HV108 - Kể chuyện nhân sĩ trí thức SÀI GÒN - GIA ĐỊNH tham gia kháng chiến chống Pháp (tiếp theo kỳ trước)

TRÊN NHỮNG NẺO ĐƯỜNG KHÁNG CHIẾN

Sáng ngày 23-9-1945, sau khi nghe tiếng súng nổ ran ở khu vực trung tâm thành phố, ông Ung Ngọc Ky nghĩ thầm trong bụng: “Bây giờ nó đánh mình trước rồi”. Điều mà Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu cảnh báo mọi người trong Lễ độc lập - thực dân Pháp “toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên hai mươi lăm triệu đồng bào”(1) - nay đã thành thực tế.

Trước Cách mạng tháng Tám, ông Ky là thư ký ở Dinh thống đốc Nam Kỳ (thời Pháp, rồi thời Nhật). Khi phong trào Thanh niên Tiền phong ra đời, ông được đồng nghiệp bầu làm liên đoàn trưởng Liên đoàn Lê Lai, tham gia chiếm dinh trong đêm 24 rạng 25-9. Tham gia cách mạng chưa lâu, nhưng Lời thề độc lập đã in sâu trong lòng ông.

Đó cũng là tâm trạng của 5 đoàn viên Liên đoàn Lê Lai đến gặp ông Ky sáng hôm ấy. Ông kể:

“Anh em hỏi dồn:

- Tính sao đây, anh?

- Ta đi thôi!

- Đi đâu, anh?

- Tìm theo Ủy ban, hình như đang ở Chợ Đệm hay Bình Điền”(2).

Sau quyết định nhanh chóng và dứt khoát ấy, sáu anh em cùng lên đường, “tiến nhanh về hướng Chợ Đệm - Bình Điền, không ai mang theo món gì, lòng tin chắc rằng chỉ một vài hôm sẽ trở về lấy lại Sài Gòn”(3).

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng

Suy nghĩ hồn nhiên, giản đơn này, chúng ta gặp lại ở nhiều nhân sĩ, trí thức khác. Chẳng hạn, ông Huỳnh Minh Hiển kể: “Lúc đầu, ai cũng nghĩ rằng chẳng bao lâu sẽ chiến thắng, trở về Sài Gòn”(4). Ông Nguyễn Duy Cương kể tiếp: Lúc đó, “nào ai có biết trước, có lường được, có nhận thức rõ kháng chiến là như thế nào, chống lại giặc ra sao, mà chỉ có một quan niệm rất đơn giản là phải gấp rút ra khỏi Sài Gòn, không để địch gây thiệt hại, rồi bao vây lại địch (…). Ý nghĩ của nhiều người là chắc ít hôm sẽ buộc địch lùi bước và ta sẽ trở lại đô thành”(5).

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng tâm sự: lúc đó, “tôi chỉ có lòng yêu nước, chỉ mong sao đuổi Pháp, rồi về chữa bệnh cho đồng bào”(6).

Sở dĩ nhiều nhân sĩ trí thức tin như vậy vì họ nghĩ: nhân dân ta có chính nghĩa nên chắc chắn chúng ta sẽ nhanh chóng chiến thắng quân xâm lược. Chính niềm tin ấy là động lực khiến bao nhân sĩ trí thức “cương quyết ra đi”(7) “theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”(8). Đối với họ:

“Con đường tranh đấu: con đường sống

Cùng với non sông trọn nghĩa tình”(9)

“Tình gia thất nào ai chẳng có” nên không thể tránh cảnh “buổi tiễn đưa lòng bận thê noa” như mô tả trong Chinh phụ ngâm khúc. Ông Ung Ngọc Ky, người quyết định một cách nhanh chóng và dứt khoát “Ta đi thôi” mà chúng ta vừa gặp trong trang trước, lại đang gặp một hoàn cảnh khó xử. Ông kể:

“Vợ tôi mang thai đứa con đầu lòng được sáu tháng, đi lại đã nặng nề, cảnh nhà đang túng thiếu, giữa cơn binh lửa loạn lạc này, một thân một mình từ đây vào bến tàu Chợ Lớn để về quê, làm sao lường hết được mọi gian khổ, hiểm nguy.

Tôi có sai lầm là giấu mọi hoạt động của tôi, cũng như không hé môi về những diễn biến tình hình ngày càng nghiêm trọng gần đây để tránh cho vợ tôi mọi xúc động mạnh. Do đó, tình hình xảy ra quá nghiêm trọng, đột ngột sáng hôm nay quả là một cái “sốc” lớn. Tôi không đủ can đảm đến an ủi và chia tay”(10).

