HV103 - Thời sự và suy ngẫm

Thắng lợi của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đưa lại một dàn nhân sự mới (trong đó có những vị tái đắc cử). Trong kỳ họp lần thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa này, một Chính phủ mới đã được thành lập trong nhân sự cấp cao nhất. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, đồng chí Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội.

Chính phủ mới kỳ này do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng, 5 Phó thủ tướng 24 Bộ trưởng (số lượng các Bộ không thay đổi). Dư luận, theo tìm hiểu bước đầu của chúng tôi, tín nhiệm, ủng hộ Chính phủ với nhiều gương mặt mới “gây ấn tượng” - như lời bình luận của một tờ báo nước ngoài. Tất nhiên còn phải đợi thời gian thử thách, nhưng trước mắt người ta thấy ấm lòng, tin cậy trước Chính phủ mới, Thủ tướng mới.

Chính phủ mới đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách khắc nghiệt (tăng trưởng chậm lại, nợ công cao, tai họa hạn - mặn đến sớm bất ngờ, biển Đông căng thẳng hơn…). Nhưng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong buổi họp Chính phủ đầu tiên: “Chúng ta quyết không chùn bước trước khó khăn”, ngược lại, khắc phục khó khăn để tiến lên mới là bản lĩnh.

Cả một “đại dương mênh mông” công việc đang bày ra trước Chính phủ, cũng là trước đất nước. Chương trình hành động của Đảng, Chính phủ trước tình hình đã có và cũng đã có các quyết sách cho trước mắt, cho trung hạn và dài hạn.

Dù sao, chúng tôi cũng muốn nói lên tiếng nói nguyện vọng từ “đất đen” của chúng tôi - những “phó thường dân”. Và như người ta nói: “đứng ngoài chiến trận, ai cũng là thiên tài quân sự!”. Nói để mà làm khó!

Về chính trị: Sau khi tiến hành và triển khai Đại hội Đảng một cách có tính nguyên tắc để bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc… thì đi đôi với đó, ta cần đổi mới thể chế, mở rộng dân chủ. Nói dân chủ, cần nói trước hết đến dân chủ trong xóm làng, phường khóm. Quyền lợi thiết cốt nhất của người dân ở nơi đó phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Ta cứ nói cho sướng miệng “ta dân chủ gấp vạn lần”, nhưng ở nhiều nơi người dân đen phải nộp “phù thu lạm bổ”, bị cưỡng chiếm đất đai phi lý (bị “mua với giá rẻ nhất và bán với giá hời nhất” như cách diễn đạt của K. Marx), thì nền dân chủ của chúng ta chưa hoàn chỉnh. Sờ vào đâu cũng tốn tiền, tốn phí (47% sổ đỏ được đổi vừa rồi - 2015 - phải “lót tay” mới có được). Không có chuyện gì mà không phải “bôi trơn”. Nguyễn Trãi từng tâu vua: “sao cho trong thôn cùng xóm vắng không có tiếng hờn giận oán sầu”. Nhà nghiên cứu người Nga N.I. Nikulin gọi đó là “cương lĩnh của chủ nghĩa xã hội không tưởng”. Rõ ràng đó là sự nhận thức xã hội vượt thời đại của một vĩ nhân văn hóa - lịch sử. Còn chúng ta, với những lý tưởng tốt đẹp, nhưng chúng ta cứ để cho các thế lực xấu “nhiễu dân”, bòn rút dân, làm cho dân không yên, phải đi khiếu kiện, khiếu kiện vượt cấp, rồi đâu lại hoàn đấy (gần đây Thanh tra Chính phủ đã tổ chức đối thoại trực tiếp với dân và giải quyết rốt ráo được nhiều vụ khiếu kiện, thật là mừng!). Dân ta, nhất là ở nông thôn, “thấp cổ bé họng”, dân trí không cao, luật pháp không rành, bị các thế lực xấu lợi dụng quyền lực Cách mạng do chính nhân dân đổ máu giành được, thật là một bất công không ai chịu nổi! Phải trừng trị nghiêm khắc những thế lực ấy, không phải bằng cách xuê xoa phê bình, cảnh cáo trong Đảng, mà phải dựa vào pháp luật. Ta phải tuân thủ pháp luật, thẻ Đảng không phải là “kim bài miễn trừ” - vật bảo mạng; có thẻ Đảng hay không đều bình đẳng, công bình trước pháp luật. Không nghiêm trị, để quen nhờn, chỉ nói mà không làm thì kỷ cương bị phá nát. “Thương cán bộ”, “chiều cán bộ” kiểu đó thì làm sao bảo vệ được chế độ?! Ta đang cần tinh giản bộ máy (phải dùng đến gần 70% ngân sách để nuôi bộ máy ấy), vậy thì phải xử phạt, phải đưa ra khỏi bộ máy một cách kiên quyết nhất những phần tử thoái hóa ấy.

