Chính khách hay chính trị gia thường đi từng bước trên con đường hoạn lộ của mình. Sinh hoạt với, và từ những nhóm nhỏ để mình biết ta và ta biết mình, rồi từ đó, dần bước tới các sinh hoạt rộng và đa dạng hơn để có thể được các chức vụ cao như bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống qua các phiếu bầu. Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm không đi qua tiến trình cần có tối thiểu như thế. Ngược lại, ông sinh ra và lớn lên trong thời Nguyễn mạt, đất nước bị Pháp đô hộ. Ông chưa hề đi kháng chiến hay ủng hộ các phong trào kháng chiến chống thực dân.
Nhưng Ngô Đình Diệm lại có được chức Thượng thư trong triều vua bù nhìn Bảo Đại. Giá trị của chức vụ này được dân ta thời bấy giờ gói ghém trong hai câu vè mang tính dân gian, đơn sơ nhưng súc tích và đúng:
Vây cánh Ngô Đình ghê gớm thật,
Mềm lưng, dẻo gối chóng lên cao.
Còn thành tích đối với giang sơn tổ quốc như thế nào, chúng ta nên để chính Giám mục Ngô Đình Thục, anh ruột của Ngô Đình Diệm, cho biết trong thư viết tay bằng Pháp ngữ, từ Tòa truyền giáo Vĩnh Long gửi cho Đô đốc Jean Decoux, Toàn quyền Đông Dương, ngày 21-8-1944.

Lá thư viết tay của Ngô Đình Thục gửi Toàn quyền Jean Decoux (trích từ tạp chí Lên Đường, số ra mắt, Houston, 1989)
Bản dịch bức thư:
“Một linh mục từ bổn Tòa được phái đi Sài Gòn để lo việc cho chủng viện vừa cho tôi biết rằng hai người em của tôi đang bị truy tố tại Huế. Vì đã lâu không nhận được tin tức gì từ Huế, tôi không biết là điều tôi vừa được báo cáo có đúng sự thực hay không.
Tuy nhiên, nghĩ đến nỗi đau đớn và sự bất nhẫn rất đúng mà chắc là Đô đốc đã cảm thấy - nếu sự truy tố các em tôi là có thật, tôi vội viết thư này để bày tỏ với Đô đốc nỗi đau đớn lớn lao của tôi về việc này.
Nếu hoạt động của hai em tôi được chứng tỏ là có hại cho quyền lợi nước Pháp thì - với tư cách của một giám mục, của một người Annam, và với tư cách là người con của một gia đình mà thân phụ tôi đã phục vụ nước Pháp ngay từ khi Pháp mới đến Annam, và đã nhiều lần đưa mạng sống cho nước Pháp trong các cuộc hành quân mà cha tôi cầm đầu, dưới quyền Nguyễn Thân, chống lại các kẻ nổi loạn do Phan Đình Phùng chỉ huy, tại Nghệ An và Hà Tĩnh - tôi, tự đáy lòng, không chấp nhận [hoạt động của các em tôi].
Thưa Đô đốc, tôi tuyên bố như vậy không phải với mục đích bảo toàn địa vị cá nhân của tôi: bởi vì nếu xét rằng cá nhân hèn mọn của tôi có thể phương hại đến quyền lợi của đạo [Thiên Chúa], tôi sẽ vui vẻ rời khỏi Tòa Giám mục này ngay.
...Có thể tôi lầm, tuy nhiên, thưa Đô đốc, cho đến khi được chứng minh ngược lại, tôi xin thú thực là không tin rằng các em tôi đã phản lại truyền thống của gia đình chúng tôi đến như thế, một gia đình đã tự mình gắn liền với nước Pháp từ lúc ban đầu, trong khi ông cha của những quan lại bây giờ hầu hết đều chống lại Pháp và chỉ quyết định thiên về Pháp khi thấy có lợi.
Ngay chính các em tôi đã từng liên tục đưa mạng sống ra vì nước Pháp, trong cuộc nổi loạn của Cộng sản. Diệm, người em kế tôi, suýt đã phải ngã gục dưới những phát súng của một Hoa kiều Chợ Lớn được phái đến Phan Rang với mục đích hại Diệm, Phan Rang là nơi mà Diệm đã mãnh liệt chống giữ lối xâm nhập vào Annam của các cán bộ Cộng sản từ Nam kỳ phái đến...
