Đọc Hồn Việt số 107 (tháng 9-2016), xin có mấy nhận xét:
- Như thường lệ, mục “Thời sự và suy ngẫm” vẫn sắc sảo và trúng vào những điều chắc nhiều bạn đọc cũng quan tâm như tôi.
Tuy nhiên, mới thấy “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý vụ ông Trịnh Xuân Thanh…” mà Hồn Việt “đã thấy nhẹ cả người”, đã cho rằng “việc tổ chức nhân sự đã tạm yên” thì liệu có lạc quan sớm quá không? Thì đấy, có bao nhiêu việc chủ trương thì đúng, nhưng thực hiện thì ngược lại: tiền hỗ trợ cho nông dân lại vào túi xã quan; sổ đỏ bị ghìm lại mười mấy năm chưa phát… cho nên cánh già chúng tôi - tôi sinh năm 1930 - vẫn thấy “nặng mình và nặng cả đầu óc nữa” và đợi xem kết cục cái vụ đó ra thế nào hay lại “huề cả làng” như vụ mười mấy lần ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội bị vỡ. Mà còn nhiều vụ khác nữa, nào trách nhiệm nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đối với Formosa đến đâu, vụ Yên Bái mới đây v.v… Ngay việc Trung ương vừa quy định về tuổi đời đảng viên cũng làm chúng tôi phải suy nghĩ. Để leo được lên ghế nọ, ghế kia, người ta đã “học giả - bằng giả”, “học giả - bằng thật” rồi lại “cải lão hoàn đồng”, trong khi vẫn nói ra rả học theo Bác Hồ, vẫn nói trung thành với Đảng! Liệu trong số “đầy tớ của nhân dân” hiện nay có bao nhiêu kẻ dối trá?
Về tổ chức cán bộ còn nặng nề lắm đấy, Hồn Việt ạ!
- Rất hoan nghênh ông Thu Tứ bao năm xa quê hương vẫn hướng về Tổ quốc. Bài Thắng đẹp như mơ khiến “người cựu binh đầu bạc” này rất tự hào về những năm kháng chiến, tự hào có Bác Hồ, có Võ Đại tướng, có đồng chí, đồng đội và nhân dân Việt Nam ta.
Có điều, ông Thu Tứ đã trách oan khi “nhà văn liệt sĩ Nam Cao”… “bị quên nhắc trong dịp mừng công”. Xin thưa, không rõ Nam Cao có đi chiến dịch này không, nhưng chắc chắn là lúc đó ông chưa thành liệt sĩ. Phải tới cuối năm sau, khi đi công tác vào vùng địch hậu ở Liên khu 3, ông mới bị giặc ở bốt Hoàng Đan, Gia Viễn, Ninh Bình phục kích và hy sinh đêm 30-11-1951. Theo trí nhớ của tôi, cuối năm 1950 ở ngoài Bắc có hai nhà thơ hy sinh trên đường công tác là Thâm Tâm và Thôi Hữu nhưng không rõ có ở chiến dịch Biên giới hay không.
ĐINH KHẮC PHÁCH
(Phố Hoàng Đạo Thúy, Q.Cầu Giấy, Hà Nội)
--- --- --- --- ---
Góp thêm ý kiến về việc đặt tên đường
1. Việc đặt tên đường (bằng tên người) không đơn giản, vì nó quan hệ đến sự đánh giá nhân vật, một điều cần đến quan điểm đánh giá và tư liệu. Ai là người được quyền làm điều đó? Không phải là các nhà sử học. Họ là những người nghiên cứu thôi, họ có thể có ý kiến thế này thế khác, tùy cách nhìn của họ. Một số trong các nhà sử học ấy đang đòi “vượt qua ý thức hệ”, đang dao động ngả nghiêng về chính trị. Có người ra nước ngoài viết tài liệu nói xấu Hồ Chí Minh để được các thế lực chống đối khoái chí tán thưởng và mong được ở lại (tiếc rằng tiếng Anh kém quá, họ không màng). Tất nhiên, sau đó có Hội đồng Nhân dân thông qua, nhưng e rằng sự thông qua này có thật sự khoa học, nghiêm túc, kỹ lưỡng chưa?
Giao việc đặt tên đường cho các địa phương, các nhân vật lịch sử, có khi ở hàng rất cao của chế độ, bị một sự đánh giá nhiều khi oan. Nhất là ở thủ đô, trung tâm của cả nước.
Do đó, nên có quy định, có luật quy định danh nhân địa phương thì địa phương xét, nhưng danh nhân quốc gia thì phải thành lập Hội đồng Quốc gia và phải có ý kiến phê duyệt của Trung ương.
2. Cũng có thể không nhất thiết đặt tên đường bằng tên người. Trung Quốc tuyệt đối không làm vậy vì đánh giá “công”, “tội” là việc phức tạp. Họ đặt tên đường bằng tên địa danh mà vẫn ổn.
Ta có các tên địa danh, địa phương, tên các sự kiện nổi tiếng trong lịch sử giữ nước và dựng nước đáng ghi nhớ… Ta cũng đã có đặt nhưng cần sử dụng phổ biến hơn, hạn chế việc đặt tên người, nhiều khi bất cập, bất lợi. Nên lập một tiểu ban ở Trung ương, ở Quốc hội hay ở Chính phủ, nghiên cứu, thảo luận, đề xuất, rút kinh nghiệm vấn đề quan trọng này. Tóm lại là Trung ương nên có trách nhiệm, không khoán hết cho các địa phương.
15-9-2016
TRỌNG THỤ
(CCB Nam Từ Liêm, Hà Nội)