Nhân nói đến bộ máy, thì cái đau xót nhất của bộ máy là tệ mua quan bán chức, lạm dụng quyền lực, buôn bán quyền lực… Ở Trung Quốc, tiêu cực trong tổ chức cán bộ bị xếp vào loại tiêu cực thứ tư. Gần đây, trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”, họ phát hiện ra các vị “quan to” đều vướng vào “bán chức mua quan”, xa hoa, đồi trụy… Ở ta, chưa nói đến những tiêu cực do thiếu tính nguyên tắc trong chọn lựa, bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ, do gia trưởng, cảm tính, kinh nghiệm hời hợt, không bàn bạc dân chủ mà “quyết” và dùng “tên lửa đẩy” bắn lên, cũng có một số trường hợp dư luận cho là có “chạy tiền”. Việc này lan sang cả các cơ quan mà lẽ ra phải làm gương về sự trong sạch, những cơ quan là “thánh đường”, hay những cơ quan, những cá nhân mà nhân dân đặt sự tin cậy.

Gần đây, trong cuộc đi thăm, khảo sát ở Quảng Ninh về sự cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy…, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhấn mạnh vấn đề “giám sát, kiểm tra quyền lực”. Đây là một vấn đề lớn, phức tạp, nhưng nhiều nước và vùng lãnh thổ đã làm được và làm được tốt. Như ở châu Á thì có Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, ở châu Âu thì các nước Bắc Âu thường đứng đầu bảng trong sự minh bạch, trong sạch của bộ máy.

Ta không chủ trương “tam quyền phân lập”, công thức đó có cái hay của kinh nghiệm cầm quyền, nhưng cũng có cái dở là dễ gây rối trong hoàn cảnh một nước còn phức tạp, còn bao thách thức, còn chưa được thật là nước phát triển cao như nước ta. Nhưng ta cũng phải suy nghĩ về phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền như thế nào, để thực hiện cho được dân chủ, cho được trong sạch, minh bạch. Chúng tôi nghĩ: cần tăng cường kỷ cương phép nước như đã nói; và tăng cường quyền hạn thực chất cho Quốc hội và các đoàn thể quần chúng (nên chuyển dần vào các hiệp hội của người dân, chẳng hạn hiệp hội những người trồng rau, hiệp hội những người trồng thanh long, trồng lúa, nuôi cá…, để thay mặt giao dịch, hợp đồng với doanh nghiệp - cái đó gọi là bước đầu của xã hội dân sự). Tăng cường quyền lực của Quốc hội thì nên tăng cường quyền của các đại biểu Quốc hội (và Hội đồng Nhân dân), quyền đó phải được quy định thành luật, như quyền có văn phòng, có trợ lý, nhất là quyền và trách nhiệm trước cử tri. Mà khi cử tri khiếu tố, kiến nghị thì đại biểu được quyền “đàn hặc” chính quyền, các cơ quan liên đới - và chính quyền phải giải quyết, phải trả lời theo luật, không để cho đại biểu biến thành cái “hòm thư”, làm “người chuyển thư” đi lòng vòng, rốt cục không có hiệu lực pháp luật. Đại biểu bị vô hiệu. Ba là, tăng cường quyền thông tin, kiến nghị… của báo chí, coi đó là một nhánh hỗ trợ cho Nhà nước để phát hiện vấn đề, để “người dân được mở miệng” (Hồ Chí Minh). Vừa mở rộng, vừa nâng cấp, vừa chọn lọc, chấn chỉnh… để có một nền báo chí dân chủ, cởi mở, nhưng đi đúng đường phục vụ cho xây dựng xã hội, chứ không để những quan điểm chống đối len vào lợi dụng. Ta mở rộng dân chủ báo chí, tự khắc cái dân chủ này sẽ chế ngự sự lợi dụng. Không nên tập trung đầu tư cho một số cơ quan, rồi nó mà diễn biến xấu thì rất bất lợi.

