HV106 - Đi tìm sách của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học ở thư viện Yenching Đại học Harvard

Tôi nhớ cách đây 13 năm, qua sự giới thiệu của thầy giáo Chung Phước Khánh, tôi vào được kho tư liệu Văn học Việt Nam ở thư viện Yenching, trường Đại học Harvard do chị Phan Thị Ngọc Chấn làm thủ thư. Lần đầu tiên nhìn thấy sách Việt trong thư viện của trường đại học danh tiếng, tôi vô cùng cảm động, giống như là gặp được người thân nơi xứ lạ quê người. Cũng nơi đây tôi tìm thấy bộ sách Ngô Thì Nhậm và bộ Nguyễn Trãi của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và cả các loại báo, tạp chí quen thuộc trong nước được bày trân trọng trên kệ sách. Một tháng xa quê, cầm tờ báo Sài Gòn Giải phóng, nơi mình đang công tác trên tay, tôi đã đọc ngấu nghiến tin tức nơi quê nhà trong nỗi bồi hồi khó tả…

Bây giờ, sau 13 năm, tôi trở lại chốn xưa. Thư viện Yenching vẫn lặng lẽ trong khuôn viên trường Đại học Harvard. Người đọc ra vào như những cái bóng, không có tiếng động, chỉ có tiếng sột soạt của các trang giấy chạm vào nhau rất khẽ… Toàn bộ khuôn viên rộng lớn này tuy gọi là thư viện Đông Á, nhưng phần lớn dành cho Trung Quốc, một vài phòng dành cho Nhật Bản và Hàn Quốc, còn Việt Nam chỉ chiếm một phòng nhỏ. Chị Chấn nói nhỏ, Việt Nam chiếm một phòng ở đây vì có cuộc chiến tranh với người Mỹ, nên gần như trường đại học lớn nào cũng có nghiên cứu về Việt Nam, nhất là thư viện Quốc hội Mỹ, sách nghiên cứu Việt Nam còn đầy đủ hơn những thư viện lớn trong nước. Mà đúng thật, có những tư liệu cổ chính chúng ta phải đến các thư viện lớn ở Mỹ để tìm lại, bởi sự thất thoát trong chiến tranh qua các con đường khác nhau mà nhiều bản sách cổ nhiều thế kỷ trước chỉ có ở thư viện nước ngoài…