HV104 - Bài thơ Tự trào của Huỳnh Thúc Kháng và tấm lòng ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong các nho sĩ yêu nước từng đứng lên chống Pháp và bị chúng đầy ra Côn Đảo đầu thế kỷ XX, Huỳnh Thúc Kháng là một trong những nhân vật được kính trọng bậc nhất do cuộc đời tiết tháo kiên định từ hồi trẻ cho đến tuổi già. Ông đã vui sướng thấy thực hiện điều mong ước của đời mình, chứng kiến nước nhà giành lại quyền độc lập, và đặc biệt sau khi được Hồ Chủ tịch mời ra tham gia Chính phủ, ông đã đem hết sức mình góp phần vào việc giữ gìn nền độc lập đó ở giai đoạn đầu tiên đầy biến động.

Huỳnh Thúc Kháng quê ở Quảng Nam, sinh năm 1876. Năm 1904, ông đỗ Hội nguyên, Tiến sĩ. Con đường công danh rộng mở cho chàng thanh niên 28 tuổi. Nhưng ông không chịu ra làm quan, chỉ ở nhà đọc sách, liên hệ với các sĩ phu yêu nước. Sau phong trào chống sưu thuế ở Quảng Nam quê nhà, ông bị thực dân Pháp bắt rồi bị đày ra Côn Đảo 13 năm (1908-1921). Ở tù về, ông từng làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ 3 năm (1925-1928), mạnh dạn công khai bênh vực quyền lợi dân chúng, đòi cải cách, tuy ít hiệu quả nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ trong dư luận. Năm 1927, ông cho ra tờ báo Tiếng Dân, tờ báo đầu tiên ở Trung kỳ. Đây cũng là tờ báo hàng ngày duy nhất hoàn toàn độc lập, luôn luôn bị chính quyền gây khó dễ, nhưng đã đứng vững, nhờ sự ủng hộ mọi mặt của quần chúng, do uy tín to lớn về chính trị, đạo đức và tài học của người sáng lập và chủ trì. Suốt 16 năm cho đến năm 1943 bị thực dân Pháp đóng cửa, tờ Tiếng Dân đã có âm hưởng rộng lớn, đánh thức lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, nhất là được sự ủng hộ và cộng tác của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, “Ông già Bến Ngự”. Sau Cách mạng tháng 8, ông được Hồ Chủ tịch mời ra giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp được Quốc hội đầu tiên công nhận trong kỳ họp thứ nhất ngày 2-3-1946. Khi Hồ Chủ tịch sang Pháp đàm phán, vắng mặt trong nước từ 31-5-1946 đến 21-10-1946, ông được cử giữ chức quyền Chủ tịch nước. Thời gian đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, ông vào công tác ở Liên khu 5, vùng quê hương ông, rồi mắc bệnh nặng và mất ở Quảng Ngãi ngày 22-4-1947.

Ở Huỳnh Thúc Kháng có sự kết hợp giữa học vấn sâu rộng, lòng yêu nước nồng nàn, khí tiết kiên cường của nhà cách mạng và tài tổ chức kinh doanh (ông vừa là chủ tờ nhật báo đồng thời đứng đầu “Huỳnh Thúc Kháng Công ty” và nhà in Tiếng Dân). Ông còn là một nhà thơ nổi tiếng.

Sau khi ông từ Huế ra nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Cách mạng, ông có bài thơ Tự trào chữ Hán đã nhanh chóng được truyền tụng trong giới nho sĩ trí thức. Bài thơ như sau:

Huỳnh Thúc Kháng, tiếu ha ha,

Tứ phương chi nhân, tam kỳ vi gia

Quốc danh tộc tính, hữu da vô da?

Hành niên thất thập, đầu phát ba ba

Ngộ nhất tri kỷ,

Kỳ như dĩ lão hà.

(Huỳnh Thúc Kháng, cười hà hà

Người của bốn phương, ba kỳ là nhà

Tên dân tên nước, có hay không có chăng là?

Tuổi sang bảy chục, đầu tóc bạc phơ

Gặp người tri kỷ

Già rồi, biết làm sao giờ?).