Đô đốc không phải là người chỉ xét đến hiện tại mà lại bỏ quên đi quá khứ. Tôi nêu ra điều này khi xét thấy rằng thân phụ tôi là Ngô Đình Khả đã từng được vinh dự phục vụ nước Pháp dù sinh mạng bị hiểm nguy, và khi xét đến quá trình lâu dài của các em tôi, một quá trình được hình thành bằng lòng tận tụy vô bờ của các em tôi đối với nước Pháp, mà không sợ phải hy sinh mạng sống của mình cho nước Pháp...
Ký tên: Ngô Đình Thục
Ngoài việc làm tay sai cho Pháp đã được Giám mục Ngô Đình Thục thuật lại khá rõ trong lá thư nói trên, lịch sử còn cho thấy ông Ngô Đình Khả, thân sinh ông Diệm, đã cùng với tên Việt gian Nguyễn Thân đào mả và đốt xác vị anh hùng ái quốc Phan Đình Phùng, rồi lấy tro trộn với thuốc súng mà bắn cho hả giận.
Lý lịch của họ Ngô như vậy và tội danh rõ ràng như thế, nên được thực dân Pháp cho chức Thượng thư rồi về sau được đưa lên làm Tổng thống. Đây là điều sỉ nhục, chứ có gì vinh dự mà thành phần hoài Ngô ca tụng?
Gần đây (2015), ông Nguyễn Gia Kiểng, một trí thức Công giáo cho biết, ông có “hai tài liệu cho thấy rõ một cách không thể chối cãi tiến trình đã đưa ông Diệm lên cầm quyền”.
Đó là thư của ông Jacques Bénet viết cho bà Ngô Đình Nhu ngày 18-10- 2004. Thư “trình bày một cách chi tiết tiến trình trong đó người Pháp đưa ông Diệm lên cầm quyền và làm áp lực để buộc Bảo Đại phải chấp nhận giải pháp này”.
Thư thứ hai là của ông Ngô Đình Nhu gửi cho ông Jacques Bénet cũng cho thấy, theo ông Nguyễn Gia Kiểng: “chính quyền Pháp đã có cả một kế hoạch ngầm để giúp ông Ngô Đình Diệm loại tướng Nguyễn Văn Hinh, dẹp quân Bình Xuyên và các giáo phái để thu tóm quyền lực về một mối”. Ông Nguyễn Gia Kiểng viết tiếp: “Hai lá thư này cho phép kết luận rằng ông Ngô Đình Diệm không phải do Mỹ đưa lên cũng không phải do ông Bảo Đại chọn lựa mà là một giải pháp của chính quyền Pháp để triệt thoái một cách êm thắm khỏi Việt Nam đồng thời giữ được tối đa ảnh hưởng chính trị và văn hóa cũng như các quyền lợi kinh tế. Như vậy phải hiểu rằng chính sách hợp tác với Mỹ và chống Pháp trong những năm đầu của chính quyền Ngô Đình Diệm chỉ là bề ngoài. Bên trong thực sự là đi đêm với Pháp và lợi dụng Mỹ...”.
Ông cũng xác nhận “ông Ngô Đình Diệm không thể là một biểu tượng cho Việt Nam trong thời đại độc lập. Ông đã hợp tác tận tình với chế độ Pháp thuộc và đã tiếp tay đàn áp những người đấu tranh giành chủ quyền dân tộc”(1).
Việc ông Nguyễn Gia Kiểng kết luận về tiến trình mà ông Ngô Đình Diệm lên chức Thủ tướng, sau đó là Tổng thống đã làm cho nhóm hoài Ngô mất mặt thêm. Từ nay mong rằng những ai muốn tráo trở lịch sử không nên ca tụng một gia đình “tam đại Việt gian”.
Bên cạnh đó, chúng tôi không đồng quan điểm với ông Nguyễn Gia Kiểng nội dung câu “Bên trong thực sự là đi đêm với Pháp và lợi dụng Mỹ...”. Đi đêm với Pháp thì đúng nhưng lợi dụng Mỹ? Chưa chắc. Ông Ngô Đình Diệm có ki-lô-gam nào để ông lợi dụng được Mỹ? Thực tế, sau khi Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ năm 1954, Mỹ muốn thay chân Pháp vì quyền lợi của Mỹ tại Đông Dương mà Việt Nam là chính. Bằng thế lực của Vatican, của Giáo hoàng Pius XII và Hồng y Spellman, ông Ngô Đình Diệm được chuyển từ bàn tay của Pháp qua tay của Mỹ.
