HV101 - Thời sự & suy ngẫm

Tết này, xuân này, đất nước ta đón mừng một Ban chấp hành Trung ương mới được Đại hội Đảng bầu ra, một Tổng bí thư và Bộ Chính trị - Ban Bí thư mới do Trung ương bầu. Đó là một dàn nhân sự phải qua bao nhiêu cân nhắc kỹ lưỡng, qua bao nhiêu trí tuệ của Trung ương khóa 11, sự đóng góp của các đảng viên trung kiên… mới có được. Trong tình hình đất nước hiện nay, trước tiên phải có được dàn nhân sự ấy để ổn định, vững vàng tiến lên trong hy vọng mọi việc sẽ được tốt đẹp hơn. Đường lối nhân sự là hai mặt quyện chặt nhau. Chọn nhân sự là để thực hiện sáng tạo và có hiệu quả đường lối, và rốt cuộc, nhân sự là cái quyết định trực tiếp mọi việc. Nhân dân đang chờ đợi ở các đồng chí được lãnh trọng trách vinh quang, nặng nề trước đất nước, mong đợi và hy vọng các đồng chí dốc lòng vì đại nghiệp. Trọng trách trước đất nước, trước nhân dân, tin rằng đã được trao cho những người con ưu tú, những chiến sĩ kiên cường, những người ra quyết sách ở cấp chiến lược thấu hiểu con đường lịch sử mà nhân dân ta đã đi và sẽ đi.

Tất cả mọi tấm lòng đều hướng về một yêu cầu bức thiết: đổi mới. Đổi mới từ kinh tế khi hội nhập với nền kinh tế toàn cầu qua các hiệp định lớn được ký kết, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng bên cạnh đó là đổi mới thể chế, đổi mới chính trị. Đất nước có nhiều việc quan trọng phải làm. Về kinh tế, việc cấu trúc lại nền kinh tế, đáp ứng được sự cạnh tranh khu vực và thế giới, làm cho sản phẩm của nền kinh tế ấy từ lúa gạo, cá tôm đến dệt may và các sản phẩm khác…, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới. Thị trường bán lẻ của Việt Nam mỗi năm có giá trị hàng trăm tỉ USD. Thị trường ấy bỏ ngỏ, mở ra theo các hiệp định, trước mắt là với ASEAN, EU… sẽ bị các nhà đầu tư Thái Lan, Pháp… tràn vào, mua lại, chiếm lĩnh và nguy cơ của cạnh tranh là điều thấy rõ. Người Việt ta yêu nước nhưng “sính ngoại”, mà hàng của họ tốt hơn, rẻ hơn, sẽ là một thách thức. Việc sản xuất của ta, từ máy móc đến trình độ nhân công, kỹ thuật, mẫu mã… sẽ được đặt ra gắt gao, sống còn… Chỉ nội một việc có vẻ nhỏ ấy thôi, cũng đòi hỏi ta bao cố gắng.

