HV103 - Người đẹp của cụm tình báo B.22*

Đó là nhân vật có ảnh trên bìa báo Hồn Việt số 80 (tháng 4-2014) với chú thích:

“Bà Hoàng Thúy Lan - nữ quân y, Chủ nhiệm Xưởng phim Hà Nội, vào Sài Gòn làm Tổ trưởng tình báo, bị địch bắt, giam cầm, tra tấn ở Côn Đảo… Sau giải phóng, bà là Phó giám đốc Xưởng phim Tổng hợp (nay là Hãng phim Giải phóng), TP.Hồ Chí Minh. Bà mất vào tuổi 85.

Như vậy, bà là một trong những phụ nữ kiên trinh, anh hùng đã hy sinh cả tuổi xuân, nhan sắc, tâm huyết cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc”.

Trong kháng chiến chống Pháp

Tên thật của bà là Madeleine Nguyễn Thị Quới(1), sinh năm 1923, đã kinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã trải qua những nhà tù của Pháp lẫn của Mỹ...

Trước kia, cha mẹ và anh chị em bà ở Cao Miên. Bà lập gia đình trước khi Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra. Sau tháng 8-1945, phần lớn gia đình bà ở lại Cao Miên, cha bà là thành viên của Hội Việt kiều Cứu quốc ở nước này. Riêng hai vợ chồng bà về Nam bộ hoạt động cách mạng tại Vĩnh Long. Hai người được giao nhiệm vụ trung chuyển tin tức cho vùng tự do. Một thời gian sau, địch tình nghi rồi bắt cả hai. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cãi trắng án (miễn phí) cho họ. Khi được tự do, chồng bà thoát ly vào khu. Còn bà vẫn ở trong vùng tạm chiếm, bà lên Sài Gòn tiếp tục công tác, sau đó đến Tây Ninh. Một hôm, bà được ông Thọ nhắn tin gặp gấp: bọn mật thám đang lùng sục bà vì có người khai báo. Và chính ông đưa bà ra bến xe đi trở lại Vĩnh Long. Bà tá túc tại nhà con trai của một người bạn của cha bà trong khi chờ đợi móc nối vô khu.

Năm 1949, cả hai vợ chồng bà là nhân viên Ban Quân nhu Liên trung đoàn 109-111. Trong những cuộc lễ tổ chức tại địa phương, ông bà đều có đóng góp tiết mục văn nghệ. Bà là một tay đàn ghi ta Hạ Uy Di mượt mà và được mệnh danh là hoa khôi trong vùng kháng chiến lúc bấy giờ. Hiệp định Genève được ký kết. Vợ chồng bà và người em gái, hai em trai tập kết ra miền Bắc.

Vào ngành điện ảnh

Ở miền Bắc, năm 1957, bà là một trong số những người có khiếu văn nghệ được tuyển chọn sang Trung Quốc học lớp đào tạo đạo diễn điện ảnh. Trong số phim của Hãng Phim truyện Việt Nam, người ta thấy Hoàng Thúy Lan là nữ chủ nhiệm phim Chị Tư Hậu, sản xuất năm 1962, dựa theo kịch bản văn học Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Bùi Đức Ái (sau là Anh Đức).

Một hình ảnh mà dân Hà Nội bấy giờ không quên là người nữ chủ nhiệm xinh đẹp thường ngồi trên một chiếc xe gắn máy Mobylette từ Phnôm Pênh gửi sang. Bấy giờ, ở miền Bắc, xe đạp de luxe hiệu Pháp như Alcyon còn khó thấy, thế mà Hoàng Thúy Lan cứ nhong nhong qua đường phố Hà Nội trên chiếc xe gắn máy ấy, trông thật “gai mắt”; do vậy, nhiều người ngại không dám tỏ ra thân thiết với bà.

