Hv107 - Đọc quyển Vương Thúy Kiều “văn xuôi hóa”

Cụ Đỗ Xuân Khoa, 87 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đã viết cho Hồn Việt như sau:

“Tôi đã được nghe nhiều lời phàn nàn của những người xung quanh tôi về quyển Vương Thúy Kiều của tác giả Hoàng Đình Long, do NXB Thế giới, Hà Nội, ấn hành năm 2006. Họ cho rằng cái công việc gọi là “văn xuôi hóa” Truyện Kiều, một áng thơ thiên cổ kỳ bút, theo kiểu của ông Hoàng Đình Long chỉ tổ làm cho các học sinh, sinh viên của chúng ta hiểu sai lạc về Truyện Kiều chứ không giúp ích gì cho ai cả.

Tôi vốn ít học và đã cao tuổi lắm rồi, nên những vấn đề văn chương, chữ nghĩa tôi đều không dám lạm bàn mà chỉ xin gửi đến Hồn Việt - một tạp chí mà tôi thích đọc - một quyển Vương Thúy Kiều “văn xuôi hóa” ấy để quý bác ở tòa soạn xem qua và chỉ ra cho tôi thấy những chỗ đúng và không đúng của công trình này”.

***

Kính gửi cụ Đỗ Xuân Khoa,

Chúng tôi trân trọng tiếp nhận quyển sách cụ đã gửi cho và đã thay phiên nhau đọc kỹ. Điều nhận xét đầu tiên của chúng tôi là tác giả Hoàng Đình Long đã muốn biến quyển Truyện Kiều của chúng ta thành một quyển truyện Tàu hạng xoàng, một quyển tiểu thuyết chương hồi, kiểu như người ta vẫn gọi. Sách có tất cả 13 chương (theo cách gọi của tác giả) nhưng theo chúng tôi thì phải gọi là hồi mới chính danh vì mỗi hồi đều được mở đầu bằng hai vế thơ đối nhau theo phong cách Tam quốc diễn nghĩa. Chẳng hạn, ở chương một của Hoàng tiên sinh có hai vế thơ:

“Vương Thúy Kiều thương khóc mộ Đạm Tiên

Kim tiên sinh cùng nhị nương tỏ mặt”

Làm xong hai vế thơ mở đầu cho chương một, Hoàng tiên sinh của chúng ta không viết như La Quán Trung (“Cái thế lớn trong thiên hạ chia lâu thì hợp, hợp lâu thì chia”) mà lại vung cây “thần bút” đi một đường vô cùng ngoạn mục: “Lúc này là niên hiệu Gia Tĩnh, dưới triều Minh bên nước Trung Hoa”. Chúng tôi không hiểu tại sao tác giả lại dùng hai chữ lúc này, vì lúc này có nghĩa là lúc tôi đang có mặt ở đây để chứng kiến những việc đang xảy ra. Đúng ra, phải viết là lúc bấy giờ, vì Hoàng tiên sinh phải đâu là người đương thời với gia đình họ Vương và cùng cư ngụ như họ trên đất nước Trung Hoa. Ông lại còn bảo một cách chắc nịch rằng cả gia đình của Vương viên ngoại đều có hộ khẩu ở Bắc Kinh và lại còn quả quyết là ngôi nhà của họ nằm trong khu ngoại ô nữa chứ. Trong khi cụ Nguyễn Tiên Điền thì chỉ cho biết là:

Rằng năm Gia Tĩnh, triều Minh

Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.

Chỉ có thế thôi, vậy mà Hoàng tiên sinh lại bịa ra một lô chi tiết, nào là “Khắp nơi người dân lo chí thú làm ăn”, nào là “Các quan lại địa phương được hưởng ban nhiều mối lợi, đa phần là những người chuyên tâm lo lắng việc công”… Nếu có sống lại mà đọc được đoạn văn xuôi này, cụ Nguyễn Du chắc muốn té xỉu!

