HV102 - Nghề cá với ngư dân là chủ thể và truyền thống văn hóa Việt Nam

Biển Đông rộng 3,4 triệu km2, có 9 nước và vùng lãnh thổ bao quanh, riêng về tài nguyên sinh vật biển nơi đây chiếm tới 10% trữ lượng thủy sản thế giới. Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch giao thương quốc tế. Biển Đông với nhiều đảo và quần đảo, đặc biệt Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, tạo vị thế địa chính trị quan trọng đối với khu vực và thế giới. Biển Đông có trữ lượng lớn nhiều nguồn tài nguyên kể cả tái tạo và không tái tạo. hiện tại mọi người đang nói nhiều về nguồn lợi sinh vật biển và dầu khí, sau dầu khí chắc chắn sẽ khai thác những tài sản đại dương quý giá khác.

Tại biển Đông, nghề cá truyền thống của các quốc gia ven biển Đông Nam Á đã có từ nhiều nghìn năm, nay với trên 4 triệu ngư dân mang những sắc thái đặc trưng rõ nét. Nghề cá biển Đông không chỉ đóng góp lớn cho đời sống kinh tế xã hội mà còn là điển hình về văn hóa biển đảo, có nét chung cho cả khu vực Đông Nam Á cũng như vẻ đẹp riêng cho từng quốc gia trong đó. Ở biển Đông, sự hợp tác để làm ăn và chống đỡ với thiên tai vốn có từ xa xưa. Những tranh chấp cũng tồn tại đã lâu.

Bước vào thế kỷ XXI những tranh chấp đó lại căng thẳng hơn lên khi có nước lớn coi thời gian hai thập niên đầu là “cơ hội chiến lược” để đạt được thời kỳ phát triển “then chốt” của họ. Điển hình là yêu sách “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đòi hỏi phi lý, và việc Trung Quốc ngang nhiên tôn tạo, quân sự hóa một số đảo và bãi ngầm kể cả ở những nơi họ xâm chiếm trái phép, cùng những hành động khác nữa, gây nên những nhân tố bất ổn chính trị và sự căng thẳng gần đây trong khu vực, tạo điểm nóng trên cục diện thế giới, bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia và mối quan ngại của toàn cầu.

Nước Việt Nam ta trong bối cảnh đó luôn đấu tranh nhằm một mặt, giữ vững chủ quyền biển đảo, mặt khác duy trì hòa bình và ổn định để phát triển vững bền. Nghề cá biển Việt Nam đã và đang hoạt động trong những điều kiện và với yêu cầu như vậy.

Mạnh từ biển và giàu lên từ biển

Nước ta có dải ven biển phong phú về đa dạng sinh học chạy dọc từ bắc chí nam, có vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2 với những bãi cá khá tập trung và một số đàn cá di cư theo vận động của các dòng hải dương quốc tế. Từ những năm 1990 đến nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương hướng vào mục tiêu phát triển nghề cá cho tương xứng với tiềm năng của nó vì lợi ích dân sinh, khai thác bền vững và hiệu quả nguồn lợi biển tự nhiên, góp phần bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, nhanh chóng hội nhập và góp phần làm cho nước ta “mạnh về biển và giàu lên từ biển”, như tinh thần Nghị quyết Trung ương về Chiến lược biển đến năm 2020.

Chủ trương này được triển khai bằng một hệ thống chính sách nhất quán suốt 25 năm qua, tóm tắt như sau:

- Tại dải biển ven bờ, một mặt tập trung điều chỉnh cơ cấu khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ đa dạng và năng suất sinh học, mặt khác, duy trì với mức hợp lý những ngành nghề, phương tiện bảo đảm dân sinh mà không gây hại đến khả năng tái tạo nguồn lợi.

- Tăng cường năng lực để phát triển khai thác các ngư trường xa bờ trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam, tạo cơ cấu sản lượng bền vững, hiệu quả. Chủ trương này bắt đầu từ hơn 20 năm trước với việc nhấn mạnh phải “giàu lên từ biển” và coi thủy sản là một ngành kinh tế mũi nhọn.

