HV102 - Thơ Bích Khê (phần 2 và hết)

***

Cái đáng cho ta yêu Khê, bắt ta phải tìm đến anh, phải lôi anh ra khỏi lãng quên, đó là chất nhạc của thơ anh. Không, không phải chỉ có cái thanh bằng chỉ cái giọng trầm, chỉ tiếng nói thầm, chỉ cái ngọn đèn anh hạ thấp xuống cho vừa nội tâm, vừa tầm tâm sự:

Tôi qua tim nàng vay du dương

Tôi mang lên lầu lên cung thương

Tôi không bao giờ thôi yêu nàng

Tình tang tôi nghe như tình lang

Nói thầm, nói lơ mơ mà thốt ra được “Tình tang tôi nghe như tình lang” thì tình tang kiểu ấy còn gấp trăm nói thật. Rồi lại lên cung thương cung yêu, vay mượn du dương, vay mượn tình yêu muôn thuở, thế thì là ý đấy rồi chứ đâu chỉ nhạc. Nhạc vả chăng chả phải chỉ là lúc nói thầm. Có khi reo vang, sảng khoái:

Tiếp ly cạn, cạn ly đầy

Năm con, một vợ ngồi vòng xây

Nhạc chim thanh tước rót về đây

Đỗ vàng cành lá lục.

Nâng chén tinh ròng ca một khúc

Tiệc hoa hề, chén ngọc hề

Giang hồ vút cánh sau chung rượu

Năm vẻ rồng bay áng sắc mây.

hoặc trong đoạn “Hoàng hôn ô bên cồn” đã trích trên kia, những ô, những , những cồn, những thôn dập dồn rộn rã.

Nhưng nhạc cũng là bước đi dịu dàng, nhịp nhàng của những lứa đôi câu, từng cặp, từng cặp dìu nhau qua trang giấy:

Cây đàn yêu đương làm bằng thơ

Cây đàn yêu đương run trong mơ

Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi

Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi

Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân

Buồn sang cây tùng thăm đông quân

Nhạc cũng chỉ là các nhóm chữ đi về, lặp lại, như chu kỳ ngày đêm, năm tháng, như nhịp sóng vỗ bờ, bàn tay vỗ về lên thân thể v.v…

Những cánh hồng đơm, những cánh hồng đơm

Nhẹ nhàng, nhịp nhàng… thở đều trong sương

Thơ bay, thơ bay vô bàn tay ngà

Thơ ngà ngà say, thơ ngà ngà say…

Ý nghĩa đòi âm thanh rồi âm thanh lại đẻ ra ý nghĩa. Saint-John Perse, Péguy rất thích kiểu này. Nhưng Khê thì khai thác lối nhạc này, chính là dựa vào vốn liếng Đông phương, hơi thở dân tộc.

Nhờ Khê ta nghe được những âm điệu trước đó chưa có, nhưng cũng nhờ Khê ta thấy được những cảnh chưa từng. Cái nhìn của Khê có nhiều cung bực, khi thì mờ ảo huyền hồ:

Huyền hồ nhìn không ra

Hay là tôi hóa hai

Đã chết đi một nửa

Hay là trời ban mai

Bị mù sương vây bủa

khi thì rạng rỡ:

Vàng ròng bạc tốt trong tay trắng

Danh nghĩa cao sang tợ mặt trời

Tiếng xe rổn rảng sau bờ trúc

Bóng vợ bóng con lẫn bóng cây

khi thì bát ngát:

Một bóng giăng rồi một bóng giăng

Hồn vẫn phiêu lưu rất nhẹ nhàng

Đến mút không gian là bát ngát

Một trời thơ mộng đẹp mê man

kể cả những lúc khá thực thà:

Người em rày mệt quá

Hai tay đây ra rã

Dìu lấy cùng nhau đi!

Thế nhưng anh nhìn thấy những cảnh ấy ở đâu, ở đâu? Ở bên ngoài hay ở nội tâm anh? Anh phản ánh hay là anh sáng tạo? Có thể nói anh nhìn hai nơi một lần, làm hai việc một lần.

Lò mò đường lên mây

Chén trăng vừa tầm với

Chàng ơi! Vàng ròng đây

Kề môi, say ân ái

Trăng không chỉ là trăng, mà là chén rượu ân ái, là vàng ròng. Anh cũng không chỉ phản ánh trăng mà còn phản ánh lòng anh đang say, muốn cầm, muốn hôn, muốn uống:

Quái thay hòn Non Nước

Nghe giảng đủ mười tông

Muôn năm lòng đá rắn

Nhuần thấm giọt từ bi

Biển xanh thay chất mặn

Rừng thẳm lọc hơi sầu

Anh đang thấy cái bên ngoài của sự vật, nào hòn Non Nước, nào đá rắn, nào rừng thẳm, nào biển xanh, hay đang thấy cả cái chuyển hóa bên trong của nó, đá thì nhuần thấm tình thương mà thôi. Không đá nữa, biển thì trút chất mặn khắc nghiệt của mình, và rừng kia cũng đang thanh lọc. Nhờ nghe kinh chăng? Kinh gì? Thơ anh đấy, lời đấy, ngôn ngữ đấy. Anh đã từng ví anh là trên đài Vọng Hải, chỉ nhượng Phật Như Lai kia mà.

