HV103 - Cơn sốt “Hậu duệ Mặt trời” và lòng tự trọng dân tộc

Đây là bộ phim truyền hình chiếm được số người xem kỷ lục ở Hàn Quốc, được chính Tổng thống Hàn Quốc ủng hộ và khen ngợi. Theo bà Park Geun-hye, tác phẩm này đã góp phần quảng bá văn hóa Hàn Quốc đến khán giả nước ngoài... Hậu duệ Mặt trời đã được Trung Quốc mua bản quyền, phát song song với Hàn Quốc và đã tạo thành một cơn sốt lớn, thu hút đến hàng tỉ lượt người xem…

Có lẽ lâu lắm phim truyền hình Hàn Quốc mới trở lại đề tài chiến tranh, với nhân vật chính là những người lính đang làm nhiệm vụ quốc tế, đề cao tinh thần yêu nước. Trước kia, cũng với hình ảnh những người lính Hàn đi “làm nhiệm vụ quốc tế ở Việt Nam”, phim Tạm biệt sông Ba đã gây bất ngờ trong công chúng Hàn Quốc vì đã nói lên một phần nhỏ sự thật về những trận càn đẫm máu của quân đội Park Chung Hee đối với người dân thường vô tội Việt Nam lúc bấy giờ. Bộ phim đã quay phần lớn bối cảnh ở Việt Nam, nói về mối tình của một cô gái Việt Nam với một anh lính Đại Hàn, nhưng cuối cùng đã không được chiếu ở Việt Nam dù Đài Truyền hình TP.HCM đã có lịch phát sóng (?!). Từ nhiều năm nay, dù chính phủ Hàn Quốc không có một lời xin lỗi nhân dân Việt Nam, nhưng sự thực ấy không thể nào che giấu, nó đã được phổ biến rộng rãi trên tờ Thế Kỷ 21 do nhà báo Ku Su Jeong phanh phui. Và hằng năm, những lương tri Hàn Quốc đã đến Việt Nam để làm thiện nguyện, mang theo một lời xin lỗi chân thành khi về lại những vùng quê mà quân đội của họ đã gây tội ác…

Và bây giờ một lần nữa, hình ảnh người lính Hàn đi làm nhiệm vụ bảo vệ hòa bình quốc tế ở Uruk, một địa danh tưởng tượng, nhưng mọi hình ảnh ở đây cho thấy đó chính là vùng đất Trung Đông. Dù tác giả không nói rõ, nhưng người xem không khỏi liên tưởng đến hình ảnh những người lính Hàn Quốc buộc phải đi tham chiến ở Trung Đông theo lời kêu gọi của đồng minh Mỹ. Nhưng các tác giả đã làm nhẹ nhàng hơn khi để cho nhân vật của mình chỉ đến để cứu giúp người dân gặp nạn. Trên nền bối cảnh ấy, tình yêu đã nảy sinh giữa người lính của lực lượng bảo vệ hòa bình và cô bác sĩ thiện nguyện… Đó là hình ảnh rất đẹp, tình yêu của họ rất đẹp, vì họ là những người đi làm nhiệm vụ quốc tế sẵn sàng hy sinh vì danh dự tổ quốc. Phải công nhận chỉ với 16 tập phim mà bộ phim đã hoàn toàn chinh phục được người xem, đã tạo nên được một mẫu hình người hùng trong bộ quân phục Hàn Quốc…

Cũng từ hình ảnh này, ta không thể không liên tưởng đến hàng trăm Đài tưởng niệm các cựu chiến binh Hàn Quốc từng chiến đấu và chết trận ở Việt Nam đang mọc lên như nấm ở Hàn Quốc. Ở những Đài tưởng niệm này, những tấm bia đã không ngớt lời ca ngợi công tích của những người hùng ở các lữ đoàn Thanh Long, Bạch Mã vào thập niên 70 với hình ảnh người lính Park Chung Hee tay ẵm em nhỏ, tay dắt người già Việt Nam băng qua vùng lửa đạn. Thật là mỉa mai! Giá như người dân Hàn Quốc biết rằng đó là đội quân gây hãi hùng nhất trong tâm khảm đồng bào ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, địa bàn hoạt động của quân đội Đại Hàn: Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Bia căm thù còn đó với hàng ngàn người dân vô tội bị giết bằng những cách thức tàn bạo thời Trung cổ. Nếu như Sơn Mỹ được đưa ra ánh sáng vì cả thế giới đã nhìn thấy hình ảnh man rợ này qua những bức ảnh của Ronald Ridenhour, người đã kiên quyết đưa vụ thảm sát ra trước công luận thế giới… thì những vụ thảm sát thường dân Việt Nam, của lính Đại Hàn, ngược lại, đã rơi vào im lặng ngoài những tấm bia căm hận nhuốm đầy máu tươi của dân lành Việt Nam. Nhưng với đa số người dân Hàn Quốc, đây cũng là Lực lượng bảo vệ hòa bình, là những người hùng mà đất nước Hàn Quốc luôn phải nhớ ơn…