Xong đoạn này, chúng tôi lại đọc tiếp để thấy Hoàng tiên sinh “văn xuôi hóa” hai câu Kiều:

Một trai con thứ rốt lòng

Vương Quan là chữ nối dòng Nho gia

thành một câu “đáng sợ”: “Người con út, Vương Quan, nổi tiếng học giỏi, thơ hay, có nhiều bạn bè là chí sĩ thư sinh trong thiên hạ”. Trong hai câu thơ vừa kể, cụ Nguyễn có nhắc đến hai chữ chí sĩ bao giờ! Cái án của người con trai của Nguyễn Văn Thành lúc đó còn sờ sờ trước mắt cụ. Vì các chí sĩ thường nuôi chí lớn, thường làm cách mạng do không bằng lòng với chế độ phong kiến đương thời. Cái tai họa tiềm ẩn khi đánh bạn với các chí sĩ còn khủng khiếp, rùng rợn gấp trăm ngàn lần cái tội “phải tên xưng xuất là thằng bán tơ”. Chẳng lẽ Hoàng tiên sinh vô tâm không biết?!

Đoạn tả hai cô Kiều, Vân, cụ Nguyễn Du chỉ viết:

Đầu lòng hai ả tố nga

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân

Mai cốt cách, tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.

Nhưng Hoàng tiên sinh thì lại múa bút vẽ vời thêm thắt, “văn xuôi hóa” như sau: “Hai người con lớn của Vương gia là Vương Thúy Kiều và Vương Thúy Vân đều là những trang giai nhân tuyệt sắc. Khi nhỏ họ chỉ như những đứa trẻ khác. Nhưng càng lớn hai cô càng xinh đẹp. Hai cô đều có nước da trắng nõn. Nàng Vân nổi tiếng nói cười như hoa nở, thơ phú ngâm vịnh không ai bằng, xa gần nức tiếng”. Cụ Nguyễn Du có viết như thế đâu, cụ tả là:

Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

Còn Thúy Kiều thì “được” Hoàng tiên sinh “văn xuôi hóa” thế này: “Cô chị cả, Thúy Kiều, không chỉ là một giai nhân sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà còn là một nghệ sĩ thực thụ. Người ta kể, Thúy Kiều là người con gái dịu dàng, nết na. Đôi mắt trong vắt của nàng tưởng như không thể ví với bất kỳ thứ gì trên thế gian này. Nàng có mái tóc dài óng ả. Dáng đi yểu điệu khiến nhiều nhà thơ đương thời phải nhìn theo ngẩn ngơ”.

Thật là tội cho cụ Nguyễn Du! Truyện Kiều của cụ đã bị người ta ba hoa xích đế, “chém gió” đến mức như thế! Chúng tôi đã lục lọi trong tác phẩm của cụ, từ câu 23 “Kiều càng sắc sảo mặn mà” đến câu 34 “Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”, mà không thấy cụ Nguyễn nói gì đến chuyện “các nhà thơ đương thời” phải nhìn theo “dáng đi yểu điệu” của Kiều mà “ngẩn ngơ”. Đầu óc tưởng tượng của Hoàng tiên sinh đáng được gọi là có môn bài!

Đến cái chuyện tiết Thanh minh, ba chị em Thúy Kiều đi xem tảo mộ và lúc du xuân đã vãn, chị em ra về thì thấy một ngôi mộ hoang, cụ Tiên Điền viết như sau (từ câu 51 đến câu 66):

Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về

Bước lần theo ngọn tiểu khê

Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang

Sè sè nắm đất bên đường

Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

Rằng: “Sao trong tiết Thanh minh

Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”

Vương Quan mới dẫn gần xa:

“Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi

Nổi danh tài sắc một thì

Xôn xao ngoài cửa, hiếm gì yến anh

Phận hồng nhan có mong manh

Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”.

