HV107 - Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý

LTS: Nhà báo Hàm Châu là một nhà văn. Không phải vì ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, mà vì những bài viết của ông về khoa học, về những người làm khoa học, chứa chan những cảm xúc, những chất thơ… Ông là người học rất rộng, bạn đọc có thể thấy điều đó qua những cuốn sách của ông.

Ông gần như là người duy nhất ở nước ta tích lũy hiểu biết cả đời về các ngành khoa học, cả khoa học xã hội và khoa học tự nhiên - kỹ thuật, về các nhà khoa học nổi tiếng để viết về họ, về những công trình của họ. Khoa học là một thế giới chuyên biệt, nhiều ngành chỉ có một số rất ít người hiểu về nó. Người ta nói rằng trên thế giới chỉ có độ 50 người hiểu Einstein, 50 người hiểu Tư bản luận của Marx… Chắc đó là cường điệu, nhưng sự thực là hiểu được khoa học thì phải có trình độ khoa học.

Hàm Châu là một người bạn, một người tri âm của khoa học và các nhà khoa học. Quý hiếm thay người ấy! Tin ông mất đột ngột ở Hà Nội ngày 1-8-2016 để lại cho chúng ta niềm tiếc thương vô hạn. Bao giờ mới lại có một người như ông!(*)

Hồn Việt xin giới thiệu dưới đây đôi lời tâm sự của nhà báo - nhà văn Hàm Châu cùng bạn đọc trong cuốn ký sự văn học Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý vừa xuất bản không lâu trước khi ông mất.

 

Mỗi nhà văn tùy theo sở thích và sở trường mà lựa chọn đề tài và thể loại văn học mình có khả năng biểu hiện tốt nhất. Tôi ưa đào sâu vào mảng đề tài hiện đại, viết về những người cùng thời, và những sự kiện mới diễn ra ở nước ta cũng như trên thế giới - tất nhiên, trong lĩnh vực khoa học, lĩnh vực tôi quen thuộc - hơn là viết tiểu thuyết hư cấu về thời đại Lý - Trần, mặc dù tôi hết sức trân trọng những bạn văn đầy tài năng chọn đề tài ấy. Bởi vì tôi trước hết là một nhà báo, thế mà người làm báo giỏi thực chất là nhà chép sử đương đại.

Nhưng tôi còn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cho nên tôi ưa chọn thể ký văn học, bởi lẽ thể loại này giúp tôi dễ dàng diễn đạt những sự kiện có thật tôi được chứng kiến và trải nghiệm hẳn hoi, như một người trong cuộc, nhưng, đồng thời, không ngăn cản tôi bộc lộ những ấn tượng, xúc cảm, những liên tưởng riêng tư đôi khi miên man “dài dòng”, như những đoạn trữ tình ngoại đề, khác với thể ký báo chí hầu như chỉ thuật lại “nguyên xi” những sự kiện để thông tấn kịp thời.

Khi tôi viết những dòng này, thì tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang thực thi những cuộc hành quyết độc ác hiếm thấy trong lịch sử nhân loại như chặt đầu, thiêu sống những ai bất đồng tôn giáo, chính kiến; và mấy “con sói đơn độc” dùng chất nổ “mẹ của quỷ Satan” cũng như xả súng trường tự động Kalashnikov tàn sát đám đông dân chúng vừa diễn ra giữa Paris, thủ đô nước Pháp dân chủ, cởi mở, văn minh, tôn trọng nhân quyền.

Trái hẳn với những nghịch cảnh phi nhân tính quái gở đó, tại Hội đồng Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (Conseil Européen pour la Recherche Nucléaire; viết tắt: CERN), khoảng 10 nghìn nhà vật lý và kỹ sư của hơn 100 nước làm việc bên nhau trong tình thân ái, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, màu da.

Và, vào đầu tháng 7-2016, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (International Centre Interdisciplinary Science and Education/ ICISE) ở Quy Nhơn, diễn ra cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII bao gồm hàng loạt hội nghị vật lý quốc tế lớn, với sự hiện diện của nhiều nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel cũng như mấy trăm giáo sư, tiến sĩ vật lý thuộc nhiều quốc tịch, và cả những nhà quản lý khoa học và công nghệ tầm quốc gia, cùng đại diện nhiều tập đoàn quốc tế và quốc gia lớn kinh doanh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Cũng vào dịp ấy, trong hai ngày 7 và 8-7-2016, tại ICISE, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Gặp gỡ Moriond và Gặp gỡ Việt Nam hợp tác với CERN và Viện Quốc tế Solvay tổ chức Hội thảo kỷ niệm 50 năm Gặp gỡ Moriond nổi tiếng thế giới, với chủ đề Khoa học cơ bản và Xã hội.

