HV102 - Thư Paris về việc dịch sách Hồ Chí Minh của Lacouture

Chương 15: Trận chiến cuối cùng

Vào tháng 9 năm 1966 tại Washington tôi gặp một trong những người Mỹ thông minh nhất và hiểu biết nhất về những vấn đề châu Á - cụ thể là Đông Dương, mà đường hướng của ông, cũng như những địa vị của ông, đem lại những giải pháp hòa bình. Chúng tôi nói về ông Hồ - ý kiến của ông, về ngoài mặt, có vẻ không khác chi lắm quan điểm của tôi.

Đột nhiên, người đàn ông có trình độ văn hóa cao và nhạy cảm ấy bị bao trùm bởi một thứ nóng sốt quyền lực, quyền lực to lớn kinh khủng của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.

“Tôi thán phục ông Hồ Chí Minh, tôi cũng thế. Đó là một nhân vật hấp dẫn, thậm chí quyến rũ, một người yêu nước vô vụ lợi. Nhưng giấc mơ của cuộc đời ông, là sẽ thống nhất hoàn toàn nước Việt Nam trong thời gian quyền lực của ông, ông sẽ không thực hiện được. Chúng tôi đã quyết định là không chấp nhận điều ấy. Chúng tôi sẽ không khoan nhượng là miền Nam sẽ rơi vào tay ông... Tôi tiếc cho ông điều đó, nhưng điều ấy sẽ không thành...”.

Như thế, Bác Hồ qua đời, thực vậy, trước khi đạt được mục đích ấy. Đứa bé Cung, trở thành Nguyễn Tất Thành, trở thành ông Vương, trở thành ông Line, trở thành Hồ Chí Minh, không nhìn thấy một nước Việt Nam thống nhất và độc lập từ cửa Nam Quan cho đến tận mũi Cà Mau, nhưng những người khác, những người mà ông đã huấn luyện dạy dỗ cho việc đó, và ngay cả những người đã hy sinh, sẽ nhìn thấy cho ông.

Paris, tháng 10-1966 và tháng 9-1969

JEAN LACOUTURE

(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh)

"Paris ngày 22-2-2016,

Anh L. kính mến,

Em không tính trước được là công việc dịch cuốn Hồ Chí Minh của Jean Lacouture lại chậm hơn em tưởng, vì công việc này đem đến cho em rất nhiều xúc động qua từng dòng sự kiện, từng nhân vật khiến cho em (và cả chồng em cũng vậy) bị hỉ nộ ái ố đủ mọi chuyện, dù là quá khứ đã qua, lịch sử đã sang trang.

Cũng làm chậm, vì em phải đọc lại rất nhiều sự kiện lịch sử, hầu như tất cả, vừa để kiểm chứng lại những gì tác giả viết, luôn kể cả việc xem lại những thước phim tài liệu lịch sử, để có thể dịch sát nghĩa của tác giả. Thí dụ như Chương 8 nói về từ Hiệp định sơ bộ 6 tháng 3 cho đến cuộc tổng tấn công 19 tháng 12 làm cho em tức giận ăn ngủ không được! Đến nỗi em có cảm giác đã tìm ra những thủ phạm trong vụ án tướng Leclerc và vua Duy Tân!

Xem lại đoạn phim tài liệu của Pháp về khoảng thời gian khi Marius Moutet đến thị sát Hà Nội vào cuối tháng 12 năm 1945, khi Jean Sainteny bị thương và còn ở đấy, chỉ trong vòng có một ngày rưỡi rồi lại bay về Paris, em vừa tức giận vì cái ông chính khách đảng Xã hội này, một người mà Jean Lacouture kể lại rằng chính Hồ Chí Minh đã xem ông ấy là người bạn lâu năm nhất của mình tại Pháp, nhưng em cũng rất xúc động về sự đổ nát tan hoang của thành phố Hà Nội năm 1945.