Năm 1966, một hôm, bà được mời đến Cục Nghiên cứu. Bà được chỉ thị học ngành tình báo để đưa vào miền Nam hoạt động. Bà được hướng dẫn về nghiệp vụ, học vô tuyến điện, học mật mã… Bà cũng được học tiếng Anh, được cung cấp từ điển Anh-Việt và Việt-Anh. Tuy chưa nói sõi tiếng Anh, nhưng xem tài liệu bằng Anh ngữ thì bà hiểu được.

Và rồi bà biến mất khỏi Hà Nội.

Vượt sông Bến Hải vào Nam hoạt động

Hôm ấy, một thiếu phụ trên 40 tuổi, mảnh khảnh, xuất hiện ở bắc vĩ tuyến 17. Bà đã từ Hà Nội đi xe tới cầu Hiền Lương này, và đã bơi sang bờ nam do hai giao liên dẫn đường. Sang được bờ nam, bà đón xe đò về Huế, rồi đáp máy bay đến Sài Gòn.

Bấy giờ người thân của bà ngụ tại đường Trương Tấn Bửu(2), có mẹ già, em gái thứ sáu và em trai út.

Đã xế chiều, bà gõ cửa.

- Ai đó? - có tiếng hỏi.

- Xin lỗi - bà đáp - tôi muốn gặp bà Mỹ một chút.

Mỹ là tên của mẹ bà. Một phụ nữ trẻ bước ra, hỏi tiếp:

- Bà là ai?

- Jacqueline, chị Ba nè em! - bà kêu lên.

Chủ nhà bàng hoàng:

- Trời, trời!

Bà vô nhà, gặp mẹ. Người mẹ run run. Bà nói:

- Má bình tĩnh, má bình tĩnh!

Cảnh sum họp bất ngờ và bí mật trong gia đình đầy nước mắt, sau đó tiếng nói cười kéo dài suốt mấy đêm.

Tổ chức đã lo liệu toàn bộ giấy tờ hợp pháp cho bà, trong vai một phụ nữ tên Nguyễn Thị Minh đã sống nhiều năm ở Cao Miên, nay hồi hương trở về với gia đình. Theo căn cước (giả), bà là giám đốc sản xuất hãng phim ảnh Thúy Minh, vợ một bác sĩ ở Đà Lạt. Do vậy, nhà chức trách cũng như xóm giềng xung quanh không ai nghi ngờ gì. Theo chỉ thị, bà liên hệ với Trần Ngọc Hiền, đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam, thâm nhập miền Nam tháng 8-1964, trong một mạng lưới tình báo.

Công việc đang trôi chảy thì vào tháng 3-1969, bà bị bắt giam. Có người khai báo. Đó là N.V.T., được phái vào miền Nam phụ trách cụm tình báo của Trần Ngọc Hiền.
Ngày 17-4-1969, tại phòng họp của Nha Cảnh sát quốc gia ở Sài Gòn, thiếu tá Nguyễn Mẫn, phụ tá Khối cảnh sát đặc biệt, cho biết rằng Cảnh sát đặc biệt đã bắt giữ trọn ổ một tổ chức mang bí số B.22, trong đó có 26 bác sĩ, giáo sư và chủ báo Sài Gòn, như Nguyễn Lâu - chủ báo tiếng Anh Saigon Daily News, bác sĩ nhãn khoa Nguyễn Đình Cát, cư sĩ - nhà văn Võ Đình Cường thuộc Tổng vụ Thanh niên Phật tử (phái Ấn Quang). Tổ chức tình báo này có nhiệm vụ móc nối với các cơ sở, nhân vật, chính khách quan trọng để thu thập tin tức gửi về Hà Nội và Trung ương Cục miền Nam; mặt khác, lôi kéo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam cộng tác với Cộng sản Bắc Việt và Việt Cộng(3). Ba nhân vật đầu não của tổ chức này đã bị bắt: N.V.T. (đại úy Bắc Việt), Trần Ngọc Hiền (đại úy Bắc Việt), nhà sản xuất phim Nguyễn Thị Minh (cũng từ Bắc Việt thâm nhập vào Nam).

