HV107 - Con đường tôi đã đi lên

Cách mạng tháng Tám (1945) thành công. Nước ta trở thành một nước Độc lập, Tự do - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!

Tôi nhớ trước đó ở trường học Collège buổi sáng trước khi vào lớp, bọn trẻ con chúng tôi phải chào cờ “chính quốc” Pháp. Một số ngày phải hát ca ngợi Pétain(1): “Maréchal! nous voilà: devant toi, le sauveur de la France...”.

Bây giờ nước Pháp được giải phóng bởi quân Đồng minh đã tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Và chúng ta cũng đã vùng lên hát bài quốc ca của mình! Cả nước, đâu đâu cũng hát Tiến quân ca, tôi cũng luôn miệng hát và bố tôi đã làm thơ:

“... gần xa, vang dội khắp muôn nhà

… nhìn quốc kỳ bay, hát quốc ca”.

Thì ra bố tôi là Việt Minh(2), một chiến sĩ Việt Minh hoạt động bí mật trong thành phố Hải Phòng, hoạt động công khai, là giáo viên Truyền bá Quốc ngữ. Trước Cách mạng tháng Tám thành công, có những đêm tôi rất hào hứng được mẹ cho đi theo, chỉ dặn tôi không được hỏi, không được nói to và bảo sao làm vậy... Khi phố xá bắt đầu yên ngủ, mẹ tôi xách cái làn đựng đầy tập giấy cùng hồ dán... dừng lại ở góc tối những hiên nhà đã cửa đóng then cài. Mẹ tôi phết hồ từng tờ giấy đưa bố tôi dán ở các mảng tường. Tôi chỉ việc ngồi chơi ở đầu hẻm, đầu ngã ba ngã tư đường phố để nếu thấy có bóng người đi tới thì ra hiệu bằng một chuỗi ho, đằng hắng hay hát nhẹ vài câu bâng quơ những bài hát của Sói con, của Hướng đạo sinh: “Vui ca lên nào anh em ơi, hát cho đời thắm tươi!...”. Sau này tôi mới hiểu: đó là những buổi gia đình tôi đi dán truyền đơn của Việt Minh tuyên truyền: “Hồng quân Liên Xô tiêu diệt quân Quan Đông của Nhật” hoặc “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”…

Năm Ất Dậu 1945, chỉ mới qua 5 tháng mà thành phố Hải Phòng của tôi đã thay cũ đổi mới nhiều quá. Mới tháng 3 đây thôi, những bó xác người dân chết đói còn chất đống các ngả đường đầy thảm cảnh thê lương...

Việt Minh đã tổ chức cướp phá các kho thóc mà lính Nhật đang cầm súng canh giữ - để cứu đói cho dân.

Rồi cờ đỏ sao vàng bay lên phấp phới trên toàn thành phố cùng với các đoàn dân chúng mọi thành phần giàu nghèo, ai có cái áo cái quần nào lành nhất, đẹp nhất thì mang ra mặc đi diễu hành với cờ, biểu ngữ, với cả đàn sáo và những bó hoa. Quân lính Nhật còn vũ khí trong tay nhưng phải án binh bất động, bị vô hiệu hóa vì nước Nhật phát xít đã đầu hàng quân Đồng minh, chúng đang chờ giải giáp, bị tống về quê. Việt Minh đã giành chính quyền từ tay chúng. Cả thành phố trong những ngày đêm ấy ồn ã nói cười, hát ca hô khẩu hiệu nhiệt liệt chào đón Giải phóng quân từ chiến khu tiến về trong sắc áo nâu, áo chàm, vác nặng trên vai toàn vũ khí thô sơ.

Cảng Hải Phòng cũng đã mừng đón những con tàu chở kiều bào ta đi phu từ “Tân thế giới”, từ các nơi xa nhiệt tâm trở về tham gia xây dựng Tổ quốc.