Về chính trị, điều người dân quan tâm là chống tham nhũng. Sự quan tâm ấy là rất đúng. Không một nước đang phát triển nào, từ các nước châu Phi, châu Á, những nước gần ta như Philippines, Thái Lan…, vấp phải thách thức này mà lại có thể phát triển bền vững, phát triển nhanh được. Nạn tham nhũng dẫn đến nhiều hệ lụy, từ giàu nghèo bất công, đến cản ngại cho đầu tư nước ngoài, cả đầu tư trong nước. Muốn chống tham nhũng, phải xây dựng một bộ máy hãm quyền lực có hiệu lực. Chúng ta tỉnh táo, khách quan, khoa học… để nhìn nhận vấn đề này từ thực tiễn trong nước và thực tiễn nhân loại. Chúng ta đã thuộc lòng câu: “Mọi quyền lực đều đưa đến đồi bại, quyền lực tuyệt đối đồi bại một cách tuyệt đối” (All power tends to corrupt; absolute power corrupts absolutely) - Lord Acton. Chúng ta không thể ảo tưởng về con người, không vì lý tưởng mà quên mất hiện thực. Con người là con người, phải bị kiểm soát, ràng buộc bởi pháp luật, thể chế. Vậy phải tạo ra thể chế đó. Nhân loại, những nước đi trước, đã có nhiều kinh nghiệm về việc này. Chúng ta đi sau, phải học. Có thể không cần sao chép y nguyên, rập khuôn hình thức, nhưng trí khôn nhân loại thì phải học, phải áp dụng. Thực tế chỉ ra rằng, cá nhân, nhóm… được độc quyền quyết định tất cả, thì sẽ hỏng. Dân chủ là cái chưa có truyền thống lâu dài trong xã hội phong kiến - thuộc địa của Việt Nam. Trong chiến tranh, chúng ta dốc sức cho chiến trường, xương máu hy sinh không tiếc, bộ phận lãnh đạo toàn những người xả thân vì nước, bóng dáng tham nhũng ít ám ảnh, dù mọi quyết định lớn là tập trung, thậm chí bí mật. Nhưng ngày nay, hoàn cảnh lịch sử đã khác. Ta không thể lãnh đạo kiểu chi bộ xã ra quyết định dân phải nộp phí này phí nọ thay cho pháp luật; hay ở một tỉnh nhân sự văn nghệ được cấp ủy chỉ định và “quán triệt” bắt anh chị em phải phục tùng, không được có ý kiến! Kiểu tư duy lãnh đạo này sẽ phá hoại đất nước. Hồ Chí Minh, một người trải nghiệm cuộc sống của mình khắp thế giới, thấm thía quyền tự do của con người, trước hết là của nhân dân lao động. Không như một vài lãnh tụ vô sản khác, nhân danh chuyên chính vô sản, nhân danh chiến tranh lạnh giữa hai phe, hạn chế mọi quyền chính đáng của nhân dân và từ đó đi đến sụp đổ vì mất cơ sở nhân dân…, Hồ Chí Minh luôn luôn nghĩ đến nhân dân, quên mình để nghĩ đến mọi người, nên được nhân dân ủng hộ, tin yêu. Nay ta nên kế thừa tinh thần Hồ Chí Minh trong đổi mới, kế thừa cái tinh thần tiếp thu toàn bộ văn hóa - tư tưởng nhân loại, từ Khổng Tử, Jesus, Thích Ca… cho đến Tôn Trung Sơn, từ Lenin, dĩ nhiên cả Khổng giáo… Cái gì có ích cho đất nước, cho nhân dân thì học và làm, không định kiến, chia tách…

Nói như thế để thấy rằng ta căn cứ vào thực tiễn, lấy lợi ích quốc gia, nhân dân mà làm, từ bỏ những định kiến… Nói như thế không có nghĩa là “mất lập trường”, “phi giai cấp”… Nhưng ta đang đi vào một thế giới biến động, đa cực, một thế giới mà về phương diện lý thuyết ta biết rằng nó sẽ chuyển động sang mặt tích cực hơn và một ngày nào đó lịch sử sẽ “chuyển dạ”. Nhưng trước mắt, ta cần thích nghi với nó, học hỏi nó, học hỏi chủ nghĩa tư bản hiện đại với những thành tựu hiển nhiên của nó, để đưa đất nước ta đến mạnh giàu, dân chủ, văn minh. Và đó chính là cơ sở của chủ nghĩa xã hội mà ta mong muốn.

Thế giới vẫn còn 1% người giàu nắm lấy của cải bằng 3 tỉ rưỡi người còn lại. Một thế giới đầy bất công, ta biết. Một thế giới của vũ khí, bom đạn được tích lũy từng ngày. Một thế giới của những cuộc chiến thảm khốc ở Syria, Trung Đông, những đe dọa khủng bố ở khắp châu Âu và luồng người di cư làm châu Âu xính vính, cùng nỗi nhục nhã của đêm giao thừa Cologne, nó có thể góp phần làm tan rã cộng đồng EU, Schengen. Rồi nguy cơ ở bán đảo Triều Tiên, rồi biển Đông, biển Hoa Đông, “sự trỗi dậy” của Trung Quốc và sự đe dọa của nó đến hòa bình, ổn định… Tất cả những cái đó, tất cả những mâu thuẫn tích tụ ấy làm thế giới trở nên bất an hơn. Nhưng, ta tin rằng, lực lượng lành mạnh, tích cực, tiến bộ vẫn là ưu thế.

Thế giới ngày nay đang thiếu một tư tưởng chỉ đường, dẫn lối. Sau sự sụp đổ của Liên Xô - Đông Âu, chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào. Nhưng sẽ đến lúc, chủ nghĩa xã hội sẽ trở lại, dưới một hình thức khác, thích hợp hơn, tiến bộ hơn. Việt Nam ta qua lửa máu, qua thể nghiệm sâu sắc mà tiến lên, đã đủ khôn ngoan chưa để tránh được những sai lầm bi kịch của lịch sử?