Thực vậy, John Cooney trong cuốn The American Pope (Giáo hoàng Hoa Kỳ) viết như sau: “Lập trường của (hồng y) Spellman về Việt Nam phù hợp với những mong ước của giáo hoàng. Malachi Martin, một cựu tu sĩ Dòng Tên phục vụ tại Vatican trong những năm Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam, nói rằng giáo hoàng muốn Mỹ ủng hộ ông Diệm vì giáo hoàng đã bị người anh của ông Diệm, Tổng giám mục Thục, ảnh hưởng. “Giáo hoàng quan tâm đến sự càng ngày càng thắng lợi của Cộng sản do đó làm suy yếu giáo hội”, Malachi xác nhận rằng: “Giáo hoàng ra lệnh cho Spellman khuyến khích Mỹ tham chiến ở Việt Nam”.
Do đó Spellman xếp đặt một chiến dịch hòa điệu kỹ càng để dựng lên chế độ Diệm”(2).
Có thể vì thế, nên tại buổi tiệc trưa ngày 13-5-1957 do Thị trưởng thành phố New York khoản đãi tại nhà hàng khách sạn Waldorf Astoria để chào mừng Tổng thống Việt Nam cộng hòa, Ngô Đình Diệm hồ hởi tuyên bố như là một lời cam kết phục vụ quyền lợi Mỹ: “Về vấn đề an ninh, biên giới của Hoa Kỳ không ngừng ở bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương mà mở rộng ra đến Đông Nam Á, tận sông Bến Hải, nơi chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 17...”. Lúc về nước, biết mình nói hớ về bản chất tay sai, nên ông Diệm ra lệnh cho báo chí Sài Gòn thay cụm từ “biên giới của Hoa Kỳ” thành “biên giới của Thế giới Tự do” để có vẻ là “đồng minh” chứ không phải kẻ trước đây phục vụ Pháp, bây giờ nô tì cho Mỹ(3).
9 năm trị vì nửa nước Việt Nam, Ngô Đình Diệm không có đức mà cũng chẳng có tài, và chính sách gia đình trị độc ác nên cuối cùng ông phải ra đi. Diễn tả tình tiết này, có nhà văn đã phát biểu ngắn gọn mà súc tích: Ông Diệm đã chết trong lòng dân tộc từ lâu. Nay Mỹ đến lấy xác ông đi mà thôi(4).
Tệ nạn tham nhũng và lạm quyền của Ngô triều
Cần nói thêm rằng, sử không cho thấy ông Ngô Đình Diệm tham nhũng, nhưng là Tổng thống, ông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các hành động của dòng họ ông trong vấn đề thối nát và lạm dụng quyền hành. Dưới đây là vài thí dụ:
1. Linh mục Trần Tam Tỉnh trong cuốn Thập giá và lưỡi gươm viết: Từ 1955 đến 1963 là thời vàng son của chủ nghĩa Cha chú, chiếc áo chùng thâm là biểu tượng của quyền thế, các cha trong các khu dân điền là những ông vua với quyền hành tuyệt đối ngay cả chi tiêu tiền bạc. Các trường tư thục được điều khiển bởi các linh mục không có bằng cấp.
“Để có nguồn thu nhập cho đại học, giám mục Thục đã giành được độc quyền các vùng đốn cây tại Định Quán, là điểm ngon nhất nước”.
“Người ta thấy bộ trưởng, dân biểu, tỉnh trưởng, tướng tá… lũ lượt sắp hàng vào hầu đức cha… Các cha không ngần ngại tìm cách đưa con chiên mình vào thay thế các quận trưởng hay xã trưởng không Công giáo”.
Ngô Đình Thục cũng “xin” được những thửa ruộng rộng mênh mông dọc theo bờ biển để trồng dừa và dương liễu nhằm gây quỹ cho Đại học Công giáo tại Đà Lạt.
“Phạm Ngọc Chi, giám mục phụ trách di cư những năm 1954-1956, đã nhận được từ cơ quan Viện trợ Công giáo Hoa Kỳ 38 triệu đôla, của tổ chức viện trợ Pháp cũng như Caritas quốc tế còn nhiều triệu khác nữa”. Một phần số tiền này cũng phụ thêm cho chương trình cải đạo bằng vật chất.
Nhiều cuộc lễ nhậm chức của linh mục, giám mục, cũng huy động dân biểu tình chúc mừng bằng nhân sự và phương tiện của nhà nước.(5)
2. Trung tướng Trần Văn Đôn trong hồi ký Our Endless War Inside Vietnam (Cuộc chiến bất tận của chúng ta tại Việt Nam) cho biết: Giám mục, và em là Ngô Đình Nhu, độc quyền khai thác gỗ quý vùng Long Khánh và dọc đường từ Định Quán đến Lâm Đồng, làm chủ đại thương xá Tax đường Nguyễn Huệ, nhà sách Xuân Thu đồ sộ trên đường Tự Do, cư xá cho thuê ở đường Trần Hưng Đạo, biệt thự sang trọng trên bờ sông Thị Nghè...