Thương cho anh, bên vực thẳm của nấm mồ đang đợi vẫn không thôi tin ở quyền lực của con người, của thi ca, đã tạo ra những bức tranh hoành tráng, những cơn mơ tổng hợp là hai bài Ngũ Hành Sơn tiền và hậu ấy. Tuy biết rằng: Khi xong cơn mơ ấy, thì anh lại bị trả về thực tại phũ phàng:

Trở lại giữa bạn bè

Với hai tay bàn tay trắng!

Nhưng mơ được thì cứ mơ.

Tôi thường so sánh hai bài Ngũ Hành Sơn với bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. Chỉ vì cả hai thi sĩ đều tả cảnh đất nước, cả hai đều dùng thể ngũ ngôn. Cố nhiên tôi rất yêu Nguyễn Nhược Pháp ở Chùa Hương. Nhưng tôi xin phép được đánh giá Bích Khê cao hơn. Nguyễn Nhược Pháp tả một cảnh, kể một chuyện có thể có. Bích Khê tạo ra một điều khó thể có. Nguyễn Nhược Pháp dẫn bài thơ dọc theo chiều dài một tuyến. Bích Khê tung hoành, hoành tráng dọc ngang qua nhiều tuyến. Chữ ở Bích Khê cũng phát huy hiệu lực cả ba tầng hơn chữ của Nguyễn Nhược Pháp. Số là Bachelard có nói chữ như ngôi nhà, có tầng trệt ăn ở, ra vào, giao tiếp, lại có lẫm cao nơi ta lên với các vấn đề trừu tuợng, có hầm sâu nơi ta xuống các tầng tiềm thức của ta. Theo Bachelard: thơ thường từ tầng trệt đối ngoại đó, lên xuống các tầng cao và đối nội kia. Thơ Khê mạnh hơn Pháp chỗ ấy. Hãy đọc các chữ của anh:

Da trời màu thịt sứa

Da trời se chất sữa

Truyền cảm hứng mênh mông

hoặc:

Miệng nào giục điệu ca

Tóc nào buông lõa xõa

Mắt nào điên long lanh

Tay nào như sắp bay

Gió lồng hang Âm Phủ

Hoa mộng thẳm màu thâm

Bóng đa phờ tóc rũ...

Ta thấy thoắt cái anh ở tầng trệt, thoắt cái anh lên cao trên trừu tượng, thoắt cái anh chấn động ta nơi thẳm sâu tiềm ẩn của ta. Năm vừa rồi, chúng ta đã tái bản Nguyễn Bính. Anh được yêu mến ào ạt xứng đáng với tài năng anh, cộng với sự bù trừ cho những người đã lâu vắng mặt. Nhưng dù sao gặp lại Nguyễn Bính là gặp lại một cái gì quen thuộc. Còn Khê, thì khác. Sợ e bây giờ người ta cũng chưa quen anh dễ dàng đâu. Nếu Nguyễn Bính là một miền đồng bằng thân thuộc, thì Khê là một đỉnh núi lạ. Có những nhà thơ làm thơ. Có những nhà thơ vừa làm thơ vừa đẩy lịch sử thơ ca, duy tân thêm một bước. Có những nhà thơ đem đến một mùa lương thực. Lại có những nhà thơ cầm một dúm hạt giống mới trên tay. Khê thuộc vào hạng thứ hai.

***

Loại thứ hai này, cái lõi của nó, trái tim của nó, vẫn là loại thứ nhất. Người ta yêu thơ Khê, vì thơ anh chớ đâu chỉ vì anh là kẻ đi tìm. Huống nữa đi năm đồng bảy đỗi, anh tìm ra ai? Anh tìm ra anh. Có điều không bõ công vòng quanh như thế, đâu có tìm được ra mình. Anh đi khá xa trong kỹ thuật, nghệ thuật, để tìm được cái rất gần là trái tim người. Những lúc ấy anh vứt hết văn chương và kêu lên rất thật:

Anh ơi, từ đâu đến?

Em buồn em đang bệnh

….

Tôi không bao giờ thôi yêu nàng

….

Lên chơi hòn Non Nước

Ôm nhau chết bên đường

v.v...

Ta đang xem một người tung dao, múa kiếm tuyệt vời. Ta đang hoa mắt lên vì đường kiếm, ánh dao kia bỗng ô kìa sao có máu ai tia ra vậy? Máu của người đang trổ tài tung dao múa kiếm đấy.

Và chính anh ta cũng không biết nữa.

Anh ơi tôi mới đến

Là hiện thân của bệnh

Hai ta đều quạnh quẽ

Đứt ruột nhớ thương nhau

Nấn ná sẽ lìa nhau

Chiêm bao còn thấy nhau

Đọc thơ Bích Khê nhiều lúc ta có cảm giác ấy. Ba chữ nhau xoáy vào như ba mũi dao liên tiếp và máu đã tuôn ra.