Giờ đây, vấn đề tư duy, lý luận, vấn đề tiếp cận mới đối với thế giới… đang được đặt ra. Và chúng tôi tin rằng sự đổi mới tư duy ấy, từ lãnh đạo đến toàn Đảng, toàn dân sẽ là cơ sở để đất nước ta tiến lên nhanh, vững…, dù thách thức trong ngoài là rất lớn.

Chắc chắn không phải là để “chào mừng” Đại hội Đảng 12 của Việt Nam mà Trung Quốc cho kéo giàn khoan HD981 đến vùng biển chồng lấn chưa được phân định của Việt Nam - Trung Quốc ngoài vịnh Bắc Bộ. Đây là việc làm gây thêm căng thẳng mà Việt Nam đã cực lực phản đối, bên cạnh việc Trung Quốc cho máy bay bay trên vùng trời của Việt Nam rồi nói rằng đó là vùng trời Trung Quốc - để đáp xuống bãi đá Chữ Thập đã được bồi đắp, thể hiện ý đồ lấn chiếm biển Đông lâu dài của họ. Tình hình biển Đông 2016 theo nhiều hướng dự đoán là sẽ căng thẳng. Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ lấn biển, xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Ngoài Châu Viên, Vành Khăn, Trung Quốc còn lấn biển ở Gạc Ma, Tư Nghĩa, Gaven, Xubi… Tốc độ xây dựng đảo của Trung Quốc đáng kinh ngạc, có đảo mở rộng ra 200 lần (Tư Nghĩa), chi phí rất lớn (73,6 tỉ NDT, ước tính khoảng 12 tỉ USD) để xây bán đảo Chữ Thập 104 km2. Nhưng ta luôn kiên trì đường lối đúng đắn của ta để đối phó thành công.

Nền kinh tế Trung Quốc đang xuống dốc. Nó thể hiện ở lĩnh vực tài chính. Chỉ số chứng khoán Trung Quốc (như chiều ngày 26-1-2016, chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch Thượng Hải giảm 6,42% còn 2.749,79 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2014 đến nay). Tụt dốc kéo theo hệ lụy là các thị trường chứng khoán châu Á và cả châu Âu nữa cũng bị ảnh hưởng theo. Vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nên sự mất niềm tin và rút vốn ra khỏi thị trường của giới đầu tư sẽ là một ảnh hưởng nghiêm trọng. Bắc Kinh đang bơm vào 67 tỉ USD (và có thể là 100 tỉ) để cứu vãn, nhưng xem chừng sự can thiệp này không dễ vực lên một tình hình phức tạp nhiều mặt.
Nợ công ở các địa phương ở Trung Quốc đã lên đến 26% GDP. Các chính quyền địa phương nương nhờ vào việc bán đất - thứ tài sản sẵn có, quý giá và dễ có. Nhưng rồi thị trường bất động sản đóng băng, đất không bán được mà tiền thì đã tiêu, nên đâm nợ. Nền kinh tế Trung Quốc sau mấy thập kỷ phát triển tăng tốc, cứ 10 năm Trung Quốc lớn lên gấp 2 lần, thành Trung Quốc ngày nay, cái “công xưởng của thế giới”, cái đất nước 1,3 tỉ dân… đang mơ “giấc mơ Trung Hoa” - cứ chối đây đẩy là không bao giờ xưng “bá”, kỳ thực là “vươn vòi” ra khắp thế giới để thâu tóm. Và “viễn giao cận công” (giao hòa với nước xa, tấn công nước láng giềng), Trung Quốc đối với Việt Nam ta, với Đông Nam Á bụng dạ thế nào giấu được ai?

Nhưng nay kinh tế Trung Quốc u ám, thì rồi nó ảnh hưởng đến Việt Nam ta. Vì buôn bán giữa hai nước là rất lớn (90 tỉ USD mỗi năm), vì đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam nữa, nhưng quan hệ ràng rịt giữa hai nước là hiển nhiên, có thật, bên cạnh việc muốn bá chiếm biển Đông, xâm chiếm Hoàng Sa rồi dòm ngó Trường Sa cũng là có thật. Tình hữu nghị là có thật, nhất là giữa nhân dân hai nước, nhưng tham vọng nước lớn dẫn đến tranh chấp cũng là có thật.

HỒN VIỆT