HV107 - Thắng đẹp như thơ!

LTS: Đi du học từ năm 18 tuổi, đến nay là đã hơn 40 năm sống ở Mỹ, nhưng nhà văn Thu Tứ vẫn giữ một tấm lòng yêu nước thiết tha. Anh nghiên cứu và đọc kỹ những chiến tích hào hùng của dân tộc với lòng tự hào vô tận của con dân đất Việt.

Đọc những bài viết về kháng chiến, cách mạng của Thu Tứ để thấy rõ sự đối nghịch với những kẻ đã từng đi kháng chiến, nhưng nay quay lại báng bổ kháng chiến, coi những giọt máu đổ xuống của biết bao anh hùng, liệt sĩ là vô nghĩa!

Suốt chiến dịch Biên giới (1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có mặt ở chỉ huy sở. Trong hồi ký Đường tới Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “…hôm lên đài quan sát theo dõi trận Đông Khê, Bác đã làm một bài thơ chữ Hán”.

Bài Đăng sơn nguyên văn như sau:

“Huề trượng đăng sơn quan trận địa

Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân

Nghĩa binh tráng khí thốn ngưu đẩu

Thệ diệt sài lang xâm lược quân”.

Nghĩa là:

“Cầm gậy lên núi xem trận địa

Lớp lớp núi đỡ lớp lớp mây

Quân nghĩa khí mạnh nuốt sao Ngưu sao Đẩu

Thề diệt quân xâm lược tham tàn”(1)

Câu đầu diễn phong thái cương quyết mà điềm tĩnh của người lãnh tụ. Câu thứ hai “vẽ” khí thiêng sông núi. Câu thứ ba hình dung ý chí quyết chiến của quân ta. Câu thứ tư là lời thề quyết thắng của các chiến sĩ.

Bài thơ như báo trước chiến thắng thật huy hoàng!

Chiến dịch Biên giới thắng lợi to đến nỗi Chủ tịch Mao Trạch Đông bên Trung Quốc cũng gửi thơ chúc mừng, trong đó có hai câu:

“Thanh niên đích Việt Nam quân

Nhất minh kinh nhân”(2)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp dịch là:

“Quân đội Việt Nam trẻ tuổi

Cất một tiếng người người kinh sợ”.

***

Thực ra, đến năm 1950 Quân đội nhân dân Việt Nam mới có 6 tuổi. Ta đã lớn nhanh như thổi, như Thánh Gióng mà hóa “thanh niên”! Nhưng về kinh nghiệm chiến đấu trong chiến tranh hiện đại, quân đội Pháp đã tích lũy được đến hàng mấy trăm năm!

Đã quá sức non trẻ, nếu đem so sánh những phương tiện chiến tranh của đôi bên, quân ta lại sút kém địch không biết bao nhiêu, cả về chất lẫn về lượng. Chiến dịch Biên giới tiến hành chính là để thông đường cho ta nhận viện trợ của các nước bạn mà giảm bớt chênh lệch trang bị cực kỳ bất lợi này.

Đã thế, “nhìn chung, ta không có ưu thế về quân số”.

Và đã thế, quân Giải phóng lại phải đối đầu với những đơn vị tinh nhuệ nhất của Lực lượng viễn chinh Pháp: nào Nhảy dù, nào Lê dương, Âu - Phi, Tabor.

Thế mà nó đại bại! Quân đồn trú Đông Khê, binh đoàn Lepage, binh đoàn Charton, và cuối cùng một tiểu đoàn trên đường 4 Thất Khê, đã lần lượt bị xóa sổ, tổng cộng hơn 8.000 tên địch bị loại khỏi vòng chiến, cả hai bộ chỉ huy binh đoàn đều bị bắt sống! Một khu biên thùy rộng mênh mông bỗng chốc sạch không còn một mống thù!

Thành công của chiến dịch Biên giới có nét độc đáo là quy mô của nó hoàn toàn bất ngờ!

