HV105 - Việc đề cử Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright - Khơi lại vết thương rỉ máu 50 năm…

Ở Việt Nam, ít người biết đến cuộc điều tra vụ thảm sát Thạnh Phong (do báo New York Times và đài truyền hình CBS thực hiện năm 2001) và càng ít người hơn nữa đọc cuốn hồi ký When I Was a Young Man (Khi tôi còn trẻ) của Bob Kerrey (do NXB Harcourt ở New York xuất bản năm 2002).

Chỉ khi Bob Kerrey nhận giấy phép thành lập trường Đại học Fulbright ở Việt Nam (FUV) ngày 25-5-2016, dư luận mới bắt đầu bàn tán xôn xao về nhân vật nhiều tai tiếng này và nhắc lại một ký ức đau buồn gần nửa thế kỷ trước.

Bob Kerrey là ai?

Bob Kerrey là tên thường gọi của Joseph Robert Kerrey, sinh ngày 27-8-1943 ở Lincoln, bang Nebraska, Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp ngành dược học năm 1966, Bob Kerrey gia nhập Hải quân Mỹ, tham gia các lớp huấn luyện quân sự trong hai năm trước khi được gửi sang miền Nam Việt Nam tham chiến vào cuối năm 1968. “Như ông ta thừa nhận, ông ta sang Việt Nam, răng ngậm chặt một con dao, làm những gì ông đã được huấn luyện: bắt cóc, ám sát, giết thường dân hàng loạt” (Douglas Valentine, CounterPunch, tháng 5-2001). Viên trung úy 25 tuổi ấy được giao chỉ huy một trung đội biệt kích SEAL thuộc Lực lượng đặc nhiệm số 115 của Hải quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

“Chiến công” đầu tiên của Bob Kerrey ở Việt Nam là cuộc đột kích vào xóm chài Khâu Băng (nay là ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) trong đêm 25-2-1969. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Bob Kerrey báo cáo lên cấp trên là Paul Connolly, rằng đã giết được 21 Việt Cộng, tịch thu được 2 vũ khí, đốt được 2 căn nhà tranh. Nhờ “thành tích” ấy, Bob Kerrey được thưởng Huân chương Ngôi sao đồng (Bronze Star).

Gần một tháng sau, ngày 14-3, Bob Kerrey tiếp tục chỉ huy toán quân của mình tham chiến trên đảo Hòn Tằm trong vịnh Nha Trang. Tại đây, ông ta bị thương ở chân phải, được trực thăng chở về Bệnh viện dã chiến số 26 ở Cam Ranh, sau đó chuyển tiếp về một bệnh viện của Hải quân ở Philadelphia. Bị cắt phần dưới của chân phải, ông ta trở thành phế binh, được giải ngũ sau hơn 3 tháng tham chiến ở Việt Nam.

Ngày 14-5-1970, ông ta được thưởng Huân chương Danh dự (Medal of Honor), huân chương cao quý nhất của nước Mỹ. Báo chí Mỹ bình luận: “Với Huân chương Danh dự đeo trên ngực, Kerrey bắt đầu bước đi trên con đường hào nhoáng tới thành công” (Douglas Valentine, CounterPunch, tháng 5 - 2001).

Với “ánh hào quang” đó, Bob Kerrey bước vào chính trường Mỹ: làm thống đốc bang Nebraska (1983- 1987), làm thượng nghị sĩ hai nhiệm kỳ liên tiếp (1989- 2001), được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo của Thượng viện, mon men ra tranh cử để được Đảng Dân chủ chọn làm ứng viên tổng thống năm 1992 (nhưng thất bại trước Bill Clinton). Nhờ che giấu kỹ chuyện quá khứ, ông ta trở thành “một trong những nhà hoạt động chính trị được nhiều người quan tâm nhất ở Mỹ” như Douglas Valentine ghi nhận.

