Người đứng đầu Hội Điện ảnh Nga Nikita Mikhalkov không nhìn thấy trên đỉnh Olympus chính trị của Nga nhân vật nào sánh bằng Vladimir Putin. Theo ý kiến của vị đạo diễn nổi tiếng này, việc những nhân vật đối lập như Alexi Navalny hay Mikhail Khodorkovsky, nếu lên nắm chính quyền có thể thành thảm họa cho đất nước. Ông tin rằng có sự tồn tại ở Nga “đạo quân thứ năm” sử dụng con người như đạn thịt. Ví dụ cho điều này, theo quan điểm của Mikhalkov, có thể là những sự kiện ở quảng trường Bolotnaya mà nhà đạo diễn gọi là “hiện tượng Gapon” [Georgy Gapon, 1870-1906, là một cố đạo lãnh đạo Hội đồng công nhân Nga của các nhà máy ở St. Petersburg, người tổ chức cuộc bãi công và tuần hành của công nhân ngày 9-1-1905, mở đầu cho cuộc cách mạng 1905-1907 - ND]. “Tính kế tục, tôi không muốn nói là sự truyền ngôi của các triều đại, mà là sự tiếp tục và kế thừa chính quyền là cơ sở của một nhà nước độc lập hùng mạnh” - Mikhail Mikhalkov trong cuộc trả lời phỏng vấn của các phóng viên Interfax (IF), Ksenia Chernyaeva và Andrei Novikov, đã trình bày phương thức chuyển giao quyền lực tổng thống tối ưu ở Nga như vậy.
* Nếu như ông cho phép, xin được bắt đầu với những câu hỏi về chính trị. Vào năm 2007, ông đã viết thư gửi Tổng thống Putin với yêu cầu ông ấy ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Ông ủng hộ việc không thay đổi chính quyền à? Hình thức điều hành như vậy có phải là tối ưu cho nước Nga đương đại không?
- … Bắt đầu từ năm 2000 và trong suốt các năm sau đó, từ cuộc bầu cử này đến cuộc bầu cử khác, tôi bỏ phiếu và thể hiện sự ủng hộ của mình cho một con người cụ thể là Vladimir Vladimirovich Putin. Và tôi hoàn toàn nghiêm túc cho rằng nếu như không có Putin thì không thể có đất nước.
Liên quan đến nguyên tắc chuyển giao quyền lực, tôi tin rằng trong một đất nước mà mỗi người lãnh đạo mới nắm được chính quyền lại phủ nhận tất cả những gì đã được làm trước anh ta thì sẽ không có được hòa bình, yên ổn.
Hãy xem kinh nghiệm của Trung Quốc chẳng hạn. Cũng như ở mọi quốc gia khác, ở Trung Quốc cũng có kinh nghiệm quá khứ mà ngày hôm nay dễ dàng phủ nhận. Nhưng Trung Quốc đã đi con đường khác: xem xét lại và tiếp nhận những thời khắc trong lịch sử của mình dù cho chúng không thành công và xấu xí đi chăng nữa, phân tích chúng, rút ra kết luận, và sau khi đã trang bị những tri thức đó thì tiến lên phía trước. Và các bạn phải thừa nhận rằng điều đó rất thành công. Đó là trách nhiệm của các dân tộc lớn - mang trên mình gánh nặng của quá khứ, thay đổi hiện tại và tương lai, nhưng không chối từ lịch sử của mình.
Hãy chỉ cần nhớ những lời bài ca của Đảng Cộng sản Liên Xô [tức bài Quốc tế ca - ND]: “Chúng ta xây dựng thế giới mới của mình, ai từng không là gì sẽ trở thành là tất cả…”. Chúng ta đã từng trải qua điều đó - giẫm nát tất cả những gì từng có, và trên đống đổ nát đó xây dựng cái gì đó mới mẻ - và chúng ta biết điều đó đã dẫn đến cái gì.
Bởi vậy, tôi xin nhắc lại: chính quyền - đó là cây thập tự giá, và không phải ai cũng đủ sức mang được nó.