Cũng cần nêu thêm, thời gian qua việc nuôi trồng thủy sản (kể cả nuôi trên biển) được khuyến khích đã có bước phát triển mạnh, mang tính đột phá để trở thành ngành sản xuất hàng hóa với sản lượng và giá trị lớn nhất là tôm và cá tra. Đây cũng là hướng đi chung của nghề cá thế giới từ khoảng 20 năm cuối cùng của thế kỷ XX đến nay.

Khai thác hải sản là ngành sản xuất truyền thống lâu đời ở Việt Nam và đã trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau. Bước phát triển mạnh nhất diễn ra trong thập niên 1990, do chúng ta thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện và chủ động hội nhập quốc tế. Từ đó năng lực khai thác thủy sản tăng lên nhanh chóng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được xây dựng và nâng cấp, thương mại phát triển, và đặc biệt là các ngư trường được điều tra, nghiên cứu bài bản để tổ chức khai thác hiệu quả, nhiều công nghệ mới được áp dụng. Tính riêng trong những năm 1990, lực lượng tàu cá của chúng ta đã tăng thêm 2/3 về số lượng tàu và gấp 2,5 lần về tổng công suất. Trong một thời gian ngắn, công suất trung bình mỗi tàu cá đã từ 18 mã lực tăng lên 47 mã lực. Bước đột phá ấy đã mở đầu cho thời kỳ tăng trưởng 15 năm tiếp theo về số lượng, công suất cũng như mức độ trang bị tàu cá như hiện nay.

Từ một nước đi sau, đội tàu khai thác thủy sản của chúng ta hiện nay không thua kém các nước có nghề cá phát triển trong khu vực. Đi đôi với lực lượng tàu cá, hệ thống bến cảng và hậu cần dịch vụ nghề cá đã lớn hơn và mang diện mạo mới. Hiểu biết rõ hơn về ngư trường, lực lượng đội tàu đánh cá mạnh lên, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đó là những nhân tố tạo đà cho ngành khai thác tăng trưởng, cơ cấu sản phẩm cải thiện. Sản lượng khai thác xa bờ đầu những năm 1990 hầu như không đáng kể, đã tăng lên khoảng 30% năm 2001, và nay chiếm khoảng 50% cơ cấu sản lượng hải sản nói chung. Cụm từ “Đánh cá xa bờ” chính thức được sử dụng và trên thực tế khởi đầu từ những năm 1990, nay trở thành quá quen thuộc trong xã hội ta. Nhờ đi dần ra biển lớn, một số nghề biển mới đã cung cấp cho xuất khẩu với giá trị cao và tiêu thụ nội địa một khối lượng đáng kể - trong đó việc đánh bắt và xuất khẩu cá ngừ đại dương vùng biển miền Trung là một điển hình. Bộ mặt các tụ điểm nghề cá và cộng đồng dân cư ven biển cũng đã có nhiều đổi thay so với vài chục năm trước.

Từ tình hình tóm lược trên và qua quan sát thực tế, chúng ta dễ dàng nhận thấy những cái được, những thành công của nghề cá biển nước ta, thể hiện tầm nhìn và định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển ngành thủy sản. Chúng ta đã có nhiều chính sách giúp đỡ, tạo điều kiện cho ngư dân đẩy mạnh sản xuất nghề cá và hưởng thụ thành quả lao động của mình. Trong những nỗ lực và thành công ấy, công đầu là của ngư dân.