“Tên nói dối bệnh hoạn”

Nhưng cái kim để trong bọc lâu ngày cũng lộ ra. Vẫn theo D. Valentine, một đồng đội của Bob Kerrey có tham gia vụ đột kích đêm 25-2-1969, tên là Gerhard Klann, “bị ám ảnh bởi ký ức đêm hôm ấy, đã kể hết cho một cựu đại tá SEAL nghe trong những năm 1980 với hy vọng vơi bớt nỗi day dứt”. Sau đó, viên cựu đại tá này thuật lại cho một nhà báo. Câu chuyện vỡ lở, buộc Bob Kerrey phải thừa nhận (năm 1998): “Chuyện mà tôi nhớ mãi cho tới chết, đó là tôi thấy khoảng 14 người - tôi không nhớ rõ con số - gồm phụ nữ và trẻ con chết. Tôi muốn thấy bộ đội Việt Cộng chết cùng với vũ khí. Thay vào đó, tôi chỉ thấy phụ nữ và trẻ con”. Năm 2002, ông ta thuật lại chuyện giết thường dân ấy trong hồi ký When I Was a Young Man:

“Người dẫn đường (tức Mike Ambrose) đi tới một ngôi nhà mà anh ấy nói là anh ấy tin rằng có người canh gác. Chúng tôi đã được huấn luyện là trong tình huống đó, sẽ quá nguy hiểm nếu cứ tiến tới, biết rằng họ (những người canh gác) có thể báo cho người trong làng biết, trừ khi chúng tôi giết họ hay để cho nhiệm vụ sớm thất bại. Tôi đã không ra lệnh giết, tôi có thể ngăn cản việc giết chóc nhưng tôi đã không làm như thế”. Sau đó, Bob Kerrey kể rằng ông ta dẫn toán SEAL tiếp tục tiến vào làng. Ở đó, họ thấy chỉ có phụ nữ và trẻ con. Những người trong toán cảnh giác vì có tiếng động, nên đứng trước nhà. Một người nào đó (trong số dân làng) đã bắn ra một phát đạn và toán SEAL đáp lại bằng một loạt bắn chặn dữ dội. “Tôi thấy phụ nữ và trẻ con ở phía trước chúng tôi bị trúng đạn và nát thây. Tôi nghe thấy tiếng la khóc và các tiếng khác trong đêm tối khi chúng tôi rút lui theo một dòng kênh”.

Cứ theo lời kể trên đây, Bob Kerrey không ra lệnh giết thường dân vô tội và toán biệt kích chỉ bắn trả tự vệ vì có ai đó đã bắn họ trước. Nhà báo D. Valentine nhận xét: “Để tự bảo vệ và bảo vệ những ông chủ của mình khỏi bị xét xử như những kẻ phạm tội ác chiến tranh, Bob Kerrey đã trở thành một tên nói dối bệnh hoạn”.

Sự thật khủng khiếp

Năm 2001, báo New York Times và đài truyền hình CBS quyết định điều tra vụ thảm sát Thạnh Phong. Họ cử phóng viên đọc lại hàng nghìn trang hồ sơ lưu trữ của Hải quân Mỹ, phỏng vấn các thành viên toán biệt kích SEAL, bay sang Thạnh Phong để gặp hai nhân chứng: bà Phạm Thị Lành (30 tuổi vào năm 1969, người núp sau một khóm chuối nên chứng kiến được vụ giết người thứ nhất) và bà Bùi Thị Lượm (12 tuổi vào năm 1969, người duy nhất sống sót trong vụ giết người thứ nhì). Dù mỗi người sống mỗi nơi, nhưng bà Lành, bà Lượm và Gerhard Klann tường thuật các tình tiết giống nhau.

Được tin tình báo cho biết Bí thư xã Thạnh Phong đang có mặt ở ấp Thạnh Hòa, Bob Kerrey dẫn 6 biệt kích SEAL vào ấp đêm 25-2-1969. Họ trang bị súng M-16, súng lục 9 ly, dao, lựu đạn chứa chất phốt pho, ống phóng rốc két và súng liên thanh hạng nặng.

