HV105 - Nai chiều ngơ ngác gọi mẹ ơi

Năm ấy Đoàn nhà báo Quân đội vượt Trường Sơn vào mặt trận. Dưới ánh đèn gầm, chiếc ô tô của Đoàn 559 như “bò” trên cung đường dày đặc hố bom và mờ nhòa bụi hồng đất đỏ. Gần đến ngã ba Đông Dương, anh lái xe tên Biên nói: “Chúng ta đang lên đèo Mẹ Ơi”. Rồi anh kể sự tích cái đèo có tên kỳ lạ ấy cho chúng tôi nghe:

- Nơi đây máy bay Mỹ dội biết cơ man nào là bom đạn nhưng mùa này bờ suối, chân đèo vẫn xanh rờn những bãi cỏ non. Những buổi chiều muộn, đêm khuya có con nai mẹ thường đưa con ra đó ăn cỏ. Một đêm, máy bay thả đèn dù soi xe qua đèo. Nai mẹ, nai con đứng ngơ ngác nhìn đèn. Mắt nai cứ sáng xanh như nhìn đèn người đi săn soi chiếu vào nó. Bốn đốm sáng là mục tiêu cho máy bay dội rốc két xuống. Nai mẹ chết. Từ đó cứ mỗi buổi chiều hoặc đêm khuya vắng, nai con khát sữa tìm mẹ lại ra bãi cỏ đứng kêu “be…e…be…e…e…”. Cánh lái xe chúng tôi nghe tiếng nai con kêu xót lòng thương nó lắm. Chúng tôi nói với nhau “Nai con đang khóc tìm mẹ, gọi mẹ ơi, mẹ ơi đấy”. Tên đèo Mẹ Ơi có từ ngày đó.

***

Chiến tranh đã lùi xa rồi, mà tiếng con nai con khát sữa, ngơ ngác khóc tìm mẹ giữa rừng khuya như còn thổn thức trong lòng những ai đã qua đèo Trường Sơn năm ấy.

Tâm tưởng đó đã thôi thúc tôi tìm hiểu về loài động vật hoang dã này. Con nai, thuộc họ hươu nai bộ móng guốc ngón chân, loại động vật có vú, thuộc lớp thú nhai lại. Con nai đã được Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ thế giới (1996-2000) xếp vào bậc A2 trong danh sách các loài thú hoang dã quý hiếm đang trong quá trình nguy cấp phải nghiêm cấm săn bắn, bẫy bắt, buôn bán… Nghị định số 48-2002 của Chính phủ quy định phải tăng cường bảo vệ loài động vật này.

Ở nước ta, loài nai sinh trú trên các vùng núi Kon Tum, Lâm Đồng, Hà Tĩnh… và những nơi có rừng thưa, rừng nhiều cây xanh, gần khe suối, trảng cỏ, có địa hình bằng ở độ cao 500-600m so với mặt biển. Vùng châu Á, loài nai sinh trú ở miền Đông Bắc Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Lào, Nam Trung Quốc… Trên thế giới có khoảng hơn 60 loài nai. Rừng nước ta có 4, 5 loài nai: nai vàng, nai cà tông, nai Giava…

Loài nai còn có “họ hàng” gần xa với con hoẵng, con mang Trường Sơn, con cheo, con tuần lộc…, chúng đều có sừng và sừng rụng theo mùa.

Họ hàng nhà nai từ xa xưa có tập tục sống rất “lãng mạn”, rất “có duyên” với trăng vàng, sao sáng, mây chiều, gió mát. Loài nai thích nghi với hoạt động ban đêm. Chúng ưa rủ nhau về các thung lũng yên bình có thác reo, suối hát, nằm nhai lại và tự tình với nhau.

