HV103 - Nhận xét và kiến nghị về Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật

Một tin không vui lan nhanh trong văn giới và bạn đọc, nhất là các tỉnh phía Nam: các nhà văn Trần Bạch Đằng, Viễn Phương, Vũ Hạnh, Thu Bồn, Thanh Thảo… bị gạt khỏi danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh; các nhà thơ, nhà văn Diệp Minh Tuyền, Lệ Thu, Văn Lê, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Nguyễn Quốc Trung ở phía Nam… và rất nhiều nhà văn ở Hà Nội, miền Bắc bị gạt khỏi danh sách Giải thưởng Nhà nước (trong kỳ xét ở Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi họ được nhất trí đề cử ở Hội đồng cơ sở của Hội Nhà văn Việt Nam). Rút lại, thành phố Hồ Chí Minh và cả miền Trung từ Hải Vân trở vào, không ai được giải. Tôi chưa kể nhiều lần chúng tôi đề cử Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân… những nhà văn xuất sắc, yêu nước vào giải Nhà nước mà không được! Chắc chẳng ai đọc, chẳng ai chú ý đến họ! Phải chăng có vấn đề “Nam - Bắc”? Như có lần con gái Võ Hồng, cô Võ Diệu Hằng ở Paris, nói với tôi: - Ở miền Bắc, ai người ta cho bố em giải! Tôi muốn nói lại mà khó nói. Tôi rất thân yêu với Võ Hồng (đã quá cố). Một nhà văn như vậy cả một thời mới có, thời của chủ nghĩa nhân văn ảnh hưởng văn chương Pháp lọc qua ngôn ngữ tinh diệu Nam Trung bộ rất đáng yêu.

Vì sao nên nỗi?

Vì cách xét kỳ này nghiêm ngặt. Cũng đúng. Hội đồng có 15 người, phải đạt ít nhất 90% số phiếu bầu, tức là chỉ được phép mất 1 phiếu. Nếu mất 2 phiếu, chỉ đạt 87,5% là rớt!

Nhưng theo tôi, cái chính là do cách tổ chức, quy trình xét tặng không khoa học, không đủ độ tin cậy, thuyết phục.

Có thể nói thành phần Hội đồng là yếu tố quyết định Giải.

Trong 15 thành viên Hội đồng cấp Bộ, ngoài 11 nhà văn, có 4 chức danh là Thứ trưởng, Vụ trưởng, Cục trưởng ở Bộ, Ban. Các vị này là viên chức cao cấp, khả kính, nhưng xin nói ngay là các vị không có đủ chuyên môn để xét giải. Không ai, không việc gì các vị phải đọc đầy đủ, một cách hệ thống một nhà văn, một tác phẩm và có đủ các công cụ nghề nghiệp, khoa học (chứ không được cảm tính…) để phán xét. Chấm thi cử nhân, tiến sĩ ngày xưa phải là những bậc khoa danh được cả nước thừa nhận uy vọng, tên tuổi, tài năng, đạo đức… Hai giải thưởng này còn ở bậc cao hơn nữa của văn hóa. Đó là Quốc gia. Đó là Hồ Chí Minh. Chọn người phải khó lắm!

Còn 11 nhà văn, thì phần lớn là họ có chuyên môn, nhưng cũng có thể có người chưa từng đọc hết tác phẩm của tác giả này, tác giả kia, hoặc đọc đã lâu ngày, nay đã quên, bỏ phiếu theo ấn tượng, cảm tính; cũng có thể có người quan điểm văn nghệ, chính trị không đáng tin cậy; hoặc có người chưa được thử thách về trình độ trên văn đàn…

Do đó, phiếu bầu là không thể an tâm, tin cậy.

