HV106 - Trao đổi với tác giả bài viết “Vì sao học sinh nước ta hiện nay chán học Văn?”

Đọc bài viết Vì sao học sinh nước ta hiện nay chán học Văn? trên tạp chí Hồn Việt số 103 (tháng 5-2016) của tác giả Nguyễn Thị Hạ có thể thấy tác giả là người quan tâm đến việc dạy Văn và học Văn hiện nay. Điều đó thật đáng quý khi có những người thờ ơ với văn chương và việc dạy Văn, học Văn trong nhà trường. Tuy nhiên, cần trao đổi thêm với tác giả một vài điều.

Thứ nhất, về cách dạy, tác giả cho rằng cách dạy Văn áp đặt, giáo viên dạy theo sách hướng dẫn, học sinh ghi lại lời giảng của giáo viên, có lẽ tác giả đã quên từ năm 2002 đội ngũ giáo viên Văn đã được tiếp cận một cách có hệ thống tư tưởng đổi mới phương pháp dạy Văn theo hướng “Lấy học sinh làm trung tâm”, “Học sinh là bạn đọc sáng tạo”. Nhận thức mới về vai trò của người dạy, người học đã đưa đến một loạt thay đổi cơ bản về mục đích, nội dung, phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá, hiệu quả giờ dạy. Theo đó, môn Ngữ văn hình thành hai trục chính được tổ chức theo nguyên tắc tích hợp là đọc Văn và làm Văn. Trục đọc văn nhằm hình thành năng lực đọc các loại văn bản. Để đọc hiểu các văn bản đó, học sinh phải vận dụng tri thức về lịch sử văn học, lý luận văn học, tri thức ngôn ngữ và rèn luyện kỹ năng đọc, cảm thụ, hiểu, phân tích, khái quát văn bản. Tích hợp các loại tri thức vào hoạt động đọc sẽ tạo ra năng lực đọc có văn hóa. Vì vậy môn Ngữ văn không phải là môn giảng văn như lâu nay thường hiểu mà là môn học đọc văn. Giáo viên dạy cho học sinh cách đọc, học sinh học đọc để hình thành năng lực đọc, thói quen đọc, biết tự đọc, dần dần nâng cao văn hóa đọc. Năng lực đọc được nâng cao là điều kiện để phát triển năng lực viết. Sự thay đổi phương pháp dạy Văn đã làm cho học sinh được suy nghĩ nhiều hơn, thực hành, giao tiếp, đối thoại với nhau nhiều hơn qua cách trình bày nói, viết. Như vậy học Văn đâu chỉ chép lại lời giảng của giáo viên?

Hơn nữa, từ 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tập huấn dạy, học tích cực và sử dụng thiết bị dạy học. Năm 2014, triển khai phương pháp dạy học theo dự án. Những đợt tập huấn này đã tác động tích cực đến người dạy, thúc đẩy người dạy đổi mới phương pháp dạy học. Có thể thấy hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học Văn qua các bài thi chọn học sinh giỏi, thi tuyển sinh, thi giáo viên giỏi và các cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning.

Thứ hai, về sách giáo khoa môn Văn, tác giả nhận định chẳng có gì hấp dẫn (nghèo nàn về nội dung, chỉ trích dẫn dăm ba đoạn khiến học sinh chẳng hiểu đầu đuôi). Hình như tác giả chưa khảo sát chương trình ngữ văn trung học. Chương trình Ngữ văn từ THCS đến THPT được xây dựng đồng tâm, ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa phong phú về thể loại, đa dạng về kiểu văn bản và phong cách ngôn ngữ. Từ văn bản nhật dụng đến các văn bản nghệ thuật, chính luận… được các tác giả sách giáo khoa cân nhắc và lựa chọn cẩn trọng. Bên cạnh những văn bản kinh điển khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc như Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn Độc lập… học sinh còn được tiếp cận với nhiều văn bản mang hơi thở của cuộc sống như Bức thư của thủ lĩnh da đỏ, Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em, Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS… Mỗi văn bản được lựa chọn vừa là ngữ liệu đọc văn, vừa là ngữ liệu học phân môn Tiếng Việt và làm văn. Một số trích đoạn đưa vào chương trình thường được tóm tắt hoặc lược thuật đoạn trước, vậy sao lại không hiểu đầu đuôi?

