Hv102 - Quyền lực Bà Rồng*có thực sự khách quan?

Bằng lối viết khá lôi cuốn, quyển sách chân dung nhân vật Trần Lệ Xuân do nữ tác giả Mỹ Monique Brinson Demery chấp bút đã vẽ nên một nhân vật phụ nữ quyền lực của Việt Nam Cộng hòa thời Ngô Đình Diệm chấp chính (1954-1963). Tác giả tìm gặp bà Trần Lệ Xuân từ năm 2005, đến năm 2015 cuốn sách mới hoàn thành. Chừng ấy năm và hàng trăm tư liệu chú thích ở phần sau cuốn sách để chứng minh sự công phu và nghiêm túc của tác giả…, nhưng bức chân dung bà Trần Lệ Xuân dưới ngòi bút này có thực sự khách quan?

Quả thực, ngay phần đầu cuốn sách nói về cuộc kiếm tìm nhân vật, cũng cho thấy sự háo hức say mê của tác giả đối với con người này. Ở ngay phần tiểu sử, khi viết về tuổi ấu thơ của Trần Lệ Xuân, tác giả đã vẽ nên hình ảnh một cô bé gái bị bỏ rơi, không được cha mẹ thương yêu như những đứa con khác, và có lẽ đấy cũng là để giải thích cho thái độ ông bà Trần Văn Chương sau này khi từ chối không gặp Lệ Xuân tới thăm ông bà tại Mỹ và gọi Xuân là: “một kẻ cuồng điên quyền lực”. Khi Trần Lệ Xuân đến Mỹ vào tháng 10-1963, sau vụ đàn áp Phật giáo đẫm máu, và sau lời tuyên bố ngông cuồng khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu: “Tôi sẽ vỗ tay khi thấy một buổi trình diễn thịt nướng nhà sư khác” “nếu ai thiếu xăng dầu tôi sẽ cho” hay “Tôi còn thách mấy ông sư [tự thiêu] thêm mười lần nữa” thì thái độ của ông bà Chương lúc ấy thực sự rất được sự kính trọng của người dân trong nước. Nhưng tác giả đã chua thêm câu: “mẹ bà đã xúi mấy người Mỹ ném trứng và cà chua vào người bà” như để cho thấy hành động này là không bình thường... Chuyến công du được tác giả tả lại như một chiến công của Trần Lệ Xuân, đã thuyết phục được nhân dân Mỹ và sinh viên các trường đại học, giới báo chí, được hoan nghênh và được ngưỡng mộ, còn những kẻ ném cà chua trứng thối vào Trần Lệ Xuân tuy cũng có được đề cập, nhưng bị coi là những kẻ gây nhiễu quá khích, không đáng kể. Chuyến công du này hầu hết ghi lại từ lời kể của nhân vật, liệu có thực sự khách quan?

Đọc cả quyển sách, người ta có thể thấy rõ sự chọn lọc của tác giả khi tô điểm cho nhân vật này: Một cô gái con nhà quyền quý, với 20 người hầu trong nhà, học trường Tây, xinh đẹp và mạnh mẽ. Lớn lên lấy chồng, người chồng lớn hơn 14 tuổi và theo lời đồn từng là nhân tình của mẹ cô. Cô có cuộc hôn nhân không hạnh phúc, và người chồng quá say mê công việc mà không ngó ngàng đến cô vợ trẻ xinh đẹp. Với tính cách mạnh mẽ, cô đã dùng hết trí tuệ và sự quyết liệt của mình để thuyết phục chồng và anh chồng công nhận cô, vì bởi cô đã cứu họ hai lần trong tao loạn, một lần đối đầu với Nguyễn Văn Hinh năm 1954, và một lần cứu gỡ tình thế nguy hiểm khi Ngô Đình Diệm định thương thuyết với phe đảo chính năm 1960. Mạnh mẽ, quyết đoán là thế, nhưng lại là “một người phụ nữ cô đơn trong hầu hết thời gian”, vì chồng rất ít khi gần gũi và lại có nhân tình. Người phụ nữ đã làm tất cả cho sự nghiệp nhà chồng, kể cả một mình đến Mỹ để làm những cuộc diễn thuyết bảo vệ cho chế độ Ngô Đình Diệm. Chuyến công du không được sự mời đón của chính phủ Mỹ, nhưng được nhân dân Mỹ tiếp đón nồng nhiệt ấy chỉ diễn ra trong nửa tháng đến khi được tin cả chồng và anh chồng đã bị giết hại và từ ấy lưu vong, sống lặng lẽ ở Pháp đến khi mất.