Cần tư duy lại hai từ “Nghề cá”

Tuy nhiên, quá trình đi lên từ nghề cá nhỏ, thủ công lạc hậu, phân tán đến chỗ có được năng lực sản xuất gia tăng nhanh chóng như thời gian qua cũng đã bộc lộ một số bất cập, nảy sinh những lực cản và khó khăn bắt nguồn từ tác động của những mặt yếu cố hữu của nghề cá nhỏ truyền thống. Mặt khác, lực lượng khai thác đông đảo lên, công suất tàu lớn hơn trước nhiều thì cũng đang chịu thách thức và phải vật lộn với bài toán hiệu quả do cách tổ chức, do đầu tư và do cơ cấu giá thành sản xuất mà giá dầu luôn chiếm tỷ trọng lớn hơn cả. Cộng vào đó là thiên tai, những diễn biến thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu, và gần đây là những vụ khiêu khích của nước ngoài, cản trở ngư dân ta làm ăn trên biển ta, trên thực tế đã trở thành hiểm họa cho người đi biển và cho nghề cá nước ta.

Vượt qua những thách thức đó đòi hỏi trách nhiệm, năng lực và cung cách mới, nhạy bén hơn của cơ quan và các nhà quản lý, đặc biệt phải có tư duy phù hợp với tính đặc thù của một nghề cá đang chuyển đổi, giữ được cái hay của truyền thống, đồng thời khai thác được cái mới của nghề cá thương mại hiện đại. Tư duy đó phải được thể hiện không chỉ đơn thuần ở cải cách thủ tục hành chính, mà phải từ tư tưởng chiến lược, thể hiện trong việc xây dựng quy hoạch phát triển, ban hành các chính sách và cách thức thực thi các chính sách ấy, đặc biệt đáng quan tâm là chính sách nâng cao dân trí của cộng đồng, phát huy năng lực sáng tạo của ngư dân - những người từ những cái khó trên biển đã hình thành bản lĩnh của mình, và đã có rất nhiều sáng tạo từ cái nền trải nghiệm độc đáo, không bất kỳ ai khác có thể có ngoài chính họ.

Từ góc nhìn của người quản lý, chúng ta dễ nhận thấy mức độ khó khăn về yếu tố con người và cộng đồng làm nghề biển của ngư dân ta. Con theo cha, em theo anh cùng ra biển từ khi đang tuổi đi học để được truyền nghề, để góp phần nuôi sống gia đình nghèo và đông con, vậy thì điều kiện học hành của các cháu như thế nào và dân trí vùng biển phụ thuộc vào đó sẽ ra sao sau này! Nét khó khăn đặc thù đó cần được giải quyết cách sao cho chính các con em ngư dân đó có thể trở thành nguồn nhân lực chính của một nghề cá phát triển. Đây là một thách thức đối với tương lai của nghề cá, một khó khăn có tính phổ quát ở nhiều vùng ven biển và hải đảo nước ta, nơi có tới 331 xã nghèo vùng bãi ngang, hải đảo hiện tại, nơi mà thời gian qua làng xã ven biển rất ít địa phương được đánh giá là đạt chuẩn nông thôn mới. Còn có một thực tế nữa cũng cần phải nói ra: Trong cả chục năm qua, các trường đại học và cao đẳng nghề đào tạo thủy sản rất khó chiêu sinh, thậm chí gần đây hầu như không chiêu sinh nổi người học chuyên ngành cá biển. Đây vẫn là một vấn đề để ngỏ trong chủ trương phát triển nguồn nhân lực cho một ngành từng được coi là mũi nhọn của đất nước.

