Chuyến thăm Việt Nam bắt đầu từ ngày 23 đến 25-5 của Tổng thống Mỹ Barak Obama sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ. Chỉ nói riêng về thương mại, từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ (1995) đến nay, kim ngạch thương mại đã tăng gấp 90 lần! Điều đáng nói, Việt Nam là nước xuất siêu sang thị trường Mỹ. Tất cả các mặt quan hệ giữa hai nước đều được cải thiện, niềm tin và độ tin cậy chính trị giữa hai nước đều tốt đẹp, mà rõ nhất là chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ từ ngày 6 đến 10-7-2015.
Lần này, ông B. Obama đến Việt Nam chắc chắn sẽ có những thông điệp mới. Mỹ chủ trương chuyển trục về châu Á - Thái Bình Dương, mà trọng tâm của nó là Đông Nam Á - trong đó có Việt Nam là một địa chỉ quan trọng. Quan hệ giao thương giữa hai nước sẽ tăng mạnh hơn nữa nếu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Quốc hội Mỹ và Quốc hội 12 nước tham gia phê duyệt. Mỹ là một thị trường lớn và Việt Nam có nhiều lợi ích và lợi thế nếu xâm nhập thành công thị trường này với mức thuế 0%. Về giáo dục - văn hóa, Hoa Kỳ hiện nay là nơi tiếp nhận nhiều sinh viên Việt Nam nhất (gần 19.000 người - theo thống kê của Phái bộ Mỹ tại Việt Nam năm 2015). Hoa Kỳ cũng đã mở Đại học Fulbright tại Việt Nam với số tiền hỗ trợ 20 triệu USD từ Quốc hội Mỹ. Về an ninh quốc phòng, Hoa Kỳ có cam kết hỗ trợ các tàu tuần tra biển cho Việt Nam, giữ nguyên tắc tự do đi lại trên biển Đông, chống lại những mưu toan bá chiếm biển Đông, cho tàu đi vào các bãi đá bị bồi đắp, bị quân sự hóa, để thể hiện thái độ cương quyết của mình.
Hoa Kỳ hiện vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, và điều đó làm ảnh hưởng phần nào đến quan hệ toàn diện giữa hai nước. Thượng nghị sĩ McCain và nhiều chính khách cũng như dư luận Mỹ khuyến cáo Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận này. Ngoài ra, việc Hoa Kỳ tích cực hơn trong vấn đề giải quyết những hậu quả của chiến tranh Việt Nam (như việc tẩy rửa môi trường ô nhiễm dioxin ở Đà Nẵng và sắp tới là Biên Hòa) cũng sẽ là những điều cần thiết. Điều đặc biệt là cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ chính sách của chính quyền Mỹ đối với Việt Nam. Những quan niệm về nhân quyền khác biệt giữa hai nước chắc chắn sẽ không thể là cái cản trở quan hệ, vì có những mục tiêu lớn hơn rất nhiều.
Như câu Kiều mà Phó tổng thống Joe Biden đọc trong diễn văn chào mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”, chúng ta mong rằng quan hệ giữa hai nước sẽ được tăng cường dựa theo sự phát triển khách quan của tình hình. Quan hệ giữa hai nước tiến triển là xu thế không gì có thể cản trở. Đó sẽ là bầu trời trong xanh không một gợn mây, bầu trời thu của Hà Nội, bầu trời cuối xuân đầu hạ mà tôi nhìn thấy trên đường đi từ Boston xuống Philadelphia năm nào…
Trong khi tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, chúng ta không quên quan hệ với Trung Quốc, siêu cường cạnh chúng ta. Quan hệ với Hoa Kỳ không phải là để nhằm vào Trung Quốc. Quan hệ ta và Trung Quốc ở vào dạng hết sức đặc biệt. Hiện nay, trong khi Trung Quốc đã ra sức bồi đắp và quân sự hóa các bãi đá để giành lợi thế trong tranh chấp biển Đông, và không ngừng tuyên bố chủ quyền của họ trên biển Đông rằng “chủ quyền đã có từ thời xa xưa” (chắc là từ thời ông Bành Tổ!), “chủ quyền không thể tranh cãi” thì cả thế giới, trong đó có ta, đều quan ngại sâu sắc đối với chính sách này của Trung Quốc.
