HV105 - Người Mỹ nói gì về Bob Kerrey? (Trích)

Chúng tôi tìm mỏi mắt, chưa thấy một người Mỹ (và giáo sư Việt tại Mỹ) nào trong phạm vi quen biết lại ủng hộ việc đưa Bob Kerrey lên giữ chức vị cao nhất trong trường Đại học Fulbright ở Việt Nam vào thời điểm này.

- SHAWN McHALE, giáo sư Quan hệ Quốc tế danh tiếng của George Washington University: “Quan điểm của tôi là giữa chống hoàn toàn với ngạc nhiên, khó hiểu. Phản ứng đầu tiên là việc có Bob Kerrey ở vị trí lãnh đạo là thật tệ hại. Ở Mỹ, Hội đồng tín thác (Hội đồng quản trị) có thể vừa quyền lực, vừa không quyền lực. Họ giúp quyên tiền cho trường, đưa ra định hướng chung, tuyển người và sa thải hiệu trưởng,… nên đúng là họ quyền lực. Cùng lúc, cũng có những mô hình quản trị ở các đại học hàng đầu trao quyền lớn hơn cho đội ngũ giáo viên. Quyền lực lớn này dù vậy đang ngày càng bị Hội đồng tín thác thách thức... Kerrey như vậy là không điều hành trường. Ông và những người khác làm giám sát và, như có người phỏng đoán, sẽ cố gắng để vận động Quốc hội cho thêm tiền cho Đại học Fulbright ở Việt Nam, thu hút các cá nhân góp tiền... Nhưng liệu Kerrey có phải nhân vật phù hợp? Cá nhân mà nói, tôi nghĩ chính phủ Mỹ hay một trường đại học chẳng có trách nhiệm gì phải giúp một cá nhân muốn chuộc những tội ác của mình. Một người Mỹ muốn đền bù sau khi giết những dân thường Việt Nam, tôi hoàn toàn ủng hộ. Sửa sai là điều tốt. Nhưng họ nên đóng vai trò khác hơn là Chủ tịch Hội đồng tín thác hay Hội đồng quản trị (của trường)”.

- CHUCK SEARCY, cựu binh Mỹ nhiều năm tham gia các dự án rà phá bom mìn còn sót lại tại Việt Nam: “Kerrey phải rút khỏi vị trí này. Câu hỏi duy nhất là liệu ông ta có thể rút lui với sự tự trọng, thể hiện sự hiểu biết và cảm thông với người Việt Nam hay là chúng ta phải chịu những khoảnh khắc khó xử nữa của sự chối bỏ, ngạo mạn từ phía những người Mỹ chúng tôi”.

- GS VŨ ĐỨC VƯỢNG, Đại học De Anza: “Vì lợi ích của Đại học Fulbright, của các sinh viên sau này và vì nên giáo dục Việt Nam nói chung, Kerrey nên từ chức khỏi vị trí này ngay lập tức. Điều này sẽ giúp cho sự bình yên tâm trí và thanh danh của Bob Kerrey. Những gì Kerrey gây ra ở Bến Tre năm 1969 là rõ ràng, nhưng phải cần tới 30 năm để ông ấy thú nhận... Ông ấy có góp tay vào quá trình bình thường hóa giữa hai nước vào những năm 1990 và điều đó nên được ghi nhận.

Cùng lúc, thành tựu của Kerrey trên cương vị thống đốc và thượng nghị sĩ có thể cho điểm “hào phóng” ở mức B, và thời kỳ ông làm (hiệu trưởng) ở New School đơn giản là thảm họa. Đúng là ông ấy quyên góp được nhiều tiền, nhưng ông ấy cũng tiêu xa xỉ không kém. Nếu ông ấy định lặp lại mô hình lộn xộn này ở Việt Nam thì đó chẳng phải là thành tựu gì.

Nhưng trên hết, việc bổ nhiệm ông thể hiện cả sự ngạo mạn của Mỹ và tâm lý phục tùng của Việt Nam. Như nhiều người chỉ ra, Mỹ không thiếu những nhà quản lý giáo dục và những nhà gây quỹ với uy tín, sự tận tụy và mong muốn gây hạt giống cho nền giáo dục đại học hiệu quả hơn ở Việt Nam. Bằng việc bố trí Kerrey, chẳng phải chính phủ Mỹ khiến dư luận Việt Nam nghi ngờ rằng chính phủ Mỹ lại đi con đường cũ và muốn chi phối chính sách một cách thất thường như những năm 1963-1964?

Với chính phủ Việt Nam, dường như họ đã không đủ cẩn trọng khi chấp nhận cái vòng khóa Fulbright với đủ thứ đi kèm này.

Tôi chúc Bob Kerrey những năm cuối đời hạnh phúc, vui vẻ và có ích trên trái đất này, bất cứ chỗ nào cũng được miễn tránh xa Đại học Fulbright”.

- BILLY KELLY, cựu binh thường xuyên trở lại Việt Nam làm các dự án từ thiện và năm nào cũng quay về Mỹ Lai với 504 bông hồng (dù không hề có liên quan tới vụ thảm sát): “Tôi có thể nói gì đây... Ai đã đề xuất Kerrey? Chắc chắn là phải từ phía Mỹ rồi. Ai ở phía Việt Nam đồng ý với đề xuất này? Tại sao lại vậy? Tôi không thể tin nổi là ông ta có gan trở lại Việt Nam và Sài Gòn nơi “câu chuyện của ông ta” được trưng bày ngay Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Có thể có lợi gì với một ông già 73 tuổi trở lại với gánh nặng như vậy?”.

THU UYÊN tổng hợp và dịch