HV108 - Lương tâm Hàn Quốc

Chúng ta cảm ơn những Lương tâm Hàn Quốc, những con người yêu Việt Nam, yêu sự thật, yêu sự công bằng. Họ chính là người đã đưa ra ánh sáng sự thật về tội ác của quân đội Đại Hàn ở Việt Nam. Đó là những con người chân chính sống bằng cái tâm lớn với chữ NHÂN sáng trong không biên giới. Họ chấp nhận những tai ương về phía mình, để cho sự thật được lên tiếng…

1. Tiến sĩ sử học Ku Su Jeong, cánh hoa mỏng manh mà kiên cường trong bão táp…

Bắt đầu từ năm 1999, 45 ngày đêm, Ku Su Jeong đã vác ba lô đi một mình để tìm cho ra sự thực về những cuộc thảm sát mà cô đã nghiên cứu qua sách báo tài liệu. Cô đến từng thôn ấp Hòa Hiệp Nam, Đa Ngư, Núi Hiềm (Phú Yên), trải dài qua Bình An, Tây Sơn, Tây Vinh, Diên An (Bình Định) và đến Diên Niên, Hà Tây, Phước Bình, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Ở đâu cũng có những nhân chứng sống với những câu chuyện đẫm máu và nước mắt của hàng nghìn dân thường bị thảm sát. Ở từng địa danh, hàng chục nấm mồ tập thể vẫn còn đó, những người còn sống sót vẫn còn đó, gần 40 năm vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng trong ánh mắt. Nhưng lạ thay, không ai lộ chút căm thù cô, mà họ còn vỗ về, an ủi cô khi nhìn thấy cô khóc. Thực sự, cô đã chờ đợi một thái độ hằn học, căm thù để cúi đầu nói lời xin lỗi, nhưng cô đã vô cùng kinh ngạc trước sự bao dung, nhân hậu của người Việt Nam. Tất cả những điều chứng kiến đã như một vết thương chảy máu trong trái tim cô. Và cô đã tìm cách để chữa lành nó: Đó chính là phải bằng mọi giá gióng lên tiếng chuông về sự thực này với nhân dân Hàn Quốc. Cô đã viết một loạt phóng sự về những cuộc thảm sát của quân đội Hàn Quốc tại việt Nam trên tờ Hankyoreh 21, một tờ báo cấp tiến có uy tín ở Hàn Quốc. Bài viết Nhớ lại các oan hồn Việt Nam đã gây chấn động cả nước Hàn Quốc. Và phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” đã kéo theo rất nhiều công dân trẻ của đất nước cô hằng năm đến Việt Nam để xin hàn gắn lại vết thương xưa. Năm 2000, khi cô bảo vệ luận văn Thạc sĩ cũng là năm cô bị một số cựu chiến binh Hàn Quốc phát đơn kiện vì cho rằng cô vu cáo và phỉ báng họ. Tòa báo Hankyoreh 21 bị cựu chiến binh tràn vào đập phá, nhà cha mẹ cô cũng bị vây khốn, bị ném đá khiến cả nhà phải xin tá túc ở chùa trên núi… Và bây giờ sau 16 năm, một lần nữa, vụ kiện ngày xưa có cơ nguy trở lại, và cô đang phải đối đầu với lực lượng cựu chiến binh với tội danh vu cáo quân đội Hàn Quốc…

  Những người trẻ Hàn Quốc cúi đầu xin lỗi trước tấm bia tưởng niệm những nạn nhân bị thảm sát (Ku Su Jeong đứng hàng đầu, bìa trái)

