Báo Thanh niên số 213 ra ngày chủ nhật 31-7-2016 có đăng bài Bài thơ chấn động Sài Gòn 60 năm trước của nhà văn Lê Văn Nghĩa nói về bài thơ Một thế kỷ mấy vần thơ của nhà thơ Truy Phong.
Theo nhà văn, “Nhân dịp tổng đoàn học sinh Đà Nẵng vừa làm lễ kỷ niệm 45 năm thành lập, tôi chợt nhớ lại những buổi nói chuyện với những người bạn học sinh ngày xưa về đề tài “Bài thơ nào có ấn tượng nhất vào những năm kháng chiến?”. Tất cả đều trả lời rằng đó là bài thơ Một thế kỷ mấy vần thơ của Truy Phong”. Cũng theo nhà văn: “Những năm 1970, trong những buổi sinh hoạt văn nghệ lửa trại sinh viên học sinh hoạt cảnh kịch thơ Một thế kỷ mấy vần thơ thường là tiết mục “đinh” đầy hào hùng mà ai xem cũng đều sôi lòng. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ giọng ngâm của học sinh Duy Thanh sang sảng: “Cái gì bạo ngược là phi nghĩa/ Là trái lòng dân, nghịch ý trời/ Sắt thép tinh ròng, binh tướng dữ/ Không sao thắng được trái tim người!”. Sở dĩ lũ học sinh chúng tôi thích bài thơ này vì lời thơ “ý tại ngôn ngoại” của nó. Một thế kỷ mấy vần thơ rất phù hợp vì nói lên lòng quả cảm của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp - mà thật ra chúng tôi đều biết tác giả muốn nêu lên khát vọng thống nhất đất nước từ năm 1956 - khi mà những người tham gia kháng chiến bị khủng bố cùng cực”.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa còn nói thêm về chuyện ra mắt của bài thơ: “Ngày 27-4-1956, lần đầu tiên nhật báo Tiến thủ đăng trên trang nhất với cái tít màu đỏ thật lớn, thật đẹp, chạy suốt bề ngang. Hai câu thơ: “Đinh ninh anh nhớ một lời:/ “Ngày mai thống nhất liền đôi bến bờ” như chọc xoáy vào việc chính quyền Ngô Đình Diệm công khai xé bỏ Hiệp định Genève 1954, không thi hành tổng tuyển cử hai miền Nam Bắc. Bài thơ đó đã gây nên một tiếng vang lớn và là hành trang tinh thần cho những người kháng chiến trong nội thành. Sau này có dịp gặp nhà thơ Kiên Giang, lũ chúng tôi được biết khoảng tháng 4-1956, lúc đó chánh quyền Sài Gòn tuyên bố không hiệp thương tổng tuyển cử và tung chiến dịch “Tố cộng” đàn áp những người kháng chiến thì thầy giáo Dương Tấn Huấn đang dạy học ở Trà Vinh thao thức trước vận mệnh đất nước và muốn dùng ngòi bút để đấu tranh nên đã luồn lách mượn chuyện Pháp thua trận để nói về tinh thần của người dân Việt khi có họa xâm lăng đất nước thân yêu của mình. Thầy giáo Huấn đã ký bút danh Truy Phong dưới bài thơ để tránh bị trả thù của bọn mật vụ rồi nhờ bác Hai Phương, thân phụ của một cô học trò chủ xe đò Trà Vinh - Sài Gòn chuyển bài thơ đến tòa soạn báo Tiến thủ.
Khi đọc xong bản thảo bài thơ này, ông Việt Tha - Lê Văn Thử - chủ nhiệm tờ Tiến thủ chẳng biết nhà thơ Truy Phong là ai nhưng đọc nội dung thấm được khẩu khí anh hùng, ông biết ngay là “phe ta” nên chọn đăng trang trọng trên trang nhứt. Ông viết: “Theo tôi, thơ như vậy mới là thơ, thơ của thời đại chúng ta!”. Ngay sáng hôm ấy ở Sài Gòn, báo Tiến thủ bị tịch thu và chính quyền cho bọn côn đồ đến để đập phá tòa soạn tại 224 Gia Long (Lý Tự Trọng ngày nay). Sau đó tờ báo bị đóng cửa, ông chủ nhiệm Việt Tha phải đi trốn thời gian dài.
Một thời gian sau tạp chí Mã thượng đăng lại Một thế kỷ mấy vần thơ, từng đoạn có tranh màu minh họa. Từ tháng 4-1956 đến tháng 4-1975, bài thơ này được đăng đi đăng lại mấy mươi lần trên báo chí miền Nam như Đuốc nhà Nam, Thần chung, Tin sáng, Dân chủ mới, Tiểu thuyết Thứ năm… Tờ Sélection du Reader’s Digest năm 1957 cũng trích dịch lại một đoạn bài thơ này”.
