Hội nghị Trung ương (lần 2 - khóa 12) vừa kết thúc đã giải quyết nhiều nhiệm vụ quan trọng, định ra phương lược cho sự phát triển đất nước trong những năm sắp tới. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng 12, Trung ương đã thông qua chương trình làm việc toàn khóa, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020).
Một việc quan trọng mà Bộ Chính trị đề xuất và Trung ương thông qua là việc giới thiệu những chức vụ chủ chốt của Nhà nước ta để Quốc hội bầu hoặc phê duyệt. Đây là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, vì sau Đại hội Đảng, các chức vụ cần phải được thay thế để không tạo ra khoảng trống quyền lực. Theo đó, đồng chí Trần Đại Quang được đề cử Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng và đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội.
Qua kỳ họp lần này, chỉ trong 3 ngày, chúng ta thấy được sự sâu sắc, chín chắn, quyết đoán của Bộ Chính trị, của Ban chấp hành Trung ương, của người đứng đầu Đảng, cho thấy sự thống nhất cao trong Ban chấp hành Trung ương về các quyết sách, cho thấy tính nguyên tắc được tăng cường, các mục tiêu chiến lược được xác định rõ; toàn Đảng nhìn theo một hướng, từng bước vượt qua thách thức để làm trọn sứ mệnh trọng đại.
Tình hình đất nước khi bước vào năm 2016 và 5 năm tiếp theo đã lộ rõ những thuận lợi và những khó khăn thách thức. Nước ta vẫn được đánh giá là một trong 5 nền kinh tế sẽ có sự tăng trưởng cao nhất ở châu Á (dự kiến năm 2016, GDP tăng chừng 6,7%). Những thuận lợi của ta đang được tiếp sức thêm bởi các hiệp định thương mại tự do với EU, với ASEAN, với TPP… đã được hoặc sắp có hiệu lực. Chừng đó xuất khẩu sẽ tăng và thuế sẽ giảm…
Nhưng những thách thức gay gắt thì chúng ta đều biết, ngoài nợ công, ngoài sự mất cân đối giữa thu và chi, ngoài việc tái cơ cấu kinh tế chưa hoàn thành, các xí nghiệp công vẫn tiếp tục lỗ, thì tai họa do biến đổi khí hậu ập đến nước ta ở đồng bằng sông Cửu Long, ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên… Hạn hán, mất mùa, thiếu cả nước sinh hoạt, làm dân khốn đốn chưa từng có…
Tình hình này càng khiến chúng ta cần dốc lòng dốc sức lo cho dân. Chống tham nhũng phải đi liền với chỉnh đốn Đảng, phải có kế hoạch căn cơ, hữu hiệu…, không thể để kéo dài. Chúng ta đã nói quá nhiều đến vấn đề này. Rất đúng khi chúng ta gọi tham nhũng là “nội xâm”, là vấn đề “mất - còn” của chế độ. Kinh tế không thể phát triển với nạn tham nhũng, lãng phí; chế độ không vững mạnh nếu bộ máy hành chính ruỗng nát vì tham nhũng, lòng tin của người dân không còn khi nhìn thấy sự bất công trắng trợn do tham nhũng…
Trong những khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho Việt Nam, ngoài những điều đáng chú ý là Việt Nam phải tăng trưởng 7% một năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 2.000USD/năm hiện nay lên 7.000USD/năm vào năm 2035 (hoặc 4.500USD/năm); thì việc phân định rõ vai trò và trách nhiệm trong hệ thống nhà nước và xây dựng bộ máy hành chính có thực tài; phân biệt rõ vai trò của khu vực công và khu vực tư trong kinh tế và nhà nước phải đóng vai trò hoạch định và xây dựng khung chính sách chứ không tham gia sản xuất, tăng cường sự tham gia của người dân, tăng cường kiểm soát và cân bằng giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp…
Trung Quốc, sau khi hầu như hoàn tất việc xây đảo đá, quân sự hóa các đảo đá đó để giành vị trí chiến lược trên biển Đông, đang có chiều hướng gia tăng âm mưu độc chiếm biển Đông.
Trước hết, họ nói: Không có biển Đông thì Trung Quốc không thể trở thành siêu cường, không có biển Đông Trung Quốc không thể trỗi dậy. Và biển Đông là lãnh thổ, là chủ quyền của họ; họ là người phát hiện ra các đảo, ra biển Đông từ thời xa xưa. Nghĩa là họ dùng sức mạnh để lập luận, bất chấp tất cả.
Họ tuyên bố “hữu nghị” với các nước ASEAN. Chính sách ấy gồm bốn chữ: Thân 親, Thành 誠, Huệ 惠, Dung 容 (Thân thiết, Chân thành, Ban ơn - cùng có lợi, Bao dung). Nghe có vẻ “chính sách ngoại giao nước lớn”. Mặt khác, họ chủ trương chính sách láng giềng: đông thủ 東守, bắc cố 北固, tây ổn 西穩, nam tiến 南進 (phía đông phòng thủ, phía bắc củng cố, phía tây ổn định, phía nam tiến công). Phía nam có Việt Nam. Quả thật, họ chỉ còn phía nam để “thoát”, các phía kia khó gặm. Chiếm cứ biển Đông trở thành vấn đề chiến lược của Trung Quốc.
Các nước trên thế giới không ai là không phản đối sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông, ủng hộ Việt Nam đòi giải quyết hòa bình, không dùng vũ lực, theo luật quốc tế… Trung Quốc luôn bị cô lập trên trường ngoại giao.
