HV105 - Vụ kiện biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc dưới mắt một nhà mạng Trung Quốc

L.T.S: Vụ kiện này có tầm ảnh hưởng toàn cầu, góp phần vào ngăn chặn tham vọng giành 80% biển Đông, các đảo và đá ở Trường Sa, Hoàng Sa… Gần tới ngày công bố kết luận của Tòa án trọng tài thường trực quốc tế La Haye (Hà Lan), mạng Nhận thức chung của Trung Quốc có những bình luận khá khách quan - Đây là một điều hiếm hoi ở Trung Quốc, rất đáng chú ý. Sau đây là trích đoạn một số luận điểm trong bài nói trên để bạn đọc tham khảo.

Về quân sự, Trung Quốc đang phải đối mặt với khả năng xảy ra va chạm và xung đột quân sự với cường quốc quân sự số một thế giới là Mỹ và các đồng minh của nước này ở Nam Hải. Về ngoại giao, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những xích mích ngoại giao với Mỹ và các đồng minh của nước này cũng như các quốc gia Đông Nam Á do vấn đề Nam Hải, thậm chí do lo ngại hành động của Trung Quốc ở Nam Hải, các quốc gia này đang tìm cách cô lập Bắc Kinh. Về mặt pháp lý, Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép chưa từng có, Mỹ và các nước lớn phương Tây khác thông qua các diễn đàn kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Nam Hải. Đứng trước tình hình này, đối với Chính phủ Trung Quốc tương đối quen với việc xem xét và giải quyết vấn đề từ góc độ sức mạnh và ngoại giao, cảm giác sức ép về mặt pháp lý càng lớn, đặc biệt là hết sức bị động trong việc đối phó với vụ kiện của Philippines. Sau “sự kiện bãi cạn Scarborough” không lâu, ngày 22-1-2013, Philippines gửi cho Trung Quốc “Thông báo và Tuyên bố khởi kiện” trong đó gồm 15 luận điểm mà nước này đưa ra yêu cầu Tòa Trọng tài xem xét, ngày 19-2 Trung Quốc gửi công hàm cho Philippines, Philippines đã từ chối nhận lại “Thông báo và Tuyên bố khởi kiện”, tiếp đó đơn phương khởi kiện lên Tòa Trọng tài. Ngày 5-4-2013, Tòa Trọng tài Liên hiệp quốc chỉ định 5 thẩm phán quốc tịch Đức, Ba Lan, Pháp, Hà Lan và Ghana thành lập hội đồng trọng tài bắt đầu công việc và ngày 25-6 Tòa Trọng tài Nam Hải được thành lập, ngày 11-7 tổ chức cuộc họp đầu tiên ở La Hay, thông báo cho Trung Quốc và Philippines có cơ hội trao đổi ý kiến về dự thảo thủ tục tố tụng theo quy tắc.

Ngày 31-7-2013, Philippines đã gửi ý kiến về dự thảo. Ngày 1-8-2013, Trung Quốc gửi một công hàm cho Tòa Trọng tài thường trực nhắc lại quan điểm không chấp nhận của mình.

Ngày 27-8-2013, Tòa Trọng tài xác định quy tắc thủ tục và thời gian biểu bước đầu của trọng tài, xác định ngày 30-3-2014, Philippines đệ trình lên Tòa Trọng tài biên bản ghi nhớ trong đó có quyền tài phán của tòa, lập luận về tuyên bố chủ quyền, Philippines đã đệ trình biên bản ghi nhớ dày khoảng gần 4.000 trang với 10 chương, chương 1 dài gần 270 trang, phần còn lại là những tư liệu chứng minh và bản đồ bổ trợ cho việc tố tụng, trình bày toàn diện các vấn đề như chủ trương của nước này cũng như vấn đề quyền tài phán của Tòa Trọng tài.

Tòa Trọng tài xác định ngày 16-12-2014 Trung Quốc phải nộp phản biện, song Trung Quốc không gửi phản biện về biên bản ghi nhớ của Philippines theo thời hạn của Tòa Trọng tài. Ngày 7-12-2014, Trung Quốc công bố “Văn kiện lập trường về vấn đề thẩm quyền trong vụ kiện Nam Hải do Philippines khởi xướng” (sau đây gọi là văn kiện lập trường), vẫn tiếp tục nhấn mạnh lập trường không chấp nhận và không tham gia vụ kiện này.

Tiếp đó, Tòa Trọng tài tiếp tục yêu cầu Philippines trình thêm các lập luận bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến quyền tài phán cũng như luận chứng liên quan tới vụ kiện này. Sau đó, Tòa Trọng tài đã bước vào thảo luận những vấn đề cụ thể, dự tính quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong tháng 6 này. Mặc dù Philippines đưa ra 15 luận điểm khởi kiện Trung Quốc, nhưng nhìn chung có thể quy lại thành ba vấn đề cụ thể sau:

1. Cho rằng Trung Quốc vi phạm “Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS) ở “đường 9 đoạn” mà nước này vẽ ra và cái gọi là “quyền lợi lịch sử” của Trung Quốc.