Vốn ta chỉ nhằm giải phóng tỉnh Cao Bằng. Nhưng diễn biến là sau khi quân kháng chiến lấy Đông Khê và đánh tan hai binh đoàn Lepage và Charton, thì địch hốt hoảng bỏ Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn v.v…, rút luôn một mạch ra tận gần bờ biển! Trong hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Điều này [tức việc Pháp bỏ Lạng Sơn] nằm ngoài dự kiến của chúng ta (...) Nếu địch không rút (...) Chắc chắn chúng ta lại phải có một chiến dịch nữa để đẩy quân địch ra khỏi đường số 4”. Cái chiến dịch “Biên giới II” ấy không bao giờ phải mở. Ta đã đánh một mà được đến hai!!

Bây giờ mọi người đều biết những suy nghĩ của Bộ chỉ huy Pháp đằng sau quyết định di tản lịch sử này. Ngay sau “thảm họa ở Cao Bằng”, “Constans (chỉ huy Khu Biên thùy Đông Bắc) đề nghị với Carpentier (Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương) cho toàn bộ lực lượng của Khu (...) rút lui khi còn có thời gian. Bức điện báo cáo của y đã khiến Carpentier nhận xét: “Những tin tức mà chúng ta nhận được (...) thật kinh hoàng (...) và quyết định cho Constans rút”.

Địch đã vắt giò lên cổ, bỏ chạy gấp tới mức gần như nơi nào cũng để lại nguyên vẹn kho tàng!

Vừa tiêu diệt được rất nhiều sinh lực địch, giải phóng được nhiều đất vượt xa dự kiến, ta lại vừa tịch thu được một số lượng chiến lợi phẩm cũng hoàn toàn nằm ngoài dự kiến! Theo chính tài liệu của Pháp, khi rút khỏi Lạng Sơn, địch đã để lại “1.500 tấn trang bị, 2.000 tấn quân nhu, 4.000 khẩu tiểu liên, 10.000 viên đạn pháo, 150 tấn thuốc nổ, ước tính đủ trang bị cho 8 trung đoàn đối phương”! Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết “Số đạn pháo lấy được ở Lạng Sơn đã rất có ích cho ta sau này”. Sau này là ở Điện Biên Phủ đó. Quân Constans bỏ của chạy lấy người, nộp hàng vạn viên đạn pháo 105 ly cho ta để dành đợi ngày trút như mưa xuống đầu quân De Castries!

***

Trong chiến dịch Biên giới, quân ta thế mạnh hơn cả chẻ tre: “cây tre” đường số 4 bị bổ một nửa, nửa còn lại bèn tự tách!

Nhờ đâu mà được thế?

Trước tiên, nhờ tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với tình hình quân hai bên như đã trình bày, đánh làm sao cho thắng đây? Đại tướng đã tạo thế mạnh chủ yếu bằng ba cách. Thứ nhất, chọn đúng điểm đột phá mở đầu chiến dịch, là cụm cứ điểm Đông Khê thay vì thị xã Cao Bằng như Tổng quân ủy đề xuất. Thứ

 

 

 

 hai, điều binh cực nhanh để trong từng trận phía ta có được ưu thế quân số. Thứ ba, tận dụng địa hình có rừng che núi đỡ để giảm hiệu quả của phi pháo địch. Nói nghe cũng dễ, nhưng làm thì... Mà không phải chỉ vận dụng óc! Để chọn cho chắc, phải thấy tận mắt: có lần Đại tướng đi nghiên cứu thực địa, khi quay về “...mưa như trút (...) chúng tôi bì bõm hết lội suối lại lội bùn suốt đêm trong rừng”. Ngày chiến dịch kết thúc: “Tôi bỗng cảm thấy mệt, đầu óc nặng trĩu. Nhẩm tính đã mười một đêm không ngủ, nhiều đêm ngồi trên lưng ngựa”...

