Năm 1993, Văn Cao vào Sài Gòn, ở Nhà khách Tao Đàn. Chiều ngày 23-7-1993, ông đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện. Ông nói chậm rãi, buồn buồn. Tôi ghi chép vào sổ tay. Sau hơn 20 năm, giở lại giấy tờ, tôi tìm lại được cuộc trò chuyện ấy. Đây có lẽ là những lời cuối của Văn Cao (ông mất năm 1995). Quý vô cùng! Văn Cao là một tài năng lớn, một tài năng nhiều mặt, điều đó ai cũng rõ. Bây giờ nhớ lại, tôi cảm thấy dường như mình đã gặp một vị hiền nhân - vị hiền nhân ấy đã nếm trải hết tất cả các cung bậc vinh quang, thăng trầm của cuộc sống trần gian, nhưng đã đi qua cuộc đời này thanh thản... Tất cả đều qua, chỉ Tiến quân ca, Sông Lô, Tiến về Hà Nội, Ngày mùa, Thiên thai… còn lại, và còn lại mãi… Tên ông được đặt ở tất cả các thành phố lớn, từ thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Nha Trang, Nam Định…
Xin giới thiệu với bạn đọc khúc Tự bạch này của Văn Cao, người dấn thân trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến (tôi ghi lại nguyên bản, với những ngữ điệu trong một cuộc chuyện trò thân mật).
Tôi sáng tác ca khúc Buồn tàn thu năm 16 tuổi. Năm 1942 tôi từ Hải Phòng lên Hà Nội, vào học dự thính Cao đẳng Mỹ thuật và làm thơ, viết truyện… Tôi bắt đầu nghiệp vẽ tranh. Nhưng tranh bày không bán được. Salon Unique có nhiều họa sĩ gởi tranh tới. Báo Việt Nam và cả báo tiếng Pháp ca ngợi những bức tranh tôi vẽ, những bức tranh được hâm mộ nhưng không bán được, phải mang về căn gác trống của tôi, như một cái chuồng chim, giữa dòng người…
Tôi viết Tiến quân ca do Ban Cán sự Hà Nội, anh Vũ Quý hỏi tôi: đã thoát ly được chưa? Tới đó, tính phải bỏ nghệ thuật đi, lao vào Cách mạng. Được Thành ủy (Ban Cán sự) Hà Nội giao, tôi nhận lãnh viết một bài hát hành khúc cho Quân chính kháng Nhật ở Việt Bắc. Lúc đó, tôi chưa ở chiến khu, chưa gặp các chiến sĩ.
Tờ báo Độc lập chính tôi làm ở Bát Tràng, ra đời do tôi viết trên đá, in bài Tiến quân ca. Sau này in bài anh Thi; anh Đỗ Nhuận gửi bài Du kích ca, sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945.
Lúc đó tôi là người thoát ly. Bài hát ghi dấu ấn mạnh của một người cán sự Thành ủy. Ba người làm báo: một người phát hành, hai người thợ mài đá. Báo ra một tháng thì lên đến chiến khu, các chiến sĩ người Tày người Nùng cũng hát được. Sau này ở Tân Trào Hồ Chủ tịch nghe bài của Hoàng Văn Thái, bài Diệt phát xít, bài Tiến quân ca, bài Chiến sĩ Việt Nam… Bác Hồ nói Tiến quân ca dễ hát, ý thức về Cách mạng sâu sắc, nó ngắn gọn nên dùng để hát chào cờ, khỏi phải đứng lâu mỏi chân.