Bài thơ bắt đầu bằng một câu tự cười mình, một giọng cười vô cùng đau đớn của một người không nhà cửa, nhất là một dân vong quốc, tên nước tên dân dù có cũng như không. Bảy mươi tuổi mới gặp người tri kỷ, nhưng ôi thôi đã già rồi, liệu còn làm chi được. “Người tri kỷ” đây chỉ Hồ Chủ tịch. Trong bài Bác Hồ và cụ Huỳnh Thúc Kháng (tạp chí Tổ Quốc tháng 5-1985), tác giả Nguyễn Dân Trung cho biết Hồ Chủ tịch đầu năm 1946 đã hai lần gửi điện vào Huế để mời ông ra nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông đành ra Bắc với ý định được gặp Bác nhưng để cảm ơn và từ chối. Được Bác đón tiếp, ông đã rất xúc động trước tâm hồn cao cả của Người, ông đã được Người thuyết phục và nhận lời(1).

Thời gian này, Huỳnh Thúc Kháng còn có đôi câu đối Thuật hoài như sau:

“Lão bệnh bất vong thân hậu quốc;

Kỳ tàn thiên tác cục trung nhân”

(Bệnh ám tuổi già, không quên đặt mình sau lợi nước;

Cờ sang chầu cuối, chẳng ngờ dấn thân vào cuộc đua)(2).

Câu đối bừng lên khí phách của chiến sĩ cách mạng, già yếu vẫn quên mình vì nước, đặt quyền lợi bản thân sau quyền lợi dân tộc, đến giai đoạn chót của cuộc đời, như ván cờ hầu tàn, không ngờ vẫn vững bền sức để thành người trong cuộc quyết giành thắng lợi. Cuối đời mình, Huỳnh Thúc Kháng có thể tự hào đã chiến thắng tuổi già yếu “dấn thân” gánh vác trách nhiệm nặng nề được đất nước giao phó. Và khi lâm bệnh nặng trên đường công tác ở Liên khu 5, ngày 14-4-1947, 8 ngày trước khi mất, ông đã gửi tới Bác Hồ bức điện trong đó có câu: “Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước nhà đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả”(3).

Câu đối Thuật hoài trên và bức điện ông gửi Bác Hồ chứng tỏ câu kết bài thơ Tự trào đã được trả lời. “Ngộ nhất tri kỷ,/ Kỳ như dĩ lão hà?”. Ông đã “Đặt mình sau lợi nước”, dấn thân vào cuộc cho đến phút cuối cùng, một phần cũng là để không phụ lòng “Người tri kỷ”.

 

_____

* Nhà nghiên cứu Hán - Nôm, 102 tuổi (H.V.)

(1) Chép theo cụ Lã Xuân Mai, tú tài Hán học. Trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1850-1920 (NXB Văn học, 1985), phần nói về Huỳnh Thúc Kháng do Huỳnh Lý viết có chép bài này dưới đầu đề Thất thập tự thọ kèm theo bài dịch theo thể lục bát ghi là “tác giả tự dịch”. Có mấy điểm cần lưu ý: 1) Ngoài mấy chữ chép khác không kể (việc dễ thấy đối với những bài truyền khẩu), bài chữ Hán thiếu câu “Hành niên thất thập, bạch phát ba ba”, tuy rằng bản dịch ra thơ lục bát có câu “Bảy tuần tóc bạc như bông”. 2) Đầu đề ghi Thất thập tự thọ, có lẽ không sát. Trong sách Việt Nam văn hiến (chữ Trung Quốc) của Lý Văn Hùng, một nhà văn Hoa kiều, in tại Chợ Lớn năm 1972, quyển hạ, trang 95-98 có chép tiểu sử và thơ văn của Huỳnh Thúc Kháng, trong đó có bài thơ chữ Hán Đường luật 8 câu 7 chữ chắc làm từ đầu năm 1945, sau Tết âm lịch Ất Dậu, tác giả đã sang tuổi 70 theo cách tính tuổi cổ truyền (sách trên không ghi bài Tự trào). 3) Bài dịch ra thơ lục bát theo cụ Lã Xuân Mai là cụ Tú Đào Văn Bình.

(2) Câu đối Thuật hoài do ông Trần Đình Giá, người làng Khương Thượng (nay thuộc quận Đống Đa) cung cấp. Ông Giá nguyên là học trò cụ Cử Nguyễn Hữu Cầu (1879-1946) từng hoạt động chống Pháp và là bạn tù của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Côn Đảo. Cụ Huỳnh năm 1946 ra Bắc từng đến gặp cụ Cử Cầu và trao đổi văn thơ. Ông Giá cho biết câu đối trên là câu đối phú, mỗi vế có 4 chữ đầu, rất tiếc không nhớ được đủ.

(3) Xem: bài báo Bác Hồ và cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dẫn trên.

TẢO TRANG*