2. Xin xác định ý nghĩa cấu trúc địa hình và quyền lợi của các đảo và đá ngầm có tranh chấp như bãi cạn Scarborough, cho rằng những đảo và đá phần lớn nhô lên khi thủy triều xuống thấp hoặc khối đá gần mặt nước không được quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thậm chí là lãnh hải.

3. Các hành động của Trung Quốc ở Nam Hải đã can thiệp vào quyền chủ quyền và các hoạt động như nghề cá của Philippines, đồng thời phá hoại môi trường biển… Về vấn đề này, chính sách cơ bản của Trung Quốc là không chấp nhận và không tham gia, không có những phản ứng tích cực trước các vấn đề thực tế mà Philippines khởi kiện, ngay cả trong văn kiện lập trường nói trên cũng đã nói rõ ràng rằng, mục đích chính của tài liệu này là để làm rõ lý do Tòa Trọng tài không có quyền tài phán, chứ không phải là đồng ý chấp nhận trọng tài. Sở dĩ lý do khiến Trung Quốc cho rằng Tòa Trọng tài không có quyền tài phán chủ yếu là vì cho rằng thực chất vụ kiện này là tranh chấp chủ quyền và do đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS. Cả hai bên đã cam kết giải quyết thông qua đàm phán và tham vấn, nên việc Philippines đơn phương khởi kiện lên Tòa Trọng tài rõ ràng là vi phạm những cam kết mà họ đưa ra, chưa kể đến việc từ năm 2006 Trung Quốc căn cứ theo khoản 1 điều 298 của UNCLOS tuyên bố không chấp nhận bất cứ thủ tục áp đặt nào dẫn đến phải ép buộc đàm phán. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là lý do của Trung Quốc đã không được Tòa Trọng tài chấp nhận. Toàn bộ quá trình kể từ khi xuất hiện vụ kiện đến nay, Trung Quốc luôn ở trong tình trạng bị động, mặc dù Trung Quốc kiên trì lập trường cơ bản không chấp nhận và không tham gia, đồng thời đưa ra các lý do cho rằng Tòa Trọng tài phủ nhận và nói rằng họ có quyền phán quyết, đồng thời để trọng tài thẩm tra các vấn đề thực tế.

Hơn nữa, theo tình hình hiện nay, kết quả cuối cùng của vụ kiện này rất có khả năng hết sức bất lợi cho Trung Quốc, ví dụ có khả năng đưa ra phán quyết Trung Quốc vi phạm các quy tắc của luật biển trong UNCLOS ở “đường 9 đoạn” mà nước này vạch ra, từ đó về căn bản làm đảo lộn phần lớn quyền lợi của Trung Quốc ở Nam Hải. Ngoài ra, Tòa Trọng tài có khả năng sẽ kết luận thuộc tính pháp lý của hầu hết các đảo và đá ở Nam Hải nhô lên khi thủy triều xuống thấp hoặc khối đá gần mặt nước khó có thể được quyền hưởng vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, vùng lãnh hải tương ứng, vì vậy diện tích lãnh hải hợp pháp ở các đảo và đá ở Nam Hải mà Trung Quốc có được dựa trên sự chiếm đóng thực tế hiện nay sẽ giảm đi rất nhiều, cũng như có khả năng gián tiếp chỉ trích việc Trung Quốc bồi lấp các đảo ở Nam Hải.

Nói tóm lại, yêu cầu của Philippines về cơ bản có thể được đáp ứng, còn Trung Quốc ở trong trạng thái bị động trong vụ kiện này cũng như đành phải chấp nhận một kết quả hết sức bất lợi. Hơn nữa, một khi đưa ra phán quyết như vậy, sự đồng tình của quốc tế mà Trung Quốc có thể nhận được về ngoại giao có thể rất hạn chế, dư luận quốc tế sẽ không có lợi cho Trung Quốc. Tất nhiên, đối với một quốc gia có chủ quyền, đặc biệt là đối với một nước lớn như Trung Quốc, bất kỳ phán quyết quốc tế nào cũng sẽ bị hạn chế, đặc biệt là gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. Trung Quốc luôn chủ trương không chấp nhận và không tham gia, thì tất nhiên sẽ không công nhận phán quyết của hội đồng trọng tài, đặc biệt là những phán quyết rõ ràng là không có lợi cho mình. Xét từ ý nghĩa này, dù Tòa Trọng tài đưa ra kết quả cuối cùng ra sao cũng sẽ không làm thay đổi sự hiện diện của Trung Quốc ở Nam Hải cũng như cuộc cạnh tranh và đọ sức kéo dài giữa Trung Quốc với các nước như Mỹ, Philippines xoay quanh vùng biển này. Thay vào đó, đối mặt với một phán quyết không thể chấp nhận, Trung Quốc có khả năng sẽ hành động mạnh mẽ hơn ở Nam Hải. Tuy nhiên, do Trung Quốc có khả năng bị động về mặt pháp lý trong vụ kiện lần này, các quốc gia có tranh chấp về biển với Trung Quốc như Nhật Bản và Việt Nam sẽ dựa vào điều đó để công kích yêu sách chủ quyền biển của Trung Quốc về pháp lý, đồng thời truyền thông phương Tây cũng sẽ mặc sức công kích việc Trung Quốc không tuân thủ luật quốc tế. Như vậy, tín nhiệm và hình ảnh quốc tế của Trung Quốc sẽ bị tổn hại rất lớn.