Ba người nói trên được trình diện với báo chí, nhưng mỗi người chỉ tự giới thiệu vài câu thì bị mời ra khỏi phòng họp báo.

Báo Hòa Bình, trong số 100, ngày 18-4-1969 còn viết như sau về người nữ tình báo: “Tuy đã 44 tuổi nhưng vẫn còn cột tóc “đuôi ngựa” và mặc áo dài hàng rất mỏng”.
Ba cán bộ “Cộng sản Bắc Việt” bị kết án nặng trong năm 1969; riêng đối với em của Trần Ngọc Hiền là Trần Ngọc Châu (dân biểu Sài Gòn, nguyên tỉnh trưởng Bến Tre), mãi đến cuối năm 1970 mới bị chính thức kết án trong vụ án kéo dài bấy giờ được gọi là “vụ Trần Ngọc Hiền - Trần Ngọc Châu”.

Bà Hoàng Thúy Lan bị giam trong nhiều nhà tù, cuối cùng bị đày ra Côn Đảo, bị giam vào chuồng cọp vì không chịu chào cờ của chính quyền Sài Gòn. Những cựu tù Côn Đảo kể lại rằng bà là nữ tù tiêu biểu cho tinh thần chống chào cờ rất quyết liệt. Năm 1970, gia đình gửi thư báo tin mẹ bà từ trần, bọn địch lợi dụng cơ hội này để ra điều kiện: nếu bà chịu ra chào cờ chúng sẽ giao thư, nhưng bà vẫn cự tuyệt, cuối cùng chúng phải chịu thua.

Chiến thắng từ ngục tù của địch trở về

Tháng 1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, nghị định thư đề cập việc trao trả tù binh và tù dân sự của hai phía. Chính quyền Sài Gòn gian trá đổi một số tù chính trị thành tù hình sự với tên gọi “gian nhân hiệp đảng”, chuyển một số đi nơi khác, phóng thích lẻ một số với giọng lu loa rằng những người này đã “trở về với chính nghĩa quốc gia”. Những tù nhân gốc Nam bộ, chúng gọi là Việt Cộng, được trao trả tại Thiện Ngôn (Tây Ninh), Lộc Ninh (Bình Long), những cán bộ hoặc binh sĩ thâm nhập vào Nam - chúng ghi là của Cộng sản Bắc Việt - được trao trả tại Thạch Hãn.

Trong cuộc trao trả vào tháng 2-1973 tại Thạch Hãn, bà Hoàng Thúy Lan không thể tự đi nổi vì bị giam trong chuồng cọp Côn Đảo nhiều năm, chân bị xiềng trong cùm thành tê liệt. Bà được bạn tù khiêng võng qua sông, cùng đồng đội vui mừng với tư cách người chiến thắng ngục tù Mỹ - ngụy trở về. Tình cờ, các nhà quay phim nhận ra bà và báo về gia đình.

Con gái bà là Nguyễn Thị Thùy Nhung kể lại:

- Tổ chức lúc đó cũng không nắm được danh sách, nên khi mẹ được trao trả, bị liệt, gia đình chỉ đi thăm khi mẹ được an dưỡng ở Thanh Hóa.

Sau giải phóng, gia đình nhỏ của bà vào miền Nam. Bà làm Phó giám đốc Xưởng phim Tổng hợp, chồng bà làm Vụ trưởng Vụ Lương thực - thực phẩm. Thùy Nhung công tác ở Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh.

Nhưng, bà không thể quên chuyện của Henri, người em trai út.

Người em trai út

… Hôm ấy, tại ngôi nhà ở đường Trương Tấn Bửu, sau khi gặp mẹ và em gái, bà gặp đứa em trai út. Cậu ta chỉ nghe nói về bà trong những chuyện kể của gia đình. Trước kia, khi bà đi bưng trong kháng chiến chống Pháp, cậu ta chỉ mới 1 tuổi, bây giờ sắp thi tú tài, chuẩn bị lên đại học, ra dáng thanh niên.