Thật ra tên “Truy Phong” - bút danh của thầy giáo Dương Tấn Huấn đã có từ thời kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Vĩnh Trà (Vĩnh Long - Trà Vinh hợp nhất), tên thật của Truy Phong ít ai biết, chỉ biết anh là bộ đội ở Ban chính trị Tỉnh đội Vĩnh Trà. Tôi quen biết Truy Phong trong cuộc họp giao ban giữa Ban tham mưu và Ban chính trị Tỉnh đội, khi tôi được Ban Báo Khu 8 điều động về Quân báo tỉnh Vĩnh Trà, lúc ba Quân khu 7, 8, 9 giải thể để thành lập hai Phân liên khu miền Đông và miền Tây Nam Bộ, tháng 7-1951. Với tác phong cởi mở, vui vẻ hòa đồng với mọi người nên Truy Phong rất được anh em bộ đội quý mến, nhất là khi biết anh được giải nhất cuộc thi thơ lục bát của văn nghệ Nam Bộ 1952 với tập thơ Quê tôi (hay Quê hương), Nguyễn Bính được giải nhì (tôi không nhớ tên tập thơ), và Dương Phong, cán bộ chính trị Tiểu đoàn 310 giải ba với tập thơ Một đường gươm.
Trước đó khi tham gia chiến dịch Cầu Kè Trà Vinh (mùa xuân năm 1949-1950), Truy Phong cũng đã có làm thơ động viên và ca ngợi tinh thần chiến đấu của anh em chiến sĩ, tiếc rằng tôi chỉ nhớ lõm bõm mấy câu vào đầu như: “Nụ cười trên miệng súng trên vai/ Hăm hở ra đi chiến trận này/ Không rượu bồ đào, không chén ngọc/ Mà lòng anh cũng ngất ngây say”.
Người ta còn kể có lần một anh cán bộ cưới vợ, anh em chiến sĩ đơn vị vẽ một bức tranh có đề thơ làm quà mừng. Bức tranh vẽ hình cô gái múc gáo nước xối cho người chiến sĩ cởi trần ngồi mài gươm dưới ánh trăng. Tranh vẽ khá đẹp; một số “thi sĩ nghiệp dư” xúm lại đề thơ, mở đầu được hai câu: “Đêm nay dưới ánh trăng vàng/ Em ngồi xối nước cho chàng mài gươm” rồi tắc tị vì vần “ươm” quá khó để gieo vần tiếp. Đúng lúc ấy, có người thấy Truy Phong đi qua vội kêu lớn: “Truy Phong ơi! Lại cứu nguy cho bọn này với”. “Cái gì mà cứu nguy?”, Truy Phong cười hỏi. “Đây ông coi, mới đề được hai câu thơ dưới tranh để tặng đám cưới thì bọn này tịt ngòi luôn không thể nào làm tiếp được vì vần “ươm” quá khó, ông cứu nguy giùm cho!” - anh bộ đội nhà thơ nghiệp dư nhìn Truy Phong cười cười cầu cứu.
Truy Phong nhìn bức tranh một lúc rồi cười bảo: “Ghi vô đi: Đêm nay dưới ánh trăng vàng/ Em ngồi xối nước cho chàng mài gươm/ Chàng mài gươm rửa thù cho nước, hạnh phúc mình mới được bền lâu!”. “Hay quá! Hay quá! Cám ơn Truy Phong!”, các “nhà thơ nghiệp dư” vỗ tay hoan hô Truy Phong rầm rộ, có người còn nói: “Nếu không có ông cứu nguy cho thì bọn này chịu chết, chắc phải bỏ bức tranh này rồi”. Người ta còn kể chuyện Truy Phong dự đám cưới đồng đội ở huyện Duyên Hải, Trà Vinh. Chàng rể là Cao Huy Dương, cán bộ huyện đội, còn cô dâu là Trần Kim Đồng, cán bộ phụ nữ xã. Anh đã ứng khẩu “hò lờ” chúc mừng đôi bạn: “Kim Đồng mà lấy Huy Dương/ Như đạn gặp súng, như xuồng gặp sông/ Huy Dương mà lấy Kim Đồng/ Như cá gặp nước, như rồng lên mây/ Một đằng gái, một đằng trai/ Một chồng một vợ, là hai vợ chồng/ Người ta pháo nổ rượu nồng/ Thấy người cưới vợ mà lòng tôi nôn/ Đêm nay dự lễ tuyên hôn/ Chắc rằng cũng có người nôn như mình!”. Mọi người vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, nhất là cánh bộ đội còn độc thân cười vỗ tay to nhất.