Trọng điểm trong chính sách của Trung Quốc đối với Nam Hải hiện nay là dựa vào sức mạnh và ngoại giao, tức là tích cực hành động để mở rộng các đảo và đá thực tế đã chiếm được cũng như triển khai ngoại giao tích cực để cố gắng thuyết phục các nước khác thừa nhận hoặc đồng tình chủ trương của Trung Quốc đối với vấn đề Nam Hải nhằm giảm bớt sức ép ngoại giao. Tuy nhiên, ở cấp độ pháp lý, Trung Quốc đang ủng hộ cái gọi là “từ trước đến nay” và “di sản tổ tiên”, trong đó tất nhiên có một số thành phần hợp lý, bởi vì khi phán định chủ quyền lãnh thổ, căn cứ lịch sử là một yếu tố quyết định quan trọng, nhưng những chủ trương mang tính lịch sử này của Trung Quốc chưa đủ tính thuyết phục dưới các quy tắc quốc tế hiện hành. Chỉ sử dụng ký ức lịch sử và ghi chép lên đến hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn năm trước thì rất khó giải thích khái niệm chủ quyền lãnh thổ mới có gần một trăm năm trước giữa các nước châu Á, hơn nữa còn phải xem xét các yếu tố khác nhau như sự kiểm soát hiệu quả thực tế và thời gian hiệu lực của nó,… do đó càng khó phán đoán chủ quyền các đảo và đá ở Nam Hải.

Ngoài ra, mặc dù Trung Quốc chủ trương quyền lợi ở Nam Hải, nhưng cái gọi là “đường đứt khúc”, một trong những căn cứ để yêu sách quyền lợi ở Nam Hải rốt cuộc là đường như thế nào thì cũng chưa có một tuyên bố chính xác, ngay cả khái niệm “quyền lợi lịch sử” và “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc cũng vì thiếu sự kiểm soát hữu hiệu trên thực tế và sự thừa nhận của các hiệp ước quốc tế mà chưa hoàn chỉnh. Từ lịch sử và thực tế của quan hệ quốc tế cho thấy, mọi tranh chấp lãnh thổ thông thường chỉ có thể giải quyết bằng phương thức chiến tranh, đàm phán ngoại giao hoặc tư pháp quốc tế, phương thức giải quyết bằng chiến tranh đòi hỏi sức mạnh tuyệt đối, phương thức ngoại giao đòi hỏi kỹ năng ngoại giao được hỗ trợ bởi sức mạnh, phương thức tư pháp cần có một cơ sở lịch sử và pháp lý hợp pháp. Thời kỳ thuộc địa bành trướng và hai cuộc chiến tranh thế giới là một vài thời điểm then chốt dựa vào sức mạnh để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và thay đổi lãnh thổ, tuy nhiên khi đó thực lực quốc gia của Trung Quốc suy yếu, quyền lợi lãnh thổ mất đi nhiều so với giành lại được. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, mặc dù Trung Quốc là kẻ chiến thắng, nhưng do thực lực và ý thức pháp luật chưa đủ mạnh nên đã mất cơ hội thu hồi các quyền lợi mang tính lịch sử trên các đảo và đá ở Nam Hải. Sau chiến tranh lạnh, mặc dù Trung Quốc đang trong quá trình trỗi dậy, nhưng thực lực chưa đạt tới mức cực kỳ hùng mạnh, đặc biệt là còn kém rõ rệt khi đối mặt với sức mạnh quân sự của Mỹ, hơn nữa bây giờ không còn là thời kỳ chủ nghĩa thực dân và xảy ra chiến tranh với quy mô trên toàn thế giới, vì vậy khả năng giải quyết vấn đề Nam Hải bằng sức mạnh rất thấp.

Thông qua đàm phán ngoại giao giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Nam Hải là nội dung chủ yếu trong chính sách của Trung Quốc đối với Nam Hải, tuy nhiên sự kiểm soát thực tế khác nhau đối với đảo và đá ngầm ở Nam Hải giữa các quốc gia có tranh chấp cũng như sự khác biệt quá lớn về lập trường, chủ trương của các bên khiến rất khó giải quyết thông qua đàm phán, thỏa hiệp. Vì vậy, Trung Quốc cũng phải tính đến giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Nam Hải thông qua công lý quốc tế, đó là phải hiểu rõ các quy tắc của luật pháp quốc tế và áp dụng các quy tắc của luật pháp quốc tế.

Trung Quốc cần lấy phương thức dựa vào quy tắc quốc tế có thể chấp nhận hiện nay để chủ trương quyền lợi của mình, chứ không phải chỉ đơn giản là “không chấp nhận, không tham gia, không thừa nhận và không thực hiện”, nếu không Trung Quốc rất khó trỗi dậy hòa bình thực sự, thậm chí rất khó xác lập chỗ đứng lâu dài trong cộng đồng quốc tế.

Theo TTXVN