Rồi tiếp theo, ngay từ sáng sớm ngày 2-9-1945 hầu như cả thành phố tề tựu nghiêm chỉnh trước trung tâm từ Nhà hát Lớn tới phố Cầu Đất, hai bên bờ sông Lấp, phố La Côm... để cùng lúc với Hà Nội và cả nước, cả thế giới nghe Tuyên ngôn Độc lập thiêng liêng, nghe giọng nói ấm áp của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Ấn tượng mạnh, cảm động và nhớ mãi là câu hỏi của Bác: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”.

Vào quãng đầu xuân 1946, cả nước đã có một Tuần lễ vàng. Chính mắt tôi nhìn thấy trên thềm xi măng trước tiền sảnh Nhà hát Lớn có đặt cái bàn rộng phủ khăn trắng muốt với bình hoa tươi. Trên bàn có những cái khay đẹp, đã có những ông, những bà, những cô, những chị ăn mặc sang trọng tới đây tự tháo vòng, kiềng vàng, chuỗi hạt ngọc quý lấp lánh và những nhẫn kim cương, những sợi dây chuyền... trịnh trọng đặt lên đây để bày tỏ tấm lòng tin yêu, chân thành hiến tặng cho Ngân quỹ Nhà nước dân chủ đầu tiên của chúng ta. Ai cũng biết: Ngân hàng Đông Dương (Banque Indochine) mà chúng ta chiếm lĩnh đã trống rỗng chẳng còn tiền...

Năm 1946 là năm nhiễu nhương ghê gớm đối với nước ta, đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng của tôi. Nam Bộ đã phải bắt đầu kháng chiến ngay sau khi giành được chính quyền (đúng như câu “Miền Nam đi trước, về sau”).

Mượn cớ “quân Đồng minh” có nhiệm vụ tước khí giới quân phát xít Nhật, tướng Tàu - Tưởng Lư Hán (phe Mỹ) vơ vội ở các tỉnh bên kia biên giới cho đủ 20 vạn quân láo nháo tràn vào Việt Nam, trang bị đầy vũ khí. Bọn trẻ con chúng tôi thì được một mẻ cười bởi trong những đoàn quân đó có nhiều tên gầy còm xanh xao vàng vọt vác khẩu súng trường Mỹ quá dài một cách lặc lè. Chúng tôi gọi đó là bọn quân “Tàu phù” và hát giễu cho nhau nghe: “Đoàn quân Tàu ô đi, sao mà ốm thế? Bước chân phù lêu têu trên đường Việt Nam!”. Có những tên lính vào chợ Sắt, chợ Hàng Kênh thấy hàng cơm bày thức ăn ngon quá bèn cướp luôn mấy khúc cá kho, cá rán, bỏ túi quần vừa đi xem phố vừa nhai... Các bà các chị ở chợ bảo nhau cứ thấy chúng là vừa la vừa chửi om sòm xua đuổi!

Rồi khi bọn lính viễn chinh xâm lược Pháp vào qua bến cảng Hải Phòng với tư thế thái độ kiêu căng hợm hĩnh của một đội quân Lê dương thiện chiến đánh thuê có trang bị quân sự hùng hậu hơn... thì 20 vạn quân Tàu ô chuồn dần ra khỏi Việt Nam theo đường rừng khe núi phía bắc.

Nhà tôi ở phố Tám Gian sau ga, tôi thường cùng bạn thân học cùng lớp là Trần Khánh ở phố Ngõ Nghè đi lang thang với nhau. Thấy bọn lính Pháp căng lều bạt ở ven sông, nhảy xuống bơi thì xem, chúng có hỏi mấy câu tiếng Pháp thì trả lời, thấy buồn cười thì cười; chúng mở đồ hộp, cho bánh, kẹo, phô mai thì cũng cứ ăn, hồn nhiên vô tư đúng như con nít. Tuy nhiên chúng tôi cũng trông thấy có tên lính đứng gác trên cầu xi măng giữa ban ngày đã vạch quần đái xuống lối người đi đường, có tên canh gác trên cầu Treo sông Tam Bạc đã mở lựu đạn liệng cho lăn xuống dốc cầu nổ ầm giữa đêm khuya. Cho nên dân chúng tuyệt từ tối tới sáng không ai dám qua cầu.