Trần Bạch Đằng là một người có sự nghiệp chính trị lớn: tham gia khởi nghĩa, lãnh đạo khởi nghĩa từ lúc 17 tuổi, là một nhân vật có thể nói là “huyền thoại” trong lãnh đạo đấu tranh ở đô thị miền Nam, trong chiến đấu chống Mỹ. Ông còn có một văn nghiệp đồ sộ. Ông là cây bút viết nhiều thể loại, đặc biệt xuất sắc ở văn xuôi, văn chính luận… Tiểu thuyết Ván bài lật ngửa của ông (đã dựng thành phim được đánh giá là kinh điển) cho thấy tác giả là người trường vốn, hiểu biết sâu sắc về chính trị, chính trường, về con người, tính cách nhân vật Sài Gòn - Nam Bộ. Trần Bạch Đằng là người duy nhất làm được việc đó. Ngoài ra, các cuốn như Chân dung một quản đốc, Bác Sáu Rồng, Kẻ sĩ Gia Định… cũng rất độc đáo. Văn phong của ông giàu chất miền Nam, bộc trực, mộc, nhưng lôi cuốn. Thơ của ông ghi lại những tình cảm cao quý trong hai cuộc kháng chiến, nhiều tứ thơ độc đáo. Tuy các tập văn, cá biệt như Ván bài lật ngửa, Chân dung một quản đốc… đã được trao giải Nhà nước, nhưng toàn bộ văn nghiệp là rất đẹp để nhận giải Hồ Chí Minh, thì ta cũng nên có sự điều chỉnh. (Trước đây cũng từng có sự điều chỉnh. Chẳng hạn Phạm Tiến Duật, các bài thơ, tập thơ hay đã vào giải Nhà nước, nhưng rất xứng đáng giải Hồ Chí Minh, thì cũng lấy một tập tiểu luận trao giải. Lần này chính tôi giới thiệu, đề cử chị Xuân Quỳnh vào giải Hồ Chí Minh cũng là vì thơ chị hay, độc đáo, nức tiếng cả một thời, chứ tôi cũng biết là những tập thơ hay nhất của chị đã nhận giải Nhà nước).

Viễn Phương tham gia chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, ở tù Chí Hòa, Phú Lợi, chiến đấu ở địa đạo Củ Chi… suốt hai mùa kháng chiến. Thơ có nhiều bài đặc sắc, mà điển hình là Viếng lăng Bác đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc. Văn bia đền Bến Dược, không phải Viễn Phương thì không ai viết được, có khí phách, tâm huyết, lắng sâu… như thế. Đó là bài văn của một thời đại, được Ủy ban chấm giải do GS Trần Văn Giàu làm Chủ tịch, trao Giải nhất. Truyện của Viễn Phương còn đặc sắc hơn cả thơ - đó là nhận xét của Chế Lan Viên trong lời Tựa viết cho một tập thơ của Viễn Phương. Nét châm biếm, tự trào nổi bật trong văn phẩm Viễn Phương, mà người ta biết rằng viết trào phúng còn khó hơn cả viết trữ tình. Bài thơ tự trào Thích ở trần viết trong nhà lao Phú Lợi độc nhất vô nhị trong thơ trào phúng.

Còn Vũ Hạnh có thể coi là trường hợp duy nhất trong văn hóa văn nghệ. Anh lẩn mình vào trong lòng địch, viết báo viết văn Cách mạng, ngòi bút luôn nồng nàn lòng yêu nước, yêu văn hóa dân tộc. Những Bút máu, Đọc lại Truyện Kiều, Mùa xuân trên đỉnh non cao, Người Việt cao quý… là những tác phẩm đại diện cho Cách mạng giữa lòng địch, giữa súng gươm, tù ngục, lựu đạn cay… Anh đã bị địch bỏ tù 5 lần, nhưng không tìm ra cớ gì trị tội, phải trả tự do. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mời anh ra làm Bộ trưởng Văn hóa, anh chưa kịp đi thì bị địch bắt. Một người đã đối thoại với John Steinbeck - tác giả Chùm nho nổi giận, giải Nobel - để bảo vệ chính nghĩa kháng chiến chống Mỹ, một người chiến đấu “đơn tuyến” trong lòng kẻ thù, “đã làm tốt quá mức nhiệm vụ được giao” - như nhận xét của người phụ trách anh…, người ấy được nhân dân miền Nam, trí thức và cả những người bình dân, ít học ở nông thôn và thành thị quý mến, kính trọng. Còn văn nghiệp thì ai có thể thay thế, có thể viết thay?! Tất cả mọi người đều thấy khó hiểu vì sao nhà văn Vũ Hạnh chưa được Giải thưởng Hồ Chí Minh (trong cuộc Hội thảo tại TP.Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức tháng 10 năm 2015, nhiều ý kiến đã phát biểu ý đó).