Philippines khởi kiện Trung Quốc về đường 9 đoạn lên Tòa án quốc tế La Hay và dự đoán khoảng tháng 5, tháng 6 này Tòa sẽ tuyên án. Tuy Trung Quốc tuyên bố không tham gia, viện dẫn lý lẽ là Tòa không có quyền phán quyết về chủ quyền biển đảo theo cách hiểu của Trung Quốc về Luật biển quốc tế 1982. Nhưng ai cũng rõ là đường 9 đoạn (đường lưỡi bò!) của Trung Quốc do một viên sĩ quan của Tưởng vẽ ra năm 1947 mà nay Bắc Kinh kế thừa, chính là sự thể hiện đầu óc tham lam, ngang ngược của “thiên triều Trung Hoa”. Philippines kiện việc này là đòn đánh vào ảo mộng điên rồ đó! Làm cho cả thế giới biết đến bản chất của Trung Quốc hiện đại mà rất cổ xưa “dưới gầm trời này không đâu không phải là đất của nhà vua”! Trung Quốc xem tham vọng này là lợi ích cốt lõi, chiến lược… và không được ai can dự vào, vì đó là việc riêng của Trung Quốc. Trung Quốc rất tinh quái, với Việt Nam, vừa qua Trung Quốc cử cả tướng lĩnh sang tiếp xúc hữu nghị, tổ chức liên hoan hữu nghị dọc biên giới, cử cả Ủy viên Bộ Chính trị sang làm ăn kinh tế (ông Hàn Chính, Bí thư Thượng Hải), rồi “mở lượng hải hà” xả nước sông Mekong xuống hạ lưu. Thì ta hoan nghênh thôi! Nhưng cách làm của Trung Quốc là: tôi tốt với anh tất cả, anh thấy đấy, thế giới thấy đấy, trừ một điều: biển Đông phải là của tôi! Mà Mỹ với các nước khác đừng lấy lý do về tự do hàng hải mà xen vào việc này nhé! Biển Đông là của tôi, thì tôi sẽ là người bảo đảm tự do hàng hải, hàng không… tốt nhất và nó sẽ đúng là biển Thái Bình!
Vừa đánh vừa đàm, trong cương có nhu, trong đánh có kéo, trong kéo có đấm… đó là đối sách cũ rích của Trung Quốc mà trẻ con cũng biết!
Chuyện này còn dài dài. Vừa đây, Trung Quốc lại thông báo lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông (từ ngày 5-6-2016 đến 1-8-2016). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định vô giá trị này”.
Trong Hồn Việt số trước (số 103, tháng 5-2016), chúng tôi có nêu vài suy nghĩ về kinh tế, tiếp đây chúng tôi xin nêu một vài suy nghĩ về văn hóa - giáo dục…
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có vị Bộ trưởng mới. Ai bây giờ ra làm Bộ trưởng GD-ĐT cũng đều thấy khó. Nói đến giáo dục là nói đến con người, đến khoa học, đến kinh tế… Không cất cánh được giáo dục thì Việt Nam còn tụt hậu. Nhưng cất cánh cách nào, không phải việc dễ!
