HV107 - Trả lời bạn đọc: BREXIT, SCEXIT

HỎI:

1. Cảm ơn tạp chí Hồn Việt (số 106, tháng 8-2016) đã giải thích câu hỏi của tôi về BREXIT. Nay xin hỏi thêm: Ai đã sáng chế từ ấy, vào lúc nào?

Lê Hà (Q.Gò Vấp, TP.HCM)

2. Đề nghị tòa soạn cho biết từ SCEXIT có liên quan gì đến từ BREXIT? Xin cảm ơn.

Đoàn Thúy (Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế)

ĐÁP:

1. Từ BREXIT xuất hiện lần đầu tiên trên báo The Economist ngày 21-6-2012. Người đặt ra từ này đã dựa trên từ GREXIT có trước đó. GREXIT là cách nói ngắn gọn của cụm từ the Greek exit from the Eurozone (Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro để trở lại dùng đồng drachma mà họ đã dùng trước đó cho đến năm 2001). Từ GREXIT do hai nhà kinh tế học Ebrahim Rahbari và Willem Buiter dùng lần đầu tiên trong báo cáo ngày 6-2-2012.

2. Nước Anh có tên chính thức và đầy đủ là Vương quốc liên hiệp Great Britain và Bắc Ireland (United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland), nói tắt là United Kingdom (viết tắt U.K.), thường gọi một cách không chính thức và không chính xác là Great Britain hay Britain. Vương quốc này gồm 4 xứ: England (Anh Cát Lợi), Wales, Scotland (Tô Cách Lan) và Northern Ireland (Bắc Ái Nhĩ Lan). Great Britain (hay Britain) chỉ gồm 3 xứ England, Wales và Scotland.

Vì England (Anh Cát Lợi) là xứ lớn nhất, đông dân nhất và kinh đô nằm ở đó, nên người Việt Nam thường gọi vương quốc này một cách không chính xác là nước Anh.

Trong quá khứ, England sáp nhập các xứ Wales và Bắc Ireland bằng con đường xâm chiếm. Riêng sự hợp nhất hai vương quốc độc lập England và Scotland diễn ra theo một cách khác.

James VI làm vua Scotland từ 24-7-1567. Ngày 24-3-1603, nữ hoàng England Elizabeth I qua đời mà không có con. James VI là cháu chắt mấy đời của hoàng gia England, nên được làm vua England. Đổi vương hiệu thành James I, ông làm vua cả hai nước (hai nước vẫn giữ nghị viện riêng).

Hơn một thế kỷ sau, năm 1707, Scotland, England và Wales mới hợp nhất thành Vương quốc Great Britain. Năm 1922, chiếm thêm Bắc Ireland, quốc hiệu đổi thành Vương quốc liên hiệp Great Britain và Bắc Ireland cho đến ngày nay.

Do có nhiều khác biệt nên giữa England và Scotland nhiều lúc “cơm không lành, canh không ngọt”. Đảng Dân tộc Scotland (Scottish National Party - SNP) thành lập năm 1934, chủ trương tách Scotland ra khỏi U.K.

Tháng 9-1999, sau 3 thế kỷ bị giải thể, nghị viện riêng của Scotland được tái lập.

Đảng SNP ngày càng lớn mạnh: tháng 7-2016 có hơn 120 ngàn đảng viên, trở thành chính đảng lớn nhất Scotland và lớn thứ ba ở U.K., từ năm 2007 đến nay chiếm đa số trong Nghị viện Scotland, chủ tịch SNP làm thủ hiến (first minister) xứ Scotland trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

Tuy nhiên, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 18-9-2014, chỉ có 47,7% cử tri Scotland bỏ phiếu tán thành việc tách Scotland ra khỏi U.K.

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6-2016 vừa qua, 51,89% cử tri U.K. (chủ yếu ở England và Wales) tán thành việc rời khỏi Liên minh châu Âu (British exit from the European Union - BREXIT) trong khi có đến 62% cử tri Scotland và 56% cử tri Bắc Ireland muốn ở lại trong Liên minh châu Âu. Vì vậy, sau BREXIT, nhiều người Scotland muốn rời khỏi Vương quốc liên hiệp (Scottish exit from the United Kingdom - SCEXIT), trở thành một quốc gia độc lập và sau đó xin gia nhập trở lại Liên minh châu Âu.

Như một căn bệnh hay lây, một số người ở Tây Ban Nha (Spain), Ý Đại Lợi (Italy) cũng có ý định SPEXIT, ITEXIT…

TS Phan Văn Hoàng