… Ngày nay ta có vị tổng thống mà 80% người dân ngày này qua ngày khác sống trên đất nước chúng ta, trong hiện thực cùng chúng ta bầu ra. Vị tổng thống nói năng rất có ý thức, rõ ràng và cư xử độc lập như một người đứng đầu một đất nước vĩ đại. Và tôi tin rằng điều này không đơn thuần là một cơn bột phát cảm xúc bất thường, nhất thời của số đông, mà là một quyết định hoàn toàn có ý thức của những người đã góp lá phiếu của mình cho vị tổng thống của chúng ta, cho người mà họ nhìn thấy là một nhà lãnh đạo khôn ngoan và quyết đoán. Và điều này khiến một số đông những người ở ngoài nước ta không thích.
Nói về phát biểu của Putin ở Hội nghị Bảo an ở Munich năm 2007, ông ấy đã gọi đúng tên sự vật. Và bây giờ tất cả những nhà lãnh đạo ấy, những “đám mây mặc quần” ấy nghe ông ấy, tay đổ mồ hôi, họ cũng nghĩ như thế mà không thể nói ra.
Trên đỉnh cao quyền lực, dĩ nhiên có những người tuyệt vời, thông minh, nhưng tôi không biết ai giờ đây có thể có được uy tín vững chắc như Putin. Những hành động ông ấy làm đang cổ vũ, gắn kết mọi người.
* Khi đó thì nguyên tắc chuyển giao quyền lực là gì?
- Để đến với quyền lực cần phải được chuẩn bị, cần phải được giáo dục. Việc thừa kế, tôi không nói đến việc truyền ngôi kiểu quân chủ, mà sự kế thừa và tiếp nhận chính quyền - đó là điều mà trên đó một nhà nước thực sự hùng mạnh và độc lập có thể được xây dựng lên. Như tôi đã nói ở trước, một ký ức có ý thức về quá khứ là rất cần thiết đối với bất cứ quốc gia nào muốn phát triển trong hiện tại và tiến tới tương lai. Nếu như nhìn lại toàn bộ lịch sử nhân loại mà ta đã biết, thì nguyên tắc kế thừa cách này hay cách khác đều được tuân thủ ở mọi nơi. Không có sự chuyển giao từ người này sang người khác thì sẽ không có gì nữa.
* Năm 2016 được tuyên bố là Năm Điện ảnh. Tình hình kinh tế hiện nay sẽ được phản ánh trong điện ảnh như thế nào?
- Tất nhiên rồi, tình trạng kinh tế không tốt đến mức để chúng ta ca ngợi nó. Nhưng dù sao cũng phải thấy là hiện đang là Năm Điện ảnh, nhà làm phim không bị siết chặt quá như có thể bị. Tôi cảm thấy rằng một trong những thành tựu chính là ở việc Bộ Văn hóa theo sáng kiến của ông bộ trưởng năm nay đã bỏ hệ thống hoàn tiền [những hỗ trợ cho sản xuất phim sẽ được Quỹ Điện ảnh chia sẻ không phải hoàn lại, trong khi trước kia thì phải hoàn lại - IF]. Nghĩa là tiền mà điện ảnh làm ra cần phải được sử dụng cho sự phát triển tiếp tục của điện ảnh. Điều này là đúng. Tất nhiên ta còn muốn làm ra được nhiều hơn, để điện ảnh có thể tự hoàn vốn. Hồi xưa đã từng như vậy, và điện ảnh đã tự hoàn vốn.
Điện ảnh từng đứng thứ ba về lợi nhuận, sau rượu vodka và thuốc lá. Hội Điện ảnh giàu thứ nhì sau Hội Nhà văn. Những nhà nghỉ, cung sáng tạo, rạp chiếu phim, trung tâm điện ảnh, văn phòng tuyên truyền nghệ thuật điện ảnh - tất cả đều phát triển, mang lại lợi nhuận, nuôi sống nghệ sĩ - cả trẻ lẫn già. Ngày nay tình hình đã khác đi. Hội Điện ảnh chủ yếu là tổ chức bảo trợ xã hội - một trong những nhiệm vụ uy tín và bắt buộc của nó là giúp đỡ những ngôi sao đã từng làm nên nền điện ảnh Xô viết sống được nốt những năm cuối đời. Dĩ nhiên điều đó là cần thiết, là đúng đắn và là nghĩa vụ của chúng ta!
