.
1. “Sự trong suốt” trong cơ chế quản lý là điều kiện cần để đất nước phát triển tốt, bền vững và chống tham nhũng. “Trong suốt” ở cả hai tầm vi mô và vĩ mô. Ở tầm vi mô, “trong suốt” có nghĩa là người dân khi làm thủ tục hồ sơ về vấn đề gì thì dễ dàng thấy được hồ sơ cần những gì? Tìm kiếm ở đâu? Thời gian tìm kiếm mất bao lâu, chi phí mất bao nhiêu? Sau khi nộp hồ sơ, nó sẽ đi qua bao nhiêu khâu xét duyệt, mỗi khâu mất bao lâu? Chi phí xét duyệt hết bao nhiêu? Kết quả từng khâu cũng như kết quả cuối cùng được thông báo như thế nào? Thời gian tối thiểu và thời gian tối đa là bao lâu thì biết kết quả và nhận kết quả tại đâu?
Mấy chục năm qua và cho tới hiện nay, tuy có một số cải cách nhưng tình trạng “trong suốt” này chưa có tại rất nhiều cơ quan, mà có thể nói vẫn rất “tù mù”. Cơ chế quản lý trong suốt là “gương chiếu yêu” làm hiện ra “yêu tinh tham nhũng” khi soi vào tất cả các cơ quan công từ các Bộ ở Hà Nội cho tới các cơ quan địa phương. Các khâu mà “yêu tinh tham nhũng” ẩn núp nhiều nhất có lẽ khâu duyệt dự án, cấp phép dự án, xét duyệt hồ sơ đấu thầu, chấp nhận và chỉ định thầu, tuyển chọn nhân viên… Vì “tù mù” cho nên có khi đi từ anh bảo vệ gác cổng cho đến tận thủ trưởng ký phải qua rất nhiều khâu cần được “chăn dắt”. Nếu cứ ỷ mình là kẻ tài trí thức thứ thiệt, không cần “chăn dắt” bởi vì dự án có đầy đủ hồ sơ, luận chứng kinh tế kỹ thuật, rồi cứ hồn nhiên đưa tới Bộ đợi xét duyệt thì có thể… hãy đợi đấy. Người ta khuyên tốt nhất nên “biết lễ độ”, giao toàn bộ kể cả khâu lập luận chứng kinh tế kỹ thuật cho “chuyên gia nằm vùng” lo với “một cục” khoảng bao nhiêu tỉ đó… thì dễ dàng có giấp phép, như nhiều dự án đã được Bộ cấp phép dù “năng lực thật sự” lúc khởi nghiệp là gần như con số không!
Cũng do sự thiếu “trong suốt” trong quản lý mà tham nhũng, hối lộ cỡ bự nằm ở sự câu kết giữa ban duyệt xét chấp nhận thầu hay chỉ định nhà thầu, khiến cho chi phí mua sắm thiết bị, hay xây dựng công trình, có thể tăng lên gấp 10 lần chi phí thực, mà chất lượng lại kém…, như các vụ việc đã bị lôi ra, điển hình là vụ mua ụ nổi của Vinalines. Sự câu kết ăn chia này lan tràn ở khắp các cơ quan, ngành nghề, từ địa phương tới trung ương và đó là một trong những thủ phạm gây nên tình trạng nợ công của nước ta hiện lên tới mức rất nguy hiểm: phải đi vay nợ nước ngoài để trả nợ! Vay nợ để có vốn làm ăn, lấy lãi để trả dần nợ thì được, chứ vay nợ mới để trả nợ cũ thì con cháu sẽ phải trả nợ bao nhiêu đời mới hết nợ?
