… Tôi biết là ra đi để đến dự hội nghị(1), đối với Lê Duẩn, cuộc cách mạng đang lên mạnh thành phong trào Đồng khởi ở miền Nam là nỗi lo âu canh cánh bên lòng. Trước khi đi, anh đã dặn kỹ các đồng chí trong Ban Bí thư thường xuyên điện cho anh biết tình hình trong nước, đặc biệt là tình hình miền Nam - Đêm nằm anh vẫn suy nghĩ về miền Nam, sáng dậy gặp chúng tôi, câu chuyện anh nói đầu tiên là những suy nghĩ mới về miền Nam đã đến với anh đêm hôm qua. Tôi hiểu điều đó chứng tỏ anh ngủ rất ít và có thể không ngủ. Tuy vậy, người anh rất tỉnh táo, và anh gặp chúng tôi là để giãi bày tâm sự, để đối thoại nhưng thực ra là độc thoại, để thông qua đối thoại mà định hình ý nghĩ của anh. Tôi không nói về Bác Hồ. Tôi muốn nói có một người khác cả ngày lẫn đêm, lúc ăn cũng như lúc ngủ, không bao giờ không nghĩ đến miền Nam. Thời điểm lúc bấy giờ, cũng như mấy năm trước đó và mãi đến sau này, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, con người ấy, không một phút nào không lo lắng cho miền Nam; phấn khởi trước mọi thắng lợi, lòng đau như cắt trước mọi thất bại và tổn thất tạm thời. Nhưng không bao giờ người ấy phô trương cho người ta quay phim chụp ảnh đăng báo. Người đó là Lê Duẩn. Trái với một số người, Lê Duẩn ít khi, nếu không phải là không bao giờ, cố ý bố trí chụp ảnh anh để tuyên truyền. Sau này khi hiểu về anh nhiều hơn, tôi thấy với cương vị là người được Bộ Chính trị và Bác Hồ phân công phụ trách chỉ đạo cuộc cách mạng miền Nam, anh là người rất quyết đoán, những chủ trương đối với cách mạng miền Nam mà anh cho là đúng, anh kiên trì đến cùng, đến mức như “cứng đầu”. Anh thường nói với tôi: “Cái gì có lợi cho cách mạng thì khó mấy mình cũng làm, ai phản đối, thậm chí chửi mình, mình cũng cứ làm; làm cách mạng là vì sự nghiệp cách mạng mà làm, đâu có phải vì lợi ích và danh vọng cá nhân”. Có khá nhiều người cho rằng Lê Duẩn hay thay đổi ý kiến, cái đó đúng. Vì anh rất biện chứng, anh nắm phép biện chứng rất vững. Đầu óc anh luôn luôn suy nghĩ, luôn luôn thấy cái mới. Hôm nay nói thế này, đêm nằm suy nghĩ lại thấy ý hôm qua chưa đúng chưa toàn diện, sáng ngày sau anh lại nói khác ngay. Có chủ trương rồi, nhưng tình hình thay đổi, anh phát biểu lại ngay. Anh không cố chấp. Anh hay lấy Lênin làm ví dụ, nhất là thời gian từ cách mạng tháng 2 đến cách mạng tháng 10 năm 1917. Lênin đã thay đổi khẩu hiệu đấu tranh mấy lần. Tháng 2: “Toàn bộ chính quyền về tay Xô viết”. Tháng 7: rút lại khẩu hiệu ấy, đề ra cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng bạo lực. Tháng 8: khẩu hiệu tích cực chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 9: lại đưa ra khẩu hiệu “tất cả chính quyền về tay Xô viết”. Tháng 10: khởi nghĩa vũ trang. Hay đang làm kinh tế cộng sản thời chiến, chuyển sang chính sách tân kinh tế (NEF). Những vấn đề đó sau này tôi sẽ có dịp nói kỹ. Bây giờ ta trở lại với công việc ở biệt thự ngoại ô Mátxcơva. Cả đoàn nhận được tài liệu hội nghị độ một ngày. Sáng sớm hôm sau, anh Ba vào phòng anh Huy và tôi (hai chúng tôi ở chung một phòng 2 giường, còn các anh thì mỗi người một phòng). Anh hỏi: “Hai chú đọc xong tài liệu chưa?”