Tại căn nhà đầu tiên, họ gặp ông Bùi Văn Vát (66 tuổi) và bà Lưu Thị Canh (62 tuổi) cùng 3 đứa cháu (1 trai và 2 gái) ở độ tuổi 6, 8 và 10. Tuy những người này hoàn toàn vô hại (không có vũ khí, không có hành động chống đối…), Bob Kerrey vẫn ra lệnh giết tất cả bằng dao (họ dùng dao, chứ không dùng súng, vì sợ gây tiếng động). Klann túm lấy ông Vát, bịt miệng ông, ông vùng vẫy. Kerrey chạy lại, xô ngã ông xuống đất, lấy đầu gối đè lên ngực ông để Klann dùng dao cắt cổ ông. Trong khi đó, các biệt kích khác giết bà Canh và ba đứa bé bằng cách cắt cổ, đâm vào bụng.

Sau khi sát hại man rợ 5 người trong căn nhà đầu tiên, Bob Kerrey dẫn toán tiến sâu vào ấp. Họ lục soát các nhà nhưng không tìm thấy đàn ông, bèn lùa phụ nữ và trẻ con ra khỏi nhà, tập trung lại một nơi. Kerrey ra lệnh cho cả toán “bắn họ bằng vũ khí tự động trong vòng 30 giây. Nghe tiếng rên rỉ (chứng tỏ có người chưa chết), cả toán lại bắn thêm một loạt đạn trong 30 giây nữa”. Klann khẳng định: “Không có chuyện toán SEAL bị bắn”. Hơn 30 năm sau, Klann vẫn còn nhớ cảnh tượng hãi hùng đêm đó: “Máu me và ruột gan tung tóe khắp nơi”.

Tội ác chiến tranh

So với hơn 500 thường dân bị thảm sát ở Mỹ Lai (Sơn Mỹ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) ngày 16-3- 1968, con số 21 người bị giết ở Thạnh Phong nhỏ hơn nhiều. Nhưng xét về bản chất, hai vụ không khác nhau: đó là những thường dân vô tôi và vô hại, trong tay không một tấc sắt, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ con, đã bị giết một cách dã man bằng dao, bằng súng. Đây là điều mà luật pháp quốc tế (đặc biệt là Công ước Genève năm 1949 về bảo vệ thường dân) nghiêm cấm và lương tâm loài người không thể tha thứ.

Khi vụ thảm sát Thạnh Phong bị tiết lộ, nhiều người Mỹ công chính đã lên tiếng đòi truy tố Bob Kerrey. Chẳng hạn, nhà báo Douglas Valentine đã viết trên CounterPunch: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Bob Kerrey đã phạm tội ác chiến tranh… Đó là tội giết người hàng loạt (mass murder) phi pháp, có tính toán trước”.

Luật sư Michael Ratner (thuộc Trung tâm vì những quyền hiến định) phát biểu: “Kerrey phải bị xét xử như một kẻ phạm tội ác chiến tranh. Những hành động của ông ta trong đêm 24 rạng sáng ngày 25-2-1969 khi toán SEAL của Hải quân gồm 7 người do ông ta chỉ huy đã giết khoảng 20 thường dân Việt Nam không có vũ khí, 18 người trong số đó là phụ nữ và trẻ con, là một tội ác chiến tranh. Như những kẻ đã giết người ở Mỹ Lai, ông ta phải bị đưa tới ghế bị cáo và bị xét xử vì những tội ác của ông ta”.

Nhắc tới vụ thảm sát Mỹ Lai, ít người biết đến chuyện xét xử thiếu úy William Calley, Jr. (sinh năm 1943, cùng tuổi với Bob Kerrey), người đã chỉ huy vụ thảm sát đó. Trước sức ép của dư luận tại Mỹ và trên thế giới, ngày 31-3-1971, tòa án tuyên bản án tù chung thân và khổ sai (life imprisonment and hard labor) tại nhà lao Leavenworth. Nhưng ngay ngày hôm sau, 1-4, tổng thống Richard Nixon đã ra lệnh chuyển bản án trên thành “giam tại nhà” (house arrest) ở Fort Benning! Chưa hết, chỉ vài tháng sau, bản án giảm xuống còn 20 năm, rồi giảm tiếp còn 10 năm và đến 3-5-1974, Nixon ra lệnh tha Calley. Từ án tù khổ sai chung thân, Calley chỉ bị “giam tại nhà” 3 năm, 1 tháng và mấy ngày! Thật là một trò hề không hơn không kém!