Đối với tôi, Truy Phong còn là một kỷ niệm khó quên, và có thể nói là một bước ngoặt quyết định cuộc đời kháng chiến của Truy Phong. Đó là vào khoảng tháng 5 năm 1952, lúc này địch càn quét chiếm đóng nhiều nhất ở Vĩnh Trà. Tôi và Truy Phong hẹn nhau sẽ đi về rừng U Minh, miền Tây Nam Bộ. Việc của tôi là báo cáo tình hình Vĩnh Trà với Ban Quân báo Phân liên khu, còn Truy Phong về công tác ở tạp chí Lá lúa của Văn nghệ Nam Bộ. Địa điểm hẹn là trạm liên lạc Quân báo huyện Cái Ngang vào 7 giờ sáng theo một nhóm cán bộ cùng đi. Tôi chờ đến 8 giờ vẫn không thấy Truy Phong tới, cả đoàn đành phải đi không thể chờ được nữa. Sau này tôi mới biết sáng hôm ấy địch càn quét vào vùng ven thị xã Vĩnh Long, nơi Truy Phong ở trong nhà một cơ sở nhắn mẹ ở Quới Thiện (cù lao Dài, Vũng Liêm) lên để mẹ con gặp nhau trước khi anh đi xa. Không ngờ hôm ấy Truy Phong lên cơn sốt nằm mê man không biết gì hết, bà mẹ sợ quá vội đưa con ra bệnh viện thị xã Vĩnh Long cấp cứu, rồi sau đó đưa anh về Quới Thiện dưỡng bệnh. Kể từ đó coi như Truy Phong mất liên lạc với kháng chiến. Sau Hiệp định Genève 1954, tôi tập kết ra miền Bắc cứ tiếc mãi giá như không có cuộc lỡ hẹn có tính bước ngoặt cuộc đời cách mạng của Truy Phong, mà anh cùng chúng tôi ra miền Bắc thì tài thơ của anh sẽ phát triển đến mức nào, khi có dịp tiếp xúc gặp gỡ các nhà thơ nổi tiếng như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư v.v… Nhưng thôi, dù ở lại miền Nam dạy học trong vùng địch chiếm, anh cũng đã để lại Một thế kỷ mấy vần thơ, một tác phẩm “để đời” hiếm có, đủ để tên tuổi Truy Phong sống mãi với văn thơ cách mạng miền Nam qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Hè 2016
--- --- --- --- ---
LTS: Bài thơ này tác giả làm khi quân Pháp bại trận rút quân về nước, thể hiện lòng yêu nước, ý chí bất khuất, khát vọng hòa bình, thống nhất giang sơn…, được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Dưới đây, Hồn Việt xin trích một đoạn.
Một thế kỷ mấy vần thơ
TRUY PHONG
Ánh hồng chói rạng chân trời mới
Ngọn lửa đao binh tắt lịm rồi.
Có kẻ chiều nay về cố quán,
Âm thầm, không biết hận hay vui?!
…
Anh về nước Pháp xa xôi
Chắc anh bao giờ quên được,
Những là đường đi nước bước
Những là tên tuổi Việt Nam:
Suối Yên Thế tuôn tràn hậm hực,
Đất Thái Nguyên căm tức nổi vồng,
Tháp Mười hận nước mênh mông
U Minh mấy trận bão lòng chưa nguôi!…
Việt Nam, nước của tôi:
Sông sâu, đồng rộng,
Trái tốt, hoa tươi…
Hà Nội kinh thành trang chiến sử
Sài Côn đô thị rạng anh tài.
Phú Xuân bừng chói gương ưu quốc
Nghĩa nặng tình thâm vạn thuở nay!
Việt Nam, nước của tôi:
Già như trẻ
Gái như trai
Chết thì chịu chết
Không cúi lòn ai!
Tham lam ai muốn vô xâm chiếm,
Thì “giặc vào đây, chết ở đây”!
Việt Nam, nước của tôi:
Ruộng dâu hóa bể
Lòng chẳng đổi thay.
Dầu ai cắt đất chia hai
Cho trong đau khổ, cho ngoài thở than.
Dầu ai banh ruột xé gan,
Cho tim xa óc, cho nàng lìa tôi.
Đinh ninh anh nhớ một lời:
“Ngày mai thống nhất liền đôi bến bờ”!
Đã đến giờ
Chia tay cách biệt
Anh lìa nước Việt
Vừa tủi vừa mừng.
Bên nhà vợ đợi con trông,
Vắng anh, tình mặn nghĩa nồng cũng phai.
Tàu xúp-lê một!
Tàu xúp-lê hai!!
Siết tay anh nhé, anh về nước
Biển lặng trời êm nhớ lấy ngày.
Và chẳng bao giờ quên nhắc nhở
Cho ai đừng đến đọa đày ai!
Tự vấn lương tâm rồi tự đáp:
- Đánh cho ai, và chết cho ai???
Bóng ngả trời tây
Gió lồng biển cả,
Phút giây từ giã
Trang sử trăm năm!
Tàu anh rời bến Việt Nam,
Hãy xuôi một ngả, một đường mà đi.
Xin tàu đừng ghé Bắc Phi,
Sóng to gió lớn, chắc gì đến nơi.
Đừng gây oan trái, tàu ơi,
Hãy xuôi về Pháp cho người hát ca!
Tàu xúp-lê hai!!
Tàu xúp-lê ba!!!
Anh về mạnh giỏi
- Ô-rờ-voa!
1956