. Chúng tôi chưa kịp trả lời thì anh nói ngay: “Chúng ta dự hội nghị này phải đạt cho được hai mục đích: một là có một văn kiện của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có lợi cho cuộc cách mạng miền Nam của ta, điều đó rất quan trọng, vì đấy là tiếng nói chung của tất cả những người cộng sản trên thế giới, trong đó có hai nước lớn. Hai là phải chặn đứng ý đồ phân liệt, vì điều đó rất có hại cho ta và gây thiệt hại khó lường cho cách mạng thế giới. Tôi xem qua thấy văn kiện không đạt được hai điều ấy. Vậy hai chú phải đọc cho thật kỹ và chuẩn bị ý kiến cho đoàn ta phát biểu trước hội nghị”. Rồi anh chuyển sang nói về cách mạng miền Nam, anh phân tích toàn diện cuộc đấu tranh ở miền Nam từ lực lượng so sánh đến phương pháp đấu tranh, và anh nói một cách cương quyết: “Ta nhất định thắng Mỹ - Diệm”. Anh nói tiếp về cách đánh giá và thái độ của các nước lớn và các Đảng ở các nước tư bản đối với cuộc cách mạng của chúng ta. Họ nghĩ ta là nước nhỏ, cách mạng nước ta không phải là một nhân tố đáng kể trong các nhân tố quan trọng quyết định chiều hướng phát triển của thế giới. Ta nghĩ rằng chiến thắng Điện Biên Phủ của ta đã đánh một đòn chí mạng vào chủ nghĩa thực dân cũ và mở đầu quá trình tan rã của nó. Nhưng Liên Xô và Trung Quốc thì nghĩ khác, Liên Xô cho ta thắng được là nhờ vũ khí khí tài của Liên Xô, còn Trung Quốc thì cho rằng thắng lợi của ta đạt được còn là do họ chỉ huy giùm cho ta. Ta thắng chỉ đỡ cho họ một mối lo thôi…
***
Đầu năm 1972, Kissinger sang và sau đó Nixon sang Trung Quốc và bình thường hóa quan hệ hai nước Trung Quốc và Mỹ. Trước khi Nixon sang Trung Quốc, Chu Ân Lai sang Hà Nội thông báo cho ta biết. Chu Ân Lai nói: “Chúng tôi mời Nixon sang Trung Quốc để hai bên bình thường hóa quan hệ, thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hai bên cũng sẽ bàn cả vấn đề miền Nam. Các đồng chí Việt Nam đừng ngại, chúng tôi sẽ tăng cường viện trợ cho Việt Nam”. Lê Duẩn nói: “Các anh mời Nixon sang thăm Trung Quốc chẳng khác nào các anh đâm một nhát dao vào lưng chúng tôi. Việc giữa Trung Quốc và Mỹ các anh bàn gì chúng tôi không có ý kiến. Nhưng vấn đề Việt Nam là của chúng tôi, các anh không có quyền bàn. Giải quyết vấn đề Việt Nam như thế nào là do chúng tôi tự quyết định lấy. Còn vấn đề có viện trợ hay không cái đó tùy các anh. Các anh viện trợ, chúng tôi sẽ thắng Mỹ. Các anh không viện trợ, chúng tôi phải hy sinh nhiều hơn những cũng sẽ thắng Mỹ”. Rồi để mang về làm quà cho Nixon, Chu hỏi Lê Duẩn về tình hình miền Nam, Lê Duẩn nói: “Tình hình miền Nam đang khó khăn lắm, phải xé lẻ quân chủ lực ra mà đánh du kích”. Chu đem tình hình do Lê Duẩn thông báo nói lại cho Nixon biết. Chẳng bao lâu sau khi Nixon từ Trung Quốc trở về, chúng ta mở chiến dịch 1972, đánh mạnh, đánh lớn ở cả Quân khu Trị Thiên đến Khu 5, Khu 6 và Nam bộ. Mỹ trách Trung Quốc: Các anh bảo chúng tôi Việt Cộng gặp khó khăn v.v… nhưng nay Việt Cộng đánh lớn ở Lộc Ninh, có cả xe tăng nữa. Các anh nói các anh là đồng minh thân thiết của Việt Nam, các anh nắm tình hình miền Nam rất chắc, hóa ra các anh là người tình báo tồi, làm chúng tôi bị mắc lừa. Kissinger nói với Lê Đức Thọ: “Chúng tôi bị bất ngờ, không biết làm sao các anh đưa được cả xe tăng vào đến tận Lộc Ninh mà chúng tôi không hay biết gì cả, mặc dầu ngày đêm máy bay và vệ tinh do thám của Mỹ không rời mắt khỏi đường mòn Hồ Chí Minh”.