Thứ ba, về cách ra đề kiểm tra, đề thi, tác giả cho rằng quanh đi quẩn lại cũng chỉ yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận mấy đoạn trích trong sách giáo khoa, không dám đưa tác phẩm lạ hoặc không có trong sách giáo khoa và giáo viên chấm văn không chú trọng chữ viết, diễn đạt, lập luận mà chỉ xem đủ ý, có đúng đáp án không. Nhận xét này hơi vội vàng. Bởi lẽ đề thi tốt nghiệp THPT (trước đây gọi là cấp 3) năm 1983 đã đưa bài thơ Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa không có trong chương trình làm đề thi rồi! Đề thi từ 2001 đến 2014, mỗi đề thi có từ 2-4 câu, trong đó có cả nghị luận xã hội hoặc tích hợp nghị luận xã hội với nghị luận văn học. Đề thi 2015, 2016 gồm 2 phần đọc - hiểu và làm văn; phần đọc - hiểu có tới 8 câu hỏi, ngữ liệu hoàn toàn ngoài chương trình. Câu hỏi làm văn trong các đề thi đâu chỉ có cảm nhận, phân tích mà còn bắt đầu bằng các lệnh như nhận xét, suy nghĩ, bàn luận, bình luận, so sánh, ý kiến, quan điểm... Nhìn lại vài năm trở lại đây có thể thấy giáo viên đã đưa đề mở vào các đề kiểm tra, đề thi nhằm hướng tới hình thành năng lực và phẩm chất của người học. Còn hướng dẫn chấm thi bao giờ cũng có dòng ghi chú khuyến khích những bài viết sáng tạo, thậm chí có điểm thưởng cho bài viết sáng tạo đó, nghĩa là hướng dẫn chấm mở.

Thứ tư, về cơ sở đề xuất luận điểm học sinh nước ta hiện nay chán học Văn của tác giả chưa thực sự thuyết phục. Tác giả chỉ căn cứ vào một bài viết Học văn ở Chicago để ca tụng cách dạy Văn ở Mỹ, phê phán cách dạy Văn ở ta thì thật phiến diện! Thiết nghĩ, mỗi quốc gia có một nền giáo dục riêng, mục tiêu giáo dục của mỗi quốc gia sẽ quyết định việc lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Sự khác biệt ấy hình thành nên bản sắc văn hóa của mỗi nước. Cách đây gần một năm, thần đồng Đỗ Nhật Nam khi chia sẻ đôi điều cảm nhận về học Văn ở Mỹ đã tâm sự “học Văn ở Mỹ không phải chỉ hoàn toàn là những điều thú vị” sau khi bàn về bốn điều học môn Văn thú vị, và khẳng định nhờ những giờ học Văn ở Việt Nam Đỗ Nhật Nam mới có cảm xúc để sáng tác thơ và viết để nhớ về những giai điệu ngọt ngào, viết để tri ân. Gần đây, Nguyễn Thị Thu Trang, đạt giải nhất viết thư quốc tế UPU lần thứ 45, đã hóa thân mình thành em bé Syria 3 tuổi bị chết bên bờ biển để kêu gọi thế giới về ước mơ hòa bình. Bức thư chưa đầy 800 chữ nhưng được Ban tổ chức đánh giá rất cao bởi nội dung bức thư không chỉ gây xúc động mà còn mang nhiều ý nghĩa, thể hiện được tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam đối với các vấn đề của nhân loại. Tôi nghĩ đó là sản phẩm tuyệt vời của nền giáo dục Việt Nam: hình thành nên những con người biết tự hào, tự tôn dân tộc, biết yêu thương, tự chủ.

Dạy Văn là một nghệ thuật và người dạy Văn là người nghệ sĩ trên bục giảng. Do vậy, tôi đồng tình với tác giả, đổi mới dạy học môn Văn phải đổi mới tư duy từ người thầy. Như thế lúc nào đó, một người quan tâm đến dạy Văn, học Văn như tác giả Nguyễn Thị Hạ sẽ tìm được tiếng nói tri âm trong hành trình tìm kiếm câu trả lời cho công việc của người dạy Văn, học Văn hôm nay.

CHU THỊ HẢO (Trường Bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Phú Thọ)