2. Nhà báo Koh Kyoh Tae: 17 năm đi tìm lời đáp cho những bức ảnh im lặng

Cuộc thảm sát 74 dân thường của quân đội Đại Hàn tại hai làng Phong Nhất và Phong Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã được hạ sĩ Mỹ Vaughn chụp 20 tấm ảnh và gửi kèm theo báo cáo điều tra của lính Mỹ. Những tấm ảnh này được cơ quan quân đội Mỹ phân loại thành tài liệu tuyệt mật. Tròn 32 năm sau vụ thảm sát, ngày 1-6-2000, 20 tấm ảnh mới được đưa ra ánh sáng khi tài liệu quan trọng của Khu Lưu trữ Văn thư Quốc gia Hoa Kỳ ở Maryland được giải mật. Tạp chí Hankyoreh 21 ngày 23-11-2000 lần đầu tiên đã công bố ra thế giới những hình ảnh này. Trên trang bìa của báo in đậm dòng chữ “Thảm sát thường dân của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam - Lần đầu công khai hồ sơ mật của Mỹ”.

Koh Kyoh Tae là người đầu tiên công bố ra thế giới những tấm ảnh mà hạ sĩ Vaughn đã chụp. Những bức ảnh chỉ ghi những dòng vắn tắt, không tên họ, không tuổi tác này đã luôn là nỗi ám ảnh trong anh… Sau khi đăng tải loạt bài về những cuộc thảm sát của quân đội Hàn Quốc ở Việt Nam, suốt 17 năm qua, anh đã nhiều lần sang Việt Nam, tìm đến làng Phong Nhất - Phong Nhị để tìm ra lời đáp về những bức ảnh thảm khốc này. Nó như một nỗi ám ảnh trong anh, và nó thôi thúc anh tìm về làng quê này để thắp thêm một nén hương dưới gốc cây da dù, nơi đã chứng kiến dòng máu loang thắm đỏ cả làng quê yên bình mà con người quanh năm chỉ sống bằng nghề làm nông. Ở nơi ấy đã có những chết chóc, có những người sống dậy từ chết chóc, và có những con người mới cất tiếng khóc chào đời. Anh chỉ lặng lẽ âm thầm ghi lại câu chuyện một làng quê… Lần lượt, những người là con trai, là mẹ, là chị, là anh, là chú, là hàng xóm của một xác chết nào đó trong hình lần giở ký ức và bắt đầu kể những câu chuyện của ngày quá khứ.

Những xác chết vô danh đã hồi sinh, sống động như những nhân vật trong một bộ phim. Mấy dòng chú thích sơ sài không dài quá một câu của hạ sĩ Vaughn nay đã có da có thịt với những câu chuyện kể của người còn sống. Người trong bức ảnh với dòng chú thích “vẫn còn sống sau khi ngực đã bị vạt đứt” tên là Nguyễn Thị Thanh. Người em của cô là Nguyễn Thị Hoa kể, ngày ấy chị cô 19 tuổi làm thợ may đã bị đâm chém bằng dao, và chị cô đã không thể qua khỏi trong đêm ấy…

Và bây giờ, cùng với những người bạn, anh đã tổ chức cuộc triển lãm “Chuyện một làng quê - Phong Nhất, Phong Nhị” từ ngày 9-9 đến ngày 1-10- 2016 tại Art Link gallery (quận Jongno, thành phố Seoul). Đó là quá trình ghi lại bằng hình ảnh trong suốt 17 năm về “Ngày ấy” - ngày 12 tháng 2 năm 1968 - ngày đã diễn ra vụ thảm sát thường dân của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam tại làng Phong Nhất - Phong Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Đó chính là bằng chứng xác đáng nhất, rõ ràng nhất để đối mặt với những cựu binh Đại Hàn, những người đã hoàn toàn phủ nhận tội ác của mình, đã ném sự thật tàn khốc của họ vào bóng tối khi cố biện minh rằng họ không hề nhúng tay vào máu mà đó là tội ác của Việt Cộng (?!) Những bức ảnh với những dòng ngắn ngủi của hạ sĩ Vaughn bây giờ đã có tên tuổi, có thân nhân, có những nhân chứng sống… Và anh đã ghi chép tất cả để cho sự thật được lên tiếng trước nhân dân Hàn Quốc. Chỉ trong mấy ngày đầu khai mạc, triển lãm đã dấy lên làn sóng xúc cảm trong lòng người dân Hàn Quốc…