Sau chiến dịch 1972, Trung Quốc rất căm ta. Sau khi ta giải phóng thị xã Quảng Trị, địch ở Huế rối loạn, xảy ra tình hình hỗn quân hỗn quan. Lê Duẩn, với chủ thuyết thiết tha của mình: chiến tranh ở miền Nam là một cuộc chiến tranh cách mạng, kết hợp tấn công và nổi dậy, công kích và khởi nghĩa, cho rằng tình hình ở Huế đúng là một loại hình thức nổi dậy, khởi nghĩa… Lê Duẩn cho rằng có thể giải phóng được Huế, bằng cách đưa bộ binh vào nhanh, với lực lượng không lớn, đánh thốc vào Huế, không cần xe tăng và pháo lớn. Nhưng anh em quân sự ta, quen đánh theo cách đã học ở Liên Xô: phối hợp pháo binh, xe tăng và bộ binh, không dám thực hiện ý kiến của Lê Duẩn. Để đưa pháo và tăng vào phải xẻ đường xuống sông và bắc cầu phao qua nhiều con sông của Nam Quảng Trị và Bắc Thừa Thiên, những con sông bờ rất cao và đứng, mất nhiều thời gian.
Có thời gian, địch củng cố lại hàng ngũ, phản kích lại ta, ta phải quay về cố thủ Quảng Trị. Địch dùng B-52 thả bom rải thảm. Quân ta hy sinh quá nhiều, chịu không nổi đành phải bỏ thị xã Quảng Trị qua cố thủ bên kia bờ Thạch Hãn.
Sau trận ấy, không giữ được Quảng Trị, anh em bên quân sự cho rằng vì Lê Duẩn ra lệnh đánh Huế cho nên mất Quảng Trị. Nếu không chủ trương đánh Huế thì giữ được Quảng Trị rồi. Nhiều người còn nói là Lê Duẩn “có tài nướng quân”. Lê Duẩn trả lời: “Vì không chịu đánh Huế nên mất Quảng Trị. Nếu biết cách đánh và lấy được Huế thì chiến thắng ở mặt trận phía Bắc này (chỉ Quân khu Trị Thiên và Quân khu 5) biết đâu sẽ còn tiến xa hơn về Đà Nẵng…”. Hai bên cãi qua lại. Lê Duẩn bảo: “Tương lai của cuộc chiến tranh sẽ trả lời ai đúng ai sai. Vấn đề cứ để đó. Tương lai còn đó”.
Đầu 1973, sau cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng, bị quân và dân miền Bắc giáng cho một thất bại nặng nề, sau khi quân và dân miền Bắc đã làm nên một Điện Biên Phủ trên không, Mỹ phải ngừng ném bom, thông báo với ta rằng Mỹ sẵn sàng ký chính thức Hiệp định Paris mà hai bên đã dự thảo và ký tắt (Lê Đức Thọ và Kissinger). Lê Duẩn gọi tôi và một số anh em khác: Trần Phương, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Khánh xuống Đồ Sơn [Hải Phòng]. Tất nhiên có cả Đống Ngạc, trợ lý của Lê Duẩn. Đồ Sơn là nơi nghỉ mát khí hậu rất thích hợp với Lê Duẩn. Khi nào thấy cần nghỉ và suy nghĩ thì Lê Duẩn chọn Đồ Sơn, một vùng nghỉ mát xinh xắn. Có thể nói Đồ Sơn và khu nhà khách Quảng Bá [Hà Nội] là hai nơi kích thích đẻ ra những ý nghĩ lớn trong óc Lê Duẩn, in đậm dấu ấn trong các quyết định có tính chất chiến lược của Lê Duẩn. Lê Duẩn nói với chúng tôi: “Ta sắp ký Hiệp định Paris với Mỹ. Bộ Chính trị đã quyết định triệu tập Đại hội IV của Đảng trong năm 1973 hoặc 1974. Ta phải chuẩn bị báo cáo chính trị. Nhưng chúng ta cứ thủng thỉnh chuẩn bị trao đổi và thảo luận nội dung và chờ đến sau khi giải phóng miền Nam sẽ tiến hành Đại hội”. Chúng tôi bị bất ngờ. Lê Duẩn nói: “Sau Paris, khi quân Mỹ rút khỏi rồi thì lực lượng so sánh giữa ta và địch ở miền Nam cũng như trong cả nước có một sự thay đổi căn bản: ta mạnh hơn hẳn địch. Đây là thời cơ mà ta đã tạo ra sau hai mươi năm. Nếu không nắm lấy thời cơ ấy để giải phóng miền Nam thì ta sẽ có tội mãi mãi với con cháu chúng ta sau này. Không giải phóng miền Nam lúc này, trì hoãn lại 5-7 năm thì Mỹ sẽ củng cố bọn bù nhìn ở miền Nam, tình hình quốc tế, mưu đồ các nước quanh ta phức tạp, phải giải phóng miền Nam trước khi mưu đồ của Mỹ và mưu đồ quốc tế đối với ta chưa có điều kiện thực hiện”.