Kế đến, nhờ tinh thần hết sức cao của quân kháng chiến. Tinh thần này dẫn tới khả năng cơ động ngoài mọi ước lượng của địch. Cơ động thế nào khi các chiến sĩ chỉ có duy nhất phương tiện “chân”? Thì ta cứ bằng chân mà khẩn trương tiến về phía địch, không có đường thì phát bụi chặt cây mở đường, gặp núi cản thì leo qua đỉnh núi. “Quân hành” vất vả mà không dừng bước. Đại tướng kể bộ đội “vừa đi vừa ăn, vừa đi vừa ngủ”! Các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong hăng đến nỗi khi nghe tin quân Lepage tới Khâu Luông, những người yếu mệt đang tạm nghỉ ở những góc rừng xa cũng lập tức vùng dậy cầm súng đua nhau chạy về phía giặc. Tinh thần hết sức cao dĩ nhiên biểu hiện thành chiến đấu cực kỳ dũng cảm. Trong trận Đông Khê, anh hùng La Văn Cầu bảo chặt bỏ cánh tay bị thương cho khỏi vướng mà tiếp tục ôm bộc phá lao tới, anh hùng Trần Cừ bị thương nặng còn cố lết tới, nhoài lên lấy thân mình bịt lỗ châu mai v.v… Tinh thần quân ta siêu cao khiến có những lần lực lượng ta ít hơn hẳn mà vẫn cứ thắng địch!

Thứ ba, nhờ tổ chức hậu cần đặc biệt hiệu quả. Tướng thiên tài, quân anh dũng, mà thiếu đạn, thiếu gạo, thiếu muối thì cũng không thể đánh được giặc. Trong Hội nghị Tổng kết Chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương người phụ trách công tác hậu cần là Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh.

Thứ tư, nhờ công tác tuyên truyền vận động quần chúng đã thành công cực kỳ tốt đẹp. Làm công tác hậu cần thiếu phương tiện cơ giới mà không có quần chúng khiêng gánh giúp thì chỉ có kế hoạch tiếp tế chứ không có đồ tiếp tế tới tay chiến sĩ! Và sau khi chiến sự bắt đầu mà không có quần chúng giúp tải thương thì tinh thần chiến đấu của bộ đội chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tai hại. Trong Hội nghị Tổng kết Chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi: “Chưa bao giờ có những đoàn phụ nữ Kinh, Mán, Thổ, Nùng v.v… đi tiếp tế vận tải đông như vậy. Khó nhọc, khổ sở, nguy hiểm, mà vẫn hăng hái, vui vẻ, dũng cảm. Thật là đáng khâm phục”. Hồ Chủ tịch gửi thư khen riêng đồng bào ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng với lời cảm ơn: “Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và quân đội cảm tạ đồng bào”. Dĩ nhiên sự kiện nhân dân miền núi sát cánh với quân kháng chiến cách đầy ấn tượng này chính là kết quả của công tác chính trị kiên trì thực hiện trong suốt hàng chục năm trước ngày súng nổ ở Đông Khê! Đóng góp của đội ngũ cán bộ dân vận, trong đó có nhà văn - liệt sĩ Nam Cao, vì trường kỳ và quá căn bản nên bị quên nhắc trong dịp mừng công!

Thứ năm, quân ta có cái thế mạnh hơn chẻ tre trong chiến dịch Biên giới cũng là nhờ sự có mặt của người lãnh đạo tối cao được đặc biệt ngưỡng mộ. Hồ Chủ tịch đi chiến dịch làm quân dân thêm nức lòng đánh giặc. Không chỉ chiến sĩ và đồng bào, ngay cả bộ chỉ huy chắc chắn cũng cảm thấy được động viên tinh thần. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể, suốt 52 giờ “dằng dặc” của trận đánh “phải thắng” (tức trận Đông Khê): “Bác ngồi trên đài quan sát (…) tỏ vẻ xúc động khi có tin vui từ mặt trận báo về. Khi trận đánh gặp trắc trở, Người bình thản để cán bộ chỉ huy giải quyết công việc”. Lúc thuận lợi thì lộ cái vui cho mọi người thêm vui. Lúc trắc trở thì giấu cái lo để trấn tĩnh mọi người, chứ không giành làm tướng! Ngồi đó, ung dung, tự tại, vững vàng như núi, như hiện thân của “linh hồn của chiến dịch, linh hồn của chiến thắng”!