Đoạn này, cụ Nguyễn Du đã tả rành rành như thế, nhưng một cây bút “tài hoa” hơn cụ - tác giả của “áng văn xuôi hóa” Truyện Kiều mà chúng ta đang nói tới - thì viết thế này: “Chiều muộn ba người mới tha thẩn trở về. Nhìn ra phong cảnh ven đường thực là kỳ thú. Phía xa xa, một cây cầu gỗ vắt ngang dòng suối nhỏ. Những cành lê điểm những bông hoa trắng muốt”. Chi tiết về những cành lê điểm hoa trắng muốt đã bị Hoàng tiên sinh đặt sai chỗ, sai thời điểm. Hai câu thơ “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” là hai câu số 41 và 42 trong Truyện Kiều, đoạn tả ba chị em Kiều du xuân trong tiết Thanh minh; còn đoạn gặp mộ Đạm Tiên gồm những câu thơ từ số 43 đến 66.

Cũng trong đoạn nói về ba chị em đi xem tảo mộ này Hoàng tiên sinh đã có hai chỗ sơ sót khi làm công việc “văn xuôi hóa”. Tiên sinh đã viết: “…Nhưng nhìn kỹ thì rõ là một ngôi mộ. Thúy Kiều với một tâm hồn nhạy cảm, nhìn nhận ngay một số phận tủi sầu phía sau cái vẻ khiêm nhường của ngôi mộ. Nàng cứ ngẩn ngơ đứng bên ngôi mộ, lòng bề bộn bao ý nghĩ u buồn, uẩn ức”, nhưng Hoàng tiên sinh quên rằng Kiều trông thấy ngôi mộ không được ai hương khói thì chỉ hỏi: “Rằng: Sao trong tiết Thanh minh/ Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”, phải đợi đến lúc “Vương Quan mới dẫn gần xa/ Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi” thì Kiều mới biết mộ ấy là mộ Đạm Tiên, và mới “Lòng đâu sẵn mối thương tâm/ Thoạt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa/ Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung/ Phũ phàng chi bấy Hóa công!”.

Câu chuyện cụ Nguyễn Du tả lại là như thế, nhưng Hoàng tiên sinh lại không biết. Ông còn bảo cho các học sinh, sinh viên và cả chúng tôi nữa đang đọc quyển Vương Thúy Kiều “văn xuôi hóa” mà ông biên ra, biết rằng khi đi du xuân Vương Quan đã cưỡi ngựa (chứ không như cụ Nguyễn ghi: “Gần xa nô nức yến anh/ Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân”): “Thấy chị tần ngần hồi lâu trước nấm đất ven đường, Vương Quan liền xuống ngựa chạy lại”.

Chỉ mới soát qua 9 trang đầu tiên “áng văn xuôi hóa” này mà đã bắt gặp bao nhiêu “hạt sạn”, bao nhiêu chỗ sai! Quá đủ để chúng ta đánh giá công trình này của tác giả Hoàng Đình Long. Cụ Khoa - độc giả của Hồn Việt, đã 87 tuổi rồi, không có nhiều sức để cùng chúng ta “nhặt sạn” suốt cả hơn chục chương còn lại của bản “văn xuôi hóa” trứ danh này! Chúng tôi xin ngừng lại ở đây. Kính chúc cụ Khoa có nhiều sức khỏe và cũng xin được kết thúc bài trả lời bằng một lời trách ông GS-TS Hoàng Xuân Chinh đã tỉnh bơ một cách đáng nể, cất công viết lời giới thiệu như sau: “… việc văn xuôi hóa Truyện Kiều của anh Long là một việc làm hay, có ích, phục vụ một số lượng độc giả không phải ít… Tuy được diễn tả bằng văn xuôi, nhưng với giọng văn trong Vương Thúy Kiều nhẹ nhàng, trau chuốt, nhiều chi tiết được diễn tả có chiều sâu, đậm đà, khá xúc động, khá trung thành với cảm xúc thơ trong nguyên tác. Tôi hy vọng rằng, tập sách tuy nhỏ, lại được diễn tả bằng văn xuôi, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Với những lý do đó, tôi xin giới thiệu tập sách nhỏ nhưng hàm lượng lớn này với bạn đọc xa gần”.

Đúng là nói lấy được!!

MINH MINH