Sau khi các anh khác lui về, Lê Duẩn nói với tôi: “Tôi đang suy nghĩ giành thắng lợi bằng cả hai khả năng: khả năng tổng khởi nghĩa bằng bạo lực quần chúng kết hợp bạo lực vũ trang với lực lượng tại chỗ của nhân dân và quân đội ở miền Nam có sự chi viện của miền Bắc, và khả năng thứ hai là dùng chiến tranh, muốn thế thì phải có lực lượng quân sự mạnh hơn địch 2-3 lần”.
Mấy hôm sau Lê Đức Thọ cho người cầm thư xuống. Lê Duẩn xem xong đưa cho tôi xem. Lê Đức Thọ viết ngắn: “Lần này nhất định sẽ ký theo lời dặn của anh. Xin anh yên tâm”. Lê Duẩn nói với tôi: “Tôi bảo với Lê Đức Thọ: Điều cốt yếu phải đạt cho được là quân Mỹ rút khỏi miền Nam, quân chủ lực miền Bắc ở lại miền Nam không rút. Về điều này, không thể có bất kỳ nhân nhượng nào, phải như đinh đóng cột, những điều khoản khác (như tôn trọng độc lập, không can thiệp v.v...), sao cũng được vì đó là giấy lộn, ký xong Mỹ có thể xé ngay. Mỹ phải rút, ta không rút mới là thực chất”.
Mấy đứa chúng tôi tranh thủ trao đổi với nhau, và thấy Lê Duẩn rất bận cho nên thỉnh thoảng mới tranh thủ báo cáo và hỏi ý kiến. Công việc của Lê Duẩn nào là chuẩn bị chỉ thị cho miền Nam đấu tranh trong tình hình mới, nào là bàn vấn đề Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa, nào là bàn nội dung sử dụng mấy tỉ đôla mà Mỹ cam kết trao cho Việt Nam, thực chất là bồi thường chiến tranh và cho ý kiến chỉ đạo cho đoàn của Đặng Việt Châu và Lê Khắc đi Paris bàn với đại diện của phía Mỹ về vấn đề đó....
Trong năm 1973 và cả 1974, Lê Duẩn mời các anh bên Bộ Tổng tham mưu: Hoàng Văn Thái và các anh khác xuống làm việc tại Đồ Sơn. Sau buổi làm việc đầu tiên, Lê Duẩn cho tôi biết: “Tôi bảo các anh ấy làm cho tôi một kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm. Các anh nói là 2 năm thì khó lắm, xin 4 năm, thảo luận mãi các anh xin 3 năm. Tôi nói: Tôi đồng ý 3 năm nhưng chỉ các anh biết thôi, đừng nói cho ai biết”.
Đầu năm 1973, Bộ Chính trị quyết định cử một đoàn do Phạm Văn Đồng cầm đầu đi cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa và một số nước bè bạn khác đã giúp đỡ và ủng hộ chúng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngoài Phạm Văn Đồng, còn có Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Văn Lợi - Thứ trưởng Ngoại giao và tôi, cùng đoàn chuyên viên. Cảm ơn Liên Xô và Trung Quốc thì đã có đoàn Lê Duẩn.
… Mấy hôm sau, chuyên cơ Trung Quốc sang Hà Nội để chở đoàn đi. Chúng tôi lên máy bay, trước mặt mỗi người ở trên bàn (vì là chuyên cơ nên ngồi 4 người một bàn) có để sẵn một tờ Nhân Dân nhật báo và một tờ Trung Quốc đang xây dựng bằng tiếng Pháp. Tờ Nhân Dân nhật báo là số đặc biệt 8 trang trong đó 4 trang giữa dành toàn bộ đăng bài trường ca về Hoàng Sa. Như vậy là đã tính toán để tờ báo được soạn và in để có mặt tại Hà Nội khớp với ngày hẹn đưa đoàn chúng tôi. Còn tờ Trung Quốc đang xây dựng thì bìa vẽ bản đồ của Trung Quốc, theo đó thì toàn bộ biển Đông và nam biển Đông cho đến Malaysia và Indonesia là lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc. Từ Đà Nẵng trở vào, Việt Nam không có biển, lãnh hải của Trung Quốc vào tận bờ biển nước ta. Nguyễn Duy Trinh bảo tôi: “Tú tài (nói đùa theo tiếng Trung Quốc là nhà viết văn) hãy đọc và dịch cho mọi người nghe với”. Tôi đọc tờ Nhân Dân nhật báo thấy trang đầu có bài gần như xã luận tường thuật cuộc luyện tập của quân đội tại Hoàng Sa với lời thề bảo vệ Hoàng Sa chống mọi âm mưu xâm lược, đồng thời chuẩn bị tinh thần để giải phóng Trường Sa. Còn bốn trang giữa của báo là bài trường ca về Hoàng Sa, đại ý nói Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Từ đời Tần Thủy Hoàng người Trung Quốc đã có mặt ở đó. Quân thù cậy thế mạnh hùng hùng hổ hổ chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng quân đội anh hùng của Trung Quốc đã lấy lại được Hoàng Sa đưa về trong lòng tổ quốc. Còn Trường Sa sẽ được giải phóng một ngày nào đó.
