Vở Sáu nhân vật đi tìm tác giả điển hình cho sáng tác của Pirandello. Kịch của ông chủ yếu đi sâu vào tính cách con người. Trong mỗi con người có nhiều cái tôi đối lập nhau, quan hệ con người với nhau dựa vào một ảo tưởng và người ta thường hiểu người khác một cách giản đơn. Không ai hiểu đúng mình và người khác, kể cả tác giả sáng tạo ra nhân vật của chính mình. Sự thật là tương đối, cuộc sống là một sự vô lý bi hài kịch. Có thể những quan điểm này phản ánh sự hoang mang của tác giả (nhân vật vợ điên luôn nghĩ chồng ngoại tình, sự khủng hoảng đạo lý của xã hội tư bản). Sáu nhân vật đi tìm tác giả là một trong ba vở thuộc chủ đề “Sân khấu trong sân khấu” nói lên sự cách biệt giữa hư cấu và hiện thực, giữa nhân vật trong vở diễn và vở diễn: thế này hoặc thế kia; tối nay ta diễn kịch cương (diễn viên cứ bịa ra lời mà nói, không có kịch bản sẵn). Tác phẩm nêu lên sự bất lực của sáng tác. Câu chuyện xảy ra trên một sân khấu chưa được chuẩn bị; các diễn viên đang họp nhau để diễn tập. Sáu người xuất hiện và tự giới thiệu họ là sáu nhân vật do óc tưởng tượng của tác giả tạo ra, nhưng chưa được hoàn tất. Họ đòi phải được diễn ngay vở kịch chưa được viết ra, còn họ đã sống thật cuộc đời họ. Sau đó, họ tự trình bày cuộc đời họ ngay trước đạo diễn: họ tranh nhau nói, thương thân xót phận, ý mâu thuẫn nhau rất là rối ren. Sáu nhân vật là: bố (tiểu tư sản, khoảng 50 tuổi), mẹ (buồn tẻ), con trai cả (con chung của bố và mẹ), ba đứa con riêng của mẹ (đẻ với nhân tình nguyên là thư ký của bố, mẹ bỏ đi biệt tăm, mãi khi nhân tình chết mới trở về thành phố cũ). Ba con riêng gồm có cô gái lớn bướng bỉnh, xinh đẹp và hai đứa con nhỏ, một trai một gái. Cô gái lớn đi làm đĩ - bố không biết bắt nhân tình với cô, mẹ phát hiện ra liền nói rõ sự thật. Xấu hổ, bố đưa mẹ và các con riêng về nhà ở cùng. Con trai cả gây sự, không muốn ở cùng với những người lạ. Trong khi mẹ cố thuyết phục hắn thì được tin con gái nhỏ chết đuối và con trai nhỏ tự sát bằng súng. Cả nhà hoang mang. Cô gái lớn bình tâm lại, cất tiếng cười chua cay, rồi bỏ đi.
Luigi Pirandello là nhà văn và nhà viết kịch Ý. Ông được giải thưởng Nobel năm 1934. Ông xuất thân từ một gia đình tư sản, cha có mỏ lưu hoàng. Ông học triết và văn ở Ý và Đức. Ông dạy học và làm báo, sáng tác văn học (thơ, tiểu thuyết, truyện, kịch), đồng thời thành lập Đoàn kịch sân khấu nghệ thuật. Cuối đời, ông theo chủ nghĩa phát xít.
Ban đầu, ông làm thơ, phần nhiều mang màu sắc bi quan. Truyện và tiểu thuyết của ông theo khuynh hướng duy thực, đi sâu vào các vấn đề tâm lý, miêu tả nỗi đau khổ và số phận của những nhân vật đáng mến ở trong nhân dân; ông thích tìm những trường hợp bệnh hoạn: Chuyện cho một năm (Novelle per un anno, 1932-1937), tập truyện: Mattia Pascal quá cố (Il fu Mattia Pascal, 1904), tiểu thuyết: Một, không và mười vạn (Uno, nessuno e centomila, 1926). Ông thành công trong thể truyện hơn là tiểu thuyết, nổi tiếng thế giới về kịch; ông bắt đầu viết kịch từ năm 33 tuổi: Liolà (1917), Sáu nhân vật đi tìm tác giả (Sei personaggi in cerca d’autore, 1921), Vua Enrico đệ tứ (Enrico IV, 1922).
Sau đây là một số suy nghĩ của Pirandello:
+ Điều mà tôi muốn là thoát ly khỏi chính bản thân mình.
+ Chúng ta bao giờ cũng cần tìm ai đó để đổ lỗi cho họ đã gây ra cho ta những nỗi chán chường và đau khổ của bản thân ta.
+ Người ta cứ tưởng hiểu nhau, thực ra người ta không bao giờ hiểu nhau.
+ Cuộc đời đầy những cái vô lý dường như không thể có thực được. Các vị có biết tại sao không? Là vì những cái vô lý ấy lại có thật.
+ Có tình trạng hiểu nhầm nhau (ông nói gà, bà nói vịt) là bởi vì chính cuộc đời cũng như vậy.
+ Mỗi sự việc như một cái bao rỗng, không dựng đứng được. Muốn cho nó đứng được, phải nhét vào trong đó lý do và các tình cảm gây ra sự việc ấy.
+ Làm người anh hùng dễ hơn làm người lương thiện. Làm anh hùng chỉ cần một lần ngẫu nhiên, còn người lương thiện thì phải thường xuyên.