Còn Ngô Đình Nhu, tại Sài Gòn vợ chồng Ngô Đình Nhu có hai biệt thự đồ sộ, một ở đường Phùng Khắc Khoan và một ở góc Pasteur - Hiền Vương. Hai biệt thự này thuộc loại sang trọng nhất nhì Sài Gòn. Tại Đà Lạt, biệt thự nghỉ mát của vợ chồng bà Nhu nguy nga đồ sộ hơn.(6)
3. Thiếu tướng Đỗ Mậu trong hồi ký Việt Nam máu lửa quê hương tôi cũng cho hay: Ở miền Trung, Ngô Đình Cẩn, em út của ông Diệm, là một lãnh chúa. Vì ít học nên sự tham nhũng và tàn bạo của ông Cẩn thuộc loại ngoại hạng. Ông Cẩn cho người ném lựu đạn vào tiệm thuốc Tây của dược sĩ Nguyễn Cao Thăng đường Trần Hưng Đạo, Huế, để lấy 200 ngàn đồng (bằng 200 triệu thời ông Thiệu). Ông cùng với bà Cả Lễ (chị ruột ông Cẩn) buôn bán gạo với chính phủ miền Bắc. Dưới trướng có các đảng viên Cần lao Công giáo và Đoàn công tác đặc biệt miền Trung bủa ra khắp nơi nên Ngô Đình Cẩn tha hồ kinh tài, buôn lậu và nắm trọn vẹn nền kinh tế quốc gia trên toàn lãnh thổ miền Trung và cao nguyên. Ông Cẩn còn cho tay chân thân tín đứng đấu thầu các công trình xây cất lớn như khách sạn, cầu cống, phi trường. Ông làm chủ nhiều khách sạn ở các thành phố lớn và các nơi du lịch như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, có nhà bào chế thuốc Tây, có hãng kỹ nghệ bông vải lớn nhất miền Nam: Vinatexco. Ngoài ra, ông còn buôn bán thuốc phiện từ Lào về. Không có một dịch vụ nào kiếm ra tiền mà ông Cẩn bỏ qua. Từ việc giết những người giàu để cướp của, vu khống bắt giam và tra tấn cho đến lúc nào nạn nhân dâng hết tài sản cho ông mới được tha mạng.(7)
4. Tiến sĩ McCoy, một chuyên viên bài trừ buôn lậu thế giới và đã từng là cố vấn tại Nha Tổng giám đốc Cảnh sát Công an miền Nam Việt Nam, trong cuốn The Politics Of Heroin In Southeast Asia (Chính trị thuốc phiện tại Đông Nam Á), viết như sau dưới tiểu mục “Triều đại Diệm và đảng cướp Nhu”: “Sau khi băng đảng Bình Xuyên bị đuổi khỏi Sài Gòn vào tháng 5-1955, Tổng thống Diệm, một người Công giáo rất mộ đạo, nhất quyết bài trừ nạn thuốc phiện bằng chiến dịch công khai đốt các bàn đèn, và đóng cửa các tiệm bán thuốc phiện... Nhưng chỉ ba năm sau, chính phủ Diệm đột nhiên thay đổi chủ trương lành mạnh xã hội này bằng quyết định cho các Bang trưởng người Hoa Chợ Lớn mở lại các tiệm bán thuốc phiện… và thành lập đường dây chuyên chở thuốc phiện từ Lào về. Cho nhân viên rải khắp nước Lào để mua thuốc phiện sống và dùng hệ thống hàng không quân sự để chở nhân viên và thuốc phiện đi lại giữa Việt Nam và Lào”.
5. Sử gia Frances Fitzgerald trong cuốn Fire In The Lake (Lửa trong hồ), viết: “Ngô Đình Cẩn và vợ chồng Ngô Đình Nhu tị hiềm ghìm nhau canh giữ các nguồn lợi - nhân viên của hai phía thường có những cuộc chém giết lẫn nhau vượt khỏi lằn mức thù hằn truyền kiếp. Tánh hay lo xa, nên bà Nhu đã chuyển tài sản sang các nước Âu châu. Ngoài ra, bà còn là chủ nhà hát trên đường Champs- Élysées (Paris), một dịch vụ đầu tư lẻ cho những kẻ tự quảng cáo mình là người Công giáo”.(8)
6. Tổng thống Kennedy, theo tường thuật của hai tác giả James S. Olson và Randy Roberts trong cuốn Where the domino fell - America and Vietnam 1945-1995 (Chỗ mà con bài domino rơi xuống - Mỹ và Việt Nam 1945-1995), lúc đọc xong phúc trình của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) về nạn tham nhũng của gia đình Diệm, ông liệng tài liệu xuống sàn nhà và la lên “Lũ chó đẻ” (Those damned sons of bitches)(9).