- Chị Ba, người ta nói ở miền Bắc, ăn con gà cũng phải báo cáo, hả chị?

Đó là một trong những câu đầu tiên cậu ta nói với bà. Bà sững sờ nghĩ đến ngón tuyên truyền thâm độc của địch.

- Tâm lý chiến nói hà rầm như vậy. - Henri tiếp.

Nhân đó, bà thăm dò:

- Đậu tú tài, hẳn em sẽ lên đại học. Tốt nghiệp đại học, em sẽ làm gì?

- Em thi vào không quân.

- Thật chứ, do ham muốn hay cái gì khác?

- Sớm muộn gì cũng bị bắt lính. Lính không quân là lính công tử, vào không quân khỏi đi đánh trận như bộ binh, “giữ hai bàn tay sạch sẽ”!

Trời ơi, nó nhuốm cái luận điệu này hồi nào? Bà khuyên răn mãi, cậu ta vẫn quyết đi không quân. Cuối cùng, bà nghiêm mặt:

- Ba, chị, chị Tư, anh Năm, anh Bảy đi tập kết. Chị về đây, chắc em cũng đoán biết, đâu phải chị không hoạt động. Nếu em vào không quân, mặc nhiên em sẽ nổ súng xuống chị, mà em nổ súng vào chị, thì đồng đội của chị sẽ khai tử em! Em chọn đường nào đây? Thôi được, chị để cho em một tháng, em suy nghĩ kỹ rồi trả lời.

Không hiểu người em trai nghĩ sao, chừng vài ba ngày sau, cậu lên phòng bà xin trả lời. Bà xua tay gằn giọng:

- Không, đúng một tháng, không hơn không kém!

Trong lúc đó, bà liên hệ được với đồng chí thủ trưởng cũ đã hồi kết về Nam, bấy giờ là chỉ huy trưởng một đơn vị bộ đội Giải phóng.

Và một hôm, bà thấy em ngồi ngoẻo đầu, mắt trắng dã, nước miếng nhễu hai bên mép xuống cằm. Một đứa cháu trong nhà cho biết: Henri đang “phê” - cả nhà đều biết nhưng giấu bà. Thêm một lý do nữa: đau đớn vì mối tình đầu đổ vỡ do người yêu đã vâng lệnh song thân thành hôn với con một gia đình giàu có nên cậu lao vào việc hút xách cho quên tình, quên đời.

Rồi đến một đêm, Henri gặp bà, nói rằng chỉ bắt chước bạn chơi ma túy chứ chưa nghiện. Và khẳng định rằng cậu sẽ nghe lời bà vô khu. Bà mẹ cũng đồng ý, vừa khóc vừa gật, để nó vào khu, nếu có bề gì thì cũng là số mạng thôi, còn hơn để ở Sài Gòn, nào gái, nào xì ke, rồi đây nó vô không quân thì mang tội biết bao, ông nằm dưới mộ ngoài Bắc làm sao yên.

Sau Mậu Thân 1968, bỗng cậu quay về nhà. Người chị hỏi:

- Sao về đây vậy?

Cậu trả lời:

- Chán lắm, em thương chị Ba, nghe lời má, em mới vô khu. Vô đó, tụi nó nói em là tiểu tư sản, mặc quần ống túm, cứ ca nhạc vàng, rồi nhiều thứ châm chọc khác. Em ghét, bỏ về.

Khổ chưa! Bà phải thuyết phục nó, dẫn nó vào cứ ở vùng Tam Giác Sắt, giao cho ông Mười thủ trưởng; đó là lần thứ hai Henri vào khu.