Đặc biệt loài nai có đôi tai to quá khổ so với cơ thể, đôi tai luôn dỏng lên nên nó cực kỳ nhạy cảm với âm thanh, tiếng động từ bốn phương tám hướng. Cặp mắt loài nai sáng trưng, cái nhìn ngơ ngác sợ sệt với tất cả những gì ở xung quanh nó. Tính cách đó tạo cho loài nai dáng dấp lúc nào cũng sẵn sàng co chân chạy trốn. Tạo hóa ban cho loài vật quý hiếm này một thân hình đẹp mượt mà, thon thả, chân cao thuôn dài và cuộc sống hiền lành, “thơ mộng”. Nhưng tạo hóa lại không ban cho nó một thứ vũ khí gì để tự vệ. Con nai đực có cặp sừng hình vòng cung trông hoành tráng nhưng lại mảnh mai. Bốn, năm nhánh của cặp sừng xòe ra giống ngón tay người hướng về phía trước như chỉ để đón chào thân thiện bạn bè và… làm dáng với bạn tình chứ không thể là vũ khí bảo vệ cuộc sống.

Thịt nai là món “đặc sản” mềm ngon thơm ngọt vào loại khoái khẩu hàng đầu của mọi loài ác thú ăn thịt trên hành tinh này. Nên khi gặp kẻ thù, con nai vàng tội nghiệp chỉ có một “chiêu” duy nhất là tháo chạy. Mà nai chạy nhanh nhất cũng chỉ được 35-40km/giờ trong quãng thời gian ngắn, thì làm sao thoát khỏi nanh vuốt của con báo có tốc lực nhanh nhất trong các loài vật trên hành tinh này: 115km/giờ lúc nó săn đuổi mồi. Loài nai có bộ lông màu vàng mơ mềm mại như gấm nhung, như tơ lụa (con cái). Con đực có màu lông vàng sẫm đẹp như màu ráng chiều và có hai hàng lông vàng nhạt giống như hai chuỗi cườm trang trí chạy dọc trên lưng. Ở gáy và cổ nó có những chùm lông dài mềm mại rủ xuống phơ phất trông rất điệu nghệ. Nai đực là con vật phong tình nhất nhì trong các loài thú. Khi gặp bạn tình, “chàng nai” có động tác nhảy múa xung quanh “nàng” rồi ngúng nguẩy cổ, ngúc ngắc đầu làm duyên, ve vãn. “Chàng ta” xông vào rủ chùm lông mềm xuống đầu, xuống mặt “nàng” như âu yếm, như vuốt ve. Rồi “chàng” nhả chút nước bọt dính vào mặt “nàng”. Làm được động tác ấy, “chàng nai” coi như đã chinh phục được “nàng”. Thường vào mùa xuân ấm áp, ngàn cây nõn nà lộc non lá biếc là mùa nai tìm bạn tình. Nai mang thai 8 tháng thì sinh, mỗi lứa một con. Rồi chỉ một mình nai mẹ “tần tảo” chăm nuôi con, còn nai bố thì mải rong chơi… Đến mùa gió thu trăng sáng, nai bố lại lượn lờ đến các trảng cỏ non phát tín hiệu “be…ắc…be…ắc…” gọi bạn tình. (Loài nai, hươu rất sung mãn về mặt sinh lý, mỗi ngày “chú nai” có thể “vui vẻ” với cả chục bạn tình). Nai con hơn 4 tuổi, nặng hơn 1 tạ thì đến thời kỳ mọc nhung (sừng non). Nhung nai có màu cực kỳ đẹp, đỏ hồng, mọng trơn mơn mởn nhú lên trên nền lông tơ vàng. Mỗi ngày nhung nai có thể mọc cao gần 2cm. Nai sống trong rừng tự nhiên chừng 5 năm thì cặp nhung già thành gạc (sừng), rụng đi, đến mùa xuân nó lại mọc lên cặp nhung non. Một đời con nai có thể để lại cho rừng vàng nhiều cặp sừng đẹp. Nhưng nếu con người nuôi nai để lấy nhung thì cả đời nó khai thác được chừng 18 năm. Mỗi năm, nai cho người một cặp nhung. Mỗi cặp nhung nặng 1,4kg đến 1,6kg. Giá bán lộc nhung cực đắt. Nhung nai hoang dã có giá trên 15 triệu đồng/kg. Nhung nai nuôi nhốt thì rẻ hơn, trên 10 triệu đồng/kg. Lộc nhung thái lát, sấy khô, chỉ 50g cũng có giá đến hơn 2 triệu đồng.