Cho dù chặng đường phía trước còn phải trải qua biết bao khúc quanh bi thương thảm khốc, ta vẫn tin chắc rằng, cuối cùng, các thể chế dân chủ thế tục, khoan dung và chủ nghĩa nhân văn trong sáng sẽ giành được thắng lợi huy hoàng. Chủ nghĩa nhân văn là thứ mà ngày nay nhân loại đang cần chẳng khác nào không khí, cơm ăn, nước uống.

Chủ nghĩa nhân văn cũng chính là tư tưởng xuyên suốt cuốn sách này.

Cuốn sách viết về “thế giới các nhà vật lý” nhưng tác giả vẫn mong hướng tới công chúng rộng hơn, chứ không riêng những ai sẵn có một “hành trang vật lý”.

Qua những cuộc tiếp xúc với một số nhà bác học bạc đầu, những nhà Nobel vật lý như S. Glashow, J. Friedman, J. Cronin, F. Englert, J. Steinberger, G. Smoot… cho đến những em học sinh trung học tóc còn mượt xanh của 82 nước và vùng lãnh thổ dự Olympiad Vật lý quốc tế năm 2008 tại Hà Nội, tác giả muốn gửi một “thông điệp mềm” đến người đọc, trước hết đến các bạn trẻ nhằm khích lệ các bạn ấy trên con đường dài làm khoa học lắm chặng còn bùn lầy, gai góc.

Là nhà văn, nhà báo, nhưng tác giả không ngại ngùng lảng tránh những khái niệm vật lý “kỳ bí” như bức tường Planck (bức tường nhận thức), bức xạ hóa thạch, nguyên lý vị nhân, vành đai Kuiper, Mô hình Chuẩn, boson Higgs, neutrino trơ, quark duyên, quark lạ, quark đỉnh, quark đáy, vật lý hương vị, vật lý sắc màu, lỗ đen, sao lùn trắng, sao lùn nâu, Máy Va chạm Hadron Lớn (LHC) v.v…

Tác giả không muốn dẫn ra những định nghĩa sẵn có trong sách giáo khoa do chúng gắn quá chặt với nhiều biểu thức toán học khó hiểu. Chính là qua những chuyến “dạo gót hải hồ”, vượt hải dương bao la như Thái Bình Dương, hay ngắm mặt hồ mờ sương như hồ Leman ở Thụy Sĩ, hồ Michigan ở Mỹ, khi đến dự các hội nghị vật lý quốc tế, tác giả muốn dần dà, rả rích lý giải những khái niệm vật lý “cao siêu” ấy, cũng như kể lại một cách tự nhiên, dung dị về hàng trăm nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, những con người dịu dàng, chân chất, nghiêm khắc, “khó tính” trong khoa học nhưng lại “hiền khô” trong đời thường, giàu chất nhân văn và tình thân ái, xa lạ với thói tư thù, ghen ghét, tìm “lẽ sống” trong việc nhen nhóm hiềm khích, hận thù và chia rẽ giữa các màu da, chủng tộc, tôn giáo, hệ tư tưởng…

Sáng rõ như hình học, tinh tế như thơ - đó là hai phẩm chất lý tưởng mà ngòi bút tác giả luôn hướng tới, nhưng không phải bao giờ cũng đạt tới.

Là cây bút chuyên khắc tạc chân dung nhiều nhà trí thức tinh hoa đương đại của đất nước ta trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, “mảnh đất” tác giả “cày xới” nhiều nhất vẫn là về những nhà vật lý, những hội nghị vật lý quốc gia và quốc tế, cũng như những chuyến thăm - dù ngắn ngủi - những trường đại học danh tiếng như École Normale Supérieure, École Polytechnique, Đại học Paris 11, Đại học Paris 6, Đại học Paris 7, Collège de France ở Pháp, Oxford ở Anh, Stanford, Johns Hopkins, Berkeley ở Mỹ, các tổ hợp máy gia tốc vòng cũng như gia tốc thẳng tại Geneva, Fermilab, hay Stanford, Dubna, Bắc Kinh, Pohang…

Ngay từ hai thập niên 70 và 80 thế kỷ XX, tác giả đã viết ký văn học, cố gắng dùng ngôn từ sống động và sự quan sát tinh tường, như người họa sĩ dùng toan và bút vẽ mềm, để “vẽ” chân dung một số nhà vật lý nước ta như Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Đào Vọng Đức…