Tôi là một cán bộ của Đảng, làm việc với các tổ chức, tôi tổ chức đoàn, đội trừ gian. Thành phố Hà Nội hoạt động nhiều nhất. Các cuộc mít tinh vũ trang, hầu hết tôi có mặt. Tôi là người ham hoạt động. Tôi là một vận động viên bơi lội, một võ sĩ quyền Anh của Hải Phòng. Dùng sức làm cho Cách mạng. Sau Cách mạng tháng Tám, tìm đường dây của mình, phải hoạt động trong Công đoàn, hoạt động trong đảng Dân chủ…
Trở lại chuyện vũ trang. Ở phòng tranh Đông Dương lúc ấy tôi gặp anh Nguyễn Gia Trí, lúc đó gặp không dễ như bây giờ. Lúc đó chọn lọc kinh khủng lắm. Họa sĩ đi vào đời bắt đầu vẽ, bày tranh rất nhiều trong kháng chiến… Phải xây dựng trường nhạc. Nảy ra ý nghĩ ra giáo trình đào tạo. Phải tìm anh làm giáo khoa, phải viết giáo trình, mất nhiều năm. Tôi phụ trách Đoàn nhạc sĩ - chưa phải là Hội Nhạc sĩ. Năm 1952 tôi triển lãm tranh sơn dầu ở Việt Bắc, mạnh nhất với tôi vẫn là thơ ca, va vấp nhiều. Gần đây mới được làm báo (trước in ở Tiểu thuyết thứ bảy, trước nay tôi làm thơ nhiều) nhưng làm cái này mất cái kia. Nếu có phòng tranh riêng thì sẽ trưng bày tất cả áp phích, tranh sơn dầu…
Tôi rất thích Sông Lô. Nhịp mạnh. Âm hưởng Beethoven. Tôi là người chịu ảnh hưởng âm nhạc nước ngoài. Tôi chịu ảnh hưởng của Đức. Cũng chịu ảnh hưởng của Pháp, nhưng tiết tấu Pháp nó không gần trầm tư của Đức. Tôi có đem lại cái tiết tấu mạnh mẽ. Đoạn 3, đoạn kết, nhạc điệu Nguyễn Đình Thi rất thích. Tiết tấu khỏe mạnh. Tại Festival Thanh niên, sinh viên thế giới 1951, Thi trình bày bài đó. Đó là một bản nhạc như một bản nhạc Đức cho phép. Sức hấp dẫn, tìm tòi tiết tấu, đem những chuyển điệu mạnh nhất. Rất khó cho người hát. Nhưng vào được. Có tiểu đoàn bộ đội họ hát Sông Lô. Đó là một bản nhạc phức điệu. Chia ra mỗi đại đội hát, họ hát được. Nông dân vẫn hát hai bè như thường. Nghiên cứu các hình thức, tái lập lại, lập được giao hưởng Việt Nam. Vướng cái khác nên tôi không trình bày được hoạt động của mình. Tôi viết nhạc cho phim Chị Dậu của Phạm Văn Khoa. Tôi làm nhạc không lời. Quần chúng ít được nghe. Trong lĩnh vực này một vài người có tài năng. Khúc thức ảnh hưởng hiện đại cận đại nhất. Tới hiện đại không có dàn nhạc, chuyển sang làm thơ cho khỏe người. Trước viết dài, nay viết ngắn. Làm thơ gọn hơn. Nói những điều người ta thấy chiều sâu của tâm hồn mình.
Tôi vốn người sống trên bến Cảng dài lâu. Là một vận động viên bơi lội, rất yêu sóng và những con tàu. Chịu ảnh hưởng sóng nước rất mạnh. Trương Chi, Thiên thai là những tiếng sóng. Âm nhạc tôi là những con sóng lần lượt theo nhau.
Sáng tác của tôi bị ảnh hưởng của bên ngoài khá mạnh, từ các trường phái cận đại của Pháp. Nền văn hóa của ta mạnh và khác hẳn với các nền văn hóa như Tàu và Ấn Độ. Có người ngộ nhận âm nhạc ngũ cung của ta giống như âm nhạc ngũ cung của Trung Quốc, cái đó là hoàn toàn sai. Tôi đã nghiên cứu vấn đề này sâu hơn và kích thích một số người nghiên cứu sâu hơn vấn đề này. Chúng tôi chống đối với thứ lý luận đưa luận điểm Trung Quốc vào đây. Còn về Ấn Độ cho ta một số vấn đề về tiết tấu. Trong âm giai của tôi, những hình tượng về tiếng nói, về đàn ta cũng không giống Trung Quốc, cái nhị của ta không giống Trung Quốc, tì bà của ta cũng khác. Nó đến chúng ta và Việt hóa, từ âm thanh và cách chơi đều khác.