Tập tính của loài nai vàng sống hiền lành, thân thiện quần tụ với nhau thành bầy đàn. Nai vàng là loài “dễ tính”, không khảnh ăn. Ngoài thức ăn cổ truyền của nòi giống là cỏ non, chúng còn ăn được trên 160 loài cây mềm, nõn lá của rừng. Nai vàng chỉ thua vọoc mông trắng ăn được 204 loại thực vật: chồi, lá, hoa, quả, củ, vỏ, rễ cây… trong rừng. Từ cổ xưa con người đã xem loài nai vàng là biểu tượng cho sự cát tường, phúc lộc. Trong văn hóa cổ Trung Hoa có truyền thuyết kể rằng loài nai vàng hươu sao sinh ra từ ánh hào quang của viên ngọc quý, nó mang lại điều tốt lành cho thiên hạ. Những người sống có đức độ mới có duyên may gặp được nai vàng. Các đấng quân vương thời xa xưa trị nước bằng hiếu đạo, trăm dân được hưởng thái bình thì nai vàng mới xuất hiện. Lão Tử xưa từng cưỡi con nai đi đến bốn phương tám cõi đất trời. Nơi nào Lão Tử đến thì nơi ấy đất nước được thịnh trị thanh bình, cuộc sống muôn dân được an lành. Chúng ta khó tin vào điều huyễn hoặc ấy nhưng điều chắc chắn từ thuở hồng hoang, ông bà ta đã xem loài nai vàng tượng trưng cho sự hiếu thuận, phúc lộc và tốt lành.

Ở vùng Bắc Âu và cả vùng Bắc Mỹ vẫn còn những sắc tộc người du mục nuôi giống nai cả con đực và con cái đều có sừng. Giống nai này có đặc điểm rất kỳ lạ là ở khuỷu chân nó có một sợi gân cứng. Lúc nó di chuyển khớp xương theo nhịp đi tạo ra tiếng kêu “cách, cách” nghe giống như nhịp giày đinh của toán lính hành quân. Giống nai này được con người nuôi dạy thuần thục để kéo xe chở hàng và cung cấp sữa cho người dùng. Sữa nai được đánh giá quý vì có nhiều chất bổ dưỡng tốt cho sức khỏe trẻ em, người già.

***

Con nai vàng quý hiếm là tuyệt tác của tạo hóa làm sinh động cho những cõi non xanh. Con nai vàng đã in đậm trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn hóa các dân tộc trên thế giới. Ở nước ta, hình tượng đẹp của con nai đã khơi nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm để đời.

Bài thơ Tiếng thu của nhà thơ Lưu Trọng Lư còn sống mãi trong nền thi ca Việt Nam: “Con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô…”. Con nai vàng đứng ngơ ngác trên thảm lá vàng trong Tiếng thu là tiếng mây gió biến ảo khôn lường của đất trời thì thiết tưởng không còn gì đẹp hơn. Trên sân khấu, vở kịch Con nai đen của nhà văn Nguyễn Đình Thi đã một thời được nhiều người ngưỡng mộ. Ca khúc Bài ca Trường Sơn (thơ Gia Dũng, nhạc Trần Chung) “Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác, dừng lưng đèo nghe suối hát, ngắt một nhánh hoa rừng cài lên mũ ta đi…”. Người lính ra trận với tâm hồn lạc quan phơi phới vì cả Trường Sơn hùng vĩ nâng bước chân anh, trong đó có hình ảnh đẹp của con nai vàng…

Trong văn học dân gian của ta còn lưu truyền những câu ca dao thấm sâu ân nghĩa: “…Quyết lòng lên chốn lâm sơn/ Săn nai lấy lộc đền ơn mẫu từ”. Ông bà ta xem lộc nhung là vật quý hiếm nhất đẳng hạng. Những người con hiếu nghĩa quyết vào rừng sâu săn nai mong lấy được vật quý hiếm ấy về dâng hiến mẹ hiền để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục…