Ở tầm vĩ mô, sự “trong suốt” trong cơ chế quản lý thể hiện ở chỗ cấp quản lý cao nhất có thẩm quyền sai khiến cấp thực hiện, thấy được, biết được thuộc cấp của mình có thực hiện nghiêm túc, hữu hiệu nhiệm vụ hay không. Vừa qua có hai thí dụ điển hình: một ở Đà Nẵng, một ở TP.Hồ Chí Minh. Ở Đà Nẵng, một quán cà phê bị kẻ khác phá phách, hăm dọa, cản trở việc làm ăn, chủ quán làm đơn khiếu kiện lên công an khu vực, nhưng không được giải quyết trong một thời gian dài. May sao, ông tân Bí thư Đà Nẵng, là một người trẻ, công khai địa chỉ, điện thoại, email để người dân góp ý, chủ quán bèn qua đó gởi thư đến kể tình trạng và nhờ ông bí thư can thiệp. Chỉ độ vài ngày sau, ông bí thư trực tiếp ra lệnh cho công an điều tra, làm rõ tình hình, và công an đã chỉ ra được thủ phạm và nguyên nhân, từ đó sẽ giải quyết được sự việc. Ở TP.Hồ Chí Minh, một gia đình bị hăm dọa, bị hành hung trong suốt hai năm, đã bao lần kêu cứu đến công an khu vực, nhưng cũng như “dê kêu”. Cậu con trai học lớp 10 đã từng bị chặn đường hăm dọa, bị hành hung bằng dao, bức xúc quá bèn viết thư kêu cứu trên mạng xã hội Facebook, nhờ Bộ trưởng Công an giúp đỡ. Chỉ ít ngày sau, Bộ trưởng Công an chỉ thị cho Công an TP.Hồ Chí Minh vào cuộc điều tra, thì chỉ vài hôm đã tìm biết kẻ chủ mưu hăm dọa hành hung và sẽ giải quyết vụ việc trong thời gian tới.
Hai thí dụ trên cho thấy bốn điều: Thứ nhất, vẫn có đó những cán bộ cao cấp rất tốt có thể góp phần đem lại cuộc sống tươi đẹp cho nhân dân, và đây là một trong những hy vọng mà người dân mong mỏi được phát huy trong năm mới với nhân sự mới qua Đại hội Đảng đang diễn ra. Thứ hai: Hiện thiếu sự “trong suốt” ở tầm vĩ mô: cấp trên không thấy, không biết cấp dưới làm việc như thế nào, làm có hiệu quả hay không những chính sách cấp trên đưa ra. Đó là cái nguy rất lớn cho hiện tình đất nước: cấp trên có năng lực cũng như không! Thứ ba: Cấp dưới, tức cấp có nhiệm vụ thực hiện công tác vẫn có năng lực chứ chẳng phải không, mà lại không làm tròn nhiệm vụ. Vì sao? Có thể do cấp trên không trực tiếp kiểm tra, đôn đốc nên cấp dưới quen thói ngại khó, ngại làm; có thể họ đã nhận hối lộ của kẻ xấu; cũng có thể họ chỉ làm việc khi kẻ bị hại chung chi đến một mức nào đó. Dù lý do gì thì sự không hữu hiện trong quản lý là cái vô cùng tai hại cho sự phát triển đất nước mà chung quy cũng do thiếu sự “trong suốt” trong cơ chế quản lý ở cả hai cấp vi mô và vĩ mô. Thiếu sự “trong suốt” thì không những không chống được tham nhũng, mà cơ quan hay cán bộ chống tham nhũng sẽ bị chính tham nhũng giết chết!
2. Nói tới “tính thiện”, hiện nay có quá nhiều hiện tượng chứng tỏ “tính thiện” trong sinh hoạt xã hội nước ta đã bị xuống cấp trầm trọng, khiến dân ta đang hứng chịu không biết bao nhiều điều tệ hại. Dùng hóa chất quá liều lượng thậm chí chất độc hại bị cấm trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, thủy hải sản cốt để thu nhiều lợi nhuận, bất chấp làm nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, chỉ trừ gia đình người nuôi trồng mới không dùng thứ do họ nuôi trồng có hóa chất. Nhập lậu từ nước ngoài vào những sản phẩm độc hại như thịt thối, trái cây kém chất lượng hoặc tẩm hóa chất độc hại, sản phẩm công nghiệp kém chất lượng, chứa những chất độc hại vượt mức cho phép… cốt để thu lợi nhuận dù biết các loại hàng hóa này sẽ gây tai hại cho người dùng. Khi tham gia giao thông, nhiều tài xế lái xe không tuân theo luật giao thông, gây nhiều tai nạn chết người. Khi lỡ xảy ra va chạm thì không bình tĩnh nhìn thấy lỗi mình, lỗi người để pháp luật giải quyết, mà quát tháo, chửi mắng, nhào vào đánh đập người ta. Khi cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe lại để làm rõ sự vi phạm thì nhiều người lái xe không những không chấp hành mà còn tông thẳng xe vào cảnh sát giao thông, khiến có thể cán chết cảnh sát giao thông! Có lẽ chỉ ở nước ta mới loạn như thế. Nếu ở các nước khác như ở Mỹ mà tông xe vào cảnh sát giao thông, thì có lẽ người lái xe sẽ bị cảnh sát bắn bị thương hay chết tại chỗ.