Các bạn biết đấy, trong cuộc họp Hội đồng Văn hóa trực thuộc tổng thống, Hội Điện ảnh đã thông qua tôi đề xuất với người đứng đầu nhà nước không xóa tên các cựu nghệ sĩ điện ảnh khỏi các bệnh viện. Mấy hôm sau chúng tôi nhận được thư đồng ý của Bộ Y tế. Đối với tôi đó là một niềm vui lớn. Các cựu nghệ sĩ của chúng ta - đó là những tên tuổi vĩ đại của nền điện ảnh nước nhà. Đối với họ đó là một món quà đích thực.
Ngày nay dĩ nhiên đối với Hội Điện ảnh, một trong những nhiệm vụ chủ yếu là giữ được những gì đã có. Đồng thời, năm này qua năm khác, chúng tôi cố gắng vươn lên phía trước, mặc dù điều này diễn ra không nhanh chóng như chúng tôi mong muốn, nhưng chúng tôi không giậm chân tại chỗ. Chẳng hạn vào năm 2012, hội đã thành lập Trung tâm Trẻ chú trọng vào sự phát triển điện ảnh khởi nghiệp.
* Ông nghĩ liệu phim của chúng ta một lúc nào đó có thể cạnh tranh với Hollywood không?
- Tại sao chúng ta lại phải cần giống ai đó? Chúng ta đã tự tay mình chôn vùi mối quan tâm của khán giả chúng ta đối với điện ảnh dân tộc, văn hóa dân tộc, văn học dân tộc.
Tôi tạ ơn Chúa rằng còn có thể nhìn thấy hàng người xếp để xem tranh của họa sĩ Nga vĩ đại, điều mà mạng xã hội tự do dân chủ đang bôi nhọ. Chúng không hiểu rằng đó là một niềm hạnh phúc to lớn, khi ở một đất nước đang trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng như vậy, người ta vẫn đi xem triển lãm tranh Serov, mà không xem tay nghệ sĩ nào dí của quý của mình lên viên gạch lát Hồng trường. Hay xem Lady Gaga. Đó là điều kỳ diệu, là sự cứu rỗi, là hy vọng.
Ta càng làm phim cho giống của họ, thì nó sẽ lại càng tệ hơn.
Nhưng chúng ta quên rằng, Sergei Gerasimov chẳng hạn đã làm nên Sông Đông êm đềm, đó là bộ phim vĩ đại. Và họ không bao giờ có thể làm được bộ phim như thế. Khán giả, thậm chí cả người không ưa tôi, cũng không bao giờ tha thứ cho tôi nếu tôi làm phim kiểu Hollywood.
140 triệu người - chẳng lẽ ta còn ít khán giả sao? Van Damme giỏi hơn Garmash [Sergei Garmash sinh năm 1958 là nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh và truyền hình nổi tiếng của Nga - ND] hay sao? Ai trong số các nghệ sĩ của ta đạt được thành tựu ở đây, qua bên kia trở thành nổi tiếng? Có Mikhail Chekhov, nhưng đó là anh ấy lập được một trường đào tạo nghệ sĩ tuyệt vời. Và chỉ có ai học ở trường đó mới biết anh ấy.
Mình sinh ở đâu thì thích hợp ở đó. Bao nhiêu lần những nụ cười của những con người dễ thương đó đã đánh lừa chúng ta. Bao nhiêu lần tôi bị đánh lừa ở các bữa tiệc ở Los Angeles? Chỉ hai tiếng sau gặp nhau ở ngoài phố, họ đã chẳng nhận ra ta.
Đó là con bướm phù du, dối lừa. Tôi biết điều đó không phải qua lời người khác. Tôi đã đến làm việc ở phương Tây như một đứa trẻ ngây thơ miệng hôi sữa, và rời khỏi đó với cái hàm thép của con sói dạn dày. Ở đó không ai cần đến chúng ta.
* Nhưng thế còn anh trai của ông? Ông ấy vẫn đã và đang làm phim ở bên đó thôi? [Anh trai Nikita Mikhalkov là đạo diễn Andrei Mikhalkov-Konchalovsky, sinh năm 1937, từng làm phim ở Hollywood, mang hai quốc tịch Nga và Pháp - ND]
- Điều gì ở phim của anh tôi trở thành một thành công thực sự mang tính quốc tế? Là tất cả. Uy tín, sự đầy đủ, kiến thức ngôn ngữ, kiến thức về con người, sự tôn trọng của các đạo diễn nghiêm túc - tất cả là thế. Stallone tham gia đóng. Nastya Kinski nữa. Và những thước phim cũng rất hay. Nhưng ai biết về chúng ở quy mô thế giới?