Tình hình giáo dục trì trệ, tụt hậu đã lâu, không phải chuyện một ngày. Trước có lưu truyền câu “ca dao”: Bộ ta huyên cỗi nho già - Phất phơ cành trúc, la đà cành lê (huyên: Nguyễn Văn Huyên, nho: Võ Thuần Nho, trúc: Hồ Trúc, lê: Lê Liêm). Các thời kế theo: thời bà Bình, ông Quân, ông Hiển… cũng vậy thôi, không ghi dấu ấn. Cái “vương quốc” này gồm 22 triệu học sinh, 1 triệu giáo chức; kinh tế nước ta chưa phải như các nước, đầu tư dĩ nhiên đã ở mức cao nhất (25% ngân sách), nhưng vẫn chưa thể bằng người ta! Cấp phổ thông còn nặng học quá tải, học nghe chép…, học sinh vừa mệt vừa chán, kết quả khó cao. Mà thầy giáo cấp phổ thông thì do đào tạo ở đại học phải chạy theo số lượng, thầy của thầy cũng ít người giỏi, sáng tạo… thì “sản phẩm” không thể đạt chuẩn, đạt mong muốn. Đại học mở ra nhiều quá, mà vẫn còn thiếu chỗ cho học sinh vào. Khoảng 300 trường mới lập ở các tỉnh những năm gần đây là làm vội. Cũng là để đáp ứng cho mỗi tỉnh có một đại học, có tỉnh thậm chí còn có mấy đại học (cùng với có một đài truyền hình - phát thanh, một sân bay, một bến cảng…). Chất lượng là vấn đề nan giải, khi không đủ thầy dạy. Nhiều tiến sĩ trong số các chỉ tiêu đào tạo là “tiến sĩ giấy”. Làm sao khác được! Không ai kiểm tra lại chất lượng, không có chế tài với các nơi đào tạo. Gần đây rộ lên vụ đào tạo tiến sĩ ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hình như Thủ tướng cũng đã quan tâm. Chạy theo chỉ tiêu, chạy theo số lượng, thầy giỏi xứng đáng để hướng dẫn không có, chấm luận án lại dễ du di…, chưa có nước nào, thời nào chất lượng tiến sĩ lại yếu như thế! Thử đem hú họa chừng 100 luận án cho các chuyên gia kiểm tra xem số xứng đáng là bao? Nhớ có lần, một giáo sư đứng đầu Viện Khoa học xã hội có nói với tôi là chừng 1/3. Tôi cũng nghĩ thế. Đào tạo được 10, số xứng đáng được 1/3 là cao. Còn thì trung bình, trung bình kém. “Đời Lê 24 ông tiến sĩ, 8 ông chân, 8 ông ngụy, 8 ông chân-ngụy. Đến khi trật bỏ khăn chít đầu, chưa biết ai chân, ai ngụy”. Đời xưa, chừng 1.000 thí sinh đi thi, qua 3 trường, cứ 1 cử nhân thì 3 tú tài; ai qua 3 trường thì vào thi Hội, thi Đình. Số đó ít lắm, chỉ mươi người, vài mươi người thôi. Nhưng thời nào cũng có người lỗi lạc, có khí phách kẻ sĩ, có đóng góp văn hóa. Nay thì ít lắm. Ở các nước, đậu được Tiến sĩ mới là bước đầu nghề nghiên cứu. Có cái bằng rồi, chạy được việc làm vẫn khó lắm.
Ở ta, đại học như thế, sau đại học như thế, thì chất lượng không nói cũng rõ. Chỉ còn trông vào sự tự giác tự đào tạo của học trò. Cái cảnh sinh viên ra trường còn “lớ ngớ” (chữ dùng của Thủ tướng) còn phổ biến lắm. Nhân lực, trình độ nhân lực của ta còn tụt xa với nhiều nước quanh vùng, ta muốn tiến lên thì việc đào tạo đại học phải được đặt lên hàng đầu.
Cũng nên nói thêm, trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, việc các đại học kết hợp rèn tài với việc luyện đức thì đại học là pháo đài của chế độ, là điều lâu nay còn yếu. Khoa học xã hội - nhân văn… trong việc giáo dục con người ở đó đang có những diễn biến đáng ngại, nhân danh “đổi mới”. Bộ GD-ĐT toàn những nhà “kỹ trị”, hoặc có khoa học xã hội - nhân văn thì nhạt màu, làm sao bảo đảm quan điểm cho việc giáo dục, cho việc soạn sách, cho việc tiếp nhận thế giới một cách chủ động, tích cực…
Về văn hóa dân tộc, thì hiện nay phải nói là có sự cắt đứt, sự đứt quãng trong toàn xã hội với văn hóa quá khứ của cha ông, cả với văn hóa kháng chiến - cách mạng. Con người Việt Nam không thể lớn lên, trên cơ sở văn hóa của vài ba thế kỷ quốc ngữ gần đây. Cũng không thể cự tuyệt văn hóa kháng chiến - cách mạng mà có được nhân cách, khí phách, lòng son yêu nước để tiến vào thế giới hiện đại.