Tôi ít viết về người tình của mình. Tôi vốn nhút nhát với phụ nữ, không dám tỏ tình với ai, chỉ tỏ tình trong âm nhạc, mà trong âm nhạc thì không có cái gì cụ thể cả… Tôi chưa gặp người nào yêu tôi như bà nhà tôi. Năm 1945 tôi gặp bà ấy [bà Nghiêm Thúy Băng], đến năm 1947 thì cưới. Con tôi lớn hết rồi, tôi đã có chắt.
Thực ra không ai không có mối tình đầu. Trương Chi là mối tình đầu của tôi. Còn Khuôn mặt em là gian nan trong kháng chiến. Tôi đưa vợ con đi kháng chiến, chạy nơi này nơi khác, trong cuộc đời lếch thếch của hai vợ chồng, có chỗ đến trồng rau chưa kịp ăn đã chạy… Cuộc đời trôi nổi, thấy thương vợ quá nên tôi làm bài thơ Khuôn mặt em: “Ôi gương mặt sáng trong và bình lặng/ Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng”. Trước đây yêu toàn yêu vụng nhớ thầm sao gọi là yêu được. Tình ca “hẹn nhau xây nhà bên suối” làm sao có được [cười sảng khoái].
Tôi phải vất vả vì phải học nhiều, tự học nhiều. Nhà nghèo nên phải tự học bổ túc lấy, trong khi chưa có trường âm nhạc, tôi học nhạc ở trường đời. Làm hội họa thì vào trường cũng vài tháng. Tự học vượt cả nhà trường. Riêng âm nhạc mất nhiều năm lắm. Tạm thanh thản được. Luyện tập và học đến nơi đến chốn. Học đánh đàn. Học kỹ thuật sáng tác các môn.
Giữa nghệ thuật và cách mạng và kháng chiến: tôi cho là giai đoạn dấn thân là đẹp. Những trở ngại đối với tôi, tôi vượt qua được. Mình yêu cuộc sống nên không bao giờ chán và không hối hận gì. Không cống hiến cái này thì làm cái khác, tôi có 3 con ngựa chiến cơ mà, không con này thì con khác.
Phạm Duy là bạn bè cũ, chúng tôi có tin tức của nhau. Anh ấy cũng muốn về, tôi cũng đi vận động. Anh ấy hiểu âm nhạc nhiều hơn tôi. Tôi tản mạn hơn. Nghề tôi thấy gì thích thì làm. Nghệ thuật trẻ chứ không phải mình trẻ. Đam mê của tuổi trẻ không còn, đến tuổi cổ lai hy rồi, tôi đã say mê thì tôi làm bằng được. Ba hội [hội Nhạc, hội Họa, hội Văn] thì hội nào tôi cũng sinh hoạt.
Chúng ta có ngộ nhận, theo thời gian. Nền văn hóa của chúng ta có thể chịu ảnh hưởng nước này nước nọ, nhưng con người Việt Nam thì không thay đổi. Con gái hôm nay mặc quần áo khác nhưng vẫn là người Việt Nam, không thay đổi được. Việc biến đổi và biến chuyển cuối cùng là quay lại văn hóa dân tộc. Nhớ Thiên thai, ở nơi kia lại nhớ nơi này.
Tôi thấy mình không đuổi kịp thời đại, không bắt kịp anh em trẻ, những anh em có quyền có chức. Tôi chỉ biết mình không bắt kịp được anh em như Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu…, những anh em ấy cũng còn theo kịp thời đại. Còn tôi từ chối việc làm ca khúc từ lâu…
Chiều ngày 15-7-2016, tại Văn phòng Quốc hội đã diễn ra lễ tiếp nhận bài Tiến quân ca và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao. Theo tâm nguyện của cố nhạc sĩ Văn Cao cùng toàn thể gia đình, bài Tiến quân ca chính thức được hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam.