Đó chính là Trần Lệ Xuân qua nhãn quan của tác giả. Những từ thông minh, xinh đẹp, sắc sảo, mạnh mẽ gần như xuyên suốt tác phẩm. Tác giả đã dựng nên hình tượng quá đẹp, quá hoàn hảo, quá mạnh mẽ nơi con người này bên cạnh một cuộc hôn nhân đầy bất hạnh… Chính cái mâu thuẫn này càng tăng thêm sự hấp dẫn của nhân vật, gây lòng cảm thương nơi người đọc. Những chi tiết xoáy quanh sự lạnh lùng của Ngô Đình Nhu với vợ, có lẽ chính là ý đồ của tác giả. Nhưng tác giả lờ đi những tai tiếng dâm loạn của người đàn bà này, những cuộc du hí với Bảo Đại trên Đà Lạt cũng được miêu tả như cách để làm lợi cho địa vị của nhà chồng chứ không phải là cuộc ngoại tình công khai trước mũi chồng, hay những mối tình tai tiếng với tướng Trần Văn Đôn, với ký giả Colegrowe… Tác giả có thể hài ra toàn bộ danh tính những người tình của bà Trần Văn Chương, ngay cả nêu tin đồn không căn cứ với người tình có tên Ngô Đình Nhu, “lang chạ với những người có uy thế thuộc bất kỳ quốc tịch nào”, nhưng với Trần Lệ Xuân thì chỉ nhắc thoáng qua, vì không thể không nhắc, vì nó đã được ghi rõ những tên viết tắt trong hồi ký của Trần Lệ Xuân. Ngay cả Robert McNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cũng nhận xét về Trần Lệ Xuân: “Giống như hầu hết những người Mỹ đến đất nước này, và theo tôi, cả nhiều người Việt nữa, tôi thấy bà Nhu là một người mạnh mẽ và xinh đẹp, nhưng cũng độc ác và mưu mô - một mụ phù thủy thực sự”.

Nhưng vấn đề của quyển sách này không phải là chuyện khách quan hay không khách quan của một tác giả Mỹ khi viết về nhân vật Trần Lệ Xuân. Vấn đề chính là của chúng ta, là việc cho in và xuất bản về chân dung một con người chống cộng khét tiếng, con người đã từng hò hét cho nướng sư, từng cùng chồng chỉ huy cuộc tập kích đẫm máu vào chùa Xá Lợi, và tuyên bố “không bao giờ khoan nhượng với bọn thầy chùa bị cộng sản giật dây”. Một con người suốt cuộc đời xem cộng sản là kẻ thù không đội trời chung, cùng quan điểm với chồng khi lê máy chém khắp cả miền Nam giết hại hơn mấy mươi ngàn người, không kể đảng viên, chỉ cần có liên quan đến Việt Minh đều bị xử tử, bắt bớ, tù đày(1)… Một con người đã từng bị nhân dân miền Nam căm ghét, đã nằm trong câu chửi của người bình dân thời đó “Con đĩ Trần Lệ Xuân, con đĩ quốc tế”, bỗng dưng trở thành một hình tượng tuyệt vời với những lời lẽ vô cùng hoa mỹ, một cuộc đời bí ẩn đầy huyền thoại, một người phụ nữ kiên cường, mạnh mẽ xinh đẹp… và đầy quyền uy!? Mạnh mẽ kiên cường vì lập trường chống cộng tới cùng chăng?

Thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng ai có thể hình dung được cái con người mà hầu hết nhân dân miền Nam đều nguyền rủa, con người mà sau đảo chánh thành công 1-11-1963, nhân dân đã giật đổ bức tượng Hai Bà Trưng có gương mặt giống hệt Trần Lệ Xuân và con gái. Chỉ bấy nhiêu cũng thấy rõ lòng dân miền Nam oán ghét con người này như thế nào! Một người bạn đã từng sống trong tù ngục chế độ Ngô Đình Diệm thở dài chua xót khi đọc những dòng chữ đầy ngưỡng mộ Trần Lệ Xuân của giới trẻ bây giờ trên các trang mạng sau khi đọc cuốn sách Quyền lực Bà Rồng, anh nói: “Đây là chuyện của đất nước mình, mình phải rõ hơn ai hết, nhưng tất cả đã đảo lộn hết chỉ vì một cuốn sách của một người nước ngoài!”.

Phải, giới trẻ sinh sau chiến tranh như một trang giấy trắng về lịch sử. Chính người lớn sẽ là người tô vẽ và làm đảo lộn cách nghĩ, cách nhìn của các em qua những quyển sách như thế này. Trước đây, từng có một quyển sách ca ngợi Ngô Đình Diệm như một chí sĩ yêu nước đã bị thu hồi, nhưng thời gian qua lâu rồi, nhân vật Trần Lệ Xuân lại tiếp tục chiếm ngự trong tâm thức người trẻ hiện nay qua Quyền lực Bà Rồng… Và biết đâu trong tương lai lại không có những nấm mồ khác từ chế độ Sài Gòn cũ ngồi dậy được tô vẽ bằng hình tượng cực kỳ hoa mỹ… như những vị anh hùng chống cộng tới hơi thở cuối cùng…?!

 

_____

* Quyển Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng - NXB Hội Nhà Văn liên doanh với Công ty TNHH Sách Phương Nam xuất bản, 2016.

(1) Đạo luật 10-59 thiết lập các tòa án Quân sự, cuộc xử các bị can theo mẫu Kafka trong đó luật sư buộc tội, người biện hộ và quan tòa chỉ là một và như nhau. Chỉ có hai bản án: xử tử hoặc khổ sai chung thân, không có quyền kháng cáo, và án lệnh phải thi hành trong vòng 3 ngày, không có giảm khinh, không có kháng cáo, bản án thi hành ngay; dụng cụ tử hình có cả máy chém... Không kể đối với “cộng sản đã ngoài vòng pháp luật”, tức không cần xét xử, luật này dành cho tất cả mọi người được quy là “phá rối trị an”.

NGÔ NGỌC NGŨ LONG