HV107 - Kể chuyện nhân sĩ trí thức SÀI GÒN - GIA ĐỊNH tham gia kháng chiến chống Pháp

Nam Bộ mưa nắng hai mùa, nên mùa thu không đem lại sự thay đổi rõ rệt nào trong cảnh quan xung quanh chúng ta. Thế nhưng mỗi lần nghe câu hát “Mùa thu rồi, ngày hăm ba…” cất lên, mọi người bỗng nhớ lại một mùa thu năm xưa, không phải mùa thu của thiên nhiên, mà là mùa thu của lịch sử…

Những mẩu chuyện mà chúng tôi kể sau đây đều là “người thật, việc thật”, không tô vẽ, không thêm thắt, đơn giản và hồn nhiên như tấm lòng của những nhân sĩ trí thức yêu nước trước vận nước.

Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc…

Trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh, cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội, nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài [vùng tạm chiếm]…

Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc.

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

(trả lời nhà báo nước ngoài ngày 22-6-1947)

 

TRƯỚC KHI VÀO CHUYỆN…

Thực dân Pháp muốn cướp nước ta lần nữa

Nhân lúc Pháp đầu hàng Đức (22-6-1940), Nhật từng bước đưa quân vào Đông Dương. Vì phải dồn mọi nỗ lực nhằm đối phó với phe Đồng minh trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương, Nhật tạm thời duy trì bộ máy hành chính và quân sự của Pháp ở Đông Dương. Đến ngày 9-3-1945, Nhật tiến hành đảo chính, xóa bỏ chính quyền Pháp, bắt giam toàn bộ công chức và quân nhân Pháp.

Giữa tháng 8-1945, hay tin Nhật đầu hàng Đồng minh, tướng De Gaulle, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp, cử tướng Leclerc làm tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương và đô đốc D’Argenlieu làm cao ủy với chỉ thị “sứ mệnh hàng đầu là lập lại chủ quyền của Pháp trên các lãnh thổ của Liên bang Đông Dương”(1).

Sau đó, De Gaulle bay sang Washington. Ngày 22-8, Tổng thống Mỹ Truman cam kết với De Gaulle: “Trong mọi trường hợp, đối với Đông Dương, chính phủ tôi không chống lại việc chính quyền và quân đội Pháp quay trở lại xứ ấy”(2).

Hai ngày sau, đại diện hai chính phủ Pháp và Anh ký hiệp ước, theo đó Anh công nhận “chủ quyền” của Pháp ở Đông Dương.

Đại tá Cédile được cử làm ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Bộ, nhảy dù xuống Tây Ninh (22-8). Năm ngày sau, Cédile gặp Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu cùng hai Ủy trưởng Nguyễn Văn Tạo (nội vụ) và Phạm Ngọc Thạch (ngoại giao), thông báo chính sách mới của Pháp đối với Việt Nam: ba xứ Nam Bộ, Trung Bộ và Bắc Bộ sẽ được tự trị. Các nhà lãnh đạo Nam Bộ trả lời: Pháp phải công nhận độc lập và thống nhất của Việt Nam trước khi có bất cứ cuộc thương lượng nào giữa hai bên.

Được Mỹ ủng hộ và được Anh giúp đỡ, trong đêm 22 rạng 23-9-1945, lợi dụng lệnh giới nghiêm và thiết quân luật của tướng Anh Gracey, Cédile cho quân Pháp nổ súng, chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ, trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc, Kho bạc, Nhà máy đèn, Nhà dây thép…, mở đầu chiến tranh cướp nước ta lần nữa.

“Cuộc kháng chiến bắt đầu!”

Hành động gây hấn của Pháp không phải là điều bất ngờ.

Trong Lễ độc lập (2-9-1945), ông Trần Văn Giàu đã nhắc nhở đồng bào “mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi”, nếu “không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại vòng nô lệ”. Ông đặt ra câu hỏi: “Ở đây, có ai thừa nhận một vị toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay cho chế độ thực dân ra mặt hay giấu mặt trở lại không?”. Hàng vạn người dân có mặt trên đại lộ Cộng Hòa (nay là đường Lê Duẩn) đã đồng thanh đáp lại: “Không! Không!”(3).

Sau đó, “lời thề độc lập” vang lên: “Nếu giặc Pháp trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa thì người Việt Nam sẽ quyết tâm:

- Không làm việc cho Pháp.

