HV107 - Vì sao Hà Nội chưa đặt tên đường cho Chế Lan Viên và Huy Cận?

Vừa qua, Hà Nội công bố việc đặt tên đường cho một số người, gồm những nhân vật chính trị và nhân vật văn hóa. Có nhiều ý kiến về việc đặt tên đường lần này, với những nhân vật văn hóa đó. Trong đó có ý kiến: Tại sao những nhà thơ lớn như Chế Lan Viên (1920-1989), như Huy Cận (1919-2005) lại chưa được Hà Nội để mắt tới?

Chúng tôi rất hoan nghênh việc Hà Nội đã đặt tên đường cho các nhà văn - nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Tố Hữu, Nam Cao…, những nhà thơ, nhà văn yêu quý của dân tộc Việt Nam, tên tuổi, sự nghiệp, tác phẩm của họ đã đi vào lòng người bao thế hệ và họ như những biểu tượng văn hóa nước nhà.

Còn Chế Lan Viên, nhà thơ thuộc hàng lớn nhất của thế kỷ XX: 16 tuổi với Điêu tàn (in năm 17 tuổi), đã làm “kinh dị” (chữ của Hoài Thanh) thi đàn. Ánh sáng và phù sa là đỉnh cao của thơ Việt những năm 60 và những bài thơ những tập sau đó là những “tuyên ngôn” bằng thơ của lòng người, của nhân dân, Tổ quốc những năm chống giặc. Cuối đời, làm gần 1.000 bài thơ trong lúc lâm trọng bệnh, một đỉnh cao vút lên của thiên tài! Chế Lan Viên đã ở Hà Nội, sống, sáng tác 20 năm, vào Thành phố Hồ Chí Minh hơn 10 năm. Ông là nhà thơ, người đại diện cho văn hóa Việt Nam ở những diễn đàn quốc tế, một “trạng nguyên” đi sứ như lời nhà thơ-học giả Nam Trân. Chế Lan Viên là người đổi mới liên tục thơ mình, biến thơ thành cái cân “cân đời”, gắn với thời đại, phản ánh cả một thời đại với tất cả vẻ đẹp của nó:

Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả,

Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn…

Khi vào Nam, Chế Lan Viên da diết nhớ Hà Nội, nhớ miền Bắc: “đứt ruột nhớ hoa đào”, vì chính ở Hà Nội ông đã sống những năm đẹp nhất, sung sức sáng tạo nhất. Ai là người đã đọc Chế, những năm ấy, không thể quên những trang báo Đảng in những bài thơ “Bình luận thời sự hè 72”, “Tuyên bố của lòng người, khẩu súng, cành hoa”, rực cháy tình yêu Tổ quốc…

***

Huy Cận tham gia cách mạng trước 1945, dự hội nghị Tân Trào, gặp Bác Hồ ở đấy và sau khởi nghĩa tháng Tám, làm Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời. Ông là người có công “khai quốc” đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông từng được cử trong phái đoàn Chính phủ vào Huế tước ấn kiếm Bảo Đại, được Bác cử cùng với cụ Bùi Bằng Đoàn làm Thanh tra đặc biệt đi các địa phương, toàn quyền xử trí những cán bộ hư hỏng… Tức là rất được tín nhiệm. Sau đó làm Thứ trưởng và Bộ trưởng Văn hóa của Chính phủ…

Không cần nói chức vụ, ông cùng Xuân Diệu được xem là hai ông hoàng của Thơ Mới và Lửa thiêng là một trong những tập thơ hay nhất, tập thơ kinh điển của Thơ Mới. Không nói về sau, đi kháng chiến, cách mạng ông đã viết nhiều tập thơ như Trời mỗi ngày lại sáng, Bài thơ cuộc đời… rất nhiều bài hay, được truyền tụng, yêu mến…

Ông nhiều lần “đi sứ” về văn hóa, là cố vấn cho các Tổng thống Pháp F. Mitterrand và J. Chirac về Cộng đồng Pháp ngữ, rất được tín nhiệm. Những bài phát biểu của ông ở đó, súc tích hàm lượng tri thức văn hóa Đông - Tây, được các viện sĩ hàn lâm khen ngợi… Tóm lại, đó là một nhân vật lịch sử, một nhà thơ lớn và là một nhà văn hóa tiêu biểu.

Vì sao Hà Nội không đặt tên đường, mặc dù ông mất đến nay đã hơn 10 năm? Trong khi đó, có người mất chưa đến 10 năm lại được ưu tiên đặt tên và là người có rất nhiều ý kiến của dư luận không đồng tình về mặt chính trị và học thuật.

Cái gì đã xảy ra trong các Hội đồng đặt tên đường ở Hà Nội, quan điểm của các vị này thế nào khi đánh giá các nhân vật văn hóa, lịch sử? Luồng tư tưởng nhân danh “đổi mới” để rồi xóa sạch những thành tựu văn học, văn hóa của cách mạng - kháng chiến, của thời đại Hồ Chí Minh, liệu có ảnh hưởng vào đây? Người ta ghét những người “chính thống”, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ đến cùng như Chế Lan Viên, Huy Cận… mà họ gán cho là “bảo thủ”. Và họ tận diệt. Đây là một luồng tư tưởng rất nguy hiểm, báo hiệu những điều không thể lường trước được, mà đã có những tiền lệ trên thế giới. Thật xót xa khi nó lọt vào được những nơi có ý nghĩa về mặt đánh giá văn hóa, đánh giá lịch sử như thế này!

Chúng tôi khẩn thiết lưu ý các đồng chí đang nắm chính quyền ở Hà Nội về vấn đề này. Dù các đồng chí bận rộn thế nào với kinh tế, với đời sống thủ đô, dù có thể thông cảm là các đồng chí không thể đọc hết, biết hết nhưng công tác tổ chức cán bộ, công tác tư tưởng - văn hóa không thể không quan tâm đúng mức.

Chỉ e rằng, chuyện đặt tên đường chỉ là chuyện bề nổi của một tảng băng chìm của văn hóa - văn học ở thủ đô. Nhưng chuyện ở thủ đô là chuyện của cả nước.

HỒ QUANG