… Theo thông báo của phía Trung Quốc, tối hôm chúng tôi đến, Chu Ân Lai sẽ đến gặp và ăn cơm với đoàn vào lúc 19 giờ. Nhưng đến 18 giờ, Trương Đức - phiên dịch của Bộ Chính trị Trung Quốc đến thông báo cho chúng tôi là cuộc tiếp của Chu Ân Lai lùi lại 1 giờ để chúng tôi có thì giờ xem buổi truyền hình đặc biệt của đài Bắc Kinh. 19 giờ, chúng tôi mở đài ra xem thì chương trình đặc biệt tối đó là một cô gái mặc quân phục ngâm bài thơ về Hoàng Sa đã đăng báo khi chúng tôi đi. Thật là trắng trợn hết chỗ nói.
Sau khi về đến Hà Nội, tôi lại cùng ban biên tập dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội IV tiếp tục làm việc với Lê Duẩn. Trong quá trình làm việc, Lê Duẩn cho chúng tôi biết là anh em quân sự cho biết phải lập thêm một quân đoàn và cần thêm độ 3 vạn quân. Như vậy là phải động viên thêm thanh niên nhập ngũ. Khi đưa vấn đề này ra Bộ Chính trị, nhiều anh không đồng ý, nói rằng nông thôn bây giờ thiếu lao động trai tráng, còn lại toàn là người già và phụ nữ, động viên thêm nữa thì vét hết thanh niên, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, đánh giặc mấy chục năm rồi, nhân dân mệt mỏi, nên cho nghỉ ngơi vài năm để lấy lại sức. Lê Duẩn nói với chúng tôi: “Tôi phải làm dữ với Bộ Chính trị. Tôi nói ông cha ta đã đấu tranh đuổi ngoại xâm cả trăm năm chưa xong. Ta chiến đấu mấy chục năm mới tạo ra được thời cơ hôm nay, thời cơ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nếu ta không nắm lấy thời cơ này, không cố gắng thêm vài ba năm nữa thì sẽ bỏ lỡ thời cơ trăm năm mới có. Và ta sẽ có tội với tổ tiên ta, có tội với con cháu chúng ta sau này. Phải ráng chịu đựng thêm để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử đã được trao cho thế hệ chúng ta”. Bộ Chính trị cuối cùng chấp nhận kế hoạch động viên. Sau này trong một lần họp Bộ Chính trị, trong giờ giải lao, Phạm Văn Đồng cười ha hả nói: “Nghĩ cũng buồn cười thật, khi bàn mở chiến dịch giải phóng miền Nam, trong Bộ Chính trị chỉ có một mình tôi tán thành ý kiến anh Ba!”.
Hết Đồ Sơn đến Quảng Bá (Hồ Tây), hết Quảng Bá đến Đồ Sơn, Lê Duẩn làm việc với anh em bên quân sự, với các anh trong Trung ương Cục miền Nam, các anh lãnh đạo Khu 5, Khu 6 được mời ra. Công tác chuẩn bị hết sức khẩn trương nhưng trong vòng bí mật cao nhất có thể được. Khác với các chiến dịch trước, lần này không thông báo cho các Bộ trưởng không liên quan biết. Không chuẩn bị tiếp quản, dù biết rằng làm thế sẽ phát sinh vấn đề khi đánh xong, nhưng thà như thế còn hơn là để lộ bí mật. Phải giữ bí mật tuyệt đối chẳng những với Mỹ, ngụy mà cả đối với Liên Xô và Trung Quốc.
Thời gian này, Lê Duẩn bảo tôi làm việc bên cạnh để có người “đối thoại” tức là có người để Lê Duẩn nói ra để định hình ý nghĩ của mình. Tôi không được dự các cuộc bàn bạc, nhưng sau mỗi lần bàn bạc, Lê Duẩn thường cho tôi biết những điểm thú vị nhất. Tôi cũng ngẫu nhiên bắt gặp một số anh lãnh đạo ở Miền và Quân khu, nhưng giữ kẽ không nói chuyện nhiều, không hiếu kỳ moi chuyện làm cho các anh ấy phải lúng túng. Sau đây là một số chuyện Lê Duẩn kể lại cho tôi nghe.