Nhân đây, cũng xin có ý kiến về nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn trong trường học, trong các Viện Hàn lâm. Nhân tài, nhân lực, mục tiêu… là những vấn đề rất khó. Người lãnh đạo xứng tầm lại càng khó. Đề nghị Đảng, Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Ngày xưa, mình vừa chiến tranh chống Pháp chống Mỹ, cán bộ lương vừa đủ ăn, mà nhiệt tình nhiệt huyết, có cống hiến rõ ràng, có những tên tuổi xứng danh Viện Hàn lâm như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai… Ngày nay thì sao? Sau 40 năm, đáng lẽ với hoàn cảnh mới thuận lợi hơn nhiều, ta phải có những nhân vật lớn. Nhưng mà không! Đó là điều đáng nghĩ.
Ta đào tạo ở nước ngoài nhiều, nhưng về nước cống hiến còn ít. Ta phải suy nghĩ lại môi trường làm việc và cách trả lương, cách thu hút, đãi ngộ nhân tài.
Trả lương thì khó giải quyết, ta trợ cấp nghiên cứu. Bỏ ra tiền tỉ tỉ, kết quả thu lại được gì? Được công trình gì có ích, sáng giá? Một viện như Viện Văn học mà 70 năm không có một bộ Lịch sử văn học Việt Nam, một bộ Lý luận văn học; Viện Sử học (chứ không phải Hội Sử học) phải biên soạn Lịch sử Việt Nam. Những cái cần tối thiểu, mà thời nào cũng làm được, không thấy làm (trong khi Hội Sử học lại nghe nói là được cấp đến 250 tỉ để làm Quốc sử, mà các ông đứng đầu chưa làm đã dọa: viết sử vượt qua ý thức hệ!). Xin can! Vượt qua gì thì gì, xin đừng vượt qua ý thức yêu nước, ý thức dân tộc ngàn năm nay và càng đậm nét thời nay! Thế mà nay trong sử, lại có những quan điểm nguy hiểm: giương cờ “ỷ Pháp cầu tiến bộ” của Phan Châu Trinh để hạ cờ Hồ Chí Minh, đưa các nhân vật phản động, cả Ngô Đình Diệm, Hoàng Cao Khải… thành người yêu nước, đề cao một chiều các trí thức bán nước…
Mà không riêng chỉ Viện Hàn lâm! Những cơ quan nghiên cứu giảng dạy khác, mỗi năm tiêu tốn biết bao nhiêu tiền vào việc “ngâm cứu” đã đẻ ra cái gì? Nói là để góp phần vào xây dựng đường lối của Đảng - e rằng nói quá. Bản thân họ còn đang dao động, làm sao xây dựng đường lối Đảng! Có lẽ cái cần là ngăn chặn đà xuống dốc trong tư duy của họ, định hướng cho rõ Đảng, Nhà nước, nhân dân và đất nước cần gì ở những nghiên cứu của họ, chứ không phải phát tiền trợ cấp nhân danh khoa học.
“Không ở đâu có nhiều người ăn bám như ở nghệ thuật và khoa học” - câu đó của đại văn hào Tsêkhốp cần được ngẫm nghĩ. Hiện tượng “thổi sáo lẫn giữa 300 người” của Đông Quách tiên sinh ngày xưa nên chấm dứt.
