Tết về nhớ bánh chưng xanh,
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà
Hằng năm, cứ đến ngày cuối chạp gần Tết Nguyên đán, tiết trời lành lạnh, vào những chiều cuối tuần, tôi có thói quen khoác chiếc áo gió, đi dạo một vòng qua chợ để xem không khí chuẩn bị đón Tết của bà con trong thành phố. Ngoài đường phố xuất hiện các loại tranh Tết do những người đi bán dạo đến từ các tỉnh miền ngoài bày bán: từ tranh phong cảnh quê hương, chân dung các anh hùng hào kiệt, đến cảnh chùa miếu, đền đài mang dấu ấn lịch sử… Trong đó cũng có, tuy ít thấy, chủng loại tranh truyền thống từng hiện diện từ lâu trong kho tàng nghệ thuật dân gian. Nó vốn mang giá trị cao đẹp như những áng ca dao dung dị, mượt mà và ý nghĩa thâm thúy khôn cùng. Đó là tranh mộc bản.
Tranh mộc bản, hay tranh khắc gỗ còn có tên tranh thủ ấn họa, có nghĩa là tranh in tay. Đây là loại tranh được in từ những hình ảnh vẽ được khắc trước trên mặt gỗ. Tranh in bằng tay ra nhiều bản để phổ biến mà không ghi tên tác giả, nên có thể nói tác giả tranh mộc bản là những nghệ sĩ dân gian.
Hiện nay, chủng loại tranh dân gian này chưa có cơ sở chắc chắn để xác định rõ thời điểm hình thành bởi vì chúng ta ít nắm được đủ tư liệu về lịch sử hội họa dân tộc. Tôi chỉ biết ngoài những bức bích họa và hình vẽ trang trí hay khắc chạm ở cột đình chùa, đền miếu, lưu lại từ các thời đại trước, giới nghiên cứu mỹ thuật hay văn nghệ sĩ cũng chỉ còn trông cậy vào sách vở, tài liệu do phương Tây nghiên cứu, soạn thảo. Có người bảo tranh Tết dân gian xuất hiện từ đời nhà Lý (1009-1225) - đầu thế kỷ 11- tiếp theo sau sự ra đời của nghề in mộc bản (in sách bằng bản gỗ). Đến thời nhà Hồ (1400-1407), đã có loại tiền giấy được in ra và phát hành trong dân gian. Từ đầu thế kỷ 16, thời nhà Mạc (1527-1592), nhất là thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, loại tranh Tết và tranh thờ thuộc dòng tranh mộc bản đã xuất hiện khá nhiều, được bày bán rộng rãi trong nước từ thành thị đến thôn quê miền Bắc và miền Trung.