Đối với các anh em lãnh đạo ở miền Nam ra, Lê Duẩn có nói đến luận điểm “ruột” của anh ấy: Chiến tranh này là chiến tranh cách mạng kết hợp tổng công kích và tổng khởi nghĩa. Chắc chắn trong quá trình diễn biến chiến dịch, sẽ xảy ra các trường hợp như hỗn loạn ở Huế năm 1972 khi ta đánh Quảng Trị. Gặp trường hợp đó xảy ra phải linh hoạt nắm lấy thời cơ không nên bỏ lỡ. Sau này khi giải phóng xong Đà Nẵng, anh Năm Công(2) bay ra gặp Lê Duẩn ở Quảng Bá. Trong khi chờ gặp Lê Duẩn, Năm Công gặp tôi và nói: “Kỳ này mình giải phóng Đà Nẵng được là nhờ nghe lời anh Ba, chứ nghe anh em quân đội thì chưa chắc đã giải phóng được nhanh như thế”. Năm Công kể tiếp: “Mình tâm đắc điều anh Ba nói về Huế năm 1972. Mình vào đến Kon Tum, khi Buôn Mê Thuột được giải phóng, mình thấy ở Kon Tum quân ta chưa đánh mà quân ngụy vứt hết súng ống chạy. Mình nghe tin ở Đà Nẵng tình hình càng ngày càng hỗn quân hỗn quan, mình xin ý kiến anh Ba cho xin phép lấy Đà Nẵng (theo kế hoạch thì giải phóng xong Buôn Mê Thuột, quân ta sẽ vào giải phóng Sài Gòn rồi sau đó mới quay ra giải phóng Đà Nẵng), anh Ba đồng ý: “Nếu thấy làm được thì giải phóng Đà Nẵng đi”. Thế là mình huy động lực lượng quân sự của Khu ở Nam Ngãi, huy động xe chở lính, chạy thốc vào Đà Nẵng. Quân ngụy đầu hàng. Sau đó chủ lực của Trung ương mới vào”.
… Khi chiến trường báo cáo giải phóng Đà Nẵng, Lê Duẩn vui mừng khôn xiết. Lê Duẩn nói với tôi: “Mình thấy lâng lâng phấn khởi khó tả”. Khi giải phóng Buôn Mê Thuột và Tây Nguyên, Lê Duẩn cũng rất mừng, nhưng con đường trước mắt còn dài, còn lắm chông gai, nỗi lo toan còn canh cánh bên lòng. Kế hoạch vào Sài Gòn bằng con đường Khu VI và miền Đông Nam bộ chưa biết khó khăn đến đâu. Đà Nẵng là căn cứ phòng ngự từ xa, cứng nhất của địch, vì vậy lúc đầu kế hoạch vạch ra là đánh xong Buôn Mê Thuột, quân ta sẽ theo đường Khu VI mà vào miền Đông, phối hợp với quân của Miền đánh vào Sài Gòn. Giải quyết xong Sài Gòn mới quay ra giải phóng Đà Nẵng.
Nay, Tây Nguyên và Đà Nẵng đã được giải phóng, con đường vào Sài Gòn rộng mở, quân ta có thể tiến thần tốc như chẻ tre. Ngày giải phóng Sài Gòn không còn xa nữa, không phải chờ đến hai năm mà có thể lấy tháng lấy ngày để tính. Bứt xong căn cứ Đà Nẵng coi như miền Nam đã được giải phóng. Lê Duẩn nói: “Cuộc tranh cãi về Huế và Quảng Trị đã được thực tiễn chiến tranh giải quyết”. Lê Duẩn hết lời ca ngợi Năm Công và Chu Huy Mân, những người chỉ huy tài ba xuất sắc, xứng đáng là những người ở trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Theo kế hoạch cũ sau khi giải phóng Buôn Mê Thuột quân ta sẽ vào giải phóng Sài Gòn. Vì vậy Lê Duẩn đã bàn với các anh lãnh đạo Khu VI phải xây dựng miền tây Khu VI thành một hành lang vững chãi nối liền với miền đông Nam bộ và Sài Gòn. Lê Duẩn cũng đề nghị các anh ở Trung ương Cục miền Nam bố trí 4-5 tiểu đoàn ở địa bàn ven đô. Các anh nói khó lắm vì quân địch ở đây rất mạnh, công sự kiên cố và dày đặc. Lê Duẩn hỏi: “Sáu Dân(3) làm được không?”. Sáu Dân nói làm được và Lê Duẩn giao nhiệm vụ xây dựng bàn đạp và bố trí quân ven đô Sài Gòn cho Sáu Dân. Và Lê Duẩn rất khen ngợi Sáu Dân: Sau Hiệp định Paris, trong khi phải tiếp tục tấn công (cách mạng là tấn công, luôn luôn tấn công, một luận điểm “ruột” của Lê Duẩn) thì ở Nam bộ anh em đi vào phòng ngự làm cho địch nống ra lấn chiếm các vùng của ta, gây cho ta nhiều khó khăn. Chỉ có Sáu Dân là thấm nhuần tư tưởng tấn công cho nên vùng ta kiểm soát ở Khu 9 được mở rộng, địch phải co lại. Lê Duẩn nói Sáu Dân có tài. Khi Sáu Dân nhận bố trí quân ở bàn đạp quanh Sài Gòn, Lê Duẩn càng khen Sáu Dân hơn nữa.
Nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn được giao cho Quân đoàn 4, quân đoàn chủ lực của miền Nam. Nhưng vì những lý do khách quan Quân đoàn 4 vào Sài Gòn có trễ hơn dự kiến. Trong khi đó Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn và hai bên thương lượng. Đó là phương án “Chính phủ liên hiệp” do Mỹ đề xướng và nhờ Pháp làm trung gian thương lượng. Thấy Đại sứ Pháp tại Sài Gòn lúc ấy lăng xăng chạy qua chạy lại, Lê Duẩn rất sốt ruột, ngại các anh trong ấy chần chừ để mất thời cơ. Lê Duẩn hỏi Lê Trọng Tấn (Quân đoàn 2): “Có đánh được vào Sài Gòn không?”, Lê Trọng Tấn trả lời được và xin cho vào Sài Gòn trước. Lê Duẩn đồng ý và dặn Lê Trọng Tấn là cứ vào Dinh Độc Lập buộc Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, nhưng dặn đừng nói Lê Duẩn ra lệnh. Thế là Quân đoàn 2 từ phía đông tiến vào Sài Gòn vào Dinh Độc Lập trước. Quân đoàn không chuẩn bị phương tiện để quay phim giây phút lịch sử ấy vì phương tiện đang ở trong tay Quân đoàn 4. Trong quá trình bàn bạc để quyết định chiến dịch, có vấn đề Mỹ có vào lại hay không, Lê Duẩn cho rằng Mỹ sẽ không vào, và để thử xem phản ứng của Mỹ thế nào, Lê Duẩn đề nghị anh em quân sự bố trí đánh huyện lỵ. Quân ta đánh chiếm Thượng Đức, Mỹ phản ứng yếu ớt. Lê Duẩn nói nên đánh một tỉnh lỵ để xem tiếp. Quân ta đánh Phước Bình, có dùng cả xe tăng, Mỹ có phản ứng nhưng cũng yếu ớt mặc dầu ngụy có yêu cầu Mỹ khẩn thiết cứu nguy. Lê Duẩn kết luận: “Mỹ không vào lại nữa đâu, nhưng nếu Mỹ vào ta cũng đánh”. Cho nên trong quá trình quân ta tiến vào Sài Gòn, Lê Duẩn nói phải luôn luôn đề cao cảnh giác theo tinh thần Mỹ có vào ta cũng sẵn sàng để đánh.
… Ngày 30-4. Cũng như mọi ngày khác từ lúc mở đầu chiến dịch, Lê Duẩn ở tại khu nhà khách Hồ Tây, phải theo dõi chiến sự từng giờ. Bỗng có tin từ chiến trường: Quân ta đã chiếm Dinh Độc Lập. Chính phủ bù nhìn Dương Văn Minh đầu hàng. Sài Gòn được giải phóng rồi! Miền Nam yêu dấu được giải phóng! Lê Duẩn cảm thấy lòng mình 20 năm nặng trĩu vì biết bao lo âu, trăn trở bỗng nhiên nhẹ hẳn! Một cảm giác khó tả ập đến, tràn ngập người anh. Ngoài tôi ra, tôi không nhớ có bao nhiêu anh em khác nữa, xúc động đến cao độ, chia vui cùng Lê Duẩn.
Lê Duẩn nóng ruột muốn vào Sài Gòn ngay. Lê Duẩn nói: “Tôi rất ngại nạn kiêu binh, chiến thắng rồi tranh công”. Vài hôm sau máy bay chở Lê Duẩn vào Đà Nẵng vì Sài Gòn báo chưa tiếp nhận được máy bay. Ở Đà Nẵng có khối việc, nhưng Lê Duẩn ngày nào cũng giục Sài Gòn cho vào. Qua mấy ngày Sài Gòn cứ bảo là anh Ba chưa vào được, vì chưa bảo đảm an toàn, Lê Duẩn trả lời: “Nếu các anh không bố trí được, tôi cứ vào và tự bố trí lấy nơi ở”. Các anh ở trong ấy đành phải để anh vào Sài Gòn ngày 9-5-1975. Máy bay đỗ xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Ra đón tận chân cầu thang máy bay có Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Mười Cúc, Trần Lương và nhiều người khác nữa mà tôi không nhớ hết. Cảnh ôm hôn nhau, mọi người nước mắt tuôn trào, mừng mừng tủi tủi. Một cuộc hội ngộ chứa chan tình cảm đẹp làm sao!