Trở lại vụ Bob Kerrey, cũng có người bênh vực ông ta, như David Hackworth lập luận: trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, “có hàng nghìn hành động tàn bạo tương tự” như vụ tàn sát ở Thạnh Phong. Hackworth quả quyết: ngay đơn vị của ông ta trong năm 1969 cũng đã phạm “ít nhất một tá vụ khủng khiếp như vậy”.

Gary Solis, một người chuyên nghiên cứu về tội ác chiến tranh, khẳng định: “Các hành động tàn bạo xảy ra ở Việt Nam phổ biến hơn là chúng ta biết… Theo ý kiến của tôi, nhiều tội ác chiến tranh đã xảy ra nhưng không bao giờ được báo cáo”.

Dư luận về Bob Kerrey

Trước đây, nhiều người Mỹ đã từng yêu cầu cách chức chủ tịch trường Đại học The New School (ở New York) của Bob Kerrey. Chẳng hạn, nhà báo Bill Vann viết: “Cho phép một tội phạm chiến tranh đứng đầu một cơ sở học thuật cao cấp như vậy chỉ làm giảm giá trị của trường đại học và làm ô uế bầu không khí trí thức nói chung” (WSWS, 6-6-2002). TS Phạm Thị Ly (trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.Hồ Chí Minh) cho biết thêm: Bob Kerrey “từng bị 74 trên 77 giảng viên của trường Đại học The New School bỏ phiếu bất tín nhiệm và cũng bị sinh viên chiếm tòa nhà của trường đòi ông từ chức”.

Dư luận - ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài - một lần nữa lại dậy sóng khi nghe tin Bob Kerrey làm chủ tịch trường FUV ở TP.Hồ Chí Minh.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nói: “Với những “lợn cợn” của ông Bob trước dư luận, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín của FUV” và khuyên “ông Bob Kerrey cần chủ động xin rút lui, không nên đứng ở vị trí cao nhất của một trường học”.

GS Nguyễn Thanh Việt ở Mỹ viết trên Facebook: “Lẽ nào những người phụ trách FUV không thể tìm được ai khác có đủ khả năng lãnh đạo trường?” (Thanh niên, 3-6-2016).

Bà Tôn Nữ Thị Ninh thì “tin chắc là phía Mỹ có thể tìm được người phù hợp về mặt chuyên môn, kinh nghiệm và tên tuổi không bị tai tiếng” (Zing, 8-6-2016).

Trong khi đó, cũng có những ý kiến khác. Chẳng hạn:

Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Viện trưởng Học viện Phật giáo tại Huế, phát biểu: “Chiến tranh và những gì mà đội biệt kích của ông Bob Kerrey gây ra là đáng tiếc mà chúng ta không thể nào lãng quên cũng như phủ nhận”. Tuy nhiên, trong tinh thần Từ Bi Hỷ Xả của đạo Phật và theo truyền thống khoan dung độ lượng của dân tộc Việt Nam, “tất cả những người làm sai, có lỗi, nếu biết ăn năn hối lỗi, quay đầu lại, không tái phạm hoặc làm việc thiện đức để chuộc lỗi thì đều được tha thứ”.

Dù phản đối hay tha thứ cho Bob Kerrey, tất cả các ý kiến trên đều xuất phát từ thiện ý. Chỉ có ông Nguyên Ngọc, trưởng ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập, là người duy nhất bào chữa không chỉ cho Bob Kerrey mà cho tất cả những lính Mỹ đã phạm tội ác chiến tranh tại Việt Nam. Ông Nguyên Ngọc viết: “Trong chiến tranh Việt Nam: để tiêu diệt Việt Cộng, phải đánh bật họ ra khỏi dân thường, ra khỏi “phụ nữ và trẻ con” (còn được gọi là chiến thuật “tát nước để bắt cá”). Mà điều ấy là vô phương, bởi vì, đặc biệt ở nông thôn thời ấy, hai thực thể đó về căn bản là một. Không thể đánh trúng cái này mà không đánh trúng cái kia! Không thể diệt Việt Cộng mà không giết dân, đàn bà và trẻ con!”. Nguyên Ngọc kết luận: “FUV có được một người đứng đầu như vậy là tuyệt đẹp. Và tôi cho lựa chọn của FUV là thật nhân văn” (Văn Việt, 2-6-2016).