Nhưng, phải từ Gặp gỡ Việt Nam lần thứ I, cuối mùa đông 1993 đến nay, tác giả mới hào hứng đưa in hàng trăm bài ký trên các báo lớn, về các cuộc gặp gỡ ấy và về những tài năng vật lý mà mình mới có cơ hội được làm quen như Jerome Friedman, James Cronin, George Smoot, Trần Thanh Vân, Jane X. Luu (tức Lưu Lệ Hằng), Đàm Thanh Sơn, Trịnh Xuân Thuận, Trần Minh Tâm, Phạm Quang Hưng, Nguyễn Trọng Hiền, Patrick Aurenche v.v…

Ngoài các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội - nhân văn, để trau dồi mỹ cảm mà một nhà văn học rộng, biết nhiều cần phải có, đôi khi tác giả cũng “tạt ngang” sang viết về một số tài năng âm nhạc thiên phú người nước Việt ta cũng như người miền Đông Á, thuộc vùng “Văn minh Khổng giáo” (Confucian Civilization).

Bởi vì, ngay từ thời học sinh, sinh viên, tác giả đã mê nhạc và thường chơi đàn guitar, mandolin; cũng có lúc “liều mạng” sáng tác ca khúc cho sinh viên hát, khi tham gia đội văn nghệ Trường Đại học Nhân dân Việt Nam [đã giải thể - HV], tất nhiên là nghiệp dư, “du kích”! Đâu có được học hành bài bản tại bất cứ nhạc viện nào, như mấy anh bạn cùng học trường Huỳnh Thúc Kháng bên con sông Lam: Trọng Bằng, Nguyễn Tài Tuệ…

Đó là một số nghệ sĩ tác giả thân quen cả gia đình như Đỗ Nhuận, Đặng Thái Sơn, Đỗ Phượng Như, Dương Minh Chính… Và, mới đây nhất, viết về nghệ sĩ piano Hàn Quốc Song Jin-cho sinh ngày 28-5-1994, 21 tuổi, khi anh vừa đoạt Giải Nhất Cuộc thi Piano quốc tế mang tên Frédéric Chopin lần thứ XVII ở Ba Lan, ngày 21-10-2015. Anh được Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hết sức ngợi khen.

Tác giả nhiều lần vào mạng YouTube, nghe và ngắm người nghệ sĩ piano Hàn Quốc ấy chơi bản Concerto số 2 rất quen thuộc của F. Chopin mà tác giả từng được trực tiếp nghe nghệ sĩ Đặng Thái Sơn trình tấu tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, năm 1980, khi anh mới 22 tuổi; cũng như nghe nghệ sĩ Trung Hoa Lý Vận Địch biểu diễn nhiều lần bản concerto ấy đến mức thuộc nhiều đoạn và có thể so sánh ba cách trình tấu khác nhau rất tinh tế của ba pianist thiên tài châu Á [nói trên] đoạt Giải Nhất piano Chopin, có nhà bình luận âm nhạc quốc tế cho rằng, giờ đây, dường như các pianist phương Đông “cảm hiểu” âm nhạc hàn lâm châu Âu không kém gì các pianist phương Tây, không chỉ cảm hiểu Chopin, mà cả cảm hiểu Mozart, Beethoven, Bach, Tchaikovsky, Prokofiev, Shostakovich…

Tác giả sách này có thể nghe người nghệ sĩ Hàn Quốc 21 tuổi ấy, mặc complet đen, cắt đẹp, thắt nơ đen đúng chuẩn cổ điển, trình tấu cùng Dàn nhạc giao hưởng Warszawa bản Piano Concerto in E Minor Op. 11 của F. Chopin theo đường link https://www.youtube.com/watch?v=614oSsDS734. Cho đến nay, không ít người ở Việt Nam ta vẫn nghĩ rằng Hàn Quốc chỉ bắt nhanh công nghệ mũi nhọn như công nghệ thông tin, chế tạo điện thoại thông minh, TV, nhưng, thật ra nước này phát triển rất toàn diện, hài hòa, cả về khoa học cơ bản, cũng như về nghệ thuật: điện ảnh, âm nhạc, vũ đạo, thời trang…

Mong quý độc giả coi đoạn văn “ngoại đề” viết về các pianist kiệt xuất ở vùng Đông Á này như mấy phút giải lao trà điểm (tea-break).

