HV104 - Người Việt giữa hội nhập và đồng hóa

Tình trạng di tản của người Trung Đông hiện tại được nhiều người cảm thông giúp đỡ, nhưng cũng dấy lên những sự thảo luận sôi nổi về chủ đề “hội nhập” của người nước ngoài di tản vào sinh sống trong lòng những xã hội phương Tây xa lạ.

Hai cuộc di dân lớn của người Việt

Về hoàn cảnh, lịch sử đương đại của Việt Nam có những hoàn cảnh chung đưa đẩy đến những cuộc di dân khá lớn, mà hai cuộc di dân đáng kể nhất là cuộc di cư từ miền Bắc vào miền Nam năm 1954 và cuộc di tản của người Việt ra nước ngoài kể từ năm 1975. Tình hình đó khiến cho hiện nay có người Việt sống rải rác trên khắp thế giới, nhiều nhất là tại Mỹ, Canada, Úc và các nước châu Âu.

Năm 1954 có hai làn sóng “vào Nam - ra Bắc”, người thì di cư vào Nam, người thì ra Bắc tập kết. Bà ngoại tôi đang ở trong Sài Gòn bồng ẵm tôi, thì xuống tàu từ cảng Sài Gòn trở về cảng Hải Phòng năm 1954, và từ đó tôi không còn bao giờ được trông thấy bà nữa.

Năm 1945 dân số toàn thể nước Việt Nam (cả 3 kỳ) chỉ có 25 triệu người(1). Năm 1945 là một năm bản lề vận mệnh của Việt Nam, vì đúng vào thời điểm chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, tình hình toàn thế giới thay đổi, trục phát xít Đức quốc xã tại châu Âu và Nhật tại châu Á thua trận, phải đầu hàng lực lượng Đồng minh, đã mở ra cho Việt Nam một cơ hội có một không hai trong lịch sử để thoát ra khỏi chế độ bị thực dân Pháp cai trị và bảo hộ, và giành lại được chủ quyền, độc lập.

Nhưng trong giai đoạn đó, nạn đói khủng khiếp vào mùa đông năm Ất Dậu 1944-1945 làm cho khoảng 2 triệu người miền Bắc chết đói rất thê thảm, do nhiều nguyên nhân gây ra, mà chủ yếu là cuộc chiến tranh Đông Dương trong giai đoạn Nhật, Pháp cùng chiếm đóng, đã làm cho tình hình xã hội Việt Nam vốn yếu kém lại còn yếu kém hơn. Cùng với sự yếu kém về thể lực là có thêm sự yếu kém về tinh thần. Năm 1945 có 90% dân số mù chữ, không biết đọc, không biết viết, mà yếu kém nhất là phụ nữ. Thống kê từ năm 1939-1940 ghi nhận chỉ có 3 trên 100 trẻ em được đến trường đi học, năm 1955-1956 tăng lên được thành 8 trên 100 trẻ được đi học.

Nhưng sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 thì Hiến pháp năm 1946 đã chú trọng nâng cao vai trò của phụ nữ. Phụ nữ được quyền bầu cử, ứng cử, chế độ đa thê bị chấm dứt, và sự bất bình đẳng giữa nam và nữ cũng bị hủy bỏ. Các đạo luật sau đó, như luật số 97 ngày 22-5-1950 và số 159 vào tháng 11-1950 hủy bỏ uy quyền tuyệt đối của người cha, cho phép con cái được tự do lập gia đình riêng của mình, và tiến bộ hơn thế nữa là cho phép ly dị.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954, Pháp vỡ mộng muốn chiếm lại Việt Nam bằng vũ lực, chính phủ đương nhiệm Joseph Laniel phải từ chức vào ngày 12-6-1954, nên Pháp phải gấp rút tham dự Hội nghị khôi phục lại hòa bình ở Đông Dương tại Genève vào ngày 8-5-1954 (hội nghị đã được chính thức khai mạc từ ngày 26-4-1954). Một kế hoạch di cư từ Bắc vào Nam đã được Pháp và Mỹ hỗ trợ cho chính phủ Ngô Đình Diệm kêu gọi dân chúng rời bỏ miền Bắc di cư vào Nam.

