HV104 - Phan Châu Trinh & Nguyễn Ái Quốc - Những năm tháng hoạt Pháp 1917-1923

Cách nay tròn 105 năm, vào các ngày 9-4 và 5-6-1911, cụ Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành lần lượt rời Sài Gòn sang Pháp. Trong khi cụ Phan định cư tại Paris, Nguyễn Tất Thành tiếp tục bôn ba nhiều nơi. Không ở gần nhau, nhưng hai bác cháu vẫn thỉnh thoảng viết thư cho nhau. Mãi đến cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành mới sang Paris.

Giữa năm 1919, cụ Phan, luật sư Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành nhân danh Nhóm những người Việt Nam yêu nước, cùng soạn 3 văn kiện (có nội dung cơ bản giống nhau): Việt Nam yêu cầu ca (chữ quốc ngữ), Việt Nam nhân dân thỉnh nguyện (chữ Hán) và Revendications du peuple Annamite (chữ Pháp) gửi cho các phái đoàn tham dự Hội nghị quốc tế Versailles.

Sau đó, từ tháng 7-1919 đến tháng 7-1921, Nguyễn Tất Thành (từ đây mang bí danh Nguyễn Ái Quốc) chuyển đến ở chung với hai cụ Phan trong căn hộ trên lầu 2 nhà số 6, Villa des Gobelins, quận 13, Paris.

Tuy ở chung nhà, song không phải lúc nào quan điểm chính trị của hai bác cháu cũng đồng nhất. Chẳng hạn, cụ Phan Châu Trinh tán thành chủ trương của Pháp bắt thanh niên Việt Nam vào lính và đưa sang mẫu quốc đánh nhau với Đức trong chiến tranh thế giới thứ I, còn Nguyễn Ái Quốc cực lực phản đối. Trong thư gửi thiếu tá Jules Roux, cụ Phan cho chủ trương đó “sẽ có lợi cho dân chúng cả hai bên”, làm cho “thanh niên của xứ này [Việt Nam] có dịp đổ máu và hy sinh thân xác họ bên xác lính Pháp ở Âu châu”, “có dịp để được thi thố tình cảm ngay thẳng của mình đến với nước Pháp trong hoàn cảnh đáng lo ngại hiện nay”(1). Ngược lại, Nguyễn Ái Quốc lên án việc đẩy thanh niên Việt Nam “đi phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu… để bảo vệ cho cái công lý và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào… để lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế”(2).

Phan Châu Trinh

Đặc biệt, từ khi Nguyễn Ái Quốc tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin, gia nhập Đảng Xã hội (năm 1919) rồi vào Đảng Cộng sản Pháp (1920) thì lập trường chính trị của hai vị ngày càng xa nhau.

Từ cuối năm 1919, vì lý do sinh kế, cụ Phan xuống Pons làm nghề ảnh. Trong khi đó, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục ở lại Paris, dấn thân trên con đường đấu tranh giải phóng đất nước. Các báo cáo của Pháp cho chúng ta biết phần nào cuộc sống và hoạt động của Nguyễn Ái Quốc thời gian này:

“Bây giờ Quốc làm việc tại nhà, vẽ tranh trên quạt hoặc trên chụp đèn. Nhưng công việc này kiếm chẳng được bao nhiêu, ông ta sống một cách hết sức khốn khổ”(3).

“Đời sống vật chất của Quốc lúc này thật là khốn khổ. Tôi đã thấy tận mắt ông ta dùng bữa tối chỉ có một mẩu bánh mì (vì gạo lúc này rất đắt), vài miếng xúc xích và chút sữa”(4).

Ở một nơi lạnh lẽo như Paris, việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng rất cần thiết để tạo ra năng lượng duy trì sức khỏe.

Tuy nhiên, cuộc sống thiếu thốn không làm cho người thanh niên ấy suy giảm ý chí. Nguyễn Ái Quốc vẫn dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho hoạt động yêu nước: họp Chi bộ Đảng vùng Seine, họp Ban Nghiên cứu thuộc địa (Nguyễn Ái Quốc là trưởng tiểu ban Đông Dương), họp Hội Liên hiệp thuộc địa (Nguyễn Ái Quốc là ủy viên Ban chấp hành), họp Ban biên tập báo Le Paria “diễn đàn của các dân tộc thuộc địa” (Nguyễn Ái Quốc là chủ nhiệm kiêm chủ bút), gặp gỡ trao đổi không chỉ với đồng bào mà còn với những nhà cách mạng các nước như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Hoa, Ấn Độ, Ái Nhĩ Lan và các thuộc địa của Pháp ở châu Phi, như mật thám Désiré đã viết trong báo cáo ngày 9-4-1923: “Nơi ở của Nguyễn Ái Quốc đã trở thành nơi gặp gỡ những người hoạt động chính trị cộng sản ở các thuộc địa”(5).

Từ chỗ “chữ Pháp thì không biết nhiều” như mật thám Jean báo cáo ngày 3-11-1919(6), Nguyễn Ái Quốc tích cực tự luyện nói và viết ngôn ngữ này, nên chỉ sau một thời gian rất ngắn, đã có thể diễn thuyết trước công chúng(7) hay viết báo, soạn sách. Không chỉ viết cho Le Paria, Nguyễn Ái Quốc còn viết cho nhiều tờ báo tiến bộ khác như L’Humanité, Le Populaire, Le Libertaire, La Vie Ouvrière, La Revue Communiste, Le Journal du Peuple v.v… Tháng 3-1920, Nguyễn Ái Quốc viết xong tác phẩm Les opprimés (Những người bị áp bức). Khi một Việt kiều hỏi “lấy tiền đâu mà in sách?”, Nguyễn Ái Quốc cho biết sẽ tìm người chịu tạm ứng tiền để in sách: “Sau khi biết số tiền để in, tôi sẽ bán thân tôi cho họ như một người đầy tớ. Chả nhẽ tôi không biết đánh giày hay dọn bàn hay sao?”(8).

Thực dân Pháp cho nhiều mật thám theo dõi Nguyễn Ái Quốc mọi lúc mọi nơi. Khi Roland Hy hỏi: “Ông không sợ bị theo dõi, ông không sợ người ta có thể hãm hại ông?”, Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Chẳng hề chi. Tôi làm chính trị thì tôi chẳng sợ chết, cũng chẳng sợ tù đày. Trong đời này, chúng ta sẽ chỉ chết có một lần, tại sao lại sợ?”(9). Một lần khác, phó quản Lâm trách Nguyễn Ái Quốc “có thái độ quá mạnh”, Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Nói cho cùng, ai làm gì tôi? Lưu đày tôi ư? Hoặc chặt đầu tôi? Điều ấy có xảy đến, tôi cũng bất cần”(10).

Nguyễn Ái Quốc quả là người “uy vũ bất năng khuất, bần tiện bất năng di”.