Khê tìm ra mình, tìm ra Đông phương, tìm ra dân tộc. Những lúc ấy anh viết như không:

Thưa chị, đêm nay dường nhớ quá

Đưa thư, hồng nhạn biết mang không?

Muốn thấy người xa trong giấc mộng

Khuya lơ còn tựa ở bên song

Nào bên song, nào hồng nhạn, nào giấc mộng, nào đưa thư, ngỡ như chuyện cũ, lời xưa, tự thuở nào. Không đâu, chỉ chút thưa chị, chỉ một chữ khuya lơ, thì ta đã ở giữa thực tại bây giờ rồi. Chỉ cần một chút nhấn nhẹ thế thôi, đã là hiện đại. Chính Apollinaire, chính Lorca đã chinh phục chúng ta nhờ sự kết hợp truyền thống và cách tân, dân tộc và hiện đại này. Cô Hồ Xuân Hương truyền thống đã thành người vợ mới cưới của Bích Khê:

Người vợ trong thơ, gần, cách mộng

Đêm nay không biết có về không?

Nhưng cô Hồ Xuân Hương ấy không phải là người vợ theo công thức muôn thuở nữa:

Ô! Nàng Xuân Hương ngực để trần

Ngâm bài “Vấn nguyệt” tiếng trong ngần

Nhìn xuống nhân gian cười như điên

Chính phải đi vòng quanh thế giới để lúc trở về mới tìm ra cô có tiếng cười điên và bộ ngực để trần như vậy…

Từ giã anh em trước gió xuân

Khê báo trước mình sẽ chết vào mùa đông, cái mùa hộc máu của những người lao phổi. Cách mạng 1945 nổ vào mùa thu, tháng 8. Khê bảo người nhà đưa anh ra ngõ, để anh nằm trên giường bệnh, sắp kề cái chết vẫn có thể chào được cờ đỏ sao vàng. Bõ công cho anh nhìn được ngọn cờ thiêng liêng ấy của dân tộc. Chúng ta, những người của ngọn cờ đỏ ấy, với tấm lòng trân trọng những giọt máu tài năng của đất nước, trân trọng những lời thơ viết bằng tiếng nói dân tộc còn lại sau bao binh lửa, đạn bom, chúng ta làm tuyển cho anh. Xua con quạ đứng im hơi vỗ cánh bay trên mồ anh đi. Gỡ đi các nhãn hiệu mà anh tự dán, hay người khác dán cho anh đi, kể cả tự điển ta đã gán cho anh và cho Hàn Mặc Tử nhiều từ thô bạo! Ô, cái chế độ Sài Gòn làm rùm beng về anh, về Hàn Mặc Tử, mà họ chỉ khai thác tình yêu, bệnh tật, đời riêng các anh thôi, chớ tuyển tập đầy đủ nhất về tác phẩm Hàn Mặc Tử vẫn là những người của ngọn cờ đỏ sao vàng làm, còn tuyển thơ Bích Khê thì cũng đến chúng ta làm thôi. Năm 1963, chị Ngọc Sương định in cho em. Nhưng người chị cách mạng ấy làm gì có tiền! Cái một gia đình không làm được thì hôm nay một cơ quan cách mạng làm, một tỉnh quê hương cùng với gia đình chị Ngọc Sương làm! Cũng không phải chỉ có tỉnh Nghĩa Bình, vì tình quê hương mới nghĩ đến Bích Khê. Tuần trước, nhà thơ Hoàng Trung Thông viết cho tôi: “Làm tuyển Hàn Mặc Tử rồi, chờ gì mà không làm tuyển Bích Khê đi? Mình rất thích thơ cậu ấy”. Anh Vũ Quần Phương, một cây bút phê bình thơ khá có trọng lượng, hiện nay là biên tập viên của Nhà xuất bản Văn Học cũng vừa viết thư cho tôi nhắc chuyện Bích Khê.

Tôi tin không lâu nữa Khê sẽ có mặt trong các tuyển toàn quốc. Mặc dù thế, tôi nghĩ là nếu Bích Khê còn sống hẳn Khê rất sung sướng được in tại quê nhà, nơi Khê đã sống, nơi Khê đang yên nghỉ. Nơi Khê chào ngọn cờ đỏ sao vàng trước lúc qua đời. Còn chúng ta, chúng ta hãnh diện tuyên bố rằng: Từ mảnh đất miền Trung, từ Nghĩa Bình, sau thơ Hàn Mặc Tử, giờ đến lượt thơ Bích Khê đang nhập vào lưới điện quốc gia. Những câu thơ bừng sáng.

Viên Tĩnh Viên 5-2-1988

 

_____

(*) Tiếng Địch, báo in ở Sài Gòn, quãng năm 1940, nhưng tòa soạn Chùa Ông, Bình Định, do Yến Lan và Chế Lan Viên phụ trách. Báo có đăng thơ của Xuân Diệu, Xuân Sanh…

CHẾ LAN VIÊN