Một vấn đề nữa trong đời sống đất nước cũng được đặt ra là vấn đề bảo tồn chất xám. Nước ngoài đang có kế hoạch hiệu quả do họ có trường vốn để mua chất xám của ta. Hôm qua, một anh bạn tôi đưa cháu nội ra Hà Nội thi để được ra nước ngoài. Cháu mới học lớp 6. Anh còn phàn nàn, ở cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” của ta, được cháu nào khá, Úc bỏ ra 30.000USD “mua hết”. Giáo dục các cháu là cha mẹ, thầy cô từ vỡ lòng, đến lớp 12 thì bị “hớt váng sữa”. Mà có gia đình nào, có em nào từ chối? Hiện tượng chảy máu chất xám, di tản giáo dục cũng đau lòng còn hơn hiện tượng các cô nàng đi lấy chồng Hàn, chồng Đài Loan… Đây là chảy máu chất gì?!
Có một số người, một số tổ chức trong và ngoài nước, giáo và lương… mưu toan nhân dịp cá chết miền Trung, kích động dân chúng biểu tình để gây áp lực với chính quyền, phá ngày bầu cử, gây ảnh hưởng với Tổng thống Mỹ về vấn đề nhân quyền…, động loạn đường phố. Âm mưu của họ nhất định thất bại. Bởi lẽ khi xem một số video clip được tung lên mạng Internet, thấy giọng điệu, luận điệu… của họ chống chế độ rõ quá, như vừa được huấn luyện ở một lò nào đó ra, có bài có bản, có kẻ đứng sau xúi giục, lãnh đạo… thì biết đây không phải là chuyện bình thường.
Những thế lực chống phá ấy tưởng rằng thời cơ đã tới. Không! Chính phủ tuy có hơi chậm, nhưng đầy nhiệt tâm giải quyết rốt ráo vấn đề với trách nhiệm cao nhất. Một Chính phủ vừa thành lập, phải gánh di sản của chính phủ cũ, nhưng thành tâm, kiên quyết, dân chủ - một Chính phủ kiến tạo và phục vụ như Thủ tướng nói, Chính phủ ấy đang được dân tin yêu chỉ mới qua những tiếp xúc đầu tiên. Như Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nói rõ về vấn đề điều tra vụ cá chết… Việc này đâu phải có kết quả ngay lập tức được. Phải có thời gian, phải đối chiếu, phối hợp lúc đưa ra kết luận thì mới tâm phục, khẩu phục. Dù nóng ruột cách mấy cũng phải kiên nhẫn. Gọi là yêu dân, yêu nước… thì không phải là hành xử như vậy để đạt được lợi ích phe nhóm. Nhân dân chẳng được lợi gì!
Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc phát biểu trên VTV1, 14-5-2016
… Bằng sự nỗ lực vào cuộc không kể ngày đêm của các tổ chức khoa học - công nghệ và các nhà khoa học liên ngành như hải dương học, địa chấn, thủy văn, động lực học dòng chảy, hóa học, sinh học, sinh thái viễn thám, kỹ thuật hạt nhân v.v…, tính đến thời điểm ngày 26-4-2016 các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân từ tự nhiên như địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh và khu trú tập trung vào hai nhóm nguyên nhân chính: đó là độc tố và tảo độc.
Có thể khẳng định việc cập nhật liên tục diễn biến hiện trường và sự phối hợp tổ chức lấy mẫu kết hợp với phân tích hồi tố về điều kiện thực địa lúc xảy ra sự cố môi trường đã đáp ứng cho yêu cầu nghiên cứu phân tích để xác định nguyên nhân một cách khoa học. Các đối tượng lấy mẫu như mẫu cá, mẫu nước ở tầng mặt và tầng đáy, mẫu trầm tích, san hô, sinh vật phù du, hệ sinh thái biển, động vật đáy, các dữ liệu ảnh viễn thám v.v… là những cơ sở để đánh giá đầy đủ và có kết luận một cách khoa học.
Thực chất đã có sự tham gia chặt chẽ với các nhà khoa học đến từ nước ngoài như Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác và tính khách quan. Các nhà khoa học nước ngoài khi trao đổi và tham vấn với các nhà khoa học Việt Nam, Hội đồng chuyên gia khoa học - công nghệ quốc gia đã khẳng định về việc tiếp cận và đi đúng hướng của các nhà khoa học trong nước để từng bước xác định rõ nguyên nhân…