- Không đi lính cho Pháp.

- Không bán lương thực cho Pháp.

- Không chỉ đường cho Pháp”(4).

Sau Lễ độc lập, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ được thành lập (nhưng không công bố) do chính Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Các đơn vị vũ trang ra đời, tuy vũ khí còn thiếu thốn nhưng tinh thần chiến đấu rất cao.

Mờ sáng 23-9, giữa lúc tiếng súng đang nổ ran ở nhiều nơi trong thành phố, Hội nghị liên tịch Ủy ban nhân dân - Ủy ban kháng chiến Nam Bộ được triệu tập ở số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi). Sau khi tranh luận khá quyết liệt, hội nghị quyết định vừa đánh điện ra Hà Nội để báo cáo tình hình và xin chỉ thị của Trung ương, vừa phát động ngay lập tức cuộc kháng chiến để đánh trả quân xâm lược. Hội nghị thông qua Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ.

LỜI KÊU GỌI

Đồng bào Nam Bộ,

Nhân dân thành phố Sài Gòn,

Anh em công nhân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ!

Đêm qua thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa.

Ngày 2-9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc.

Độc lập hay là chết!

Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi:

Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược.

Ai không có phận sự do Ủy ban kháng chiến giao phó, thì hãy lập tức ra khỏi thành phố. Những người còn ở lại thì:

- Không làm việc, không đi lính cho Pháp.

- Không đưa đường, không báo tin, không bán lương thực cho Pháp.

Hãy tìm thực dân Pháp mà diệt.

Hãy đốt sạch, phá sạch các cơ sở, xe cộ, tàu bè, kho tàng, nhà máy của Pháp.

Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa tiệm.

Hỡi đồng bào!

Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt tay sai của chúng.

Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước.

Cuộc kháng chiến bắt đầu!

Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945

Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ

TRẦN VĂN GIÀU

Lời kêu gọi được in thành áp phích dán lên tường, lên thân cây và thành truyền đơn rải khắp nơi trong thành phố, đồng thời gửi đi các tỉnh miền Đông, miền Tây.

Cả nước hướng về Sài Gòn

Nhận được báo cáo của Nam Bộ, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra ngay Huấn lệnh:

“Hỡi đồng bào Nam Bộ!… Đồng bào phải kiên quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề trong Ngày độc lập”(5).

Ngày 26-9, qua làn sóng của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với đồng bào Nam Bộ:

“Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân (Nam Bộ) hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà… Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng”(6).

Thực hiện lời của Hồ Chủ tịch, cả nước chi viện sức người, sức của cho Sài Gòn. Ngay từ ngày 24-9, nhiều tỉnh Nam Bộ gửi các đơn vị vũ trang đến Sài Gòn để tham gia chiến đấu. Trong khi đó, các tỉnh ở Bắc Bộ và Trung Bộ thành lập “Phòng Nam Bộ” để tiếp nhận tiền bạc, thuốc men, lương thực… do nhân dân đóng góp ủng hộ quân và dân Sài Gòn. Thanh niên, sinh viên, học sinh xung phong tòng quân, lập các đoàn quân Nam tiến, đáp xe lửa xuôi vào Nam. Một thời gian sau, Việt kiều ở Campuchia, Lào, Thái Lan cũng quyên góp tiền bạc mua vũ khí, thanh niên tình nguyện gia nhập các đội quân hải ngoại về nước chiến đấu.

Do hoàn cảnh bản thân và gia đình, nhân sĩ trí thức yêu nước có những lựa chọn khác nhau:

- Rời thành phố, ra đi kháng chiến.

- Hoạt động bí mật trong lòng địch.

- Ở lại nội thành nhưng lòng hướng về chiến khu.

(Còn tiếp)

 

_____

(1) Thierry d’Argenlieu, Chronique d’Indochine 1945-1947, NXB Albin Michel, Paris, 1985, tr.30.

(2) Charles de Gaulle, Mémoires de guerre, NXB Plon, Paris, tập III, tr.249-250.

(3) Trần Tấn Quốc, Sài Gòn Septembre 45, báo Việt Thanh xuất bản, Sài Gòn, 1947, tr.9, 10.

(4) Trần Văn Giàu (chủ biên), Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, tập I, tr.355.

(5) Báo Cứu quốc, số 50, ngày 24-9-1945.

(6) Báo Cứu quốc, số 54, ngày 29-9-1945.

 

 

 

TS PHAN VĂN HOÀNG