Năm 1969, bà bị bắt, tòa án binh kêu án khổ sai, bà bị đày ra Côn Đảo. Năm 1970, họ đưa bà về giam giữ ở Tân Hiệp (Biên Hòa). Một hôm, vào cuối năm, người em gái thứ sáu đi thăm nuôi. Sau khi đưa giỏ thức ăn, cô em lặp bặp trong tiếng khóc tức tưởi:

- Chị Ba ơi… thằng Ri… thằng Ri… hy sinh rồi.

... Sau giải phóng, ông Mười thủ trưởng đến thăm bà và kể chuyện về Henri.

“Chị dẫn nó đến giao cho tôi. Tôi điều nó đến một đơn vị loanh quanh tôi một thời gian để xem giò xem cẳng. Lâu lâu, tôi hỏi anh em, họ nói rằng giao cho việc gì nó cũng làm, không kêu ca, ai sao nó vậy, nhưng hay nghêu ngao ca hát một mình những lời ca trữ tình, anh em chọc nó, nó có vẻ bực lắm. Một hôm, tôi đi công tác đến tối mịt mới về cơ quan, thấy nó đã chực ở đó không biết từ lúc nào. Tôi hỏi nó lý do. Nó mới kể rằng nó bị “chọc quê”, còn cho là tiểu tư sản nên chắc khó trụ được. Tôi lựa lời khuyên giải nó, mặt khác bảo anh em trẻ không được phân biệt đối xử với nó.

Rồi một hôm đi công tác, tổ của nó khi băng qua trảng thì bị trực thăng phát hiện. Đám tụi nó ẩn mình ngụy trang, nhưng chiếc trực thăng đảo đi đảo lại mấy lần quan sát. Thằng Ri chụp cây súng tự động của đứa bạn nổ liền mấy phát. Trực thăng trúng đạn bốc cháy rồi nổ tung trước khi xề xuống đất. Còn đám tụi nó mở hết tốc lực chạy tránh xa chỗ trực thăng rơi…

Tôi nói với anh em: “Trận đánh bất ngờ vừa qua đã biểu hiện tinh thần dũng cảm của Ri, mấy cậu phải suy gẫm”. Nó được sự tín nhiệm của anh em từ đấy.

Tôi định bụng cho nó rèn luyện thêm trong khói lửa một thời gian nữa cho rắn chắc rồi “thả” nó về biệt động thành, bởi nó có sẵn những điều kiện với công việc đó. Nhưng tháng 4-1971, đang công tác trên đất bạn, nó đã hy sinh trong một trận chống càn ác liệt. Người dân Cao Miên chôn cất nó tại một ngã ba, nơi xảy ra chiến sự, và lập tại đó một miếu thờ, nhờ vậy sau này anh em đi tìm mộ đã bốc được hài cốt nó khá chính xác, đem về nghĩa trang bên đất mình”.

“Henri em ơi, - bà thầm bảo - Chị may mắn rứt em ra khỏi cái xã hội hỗn loạn của Sài Gòn thời bấy giờ. Bằng không, biết đâu trong cơn binh lửa em sẽ là một sĩ quan địch cuồng tín đổ bom đạn lên đầu nhân dân, lên đầu những chiến sĩ giải phóng quê hương. Tuổi hăm ba tràn đầy nhựa sống, em đã ra đi mãi mãi, giờ đây nằm dưới mộ bên bao đồng đội khác ở nghĩa trang, em chính là niềm tự hào của chị Ba và gia đình mình”.

Tháng 3-2016

 

_____

* Ghi theo bài trên báo chí Sài Gòn; một tài liệu trên Internet viết là A.22.

(1) Một số gia đình Việt Nam lớp trên hoặc theo Công giáo đặt tên Pháp trước tên họ.

(2) Nay là Trần Huy Liệu.

(3) Địch gọi miền Bắc là Cộng sản Bắc Việt; gọi các tổ chức cách mạng ở miền Nam (trong đó có Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam), bộ đội Giải phóng và nhân vật cách mạng miền Nam là Việt Cộng.

TRƯƠNG VÕ ANH GIANG