Tạm thời hãy nói tới đó.

Về kinh tế: Vốn dĩ ta đã chậm lụt so với một số nước trong vùng, mà nay lại gặp những khó khăn mới, về vốn, về thiên tai, về nền kinh tế thế giới cũng đang sụt giảm. Quý I năm nay, GDP chỉ tăng trưởng gần 5,5%, mà theo khuyến cáo của nhiều cơ quan quốc tế, thì ta ít ra phải phát triển 7%/năm thì mới mong không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”!

Vậy thì trước mắt mong rằng ta sẽ trằn mình ra vượt qua được các thử thách gay gắt, ổn định kinh tế vĩ mô, điều chỉnh chiến lược phát triển, cải cách thể chế…

Cụ thể: ta đã nhận thức rằng kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của phát triển, thì trước mắt nên có chính sách cởi mở, tạo điều kiện cho nó triển khai hết mức. Đồng vốn tiềm lực trong dân còn nhiều. Hãy làm cho kinh tế tư nhân phồn vinh, không bị gây khó, không bị phân biệt đối xử trong bất cứ lĩnh vực nào (từ hành chính thủ tục đến ngân hàng, thuế má…). Khi đoàn công tác của chúng tôi đến Đài Loan năm 1990, các chuyên gia ở đó nói với chúng tôi: “chúng tôi chỉ khuyên các ông ba chữ tư nhân hóa. Nhà nước không “đánh bạc”, nhà nước chỉ thu tiền “hồ” (thuế), cứ để cho họ “chơi”, được - thua họ quyết định”. Ngẫm ra lời khuyên ấy có lý lắm. Nhà nước chỉ nắm những ngành kinh tế yết hầu, ngành mà tư nhân không làm được, và phải quản lý thật tốt, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, làm ăn thua lỗ, mất vốn như vừa rồi.

Ta cũng nên có hàng triệu xí nghiệp vừa nhỏ. Nó tạo ra dân chủ (nhiều người được làm chủ), tạo ra công ăn việc làm.

Về thể chế, thì triệt để chặn đứng tình trạng đòi “bôi trơn” trong đầu tư nước ngoài, như các nhà đầu tư phản ánh. Cái này phải kiên quyết trị, vì nó ảnh hưởng lợi ích quốc gia. Ta không nên để Việt Nam trở thành “thiên đường bôi trơn”. Đơn giản hóa, làm nhanh thủ tục đầu tư, không định ra giá đất quá đắt, nhưng thuế thu phải minh bạch, kiên quyết, không để họ lách luật, trốn thuế. Quyền lợi người lao động phải được đảm bảo. Không để một số doanh nghiệp nước ngoài o ép, xử ép người lao động, mà ta vì muốn thu hút đầu tư đã phải nhẫn, nhịn. Việc làm là quan trọng, nhưng con người, phẩm giá con người Việt Nam phải được tính tới hàng đầu. Chúng ta chiến đấu hàng trăm năm, hy sinh không tiếc máu cũng vì phẩm giá ấy. Nay là thời phát triển kinh tế, ta tạo điều kiện tối đa cho đầu tư, nhưng ta nhắc họ phải nhớ đừng chạm đến lòng tự trọng, phẩm giá Việt Nam (bắt làm việc quá giờ, đến nỗi không được đi vệ sinh, lương trả quá thấp lại còn tìm cách bớt xén, bữa ăn trưa chỉ 15.000đ mà nhiều khi không đảm bảo chất lượng, vệ sinh…). Công đoàn và chính quyền phải chung sức, nhất quán bảo vệ người lao động.

(Còn tiếp)


HỒN VIỆT