Vì thế, việc giới trẻ Việt Nam yêu say đắm hình ảnh lẫm liệt của đại úy Joo-Shi-Jin (Song Jong Ki sắm vai) và một số ca sĩ, diễn viên đã không ngần ngại khoác lên người bộ quân phục này đưa lên mạng với sự cổ vũ của rất nhiều người trẻ… làm không ít người đã từng đi qua chiến tranh cảm thấy quá đỗi chua xót. Có dân tộc nào anh hùng như dân tộc Việt Nam? Bộ quân phục Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh bại những đế quốc hùng cường nhất và đã làm nên những chiến tích mà cả thế giới phải nghiêng mình kính phục. Nhưng chúng ta đã giáo dục lịch sử cho thế hệ sau hòa bình như thế nào để các em không hề biết trân trọng bộ quân phục bách chiến bách thắng của dân tộc mình, không ngưỡng mộ hình ảnh người lính anh hùng của chính đất nước chúng ta mà lại đi ngưỡng mộ người lính của đất nước đã từng vấy máu đồng bào mình?!…

Nói ra điều này sẽ có người cho là cực đoan, vì phim là phim, là giải trí. Phim hay, diễn viên đẹp và đóng xuất thần sẽ được đông đảo người hâm mộ không có biên giới quốc gia. Điều đó hoàn toàn đúng, giới trẻ không có lỗi nếu không yêu môn lịch sử, nếu thấy những bài học lịch sử ở nhà trường quá nhàm chán đến nỗi họ không còn một chút rung động và lòng tự hào dân tộc khi học những trang sử oai hùng của dân tộc. Lỗi này thuộc về chương trình giáo dục, và những người làm sách giáo khoa đã vô tình làm thui chột lòng yêu nước của thế hệ trẻ qua môn học Lịch sử ở nhà trường. Lỗi này nếu không mau chóng khắc phục thì không biết đất nước Việt Nam sẽ ra sao khi phần lớn người trẻ thờ ơ với truyền thống và sự tồn vong của dân tộc.