“Không thể diệt Việt Cộng mà không giết dân, đàn bà và trẻ con!”. Cứ theo lập luận của Nguyên Ngọc, các vụ thảm sát thường dân, đàn bà và trẻ con Việt Nam ở Mỹ Lai, Thạnh Phong, Sơn Thắng và nhiều nơi khác do lính Mỹ gây ra là chuyện không thể tránh được, vì vậy đó là những chuyện bình thường! Một khi người ta đã quay lưng lại đồng bào đồng đội và phản bội lại chính quá khứ của mình, thì phát ngôn của họ thật khủng khiếp! Ngay cả Bob Kerrey cũng không xem chuyện tàn sát thường dân, phụ nữ và trẻ con vô tội là chuyện bình thường, không thể tránh được, như Nguyên Ngọc. Trên báo New York Times, ngày 25-4-2001, Bob Kerrey đã nói: “Đó không phải là một chiến thắng quân sự; đó là một bi kịch, và tôi đã ra lệnh chuyện đó. Tôi đã đau khổ suốt từ ngày đó. Làm sao tôi có thể phạm một sai lầm như vậy?”. Bob Kerrey nói như vậy vì lương tâm ông ta cắn rứt. Còn Nguyên Ngọc bênh vực cho tội ác chiến tranh, vì sao?

Trước những dư luận trái chiều, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã có một phát biểu đúng mực: “Tôi cho rằng phía Hoa Kỳ cũng như Ban lãnh đạo Đại học Fulbright sẽ có quyết định đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển quan hệ đang rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mang lại những lợi ích thiết thực và cụ thể cho cả nhân dân hai nước” (Infonet, 2-6-2016).

Căn cứ trên báo cáo của trung úy Bob Kerrey về kết quả trận đột kích đêm 25-2-1969, Tổng thống Nixon tặng cho ông Huy chương Ngôi sao đồng kèm theo bản tuyên dương công trạng trên đây (do phó đô đốc Elmo Zumwalt, Jr., tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ tại Việt Nam ký thay tổng thống).

Bản tuyên dương công trạng viết :

“Trong khi chỉ huy binh sĩ trong một cuộc tuần tra tại mật khu Thạnh Phú, ông đã chạm trán với Việt Cộng có vũ khí trong hai vụ khác nhau:

Trong cuộc chạm súng thứ nhất, trung uý Kerrey đã ra lệnh phân tán binh sĩ và bắn trả, giết chết 14 Việt Cộng.

Sau đó, khi ông và binh sĩ quay trở lại con kênh để rút lui thì phát hiện kẻ địch đang di chuyển. Cuộc chạm súng sau đó chấm dứt với 7 tên xâm lược bị giết.

Kết quả cuộc tuần tra là 21 Việt Cộng bị giết, 2 căn lều bị phá hủy và 2 vũ khí của địch bị tịch thu”.

Bản tuyên dương công trạng có quá nhiều chi tiết sai sự thật: không có chạm súng, không có vũ khí nào bị tịch thu, không có Việt Cộng nào bị giết cả... trừ phi nói theo Nguyên Ngọc: Việt Cộng và đàn bà trẻ con, “hai thực thể đó về căn bản là một... Không thể diệt Việt Cộng mà không giết dân, đàn bà và trẻ con”, cho nên toán biệt kích của Bob Kerrey tàn sát đàn bà trẻ con chính là “diệt Việt Cộng” vậy!

TRƯƠNG QUỚI SƠN