Mọi người vào một căn nhà của một sĩ quan không quân ngụy đã bỏ chạy. Ngồi vào bàn, Lê Duẩn nghiêm nét mặt, đập bàn nói to: “Chiến thắng này là chiến thắng của toàn dân tộc, cả Bắc lẫn Nam - không có một gia đình nào là không có đóng góp xương máu cho chiến thắng. Không có gia đình nào là không có người hy sinh cho thắng lợi hôm nay. Vì vậy người nào tranh công cho riêng mình là một tội ác”.
… Như Lê Duẩn đã nói: Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai ở miền Nam là thắng lợi của toàn dân tộc, là kết quả của sự chiến đấu và hy sinh to lớn của cả dân tộc. Đó là công lao của nhân dân và quân đội anh hùng của chúng ta, từ sĩ quan đến binh sĩ thuộc các quân chủng, binh chủng bộ binh, pháo binh, công binh, thông tin liên lạc, đặc công, hải quân, không quân… (tôi không thể kể hết), là công lao của dân quân tự vệ, biệt động, công lao của Chính phủ, Mặt trận và Chính quyền và Mặt trận các cấp, công lao của cả tiền tuyến lẫn hậu phương.
Những công lao, đóng góp ấy, Đảng ta đã và đang tiếp tục ghi nhận và khen thưởng. Trong những người có công lao, có người có công lao lớn, có người có công lao nhỏ hơn. Và công đầu thuộc về ai? Thuộc về Đảng ta, mà trước hết là Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam, các Khu ủy, Bộ Chính trị và Bác Hồ vĩ đại. Đảng là người lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng miền Nam. Đó là nói về vai trò và công lao của tập thể.
Còn về cá nhân, có nhiều, rất nhiều cá nhân có vai trò và công lao nổi bật. Nhưng nổi bật hơn cả, sau Bác Hồ là ai? Đó là Lê Duẩn chứ không phải ai khác.
Lê Duẩn là người đã từ tổng kết kinh nghiệm của thực tiễn đấu tranh của nhân dân và quân đội ta, đề ra đường lối và phương pháp đấu tranh đúng cho cách mạng miền Nam. Chính Lê Duẩn là người đã đề ra các quyết sách đúng trong các giai đoạn có tính quyết định.
Nghị quyết 15 (khóa II) chuyển sang đấu tranh cách mạng bạo lực, từ đó dấy lên phong trào Đồng khởi, cuộc chiến đấu trên các mặt đưa đến sự phá sản của chiến tranh đặc biệt! Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ và buộc Mỹ phải ngồi vào đàm phán với ta! Chiến dịch năm 1972 buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, cuộc tấn công và nổi dậy năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đập tan ngụy quân và ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa đến thống nhất đất nước trong độc lập và tự do, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
… Có người thừa nhận vai trò của Lê Duẩn, nhưng tìm cách hạ thấp vai trò ấy, đưa ra những khuyết điểm sai lầm nói là của Lê Duẩn trong quá trình chỉ đạo chiến tranh như hồi chiến dịch Mậu Thân 1968 hay chiến dịch 1972. Tôi đã từng nghe một vị thượng tướng nói “Ông Ba có những chủ trương ý kiến thật sắc sảo, nhưng cũng phạm những sai lầm không nhỏ trong chỉ đạo chiến tranh”.
Tôi nghĩ rằng làm sao mà trong một cuộc cách mạng lâu dài, khó khăn, gian khổ như cách mạng miền Nam, lại tránh được những vấp váp, khuyết điểm sai lầm, thậm chí thất bại tạm thời. Nhưng những khuyết điểm sai lầm thất bại tạm thời không hề làm cho thắng lợi của cách mạng miền Nam giảm bớt tầm vóc vĩ đại của nó. Nêu những khuyết điểm sai lầm, thất bại tạm thời với mục đích làm lu mờ, bôi nhọ hình ảnh của Lê Duẩn, thậm chí phủ định vai trò của Lê Duẩn là một thái độ phi lịch sử, phản khoa học...
_____
(1) Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế họp ở Mátxcơva năm 1960. (H.V.)
(2) Đồng chí Võ Chí Công.
(3) Đồng chí Võ Văn Kiệt.