Nạn tấn công, hành hung, đánh đập, đâm chém, giết người, tạt a-xít với số lượng và mức độ man rợ hoặc vì trộm, cướp, chiếm đoạt tài sản hoặc vì tình. Các bác sĩ, cán bộ y tế trong các bệnh viện cũng bị người nhà của bệnh nhân hành hung, đâm chém. Các học sinh cấp 2, cấp 3 đánh nhau, đâm chém nhau tàn bạo, có khi giết chết bạn học v.v…
Nếu mỗi người dân không tự giác và không được pháp luật uốn nắn khiến cho quay về với “tính thiện” mà cha ông chúng ta đã răn dạy từ ngàn xưa, để hạn chế đến mức thấp nhất những hiện tượng tiêu cực như các điển hình trên đây thì dân ta sẽ mãi không thể an cư lạc nghiệp.

3. Người dân phải nâng cao ý thức công dân, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, sống theo đạo lý: không làm gì chỉ có thể lợi cho riêng mình mà làm hại đến người khác, làm hại cho đất nước về cả mặt vật chất và tinh thần. Những người được cho là “đại gia” chỉ đúng nghĩa khi với tài trí tạo ra sản phẩm tốt cho người tiêu dùng và xuất khẩu, đem lại công ăn việc làm cho nhiều người, chứ không phải hạng lợi dụng được tình hình, sự sơ hở của luật pháp, chiếm được đất, rừng… làm giàu cho bản thân mà phá hoại tài nguyên, môi trường, nhập khẩu sản phẩm của nước ngoài cốt ăn lời bất kể sản phẩm độc hại, hay khiến tiêu diệt sự sản xuất nội địa. Những quan chức cao cấp có thẩm quyền quyết định trong việc phát triển ngành nghề của đất nước phải biết tự nhận thấy có lỗi với nhân dân khi đã không đóng góp đúng nghĩa theo chức năng nhiệm vụ cho sự phát triển của đất nước, khiến thua kém người ta. Chẳng hạn, những quan chức cao cấp, có thẩm quyền trong ngành Y tế phải lo xây dựng, tổ chức sao cho ít nhất một số bệnh viện có khả năng chữa như ở các nước trong khu vực, để bệnh nhân không phải đi nước ngoài như Singapore v.v… chữa bệnh. Những quan chức cao cấp trong Giáo dục, những hiệu trưởng các trường đại học thường khoe đại học của mình, nhưng lại chỉ lo gởi con đi học nước ngoài v.v… Tất nhiên không ai có quyền cấm họ làm như thế, nhưng chỉ khi nào những quan chức này cảm thấy “không ổn” với tư cách của mình, đúng ra là phải thấy “nhục” thì đất nước mới khá lên mà thôi!
Chừng nào mà người đi ngoài đường, đặc biệt là thanh niên không tự cảm thấy sai khi vi phạm luật giao thông, và “quá sai” khi lỡ va chạm nhau mà lại lao vào chửi, đánh, hành hung người ta… thì mới nói đến văn hóa, văn minh. Chừng nào mà giới “nghệ sĩ” không cảm thấy “dơ dáy” khi chỉ biết khoe giàu, khoe đồ dùng hàng hiệu, khoe siêu xe, khoe “vốn tự có”, khoe người tình... thì văn hóa giải trí mới thể khá lên được. Chừng nào mà những người làm văn hóa nghệ thuật không sáng tạo, phát huy những nét đẹp trong văn hóa dân tộc kết hợp với chiều hướng hiện đại mà chỉ lo hoặc nhập sản phẩm nước ngoài hoặc bắt chước nguyên xi văn hóa nước ngoài - có khi đó lại là những thứ “không ra gì” ở nước người - và lại tổ chức rầm rộ, lố bịch hơn người ta… thì văn hóa không khá lên được. Chẳng hạn, Halloween là vết tích của tục sợ ma quỷ trong văn hóa cổ Celtic ở Ireland, nay ở Mỹ dành chủ yếu cho con nít, và những nhà buôn nắm lấy cơ hội làm to lên để bán kẹo, bán các loại áo quần hóa trang kinh dị… thì mấy người làm văn hóa, tổ chức sự kiện của nước ta bắt chước, làm to ra; một số nghệ sĩ, thanh niên… xúm nhau hóa trang dị hợm, ăn nói lếu láo… phản văn hóa, mà cứ tưởng như thế mới là “văn hóa”, “văn minh”!
