Ở nước ta hiện nay lãng phí rất nhiều thứ nhưng lãng phí nhiều nhất và rõ nhất là lãng phí trong giáo dục và đào tạo.
Trước tiên, tôi xin nêu ra những lãng phí trong giáo dục ở bậc phổ thông. Để chi phí cho việc học của một đứa con từ lúc bắt đầu vào lớp 1 cho đến khi tốt nghiệp lớp 12 thì gia đình phải chi phí một khoản tiền khoảng 3.000.000 đồng/tháng (bao gồm học phí, học thêm và các khoản đóng góp linh tinh khác) nhưng rốt cuộc sau 12 năm đi học, các em chẳng làm được việc gì cho “ra ngô ra khoai”, đa số các em đều “học không hay, cày không biết”, trong đầu các em chỉ là một mớ kiến thức lý thuyết vụn vặt, hỗn độn, chẳng ra đầu ra đũa gì cả.
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, nếu các em tìm công việc lao động chân tay để làm thì các em cũng không làm tốt được, vì từ nhỏ tới lớn, các em được cha mẹ nuông chiều, không phải làm bất cứ việc gì, chỉ biết cắm đầu cắm cổ học theo kiểu nhồi nhét (cả ngày học ở trường, buổi tối đi học thêm) cốt sao cho được điểm cao, đạt được giải này, giải nọ nhằm thỏa mãn thói hám danh và sĩ diện, còn sau này có làm được việc gì, có sáng chế, phát minh ra được cái gì giúp cho đất nước bớt nghèo, bớt khổ hay không thì hình như phụ huynh, học sinh và nhà trường chưa bao giờ nghĩ tới.
Hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 đều vào đại học mặc dù năng lực của các em có hạn, vì hiện nay các trường đại học “mọc lên như nấm”, đang thiếu sinh viên, có nhiều trường tuyển sinh theo kiểu “ghi danh”, sau 4 năm lại cho “ra lò” những kẻ “dở ông dở thằng”, thầy chẳng ra thầy, thợ chẳng ra thợ.
Nước ta đang rất cần những người thợ lành nghề nhưng phụ huynh cứ muốn con em của mình phải vào học đại học bằng mọi giá để sau này làm “thầy” chứ không muốn làm “thợ”. Mà nước ta hiện nay đâu có cần lắm “thầy” đến thế! Hình như cái quan niệm “học để làm quan” đã ăn sâu vào trí não của người Việt Nam từ bao đời nay, không thể thay đổi?
Phụ huynh cứ thấy con mình vào được đại học là hãnh diện, là có cái để đi khoe với mọi người. Trung bình, mỗi tháng phụ huynh phải chi phí cho một đứa con học đại học là khoảng 6.000.000 đồng (bao gồm ăn, ở, đi lại và học phí), để rồi khi đứa con đó tốt nghiệp ra trường, nếu may mắn kiếm được một chỗ làm trong cơ quan nhà nước, trở thành công chức nhà nước thì mức lương khởi điểm khoảng 3.000.000 đồng/tháng.
Thế nhưng, số sinh viên tốt nghiệp xin được việc làm đúng chuyên ngành chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết sinh viên ở nước ta sau khi tốt nghiệp đại học đều rơi vào tình trạng thất nghiệp vì những lý do sau: thứ nhất, “cung” vượt quá “cầu”; thứ hai, những kiến thức sinh viên học được trong trường đại học không phù hợp với thực tế mà công việc nhà tuyển dụng đang cần, cái mớ kiến thức mà những cử nhân đó có được chỉ là lý thuyết suông vì cách đào tạo đại học của ta chỉ nghiêng về lý thuyết, chưa chú trọng đến thực hành.
Tất cả những cử nhân không xin được việc, cuối cùng phải xin đi làm công nhân và làm đủ thứ các ngành nghề khác nhưng không hề sử dụng đến kiến thức chuyên ngành mà mình đã được học ở đại học. Và vì miếng cơm manh áo nên họ lại phải bỏ tiếp ra một khoản tiền nữa để đi đào tạo lại, để học tiếp văn bằng 2 thì may ra mới có cơ hội trụ lại với cái công việc mà suốt 4 năm học đại học chưa hề được học. Nhưng hình thức đào tạo văn bằng 2 hiện nay lại theo kiểu đào tạo tại chức, đào tạo từ xa, tuy bỏ ra khá nhiều tiền để học nhưng không đưa lại hiệu quả thiết thực, chẳng khác gì đi mua bằng. Thành ra, mang tiếng là học suốt đời nhưng rốt cuộc thì cái gì cũng phải bỏ tiền ra “mua” thì mới được việc!
Phải chăng, giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay không có lối thoát?