Thế mà nay: “ba cụ khi không rớt cái ình!”. “Nghiệp chướng văn chương”, nếu có, thì chỉ có ở thời phong kiến, thời Nguyễn Du, chứ sao lại có ở thời ta! Tất nhiên tôi hiểu là có những quy trình, quy phạm phải tuân thủ. Nhưng ai đặt ra quy trình ấy? Mà nếu nó đã lỗi thời, đã sai thì nên sửa và trước mắt nên lấy tài năng thực chất làm cốt tử.

Tôi chưa kịp nói đến cuộc đời chiến đấu và văn nghiệp phong phú, mãnh liệt, chói ngời của Diệp Minh Tuyền, Văn Lê, Lệ Thu… Không thể không nhắc đến các bài thơ đặc sắc của Thu Bồn, Thanh Thảo… đến nay còn nguyên giá trị. Làm được một bài thơ hay là một việc khó ngang “đường đi vào Thục” (Thục đạo nan): “khó hơn đường lên trời”! Họ đã có những tác phẩm để đời, thì nên thừa nhận. Điều đó làm vẻ vang cho văn hóa thời đại Hồ Chí Minh, có lợi cho chính trị, cho chế độ. Cũng có thể đổ cho là còn thiếu thủ tục này nọ, nhưng phải nhìn toàn đồ, toàn cục, nhìn cả một sự nghiệp với một cái nhìn đúng, trân trọng văn hóa, trân trọng tài năng…

***

Phải xem các nước người ta làm thế nào?

Có một Hội đồng, một Hội đồng duy nhất, Hội đồng Quốc gia cho các ứng viên. Thành viên Hội đồng phải là người có uy tín trong giới văn hóa - văn nghệ, được thừa nhận rộng rãi. Họ có quyền nghe, tham khảo ý kiến nhiều người, nhiều nơi để cân nhắc và bỏ phiếu.

Không nên có quá nhiều Hội đồng, trung gian, mà Hội đồng phải ra Hội đồng, và phải công khai danh tính, phiếu bầu cho nhân dân, công chúng rõ.

Ở Liên Xô, khoảng năm 1980, có một cuộc chấm thi quốc tế piano. Một thí sinh người Mỹ chơi rất tuyệt, nhưng đến khi bỏ phiếu thì anh trượt, vì mất một phiếu. Một thành viên trong Hội đồng thốt lên: - Trong chúng ta có một tên đốn mạt!

Tôi xin lỗi, tôi kể câu chuyện này không nhắm vào bất cứ ai. Vì tôi tin chắc rằng, trong các Hội đồng chúng ta không có ai là “tên đốn mạt”. Tất cả đều thiện chí, nhưng vì cách tổ chức của ta vội vã (bất ngờ được mời vào Hội đồng, chưa kịp đọc đã phải bỏ phiếu, không có ai chuyên trách thẩm định, phản biện, để trình bày và tiến hành thảo luận…) thì làm sao chính xác?

Một việc nữa cũng đáng nói, là không nên bắt người ta “đệ đơn” xin xét giải, phải có giấy ủy nhiệm ủy quyền…, các thủ tục nên bớt (tôi hiểu là có những cái cần, bắt buộc như phải có sự đề cử thế nào đó, từ cơ sở). Văn minh và hiện đại như các nước là Hội đồng xét giải, được giải thì mới mời làm thủ tục, tránh xin không cho thì xúc phạm người ta. Cô Hồng Ánh, con gái nhà văn - nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, lúc đầu không chịu làm thủ tục, chúng tôi phải động viên nhiều lắm. Cô nói: sau khi bố em mất, người ta xử tệ với bố em, em chán! PGS-TS Trần Thị Phương Phương ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cũng không chịu làm hồ sơ cho bố (nhà nghiên cứu, phê bình văn học cự phách Trần Thanh Đạm), vì cho rằng: bố cháu mất rồi, lỡ người ta bỏ phiếu mà rớt, thì thật đau lòng! Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, lo các thủ tục cho bố là nhà thơ Viễn Phương (Phan Thanh Viễn) cũng tràn đầy niềm tin, đến nay thì trớt huớt! Tôi thật không dám gặp mặt họ nữa! Tôi là người giục giã họ, và người nhà họ đã qua được cửa thứ nhất: cửa Hội Nhà văn, một cửa cũng rất khó, gồm 13 thành viên (và tôi có được tham gia).