Cuối cùng, cũng cần có lời cảm ơn kẻ bại trận. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Chúng chủ quan, quá coi thường lực lượng ta, khi thất bại thì chúng quá hoảng hốt”. Nếu ngay từ đầu, giặc đã không “khinh” mà biết sợ “địch”, tập trung cố thủ các nơi, ép quân Giải phóng luôn phải đánh công kiên là loại hình chiến đấu ta còn thiếu rất nhiều cả kinh nghiệm lẫn hỏa lực cần thiết... Nếu bộ chỉ huy Pháp đã không bố trí cho Lepage và Charton dẫn binh đoàn đi vào... miệng quân Tiên phong, nghĩa là hành quân vào rừng tạo cơ hội cho bộ đội tiến hành vận động chiến là lối đánh đã khá thạo... Nếu thế, thì phiền phức vô cùng!

***

Đây là lần thứ hai mùa thu núi rừng phía bắc Tổ quốc chứng kiến quân ta đại thắng quân xâm lược. Lần đầu là năm 1427, tại Chi Lăng.

Ở Đông Khê mấy hôm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi trên đài quan sát. Khí thiêng sông núi hòa quyện với tráng khí nghĩa quân thành một vùng dày đặc sát khí. Hẳn ở nơi Liễu Thăng và Lương Minh rơi đầu năm xưa cũng thế. Đất nước có những địa điểm mà vào dịp “đặc biệt”, nói chi sao, tưởng đến trăng rằm cũng phải mờ!

Nhưng “vạn trùng sơn” cụ thể là thế nào?

Năm 1947 Nam Cao trèo lên tận “thế giới bí mật” của người “Mán”, đứng trên đầu non mà ngắm non, rồi tả: “Núi lại núi. Núi kế tiếp nhau, cuốn những đợt sóng (…) Chỉ có trời với núi”(3). Năm 1949 Nguyễn Tuân theo bộ đội hành quân dọc đường số 4, ghi: “Núi (…) nhấp nhô như sóng bể cứng sững đông đặc lại”(4); sau 1954 Nguyễn lại đăng sơn, lên “Mỏm Lũng Cú tột bắc”, để ghi nữa: “Ngồi trên núi cao (…) nhìn ra sóng núi tứ bề, cứ thấy nhớ biển”(5).

Núi mà như sóng biển! Mà có khi ngay bên trên cái “biển” núi đầy sóng ấy, lại là cả một biển mây cũng đầy sóng! Người “đăng sơn” thấy tự nhiên như thể đã dựng sẵn sân khấu chờ đợi quân ta và quân xâm lược diễn một màn “kịch” cực kỳ bạo liệt!

Trở lại bài thơ của Hồ Chủ tịch. Chúng tôi thử dịch như sau:

Gậy tay trèo núi xem quân

Trùng trùng non lượn đỡ trùng trùng mây

Khí hăng mờ cả sao trời

Hẳn loài cướp nước phen này tan xương!

Tháng 7-2016

 

_____

(1) Sài là chó sói, lang cũng là chó sói, sài lang là “tham tàn” (Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh).

(2) “Nhất minh kinh nhân” là lời Sở Trang Vương thời Đông Chu, Trung Quốc.

(3) Trong Nhật ký ở rừng.

(4) Trong bút ký Tình chiến dịch.

(5) Trong bút ký Mỏm Lũng Cú tột bắc.

THU TỨ