4. Chú ý đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm: Sản phẩm của nước ta trong tất cả các ngành từ Nông nghiệp, Thủy hải sản, Lâm nghiệp, Công nghiệp, đến Giáo dục-Đào tạo đều thiên về số lượng hơn là chất lượng. Chẳng hạn, về gạo: nông dân ta sản xuất được rất nhiều gạo nhưng chất lượng kém, cho nên mặc dầu nước ta được cho là cường quốc gạo nhất nhì trên thế giới mà hiện nay gạo bán ra không thu được nhiều tiền như các nước khác, thị phần bị giảm dần. Người Việt ở nước ngoài muốn tìm gạo ngon của Việt Nam thì tìm rất khó nên đành phải chọn mua gạo Thái. Rất nhiều những sản phẩm tiêu dùng khác cũng ở tình trạng tương tự, cả đến những thứ được cho là quốc túy của nước ta như bánh để làm phở, sợi bún để làm bún bò Huế, nước mắm… mà sản phẩm của người Việt trong các chợ, siêu thị gần các cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng khó hoặc không cạnh tranh nổi với sản phẩm của Thái Lan và Trung Quốc. Việt Nam ta chỉ có thể giàu mạnh khi chuyển nền sản xuất từ số lượng qua chất lượng không thua kém chất lượng sản phẩm trong khối ASEAN.
5. Các cấp Bộ trưởng cần phải có tầm nhìn xa về tương lai và rộng ra thế giới, có chiến lược phát triển ngành nghề theo hướng tối ưu toàn cục trên phạm vi cả nước trong tương quan so sánh với thế giới, ít nhất là với các nước trong khối ASEAN. Những tệ hại trong bốn vấn đề nêu ra trên đây, tuy rằng trong phạm vi vi mô thì trách nhiệm thuộc về người trực đã tiếp gây ra, sản xuất ra, nhưng thật ra do lỗi của sự không kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn ở tầm vĩ mô của chính phủ do các Bộ thiếu tầm nhìn chiến lược như nói trên. Vì thiếu tầm nhìn và chiến lược cho nên nhà nước không kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, điều tiết nền sản xuất của toàn dân theo hướng tối ưu hóa trên phạm vi cả nước, khiến cho người sản xuất Việt Nam mạnh ai nấy làm, mạnh tỉnh thành nào, tỉnh thành nấy làm, khiến tạo ra sản xuất tràn lan, chồng chéo nhau. Sản phẩm nhiều mà chất lượng kém trong mọi lãnh vực, khó cạnh tranh được với nước ngoài. Cấp Bộ phải dự báo, tiên đoán, thấy trước tình hình sẽ xảy ra, và chủ động giải quyết kịp thời, chứ không phải thụ động chạy theo đuôi tình hình như hiện nay. Chẳng hạn, người dân và báo chí đã nêu ra nào là rau, quả đến thịt, cá… sản phẩm trong nước hay ngoại nhập có nhiễm hóa chất độc hại trong bao nhiêu năm rồi, mà năm nay mới thấy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên tiếng. Tuy lên tiếng, nhưng lại không đưa ra biện pháp nào khả thi để cải thiện tình hình mà chỉ đổ thừa cho việc thiếu nhân viên. Và có bộ trưởng nói biết mọi sự nhưng “lực bất tòng tâm”, xin chuyển giao cả “cái gia tài bệ rạc” dưới sự điều hành của mình cho bộ trưởng nhiệm kỳ kế tiếp!
Cần chấm dứt tình trạng thiếu trách nhiệm này. Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ về giống và kỹ thuật cho nông dân chuyển qua trồng lúa chất lượng cao, rau, củ, quả sạch, không dùng hóa chất độc hại… Bộ Y tế phải có chiến lược, phương cách trong 3 hay 5 năm nữa chuyển biến được một số (không thể tất cả) bệnh viện để đạt tới trình độ và chất lượng điều trị không thua kém các nước trong ASEAN. Bộ Giáo dục-Đào tạo phải có chiến lược trong vòng 3 hay 5, 10 năm nữa xây dựng được một số đại học không thua kém các đại học trong khối ASEAN…
* * *
Chỉ có như thế, tình hình nước ta mới cải thiện được. Ông cha chúng ta đã anh dũng chống giặc ngoại xâm hàng nghìn năm, giành độc lập cho Tổ quốc thì không có lý do gì mà con cháu ngày nay lại ươn hèn, thua kém thiên hạ trong khu vực mãi được. Cho nên đã đến lúc phải anh dũng vươn lên. Năm mới sắp đến, hy vọng tương lai tươi sáng sẽ đến với đất nước. Mong lắm thay, Tổ quốc ơi!
8-12-2015