Kết luận
Nhiều năm qua, cứ đến ngày 30-4 hoặc vào trước tháng 11 mỗi năm, thành phần hoài Ngô hay ồn ào, cố tình thay đổi lịch sử với chiêu bài “cụ còn thì nước không mất”, hay Ngô tổng thống là một nhà ái quốc vì nước vì dân. Nhưng qua những sử liệu chính xác không thể phủ bác của các sử gia và học giả khắp thế giới đều cho thấy, cố Tổng thống Ngô Đình Diệm có một số “đặc điểm” như sau:
1. Không những chỉ có ông ta mà cả dòng họ Ngô Đình đều thuộc thành phần “tam đại Việt gian”. Tội lỗi này do chính Giám mục Ngô Đình Thục, anh ruột của Tổng thống Ngô Đình Diệm, chứ không phải ai khác, đã viết trong thư gửi cho Đô đốc Jean Decoux, Toàn quyền Đông Dương, ngày 21-8-1944 như đã tường thuật ở phần đầu của bài này.
2. Chế độ Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo trắng trợn. Vu khống những nhà ái quốc và những người không phải Kitô giáo là Cộng sản để tra tấn tù đày chém giết và bắt ép họ cải đạo.
Công giáo Việt Nam chỉ có khoảng 3%-4% dân số trong thập niên 1960, nhưng các nơi an toàn trù phú trong các vùng dinh điền đều được cấp cho người Công giáo. Các chức vụ từ xã trưởng đến quận, tỉnh đều dành cho người Công giáo. Những chức tướng, tá…, nếu không kiếm được người Công giáo thì mới giao cho người lương.
3. Tiêu diệt các đảng phái để củng cố một chính thể gia đình trị độc tài, dân chúng sống trên đe dưới búa, họ có thể bị bắt hoặc thủ tiêu bất cứ lúc nào.
Chưa đến nỗi có đến 7 núi tội như Giáo hoàng John Paul II đã xin sám hối với nhân loại ngày 12-3-2000, nhưng một số ít tội vừa kể trên cũng đủ để biết chính sách cai trị của nhà Ngô như thế nào. Hy vọng bánh xe lịch sử không còn tái diễn cảnh cõng rắn Tây cắn gà Việt, và sẽ không đem hùm beo từ nước khác đến như “Kế hoạch đổi đạo Á châu” mà Vatican chủ trương!
Tháng 5-2016
_____
(1) Nguyễn Gia Kiểng/ Thông luận, ngày 2-11-2015.
http://ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=19823:nhin-l-i-giai-do-n-ngo-dinh-di-m-nguy-n-gia-ki-ng&catid=66&Itemid=301
Nguồn (có phần tiếng Pháp của hai lá thư):
http://hoangnamgiao.blogspot.com/2015/11/nhin-lai-giai-oan-ngo-inh-diem-nguyen.html
(2) John Cooney, The American Pope. A Dell Book, New York 1984, p.309-312. Dẫn theo Nguyễn Kha, Ông Ngô Đình Diệm, từ cái nhìn của giới nghiên cứu Mỹ. Nguồn: http://thientrithucvn.blogspot.com
(3) The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University.
http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive/items.php?item=2321507006
(4) Nhiều yếu tố đưa đến tình trạng này, độc giả có thể tìm đọc trong bài Ngô Đình Diệm - bảy nguyên nhân thất bại của tác giả Bùi Kha.
http://thuvienhoasen.org/a16581/34-ngo-dinh-diem-bay-nguyen-nhan-that-bai-bui-kha
(5) Linh mục Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm.
(6) Trần Văn Đôn, Our Endless War Inside Vietnam, Presidio Press, San Rafael, Ca.1978, p.64.
(7) Hoành Linh Đỗ Mậu, Việt Nam máu lửa quê hương tôi, tr.526-530.
(8) Frances Fitzgerald, Fire In The Lake, NY.1972, p.169, 170.
(9) James S. Olson and Randy Roberts, Where the domino fell - America and Vietnam 1945-1995. Brandywine Press, New York, 1999. Third Edition, chapter 4, p.98.