Hv105 - Giương ngọn cờ Phan Châu Trinh để làm gì?

“Hiện thực đó của đất nước đã “đẩy” Nguyên Ngọc đi đến cùng khi nhà văn nhận ra chân tướng của những kẻ đang cầm quyền. Ông kể với tôi: “Một hôm bà Nguyễn Thị Bình “triệu tập” một nhóm trí thức hơn 10 người lại, đặt câu hỏi: Chúng ta sai từ bao giờ? Mọi người đều nói: Sai từ năm 1951, khi đại hội lần thứ hai của Đảng lấy “chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông” làm kim chỉ nam cho mọi đường lối chính sách của mình. Riêng tôi nói: Sai từ đại hội Tours. Bà Bình không đồng ý. Vậy mà sang hôm sau bà bảo tôi: Chị đã suy nghĩ suốt đêm qua, em nói đúng đấy!”.

Nguyên Ngọc phân tích cho tôi: ta và anh Tàu cùng một đẳng cấp phong kiến nên trong lịch sử có lúc thắng lúc thua nhau. Nhưng Pháp nó hơn ta một đẳng cấp. Nó là xã hội đã có văn minh cả vật chất lẫn tinh thần. Học nó để mà canh tân đất nước rồi giành độc lập cũng chưa muộn. Dùng vũ lực để giành độc lập, sau đó thì anh nông dân vô học lên cầm quyền, không nâng cấp được xã hội mà còn dìm xã hội xuống thấp hơn bao giờ hết. Kẻ nghèo đói lên nắm quyền thì vơ vét và vơ vét. Thực tế đã chứng minh điều đó. Nó hủy hoại cả văn hóa dân tộc. Đi con đường của Phan Châu Trinh là duy nhất đúng. Ông nói điều này không chỉ với tôi ở An Giang bữa đó, ông còn nói trong một cuộc gặp gỡ có mặt nhiều trí thức ở Sài Gòn như tiến sĩ Vũ Trọng Khải, nhà văn Phạm Đình Trọng, thạc sĩ Mai Oanh, nghệ sĩ Hồng Ánh…” (Lê Phú Khải. Nguồn: https://phanba.wordpress. com, ngày 6-6-2016).

Đi con đường của Phan Châu Trinh là duy nhất đúng thì chúng ta đã thấy cái bế tắc, thất bại của nó rồi, lịch sử đã chứng minh rồi, không thể nói chứ nếu với lịch sử. Các phong trào kháng Pháp từ Cần vương đến Duy tân đều thất bại, “trăm thất bại mà không một thành công” - cụ Phan Bội Châu khiêm tốn viết. Phan Châu Trinh cũng thế thôi, cũng thất bại cay đắng. Vậy đây chính là dã tâm triệt hạ con đường Hồ Chí Minh, con đường thống nhất đất nước, con đường chiến thắng, độc lập, tự do của quân dân ta, nên giương ngọn cờ Phan Châu Trinh, đánh vào ngọn cờ Hồ Chí Minh. Nhưng chẳng ăn thua gì, vì con đường Hồ Chí Minh đã thắng lợi, con đường Phan Châu Trinh là “ngây thơ” (Phan Văn Trường), là “vô vọng” (ý của Nguyễn Ái Quốc, 1923). Còn tình hình trước mắt, những vấn nạn tham nhũng, xã hội xuống cấp, văn hóa dân tộc bị đe dọa… thì đang được khắc phục từng bước trong một tình hình phức tạp nhiều mặt, trong đổi mới, tiến bộ, cải cách thể chế dân chủ... từng bước một đi vào văn minh, hiện đại. Xã hội ta, người cầm quyền không phải là anh nông dân vô học. Ngay trong số đại biểu Quốc hội mới được bầu có đến 310/496 (62%) người có trình độ trên đại học. Đừng nghĩ chỉ có mình mới là trí thức, trong khi thời Tây anh chỉ được học hết cấp 2 (lớp 9 - Diplôme - là cùng). Kiêu ngạo cũng là một bệnh ảnh hưởng đến cách nhìn, cách đánh giá xã hội.

Tôi cũng ít học, không có đầu óc lý luận, chỉ xin nói mộc mạc mấy lời. Rất mong quý vị trong các hội đồng lý luận, lắm chữ lắm nghĩa và các báo đài hàng đầu, quân “cận vệ” của chế độ… phân tích đối thoại để làm rõ trắng đen. Không thì luận điệu này tung ra, lan rộng, ắt sẽ có hại vô cùng.

VŨ HỒNG NGỰ