Về cuộc di tản của người Việt ra bên ngoài thế giới thì theo Magali Barbieri(2), trong khoảng từ 1975 cho đến 1995 có ít nhất ba đợt di tản lớn của người Việt Nam ra nước ngoài. Hình ảnh những thuyền nhân (boat-people) long đong trên biển, bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, ném xuống biển trong cuối thập niên 1970 đã làm chấn động thế giới, mà thời gian đỉnh điểm là năm 1979. Các đợt di tản trong hai thập niên 1980 và 1990 thì đã được tổ chức chính thức, bớt được tính chất nguy hiểm, thê thảm. Phản ứng gay gắt chống lại người di tản Việt Nam trong những năm ấy của các quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã khiến cho Hội nghị quốc tế về vấn đề người di tản Việt Nam tại Genève vào tháng 7-1979 đã có những quyết định giúp đỡ cụ thể và nhanh chóng: tổ chức HCR (Cao ủy Liên hiệp quốc về người di tản) và Hội Hồng thập tự quốc tế cùng tổ chức và tài trợ các trại đón tiếp và phân phối người di tản đi những quốc gia thu nhận.

Người di tản Việt Nam đã được ít nhất 29 quốc gia trên thế giới thu nhận, nhiều nhất là Mỹ (878.341 người), Canada (162.777 người), Úc (157.729 người), Pháp (46.331 người), Đức (28.896 người), Anh (24.240 người), Na Uy (10.024 người), Hà Lan (9.538 người), Thụy Điển (9.091 người), Nhật Bản (8.126 người), Thụy Sĩ (7.300 người), Đan Mạch (7.004 người), New Zealand (6.077 người), Ý (678 người), Áo (605 người)...

Thống kê của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) trong năm 2010/2011 (công bố năm 2013) cho biết Việt Nam có 1.879.500 người đi di tản sinh sống trên thế giới, tỷ lệ di tản là 2,8% nhưng con số người di tản có trình độ kiến thức cao lên đến 10,3%(3).

Cuối năm 2005, nước Đức cho biết có 83.446 người Việt Nam sinh sống hợp pháp tại Đức, cộng với con số người Việt đã gia nhập quốc tịch Đức kể từ năm 1981 là 41.499 người thì nước Đức có tổng cộng 125.000 người Việt Nam, và hai bang có người Việt ở đông nhất là Bayern (phía Nam) và Berlin (phía Bắc). Khi Đông Đức tan vỡ thì trong tổng số 60.000 công nhân lao động hợp đồng ở Đông Đức đã có 34.000 người đồng ý chấp nhận một số tiền bồi thường hủy hợp đồng rất khiêm tốn là 3.000 Đức mã (tương đương 1.500 euro) để trở về quê hương.

Dân tình Đức đối với người di tản các nước nói chung, và đối với người Việt Nam nói riêng, có một mâu thuẫn cơ bản. Bạn bè Đức là những người rất tử tế, thường xuyên giúp đỡ, thân tình, nhưng các trào lưu cực hữu kỳ thị chủng tộc, kỳ thị người nước ngoài, muốn đuổi tất cả người nước ngoài ra khỏi quê hương của họ, đã có những hành động khủng bố bạo lực đáng lo ngại như đốt nhà, tấn công riêng lẻ để đánh đập hay giết chết.

Dân tình Pháp nói chung cũng lạnh lùng với người di tản, nhưng không cực đoan đến nỗi đốt nhà, giết người như ở Đức. Cuộc điều tra dân số tại Pháp năm 1990 đưa ra con số có 60.329 người di tản Việt Nam sinh sống tại Pháp, so với tổng số dân Pháp vào thời điểm đó là 58.423.000 người thì có 103 người Việt trên 100.000 người dân Pháp, một tỷ lệ rất ít ỏi. Người Việt sống tập trung đông nhất trong khu vực Paris và ngoại ô (30.836 người), các vùng biển Địa Trung Hải (5.090 người) và vùng sông Rhône-Alpes (5.250 người), rải rác ít người ở những khu vực khác… Cho đến năm 1990 thì có hơn 20% người di tản Việt Nam được gia nhập quốc tịch Pháp(4).

Một bài báo trên trang mạng VnEconomy đăng ngày 28-12-2015 đã viết: “Theo một báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, Việt Nam đón lượng kiều hối 12,25 tỉ USD trong năm 2015, đứng thứ 11 thế giới.