Chúng tôi, những cậu bé, cô bé trong những năm tháng chập chững “vào đời” ấy thật tự hào: Đầu đội mũ ca lô vải nâu viền sẫm, đính phù hiệu tròn in dáng măng tre mọc thẳng màu xanh ngọc đang vươn cao trên nền đỏ cờ có ngôi sao vàng nhỏ xíu... sao mà lung linh tỏa sáng oai hùng thế!

Điều quan tâm lớn nhất của chúng tôi ngày ngày là ở tình yêu nước, ở những buổi tập trung sinh hoạt thiếu nhi: xếp hàng vác trên vai khẩu súng gỗ “mốt-hai-mốt!” bước đều như duyệt binh theo nhịp trống ếch cà rùng cà rùng... và hát đồng ca: “Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường...”. Chúng tôi rập bước, cả đội ngũ cứ thế miệt mài say mê đi qua mọi ngả đường thành phố...

Chỉ sau đó vài tháng, bạn Trần Khánh(3) của tôi đã được chọn xung phong trong đoàn quân Nam tiến đi chuyến tàu khởi hành từ ga Hàng Cỏ - Hà Nội vào Nam chiến đấu.

Còn tôi, đêm 20-11-1946(4) tôi là một đội viên “nhi đồng cứu vong”, đội viên đội “Thiếu niên tiền phong” Hải Phòng đã phải theo bố mẹ tản cư ra khỏi thành phố. Chúng tôi ra đi gấp gáp chẳng mang theo được gì ngoài mấy bộ quần áo trên vai, cũng như biết bao gia đình khác không còn bao giờ trở về với ngôi nhà êm ấm cũ. Tôi cùng bố mẹ và ba em nhỏ... chưa bao giờ vất vả đến thế! Đằng sau tôi là một vệt lửa dài những mái nhà thành phố đang cháy đỏ trên những hàng cây phượng vĩ chưa tới mùa nở hoa. Dòng người tản cư chúng tôi đã một lòng đi theo cuộc kháng chiến trường kỳ!

Tám năm sau, tuổi 22 - tôi tham gia chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ. Tôi đã theo đoàn quân chiến thắng của chúng ta tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội. Và sau đó mấy tháng, tôi với tư cách một chiến sĩ, một nhà báo lại theo đoàn quân về tiếp quản Hải Phòng.

Điều thú vị là tôi đã tiếp xúc những người lính đầu tiên trong đội quân xâm lược Pháp từ biển Đông xông vào bến cảng Hải Phòng. Và chính tôi đã tiễn những người lính cuối cùng của tàn quân xâm lược bại trận ấy lầm lũi xuống tàu rút khỏi Việt Nam: A-lê! Về cố quốc!

Tháng 4-2016

 

_____

(1) Tên của viên Thống chế quân đội Pháp, làm tay sai cho phát xít Đức.

(2) Việt Nam độc lập đồng minh hội, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, là tổ chức làm nên Cách mạng tháng Tám 1945. Mãi sau này quân thù còn kinh gờm gọi Việt Minh (là chúng ta) với cái tên đối địch: “Việt Cộng”.

(3) Ca sĩ Trần Khánh đã từng bị Pháp bắt giam tại “Hỏa Lò” Hà Nội. Anh đã vượt ngục và sau giải phóng thủ đô 1954 anh trở thành ca sĩ nổi tiếng trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Một trong những bài mà không ai hát hay hơn Trần Khánh là bài Người chiến sĩ ấy.

(4) 19-12-1946 từ Hà Nội, ta chủ động công bố chính thức là ngày Việt Nam đứng lên: Toàn quốc kháng chiến!

PHẠM THANH TÂM