* Ở phương Tây dấy lên một xì căng đan thường niên gắn với giải Oscar. Các đạo diễn và diễn viên lần lượt tuyên bố tẩy chay giải vì không có đề cử cho các nghệ sĩ da đen. Đó có phải là vấn đề không?
- Theo tôi đó là chuyện nực cười. Hai năm liền không có đề cử cho nghệ sĩ da đen có thể cạnh tranh với các nghệ sĩ khác trong diễn xuất các vai nam hay nữ. Chuyện như thế vẫn xảy ra. Thế thì sao, sang năm sẽ chỉ toàn đề cử cho nghệ sĩ da màu sao? Khi đó các nghệ sĩ da trắng sẽ lại tự ái.
Mà nói chung Oscar là thứ đã được tính toán. Ý tôi nói đến các phim tiếng nước ngoài. Chẳng hạn tôi tin rằng phim Cháy bỏng dưới ánh mặt trời của tôi được giải Oscar cũng vì những quan điểm chính trị. Tôi không làm phim này vì điều đó, nhưng lúc đó nó lại đang hợp mốt.
Sau đó chúng tôi lạị vào danh sách đề cử cùng với đạo diễn Bodrov. Anh ấy có phim Người Mông Cổ, tôi có phim Mười hai. Khi đó Oscar được trao cho một phim của Áo rất kém, nhưng vì nó lấy đề tài người Do Thái và kể về những kẻ làm tiền giả. Tôi tin rằng phim của tôi, và của Bodrov hay hơn nhiều. Ở đây là do đường lối chính trị.
Nhưng đúng là rất thích. Giải thưởng nằm kia kìa [chỉ vào tượng vàng trên bàn làm việc - IF], vinh quang dành cho ta. Lạy Chúa, tôi rất vui. Nhưng đấy là tôi may mắn. Tôi cho rằng phim Mười hai của tôi, đứng từ quan điểm về độ sâu sắc và ý nghĩa, thì ít nhất đối với khán giả Nga, có ý nghĩa như tiên tri. Nhưng lúc đó không phải là cái quan trọng.
Hay phim Say nắng [phim của Mikhalkov dựa trên tác phẩm của Bunin, nói về thời kỳ cách mạng và nội chiến, lấy bối cảnh Ukraina - ND], tôi thậm chí không biết là được chọn để xét đưa vào danh sách đề cử [giải Oscar 2016 - IF]. Tôi biết được qua các đồng nghiệp và lập tức nói rằng lọt vào danh sách đề cử là chuyện cực kỳ ngoại lệ, chỉ là ngoại lệ. Tôi là nhân vật không được hoan nghênh ở Ukraina mà lại rơi vào danh sách đề cử Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất ở Mỹ - đó là sự phi lý.
* Như vậy có thể, về nguyên tắc là không đáng phải hướng tới giải Oscar, nên từ chối tham gia giải?
- Làm thế để làm gì? Đó là trò trẻ con, làm ra vẻ một đứa trẻ hờn dỗi. Dù kết quả giải là gì đi nữa, việc đề cử các bộ phim giúp cho thế giới biết đến phim của nước ta, và điều này cũng rất quan trọng. Dù ở đó có chuyện gì đi chăng nữa, thì các thành viên Viện Hàn lâm điện ảnh vẫn bắt buộc phải xem phim của anh từ đầu đến cuối.
Một chuyện khác, rằng Hội Điện ảnh của chúng ta đang có sáng kiến lập một giải thưởng Á Âu lớn của nhóm các nước mới nổi BRICS. Có thể có sự tham gia của Nhật Bản và Hàn Quốc chẳng hạn… Đó là hàng triệu và hàng triệu khán giả. Tôi cho rằng chúng ta cần phải thành lập một Viện Hàn lâm điện ảnh Á Âu. Nói chung không phải là để chống lại phương Tây. Mà bởi vì các nước Á Âu có tư duy khác, và điện ảnh của họ cũng khác. Không nên bắt nó chạy đua chỉ trong khuôn khổ Oscar. Tôi đã nói điều này ở Trung Quốc, ở Ấn Độ. Họ bảo sẵn sàng tham gia vào ý đồ này, đơn giản chỉ cần phải tổ chức thôi.