HV102 - Giải pháp cho những con số đáng lo ngại

Do căng thẳng vì bị nhồi nhét học quá nhiều mà rối loạn thần kinh, đó là một sự thật đã có từ rất lâu. Biện pháp cứu gỡ như nhà giáo Trần Hành đề nghị là đúng, nhưng có lẽ biện pháp căn bản là giảm thiểu chương trình, môn học, năm học… Tại sao cứ bắt nhồi nhét quá tải như thế để làm gì. Nên chỉ học 11 năm, học cách khác cách “nhồi nhét” (trừ một số bộ môn khó khả thi), qua trung học ta sẽ tính phân luồng: 70% vào trường nghề, 30% vào đại học (nghiên cứu), dần dần thay đổi cơ bản giáo dục nước ta, và chất lượng đào tạo sẽ được nâng lên. Cứ trì trệ, không dám bứt phá, đột phá, trước hết là trong tư duy, thì giáo dục vẫn nằm nguyên tại chỗ!

Hồn Việt

Theo số liệu điều tra quốc gia mới nhất của Tổng cục Thống kê, Bộ Y tế, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì thấy: có 9% học sinh ở Việt Nam nói có ý định tự tử, 6% đã có kế hoạch thực hiện cái chết, gần 19,5% học sinh độ tuổi 10-16 có vấn đề về sức khỏe tâm thần(*). Nếu thử làm một con số tính nhẩm với hàng nghìn học sinh trong một trường phổ thông trung học thì sẽ thấy con số đáng lo ngại đến mức nào. Nguyên nhân có nhiều, chỉ xin đề cập một nguyên nhân dưới đây:

Không ít gia đình gây áp lực căng thẳng cho chính con mình, bắt học thêm quá nhiều vì áp lực thi cử vào các trường đại học, ngoài giờ học chính khóa hai buổi, còn có buổi phải học thêm cả buổi tối, cả buổi trưa, cả ngày chủ nhật, cả ngày nghỉ lễ. Các em ngoài việc làm bài tập ở trường còn phải làm bài tập học thêm khá nhiều, rồi phải học thuộc ngữ pháp ngoại ngữ. Không làm tròn nhiệm vụ ở trường, thầy, cô giáo nhắc nhở, phê bình, gọi phụ huynh mách bảo; không làm đủ bài tập ở lớp học thêm, cũng bị nhắc nhở, có cô giáo còn bắt quỳ, cứ quỳ mà học. Ở gia đình, bố mẹ luôn o ép, giục giã học, mắng mỏ điều này điều nọ. Những học sinh tự giác học tập, ham học cầu tiến thì áp lực học tập có thể vượt qua, ít bị rối loạn tâm lý. Những học sinh học tập đối phó, không ham học thì với môi trường như trên, cảm thấy nặng nề, quá căng thẳng, sống ngột ngạt, khó chịu, bực bội, trở nên bẳn tính, nóng nảy, thích bạo lực, sợ học tập, ghét cô giáo, ghét những ai nói đụng đến mình, nói gì các em cũng tưởng như bị kiểm soát, bị nhắc nhở, chỉ thích sống yên một mình, xa lánh tập thể, thiếu hòa nhịp với cuộc sống, ngay cả những cuộc vui chơi. Các em đã bị rối loạn tâm thần, dẫn đến những con số đáng lo ngại nói trên. Có em đã nói thẳng với bố mẹ khi bị mắng: “Bố mẹ muốn con chết hay sao?”. Cái chết đã thường trực trong ý thức của em.

Để giải tỏa áp lực thi vào đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, bỏ kỳ thi đại học, tổ chức kỳ thi 2 trong 1 nhưng hiệu quả giảm áp lực không là bao, chừng nào chưa thực hiện được việc mở rộng đầu vào, kiểm soát chặt đầu ra như một số nước đã làm thì con đường chạy đua vào đại học vẫn căng thẳng, vẫn như “cá vượt vũ môn”.

Được biết Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã có chủ trương xây dựng phòng tư vấn tâm lý ở các trường. Hiện ở một số thành phố lớn, một số ít trường cũng có tổ chức làm thí điểm công tác tâm lý học đường. Điều này là cần thiết nhưng làm thế nào để công tác này mang lại hiệu quả thiết thực, tránh hình thức, đại khái. Muốn vậy phải đứng hẳn về phía tâm lý học sinh mà tổ chức.

Nếu công tác này được giao cho các thầy, cô trong nhà trường như giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy môn Giáo dục Công dân, chắc là không hiệu quả, học sinh sợ bị đánh giá, tính vào điểm hạnh kiểm, mặt khác khoảng cách giữa thầy và trò làm các em khó tâm sự, khó trải hết lòng mình. Vì thế tốt nhất là có một đội ngũ giáo viên học khoa tâm lý đặc trách làm việc này. Trong hoàn cảnh công việc còn mới mẻ, làm thí điểm, các học sinh còn ngại ngần chưa quen, biên chế còn hạn chế, một giáo viên tâm lý có thể kiêm hai, ba trường. Mỗi trường chỉ cần vài buổi trực, có chế độ làm việc, không nhất thiết cứ phải giải quyết trong giờ buổi học, các em có thể đăng ký gặp ngoài giờ vì gặp ở trường còn ngại thầy cô, bạn học để ý. Trong số buổi trực nói trên, có buổi là giáo viên nam, có buổi là giáo viên nữ thì tốt nhất. Chế độ làm việc, cũng cần quy định không nhất thiết cái gì cũng phải báo cáo với nhà trường, với gia đình, trừ những trường hợp cần thiết hoặc khẩn cấp cần có sự phối hợp. Giáo viên tư vấn cần có phong cách hòa nhã, gần gũi như người bạn tâm tình, hòa mình với các em để các em dễ cởi mở.

Trong trường hợp chưa có giáo viên tâm lý, có thể giao cho cán bộ Đoàn phụ trách. Cán bộ này cũng phải được bồi dưỡng về tâm lý học và chế độ làm việc cũng được quy định như trên.

TRẦN HÀNH

(Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hà Nội)

 

_____

(*) Báo Nông Thôn Ngày Nay số 304 ngày 21-12-2015.