Song chừng ấy là chưa đủ. Ta phải lớn mạnh để phòng thủ. Ta phải liên kết để có sức mạnh. Và ta phải nghiên cứu các chính sách phòng thủ tùy tình hình diễn biến. Mỹ là một cực quan trọng trong vấn đề tự do hàng hải trên biển Đông. Trung Quốc rất khôn ngoan, họ lập luận biển Đông là biển tự do nhất trên thế giới. Nhưng nó phải là của Trung Quốc, do Trung Quốc quản lý, chiếm giữ! Hiện thời, ta đang mở cửa quân cảng Cam Ranh cho tàu các nước ra vào, sửa chữa. Đó là một nước cờ cao. Từ Cam Ranh, có thể kiểm soát cho tới Malacca và toàn bộ biển Đông trước mặt. Ta đề nghị Mỹ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương với mục đích phòng thủ mạnh hơn. Nói chung, tùy tình thế và với mục tiêu tối thượng là bảo vệ độc lập - chủ quyền…, Việt Nam sẽ tùy tình thế ứng biến.
Nhìn sang các điểm nóng khác. V. Putin bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria, làm cho Mỹ và các nước khác bất ngờ. Đây là một hành động có dụng ý - một nước cờ cao của Nga. Cho rằng, sứ mệnh của Nga ở đó đã hoàn tất, Nga muốn góp phần vào việc tái lập hòa bình, vào việc đàm phán giữa các bên ở Syria đồng thời tiết kiệm được tài chính (chi phí khoảng 1,2 tỉ USD/năm).
Nam, Bắc Triều Tiên vẫn căng thẳng, căng thẳng ở mức cao nhất. Dư luận quốc tế cho rằng Kim Jong Un chỉ muốn củng cố quyền lực thống trị bằng cách chơi trò chơi hạt nhân - trò chơi bên miệng hố chiến tranh. Hậu quả là Mỹ dựa vào cớ bảo vệ Hàn Quốc, toan tính triển khai THAAD (tên lửa nhiều tầng) tại Hàn Quốc. Điều này đe dọa an ninh của Trung Quốc, nên Trung Quốc cực lực phản đối.
Dù sao, tình hình hai bên rồi sẽ lắng dịu sau vài tuần nữa thôi. Bởi một mình Kim Jong Un không chọi nổi Mỹ - Hàn - Nhật. Nếu anh bấm nút, Mỹ sẽ lập tức phản pháo, “tiêu diệt” ngay Kim (vì Mỹ có hệ thống định vị rất chính xác).
Chuyện thời sự quốc tế ngày ngày diễn biến, nói mãi không hết. Nói sang một “chuyện vặt”: chuyện cà phê.
Đất nước ta là đất nước của cây cà phê. Vậy mà bây giờ các quán cà phê ở ta bán cà phê giả. Theo Đài truyền hình, họ lấy các hóa chất bán rẻ rề ở chợ Kim Biên, pha vào hạt đậu nành, hạt ngô… rang xay và đem bán khắp mọi nơi. Cà phê thật pha vào nước có màu hơi vàng, cà phê giả sẽ có màu đen… một màu đen đáng ngờ.
Chúng tôi không dám uống cà phê nữa. Mất một thú vui, một sinh hoạt văn hóa. Một anh bạn nhắc đến những cà phê vỉa hè ở Paris, đến những quán cà phê khu La tinh nơi mà các văn hào Pháp nổi tiếng uống cà phê và sáng tác. Anh bạn đã bỏ tiền ngồi uống thử, để thể nghiệm cái thú uống cà phê của dân Paris.
Ở ta, mong rằng các cơ quan có trách nhiệm nên vào cuộc kiểm tra để bảo vệ con người, bảo vệ cà phê thứ thiệt.
Gần 8.000 lễ hội hàng năm (chủ yếu là ở miền Bắc) là một vấn đề đáng phải suy nghĩ sâu rộng. Gần đây, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã ngăn bớt các lễ hội có tính chất hủ tục, bắt chước, đua đòi (như lễ hội chọi trâu vốn chỉ có ở Đồ Sơn, nay một số nơi làm theo). Mà ngay ở Đồ Sơn, cái tục xẻ thịt cả con trâu thắng cuộc lẫn con thua cuộc, đem bán thịt (giá cao), nhắm rượu, cũng không được “văn minh” cho lắm.
8.000 lễ hội, mà trong đó cái phần mê tín, cầu xin lợi lộc, nhét tiền vào tượng Phật để “hối lộ”… là cái phần cặn bã. Nhìn chung, không phải tín ngưỡng dân gian gì cũng chứa đựng cái phần lành mạnh tất cả. Do đó, khi khôi phục thì phải tính đến cái phần loại bỏ, phê phán. Các địa phương bị động chạy theo lễ hội, trong đó có tính tới phần “thu nhập” từ lễ hội, đã không làm được việc này. Các cấp quản lý cấp cao cũng không có những tiêu chí, chỉ dẫn cụ thể. Việc nghiên cứu các lễ hội cũng có chiều hướng đề cao một chiều mà không thấy cái tiêu cực của bối cảnh lịch sử vua quan phong kiến nó ăn sâu bén rễ vào tâm thức của nhân dân, vào lễ hội. Truyền thống đã qua đè nặng lên những người đang sống, câu đó của Engels thật đúng trong trường hợp này.