Cách làm của chúng ta phải thay đổi. Cứ thế này, không ai người ta tham gia giải, trừ những người háo danh. Tác giả đứng được là nhờ tác phẩm đứng được trong lòng bạn đọc, qua tháng năm. Phải đâu nhờ giải! Khi sáng tác cũng chẳng ai tính chuyện đoạt giải. Có những người được giải cao, nhưng nay không còn ai nhắc nhở. Thế mà những người xứng đáng, xứng đáng nhất, lại bị gạt ra, thì còn gì để nói!

Tôi mong rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ, Trung ương nghiên cứu lại, tổ chức lại việc này (kể cả việc phong Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân…). Và nếu được (chắc là được chứ có gì mà không được- trước hết là nên sửa lại quy định. Quy định ở đâu mà ra? Chẳng phải ở Chính phủ sao?) thì nên tạm dừng, để xem xét lại. Giá trị vật chất của giải thưởng đã đành không đáng là bao trong thời kinh tế thị trường (thù lao cho một danh hài như Hoài Linh, theo anh tiết lộ trên mạng Internet, trong một chương trình trò chơi giải trí trên truyền hình đã lên đến 2 tỉ!). Nhưng đây là giải của máu xương bao thế hệ hy sinh dồn tụ lại, trao cho những người tiêu biểu, sao nỡ làm “vội vàng liệm sấp chôn nghiêng”, có tội với người đã khuất, mà cũng có lỗi với người còn sống!

Tôi viết vội vã, có điều gì không phải, mong các vị bỏ qua cho. Tôi rất mong được nghe nhiều ý kiến bàn bạc của bạn đọc, của các bạn văn nghệ đồng nghiệp, về vấn đề này.



Về vấn đề liên quan, ngày 4-4-2016, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã gửi Thư kiến nghị (do Chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh, ký) tới đồng chí Lê Khánh Hải - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành văn học xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Theo trong thư, Hội đồng cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam trân trọng ghi nhận và đánh giá cao sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng “vừa nguyên tắc vừa có sự quan tâm giúp đỡ Hội Nhà văn Việt Nam hoàn thiện hồ sơ, thông cảm với hoàn cảnh đặc biệt của nhiều nhà văn đã mất gặp khó khăn về mặt tư liệu”. Tuy nhiên, Hội đồng cơ sở cũng “bức xúc” nhận thấy kết quả xét giải “chưa phản ánh đầy đủ giá trị các tác phẩm” mà Hội đồng cơ sở đã “đề nghị và đánh giá cao”, như đối với nhà thơ Trần Bạch Đằng, nhà thơ Thu Bồn, nhà văn Vũ Hạnh, nhà thơ Viễn Phương (ở Giải thưởng Hồ Chí Minh), cũng như còn để sót nhiều nhà văn, nhà thơ xứng đáng (ở Giải thưởng Nhà nước)…

Xét và trao các Giải thưởng này là việc rất lớn, “đánh giá cả một đời văn, vừa là đạo lý, vừa là tình nghĩa, vừa là sự công bằng”, đồng thời vẫn còn thời gian và “nhất là để bảo đảm sự ổn định trong giới văn nghệ sĩ”, Hội đồng cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã “khẩn thiết đề nghị” Hội đồng xét giải của cả hai Giải thưởng họp thêm, thảo luận, cân nhắc lại và bầu chọn bổ sung, sao cho “thấu tình đạt lý, vừa để các thành viên nắm đủ thông tin, nói hết ý kiến của mình, vừa đảm bảo sự công bằng, vừa được lòng văn nghệ sĩ”.

H.V.

MAI QUỐC LIÊN