Trên mạng Internet hiện nay đang có hai luồng tư tưởng phân cực từ ý kiến của nhà báo Quang Thi (báo Tuổi Trẻ), người đã từng du học ở Hàn Quốc khi anh bức xúc: “Khi nhìn thấy ca sĩ Đông Nhi, Ông Cao Thắng, Bảo Anh... ghép hình mình lên trang phục quân nhân Hàn Quốc, tôi tức điên người. Tôi không nói là mọi người không có quyền xem bộ phim. Nhưng nếu một ngày nào đó một bộ phim PR cho hình ảnh quân đội Hàn trên truyền hình Việt thì tôi không có từ nào khác để chỉ điều đó đâu, ngoài chữ: sự ô nhục!... Tôi tin rằng nếu linh hồn những người dân thường của đồng bào tôi bị sát hại tức tưởi còn vất vưởng, chưa nguôi lòng để đi đầu thai thì họ vẫn coi phim Hàn. Nhưng nếu nhìn hình ảnh lính Hàn trên màn hình tivi, trái tim họ sẽ thắt lại. Bởi vì, những gì đã cướp đi mạng sống của họ, người thân, láng giềng, đồng bào của họ… hoàn toàn không phải như vậy! Xin hãy còn giữ lại chút nào của lòng tự trọng dân tộc ở mỗi hành vi, mỗi lựa chọn hàng ngày mà cá nhân chúng ta còn có thể…”. Những ý kiến đồng tình đã nhận định “thế hệ trẻ bây giờ chỉ để ý đến sở thích cá nhân, đem hình ảnh của mình ghép lên trang phục lính Hàn mà không nghĩ đến hành động đó làm hổ thẹn với lớp cha ông đi trước”. Thậm chí, có bạn còn ví việc làm này không khác nào bỏ quốc kỳ nước ta, khoác lên người quốc kỳ của nước khác. Nhưng ý kiến thứ hai phản kích lại cho rằng tư tưởng này là cực đoan và phim chỉ là để giải trí, người trẻ có quyền làm điều gì họ thích miễn không xâm phạm tới ai. Và cũng có ý kiến lên án bài học lịch sử ở nhà trường phổ thông: “12 năm học Sử của tụi nhỏ nước nhà, đến cái Chiến tranh biên giới 79, 84 được nhắc đến 2 dòng trong sách giáo khoa. Hoàn toàn không thấy mấy cuộc chiến giữ đảo… Điện Biên Phủ cũng rất mơ hồ. Tên bí danh của chiến dịch còn chả buồn được nhắc đến. Ngoài bác Giáp đố mọi người biết được bao nhiêu đại đoàn tham gia, bao nhiêu vị tướng, tổng số binh lực và thiệt hại của chiến dịch. Điện Biên Phủ còn vậy đừng nói đến liên hệ chiến cục Đông-Xuân nối dài tới trận đánh. Giờ hỏi lý do tại sao từ đánh thần tốc của Điện Biên bị đổi lại thành đánh chậm, đánh lâu dài chắc 100 đứa học sinh thì 99 đứa không hiểu cái gì đang được nhắc đến nữa là…” (Lê Duy Tường).

Tôi cho rằng cả hai ý kiến đối ngược này đều có cái lý của nó. Nhưng vấn đề mà chúng ta nhắc ở đây không phải là chuyện nên xem phim hay không, vì bản thân bộ phim không hề có lỗi. Mà vấn đề ở đây chính là lòng tự trọng dân tộc. Cứ nhìn Hàn Quốc để hiểu, năm 2004, cô diễn viên nổi tiếng Lee Seung Yoen chụp bộ ảnh khỏa thân giả làm nô lệ tình dục của quân đội Nhật đưa trên mạng thì lập tức bị tẩy chay. Bộ ảnh của Lee Seung Yeon đã gây phẫn nộ cực độ trong dân chúng Hàn. Các đài phát thanh, truyền hình Hàn Quốc gạt bỏ tất cả những chương trình quảng cáo phim nhiều tập của Lee Seung Yun đang phát sóng, ngay cả các công ty thương mại đã ký hợp đồng với Lee Seung Yun cũng đều cho hủy chương trình. Trong phút chốc cô mất tất cả và bị lên án là xúc phạm những người phụ nữ đáng thương của Hàn Quốc trong chiến tranh Nhật - Hàn. Cô phải đến quỳ gối trước mặt các cụ để xin được thứ lỗi và phải đi lưu vong nước ngoài một thời gian để công chúng nguôi giận. Ngay giám đốc Công ty Netian Entertainment là Park Ji Woo, người đã tài trợ cho Lee Seung Yun phát hành tập album, phải tổ chức cuộc họp báo xin lỗi và cùng với hơn 20 nhân viên của mình, Park Ji Woo đã cạo trọc đầu để tạ lỗi và đích thân đốt hết những phim âm bản, băng, đĩa có chứa dữ liệu về kế hoạch, hình ảnh liên quan đến tập album của Lee Seung Yun.

Từ sự kiện này, hãy thử đặt câu hỏi, nếu như có diễn viên, ca sĩ nào của Hàn Quốc khi xem phim chiến tranh của Nhật vì ngưỡng mộ diễn viên Nhật mà mặc bộ quân phục của thần tượng mình đưa lên mạng thì hậu quả sẽ ra sao? Chúng ta hiểu đó là lòng tự trọng dân tộc… Lòng tự trọng mà mỗi đất nước phải gìn giữ giống như gìn giữ phẩm giá của chính mình. Ai xúc phạm thì kẻ đó là tội đồ của dư luận xã hội. Pháp luật không ngăn cấm và không có điều luật nào ngăn cấm, nhưng đó chính là lương tri của mỗi công dân đối với tổ quốc của mình…

NGÔ NGỌC NGŨ LONG