Báo cáo mang tên “Migration and remittances factbook 2016” của WB về di cư và kiều hối cho biết, lượng kiều hối mà Việt Nam đón nhận trong năm nay tăng khoảng 0,25 tỉ USD so với năm 2014. Năm 2014, Việt Nam nhận 12 tỉ USD kiều hối, tương đương 6,4% GDP. Mức kiều hối vào Việt Nam trong năm 2013 và 2012 tương ứng lần lượt là 11 tỉ USD và 10 tỉ USD.

Năm nay, Việt Nam đứng thứ 11 thế giới và đứng thứ 3 ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Philippines, về lượng kiều hối nhận được”.

Đó là chưa kể những chuyến về thăm gia đình, thăm quê hương của hàng triệu người Việt tại nước ngoài, đem thêm quà cáp, tiền bạc về tặng tận tay cho người thân và bạn bè...

Hội nhập và đồng hóa…

Người Việt Nam sống ở nước ngoài, dù trong tình trạng nào của ba mức độ theo định nghĩa của chính quyền hành chánh địa phương là: Du nhập (introduction) - Hội nhập (intégration) - Đồng hóa (assimiliation) đều là những người có tình cảm với gốc tích quê hương của mình, của cha mẹ. Tôi viết bài này, cũng là để tặng con gái tôi đã đặt tên cho cháu gái mới chào đời là “Sao Mai”, như thế, đứa cháu ngoại của tôi, thế hệ thứ ba, mang tên “Sao Mai” sẽ là một hạt nhân của nước Việt ở một nơi xa xôi trên trái đất. Tôi rất cảm động cảm ơn con gái, cảm ơn cháu mới sinh, và cảm ơn cả cháu ngoại trai mang tên “Thiên Hòa”, anh của Sao Mai, đã ghi nhớ lại nguồn gốc của bản thân tôi, một di dân Việt Nam.

Người Việt Nam sống ở nước ngoài đa số là những người sống hòa nhập với xã hội sở tại, tôn trọng pháp luật nơi họ sinh sống; thành phần tội phạm hình sự như lừa đảo, gian lận, móc túi, buôn bán lậu, giết người, mại dâm cũng có nhưng chỉ là số ít trong các cộng đồng người Việt.

Người Việt được khen ngợi là những người có nhiều “tham vọng”, chăm chỉ, cần cù, học nhanh, học giỏi, hiếu khách, có trình độ văn hóa cao… Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành những nhà nghiên cứu khoa học, nhân văn, giáo sư đại học, tiến sĩ, nhà văn, họa sĩ, nhà soạn nhạc, bác sĩ, kỹ sư… có tăm tiếng và được ngưỡng mộ, thán phục. Các nhà hàng ăn Việt Nam đa số đều thu hút khách rất thành công. Phở, chả giò (nem), bún bò và gỏi cuốn tôm thịt - bốn món ăn Việt Nam ấy đã “bị hội nhập” trên thế giới.

Báo chí Đức thường không tiếc lời khen ngợi người Việt. Vào tháng 1-2009 tờ báo Die Zeit (Đức) ca ngợi “Das vietnamesische Wunder” (Sự kỳ diệu Việt Nam) trong một bài báo viết về tình hình hội nhập rất tốt đẹp và điển hình của những người Việt sinh sống tại Đức, các em học sinh Việt Nam có học lực nổi trội và giỏi vượt bực về những môn khoa học kỹ thuật và toán học. Họ đã nói về một sự “đồng hóa” thành công của người Việt trong lòng xã hội Đức.

Cộng đồng người Việt là những cộng đồng hòa bình trong lòng các xã hội sở tại, văn hóa Việt Nam qua các lễ hội Tết Việt và ẩm thực Việt Nam được ưa chuộng yêu thích. Thậm chí, người sở tại còn đi theo người Việt để học hỏi về đạo Phật và Thiền, cũng như tìm hiểu về phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình người Việt khi họ thấy trong nhà có bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Mức độ đoàn kết của người Việt với nhau ở nước ngoài hiện nay cũng tùy thuộc vào môi trường sinh sống tại mỗi nước sở tại mà có sự khác biệt, ít hay nhiều thân thiện, nhưng cơ bản thì tôi vẫn tin là người Việt vẫn còn thương người Việt. Có một lần trên máy bay về Việt Nam, tôi bị nôn mửa, chóng mặt, một người phụ nữ lớn tuổi ngồi hàng ghế sau, thò tay đưa cho tôi chai dầu xanh biểu bôi lên mũi lên trán, cử chỉ đó của chị khiến tôi thật cảm động.