Tôi tin rằng, chúng ta đã có những thành công với điểm xuất phát thấp để có được năng lực vật chất nghề cá biển như hiện nay thì cũng sẽ thành công trong nỗ lực vượt qua những khó khăn đó về nhân tố con người, miễn là nhìn rõ và nhìn sâu vào sự thật để nhanh chóng tìm lộ trình vượt qua. Đến đây tôi muốn nhắc lại ý đã có lần trích của James R. McGoodwin, tại cuốn Tìm hiểu văn hóa các cộng đồng nghề cá - Chìa khóa đi vào quản lý thủy sản và an ninh thực phẩm, do Tổ chức FAO ấn hành năm 2001. Ông viết: “Cái cần nhấn mạnh trong khoa học, thực tiễn và chính sách quản lý Nghề cá là ở chỗ Nghề cá là một hiện tượng của con người. Về thực chất, nghề cá là nơi mà hoạt động của con người gắn với các hệ sinh thái và các tài nguyên tái tạo”. Và từ đó ông cho rằng: “Ðiều cần thiết là các công chức ngành thủy sản phải tư duy lại về bản thân hai từ “Nghề cá”, họ phải hiểu rõ rằng nhiệm vụ của họ không chỉ là việc quản lý nguồn lợi tự nhiên và các hệ sinh thái mà còn phải dành nhiều hơn cho việc quản lý con người - những người hành nghề thủy sản”.

Trong lịch sử phát triển của nghề cá thế giới, nghề cá công nghiệp hiện đại được đánh dấu điểm khởi đầu bằng việc lắp thành công động cơ hơi nước lên tàu cá tại Vương quốc Anh năm 1870. Trong vòng 100 năm tồn tại của nó, sản lượng thủy sản thế giới đã tăng từ 2 triệu tấn/năm giữa thế kỷ XIX lên 55 triệu tấn/năm vào giữa thế kỷ XX, rồi tăng tiếp lên 75 triệu tấn/năm sau 20 năm tiếp theo. Sức mạnh của nghề cá công nghiệp là vậy, nó cũng đã giúp định hình nghề cá hàng hóa trên thế giới. Tuy nhiên, từ nửa cuối thế kỷ XX, cũng chính thế mạnh đó đã làm cho nghề cá công nghiệp bắt đầu đối mặt những thách thức lớn khi tài nguyên khai thác bắt đầu quá mức tái tạo được, và đi xuống vì những nguyên nhân bên ngoài khác nữa.

Mô hình nào cho nghề cá Việt Nam trong tương lai

Nghề cá nhỏ ven bờ là giai đoạn trước của nghề cá công nghiệp, nhưng khi nghề cá nhỏ song hành với nghề cá công nghiệp thì đó là phương thức bảo đảm cuộc sống chủ yếu cho hàng triệu người dân ở các nước đang phát triển. Theo tính toán, hơn 90% ngư dân thế giới hiện đang làm việc trong nghề cá “nhỏ”. Nếu kể đến tất cả những người làm dịch vụ và cùng với gia đình họ, thì khoảng 100 triệu người trên thế giới hiện đang tham gia vào “Nghề cá quy mô nhỏ” này.

Nhìn ra thế giới để chúng ta tự tin có những tính toán thích hợp cho một mô hình nghề cá Việt Nam trong tương lai. Nghề cá truyền thống xuất hiện nhiều nhiều thế kỷ trước khi nhân loại có sử thành văn, rất lâu trước khi ra đời những viện bảo tàng đầu tiên trên thế giới, nhưng những di sản văn hóa của nghề cá truyền thống vẫn tồn tại từ bấy đến nay. Trên thế giới là vậy, ở Việt Nam cũng vậy, rất dễ nhận dạng văn hóa nghề cá, cả văn hóa phi vật thể lẫn văn hóa vật thể, nơi các cộng đồng cư dân dọc theo bờ biển đất nước ta sinh sống. Tổ chức tốt cho bà con ngư dân đi biển phù hợp với bối cảnh đất nước và thế giới ngày nay và với mức độ tiên tiến của nghề cá hiện đại, phải chăng chúng ta khẳng định một chân lý: Văn hóa của người Việt thể hiện ở thực tiễn: khi người ngư dân lên tàu đưa tàu ra biển đánh bắt hải sản, khai thác hợp lý các loại tài nguyên đại dương, đấy là hành động sản xuất của cải đồng thời là cách khẳng định sự hiện diện dân sự tốt nhất của nước Việt Nam tại các vùng biển nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo quốc gia.

 

* Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Việt Nam (H.V.)

TS TẠ QUANG NGỌC*