Khi em dịch mấy chữ “những công sự chướng ngại vật đã được dựng lên”, khi xem phim tài liệu thì em mới hiểu mấy chữ mà em vừa viết đó, những đống gạch đất, hay gỗ vụn! Hay khi em dịch “những cuộc chạm súng diễn ra” thì đó là những tràng liên thanh của lính Pháp ngồi trên xe Jeep bắn bừa bãi vào nhà dân chúng dọc hai bên đường phố. Hay khi em dịch về “những phần tử Việt Minh” thì đó là những chàng thanh niên trẻ tuổi Hà Nội, trên người chỉ mặc độc có một cái quần, một cái áo mong manh… so với bộ đồ trận và vũ khí của người lính Pháp. Một sự tương quan lực lượng hoàn toàn không tương xứng!

Thế nên, em càng thấm thía hơn vì một sự lo lắng cho thế hệ trẻ tương lai khi dịch câu hỏi của Hồ Chí Minh đặt ra cho Hoàng Quốc Việt rằng: “Chúng ta đã di tản hết trẻ con?” vào ngày 17-12-1945, hai ngày trước ngày Tổng khởi nghĩa 19-12-1945.

Vợ chồng em đã đi đến tận mộ của ông đô đốc d‘Argenlieu, một ngôi mộ hoành tráng, hầu như xây ở giữa làng, có ngọn tháp nhỏ biểu dương tầm vóc của ông này, để xem đời ông chấm dứt ở nơi đâu. Em thì nghĩ thầm, chính ông, một trong những người phải chịu trách nhiệm về sự hy sinh xương máu của hàng vạn người Việt Nam và người Pháp, nhưng để làm gì? khi ông lại là một nhà tu hành?! Có thể, em đã có một câu trả lời, một nghi vấn, nhưng không tiện nói ra. Dù đã đọc nhiều về Hồ Chí Minh, nhưng tác phẩm của Lacouture rất có ích cho độc giả người Việt có được một cái nhìn của một người Pháp, một người bạn của Việt Nam, bổ sung cho những nguồn tư liệu khác.

Em đã đọc cuốn Paris-Saigon-Hanoi của Philippe Devillers, một cuốn sách cung cấp nhiều dữ kiện tỉ mỉ về tình hình Việt Nam thời ấy. Nhưng tác phẩm đó của ông Philippe Devillers phần lớn là một tác phẩm nghiên cứu, nên văn phong bình thản hơn, cân nhắc hơn, có phần trung lập hơn.

Trong khi đó, Jean Lacouture viết cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh gần như được viết theo thể loại viết “nóng”, kiểu viết của phóng viên chiến trường tại chỗ, trộn lẫn với nhiều chi tiết bộc lộ tình cảm của ông đối với sự kiện. Ông Lacouture vẫn nhận rằng, ông là nhà báo, không phải là nhà sử học.

Pierre, chồng em, kể là lúc anh ấy mới tập đọc, chừng 6 tuổi, hằng ngày đọc báo cho bà ngoại nghe, toàn là những tin chiến sự ở Việt Nam (Đông Dương), nên nhớ khá rõ và có ấn tượng mạnh với Đông Dương, trong vòng gia đình, hàng xóm đều có người đi chiến đấu ở Đông Dương...

Em dịch lung tung vì áp lực tình cảm quá lớn, em không đọc tiếp được, làm việc tiếp được cho đoạn đó, bèn nhảy sang đoạn khác... Vì thế em gửi anh xem đoạn cuối cùng của cuốn sách Lacouture, em dịch xong là em khóc, vì từ nhiều năm nay, em có được cái hạnh phúc đi chơi từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc một cách ung dung, mà thời xưa thì là “nghìn trùng xa cách”, bao nhiêu xương máu đã đổ ra, bao nhiêu hy vọng và thiện chí đã bị dập tắt, việc mong ước thống nhất lại con đường huyết mạch Bắc-Trung-Nam đã là một việc không thể có... chỉ vì dã tâm của những người khác...!

Em vừa được tin là ông Philippe Devillers mới qua đời vào ngày 15-2-2016, thọ 95 tuổi, lễ chôn cất sẽ được cử hành vào ngày 22-2-2016, hôm nay, tình cờ đúng vào khoảng thời gian em đọc lại tác phẩm của ông ấy, nên em cũng thắp một nén hương để cảm ơn ông. Xa quá, ở tận Macon, cách nhà em ở khoảng 500km, nếu không thì em cũng đã đi viếng ông...".

MATHILDE TUYẾT TRẦN