Theo nhận xét của riêng cá nhân tôi, thì tôi thấy quan hệ giữa người Pháp và người Việt hiện tại nói chung vẫn còn có phần lạnh lùng, thủ thế, xa cách, hợm hĩnh hơn là người Đức với người Việt. Người Pháp có nhiều thành kiến với người Việt hơn, có lẽ vì quá khứ 80 năm Pháp đã đô hộ Việt Nam. Tuy thế, tôi cũng đã gặp những người Pháp, đôi mắt họ long lanh khi họ tiết lộ cho tôi biết là họ được sinh ra ở Lào Cai, hay ở Hà Nội…

Dù gì đi chăng nữa, sự kiện đồng hóa theo định nghĩa hành chánh chỉ là một viễn ảnh xa vời. Cho dù các nhà xã hội học cho rằng sự kiện không biết nói tiếng mẹ đẻ, không biết viết tiếng mẹ đẻ là đã bị đồng hóa với xã hội (họ) đang sống. Nếu chỉ kể thế hệ thứ hai của người Việt tại nước ngoài (hoặc lai một nửa, hoặc không lai) sinh đẻ ở nước ngoài thì họ có thể chỉ biết nói bập bẹ tiếng Việt, không biết đọc mà cũng không biết viết. Nhưng như thế không có nghĩa là họ đã bị đồng hóa, cho dù có những người tự nhận cho mình là “Tây còn hơn Tây”. Họ không thể bị đồng hóa khi họ vẫn mang tên họ Việt Nam, ăn cơm Việt Nam, nghe nhạc Việt Nam, có quan hệ gia đình, bè bạn Việt Nam, nhưng quan trọng nhất là họ không thể bị đồng hóa theo cách nhìn của những chính quyền hành chánh sở tại.

Tình trạng bị đồng hóa là phải trải qua nhiều thế hệ, khi gốc tích đã phai nhạt dần qua thời gian. Nhưng, ở đây, cho dù thế, sự đồng hóa trong tình cảm và tâm thức vẫn không thể có được 100%, bằng chứng là có những người ngược dòng thời gian đi tìm lại cội nguồn của mình ngược lên cả hàng 300 năm, 400 năm về trước, họ vẫn hãnh diện là có một người tổ tiên xuất thân gốc tích từ nơi này nơi nọ. Chim có tổ, người có tông. Sớm hay muộn, cũng có người đi tìm lại gốc tích cỗi rễ của mình, không thế hệ này thì thế hệ sau…

Không có một quốc gia nào trên thế giới mà không có người dân của mình đi di tản sinh sống ở những nước khác, hoặc là đi làm ăn, đi đầu tư, đi theo con cháu, hay gần đây nhất là hiện tượng đi hưởng hưu trí ở những nước có mức sống rẻ, thấp, hay đi chữa bệnh ở những nước có nền y tế tiến triển xuất sắc…

Hai chữ “Việt kiều”, hay cả “kiều bào” là một sự nhức nhối cho người Việt ở nước ngoài. Người Pháp khi đi sinh sống trên khắp thế giới họ vẫn là người Pháp, người Đức khi đi sinh sống trên khắp thế giới họ vẫn là người Đức. Tại sao người Việt không vẫn là người Việt dù rằng họ đi sinh sống ở khắp nơi trên thế giới? Tôi vẫn tin rằng người Việt Nam có một sức sống và một sự yêu đời rất mãnh liệt, hòa nhập dễ dàng vào những môi trường sống khác biệt, đồng thời gìn giữ được cho mình một lòng yêu mến quê hương không phai nhạt.

 

_____

(1) Population et développement au Viêt-nam, sous la direction de Patrick Gubry, CEPED, Éditions KARTHALA, CEPED, Paris, 2000 (trang 52).

(2) Population et développement au Viêt-nam, sous la direction de Patrick Gubry, CEPED, Éditions KARTHALA, CEPED, Paris, 2000, Les Vietnamiens à l’étranger - Magali Barbieri (trang 286-310).

(3) Les migrations internationales en chiffres Contribution conjointe des Nations Unies/DAES et de l’OCDE au Dialogue de haut niveau des Nations Unies sur les migrations et le développement, 3-4 octobre 2013.

(4) Insee, Recensement de la Population de 1990.

MATHILDE TUYẾT TRẦN (Paris, Pháp)