Rất may, một trong năm đồng nghiệp của ông, thông cảm tình cảnh bối rối của ông, chủ động thay ông nói lời an ủi. Thế là người ở lại chấp nhận, và người ra đi cũng an tâm.

Dược sĩ Nguyễn Duy Cương

Tạm xa những người thân yêu mới là thử thách đầu tiên. Trước mắt còn nhiều thử thách khác mà những người đi kháng chiến phải vượt qua.

Dược sĩ Nguyễn Duy Cương kể: Các nhân sĩ trí thức vốn là dân thành phố, “chưa từng biết nông thôn, chưa bao giờ tưởng tượng nổi sự gian khổ khi sống xa đèn điện với nước máy, ăn thì đọt choại(11) muối tiêu, ngủ thì chưa quen chui vào nóp(12), trời chưa sụp tối, đưa tay vào không trung cũng nắm được năm ba con muỗi, phải um khói cay xè, bước xuống đất thì sợ rắn cắn”(13). Về chuyện rắn, ông Hùng Quân cho biết thêm: ở chiến khu Đồng Tháp Mười, “mùa nước nổi mênh mông, rắn hổ lội dưới nước nhìn thấy hoặc vào tận thềm nhà”. Tối ngủ trong nóp dưới đất, “có hơi ấm, rắn nước, rắn hổ dưới nước bò lên ngủ chung, sáng ra cựa quậy, rắn mới vội vàng bò xuống nước”(14).

Nhà văn Thiếu Sơn nhấn mạnh: “kháng chiến đâu phải là chuyện dễ. Phải chịu hy sinh, phải chịu gian khổ, phải thay đổi nếp sống và coi thường danh lợi”, phải “xa vợ xa con, xa gia đình và cuộc sống êm ấm”, nên “là một thử thách cho mọi người, nhứt là những người công chức”. Mặt khác, phải đối phó với những dụ dỗ của thực dân Pháp luôn tìm cách lôi kéo công chức bỏ kháng chiến về lại vùng tạm chiếm bằng những thủ đoạn như “cho lên chức, lên lương, cho lãnh rappel (truy lãnh)… có những ông thư ký đánh máy mà (Pháp) đặc cách (cho) lên chức ngang hông, lên tham sự, lên quận trưởng, lên phủ, lên huyện, rồi lần mò lên tới đốc phủ sứ”(15).

Nhà văn Thiếu Sơn

Nhưng lòng yêu nước thương dân đã giúp nhân sĩ, trí thức vượt qua mọi trở ngại, cám dỗ. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt (tốt nghiệp ở Pháp về) tâm sự: “Khó khăn, thiếu thốn gì, để góp phần kháng chiến thành công, chúng tôi đều phải cố gắng vượt cho kỳ được. Đó là món nợ đối với dân tộc mà mỗi người chúng ta ít nhiều gì cũng phải trả”(16). Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng cho biết: các nhân sĩ trí thức tham gia kháng chiến phải “rời bỏ gia đình êm ấm ra đi, chấp nhận thiếu thốn, ăn đói mặc rách, đi chân đất, nhưng lòng rất thanh thản, được phân công làm gì cũng làm hết mình, làm với nhiệt tình hăng say, làm bất kể ngày hay đêm, miễn sao đánh đuổi được giặc Pháp, đất nước được thanh bình, rồi trở về sum họp với cha mẹ anh chị em, với nghề cũ”(17).

Để tự động viên mình và động viên bạn bè, một nhân sĩ trí thức viết trên tường mấy chữ K2N2. Ông này giải thích: đó không phải là ký hiệu hóa học, mà viết tắt khẩu hiệu “Khắc khổ - Nhẫn nại”. Nhờ khẩu hiệu ấy, anh em trong cơ quan “đã chấp nhận đời sống thiếu thốn: ăn không đủ no, muối rau đạm bạc, muỗi mòng, thiếu giải trí, nhất là thiếu sách báo - món ăn tinh thần” của giới trí thức, “ăn [bằng] bát gáo dừa, cơm với muối tiêu, ngủ nóp và ở chỗ nào cũng lật nóp [ra ngủ] được”(18).

Lực lượng tham gia kháng chiến phần đông là những người trẻ: công nhân, lao động, nông dân, đoàn viên Thanh niên Cứu quốc, Thanh niên Tiền phong… Họ bước vào kháng chiến một cách thanh thản, như hai câu thơ của Dương Tử Giang:

Một thuở ra đi vì nghĩa lớn,

Ngàn năm trẻ mãi với giang sơn.

Nhưng không thiếu những nhân sĩ trí thức lớn tuổi. Xin nêu vài trường hợp điển hình.