Cuốn sách chủ yếu viết về “thế giới các nhà vật lý”, nhưng không phải là sự nhặt nhạnh, lắp ghép “đầu Ngô mình Sở” những bài báo… đã in! Ngay từ khi còn là một cây bút trẻ, tác giả đã thấu hiểu rằng sách báo rất khác nhau. Nếu báo nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng về thông tin tức thời, sốt dẻo, thì sách còn nuôi tham vọng đạt tới những giá trị vững bền, trường cửu…

Do vậy, tác giả hoàn toàn viết mới cuốn sách này; cố gắng soi rọi nội dung dưới ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn.

Trong lịch sử nhiều thiên niên kỷ của nhân loại đau thương, có biết bao thứ chủ nghĩa đến rồi lại đi, như kẻ lữ khách tạm dừng chân nơi lữ quán bên đường! Song, chủ nghĩa nhân văn chân chính và chủ nghĩa yêu nước trong sáng thì vẫn còn ở lại với chúng ta cho tới hôm nay, và, ngày mai, chắc sẽ càng tỏa rạng cùng nhân loại văn minh…

Nhân vật trung tâm cuốn sách là nhà vật lý lý thuyết Trần Thanh Vân. Ta có thể xem ông như một người “dựng cờ tụ nghĩa”, lôi cuốn giới vật lý nước ta và thế giới, với biết bao hoạt động đa dạng rất nhọc nhằn, căng thẳng của Hội Gặp gỡ Việt Nam suốt hơn hai thập niên vừa qua.

“Sức hút Trần Thanh Vân” - như nhận xét của bạn bè quốc tế - chính là sức hút của một trái tim cởi mở (an open heart), của tình thân ái và chủ nghĩa nhân văn. Và, bên cạnh ông, luôn có bà, nữ GS-TS khoa học Lê Kim Ngọc, vị “bộ trưởng ngoại giao” của Hội Gặp gỡ Việt Nam. Vả chăng, bà còn là Chủ tịch Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam ở Pháp, góp phần xây dựng ba Làng trẻ em SOS ở nước ta. Đó là hai nhân vật chính của cuốn sách.

Ngoài hai nhân vật chính ấy, thường không vắng bóng nhân vật chính thứ ba. Đó là người dẫn truyện, tức tác giả cuốn sách này, với cá tính và những quan sát, cảm xúc riêng của một nhà báo - nhà văn. Do vậy, cuốn sách không chỉ nhằm phản ánh những thành tựu mới nhất trong vật lý học của từng cá nhân hay của một cộng đồng nào đó, mà còn là một thiên du ký, hồi ký, không né tránh những tình tiết “ly kỳ”, trong đó, tác giả sẽ cùng người đọc “khám phá” nhiều miền đất lạ, với nhiều sắc màu lịch sử - văn hóa khác nhau. Đó cũng là cách tác giả hy vọng thu hút thêm nhiều độc giả ngoài ngành vật lý và tăng “chất văn chương” cho tác phẩm.

Nói chung, tác giả viết theo thể ký sự, coi sự kiện là chính, tuy nhiên, đôi khi cũng dùng các thể văn khác như tùy bút, tản văn, cốt sao trải được lòng mình dù hơi có phần “lan man”, không tự gò mình vào một thể loại văn chương khuôn cứng nào. Cũng có chỗ tác giả dùng tư liệu khoa học “trần trụi” nhằm phản ánh chân xác công việc của các nhà vật lý, mà không dễ dãi “thi vị hóa”. Về cơ bản, tác giả viết theo trường phái văn học tư liệu.

Cuốn sách chia thành 10 chương, mỗi chương gồm nhiều tiết, ở mỗi tiết lại có một số đề mục nhỏ nhằm giúp người đọc dễ tìm theo mục lục. Ở cuối sách, còn có thêm phụ lục với những tư liệu bổ sung và ảnh.

 

_____

(*) Trước khi mất, Hàm Châu còn gửi tặng Hồn Việt cuốn sách mới nhất của anh (Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý, NXB Thế giới, 6-2016). Khi còn sống, anh đã dành cho Hồn Việt những tình cảm xiết bao trân trọng. Khi vợ anh mất, Hồn Việt đăng bài chia buồn, anh cho đó là một nghĩa cử và cho biết rằng chúng tôi là tờ báo duy nhất làm việc đó. Giá anh còn, vào ở với con ở TP.Hồ Chí Minh, thì Hồn Việt sẽ còn được anh đóng góp vào thể loại văn chương khoa học.

 

HÀM CHÂU