***

Khi viết bài này, tôi có ý tưởng tìm đến nơi có người nuôi nai vàng, để mong có thêm chuyện hay. Một anh bạn nhà báo mách cho tôi ở vùng Thái có ông bộ đội về hưu đang làm việc đó. Anh bạn nói rằng ông ấy có những điều kỳ lạ khác người trong việc chăn nuôi con thú quý hiếm này. Trên đường đưa tôi về đó, anh nói ông ấy tên là Biên Bác Ơi. Như nhận ra sự ngạc nhiên của tôi “sao ông ấy có cái tên lạ thế”, anh bạn cười: “Về đến nơi rồi ông sẽ hiểu. Chuyện vui lắm đấy”.

Đến nơi gặp ông Biên, tôi ngờ ngợ với cái sẹo trên trán của ông… Rồi chúng tôi nhận ra nhau... Cái sẹo có từ ngày ở Trường Sơn lúc ông rời xe chạy vào hang đá tránh bom, bị ngã vào vách núi. Cái sẹo ấy dẫn dắt chúng tôi trở về những kỷ niệm trên chặng đường ra trận… Tôi hỏi ông: “Sao bây giờ tên ông lại là “Biên Bác Ơi”, kỳ quặc vậy?”. Ông cười cởi mở. Cái cười còn rất đẫm chất trẻ trung hào sảng của anh lính Trường Sơn năm nào: “Con nai vàng cắm đuôi vào tên tôi đấy”. Ông Biên kể rằng rời quân ngũ lâu rồi nhưng nhiều đêm ông vẫn chiêm bao thấy mình đang lái xe tránh bom trên đường Trường Sơn. Và, tiếng nai con khát sữa “khóc gọi mẹ ơi” trên đèo khuya vẫn làm ông thổn thức xót lòng. Thế rồi ông đánh đường lên tận vùng Sơn nơi có người nuôi nai, ông xem họ nuôi và mua luôn một con giống giá 20 triệu đồng, mang về. Người bán nai dặn ông: mỗi ngày ông phải bảo đảm cho nó 10kg cỏ tươi non… Nhưng ông Biên không những cho con nai ăn đủ cỏ non, mà ông còn bồi dưỡng cho nó ăn hạt đậu xanh, hạt đậu nành, hạt ngô nếp. Mùa nóng, ông ưu tiên cho con nai chiếc quạt máy, vài ngày ông lại phun nước tắm, chải lông cho nai một lần. Mùa đông giá lạnh, ông đặt nồi than hồng cạnh chuồng sưởi ấm cho nai. Từ ngày vùng Thái có điện lưới ổn định, ông Biên sắm chiếc lò sưởi cho nó. Điều rất vui, con nai vàng càng mượt mà béo tốt càng “quen hơi bén tiếng” ông Biên. Mỗi lần nhìn thấy ông đi đâu về hoặc nghe tiếng nói của ông, con nai vàng lại dỏng đôi tai lên, thò cổ ra ngoài cửa chuồng ngơ ngác nhìn rồi kêu khàn khàn “bá…a, bá…a” nghe như nó gọi “bác ơi, bác ơi”. Nó đòi ông cho nó ăn, hoặc gọi ông đến với nó. Từ đó con cháu trong nhà và bà con xóm giềng gọi vui ông là ông “Biên Bác Ơi”. Người lính lái xe Trường Sơn năm xưa nói rằng mỗi lần ông chăm bẵm con nai, cho nó ăn, chải lông vuốt lưng cho nó, ông lại nhớ đến tiếng nai con khát sữa, khóc gọi mẹ trên đèo Mẹ Ơi năm nào. Và, những lúc ấy ông cứ tưởng như trước mắt mình đang có bóng dáng chú nai vàng đang nghiêng đôi tai ngơ ngác đứng trên đèo đất đỏ nghe suối hát, nhìn đoàn quân ra trận. Ông Biên cầm chặt tay tôi, nói thêm: “Hóa ra loài động vật hoang dã quý hiếm cũng thân thiện với con người nếu con người cũng thật lòng thân thiện và đừng làm hại nó…”.

TRẦN HỮU TÒNG