Tình hình rạp chiếu phim nhà nước: xuống cấp, kiệt quệ!!
Nhưng tất cả những Quyết định trên chỉ nằm trên giấy từ nhiều năm nay. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, hiện cả nước có 64 Trung tâm (Công ty) phát hành phim và chiếu bóng, trong đó 4 công ty cổ phần hóa, 11 Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng đã sáp nhập với Trung tâm văn hóa. Trong hệ thống rạp chiếu phim của các Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng do nhà nước quản lý, 58 rạp đang hoạt động với 103 phòng chiếu, 10 rạp không hoạt động, 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng, 18 trung tâm không có rạp chiếu phim… Nhưng thực tế hoàn toàn không hề lạc quan như báo cáo, bởi trong cuộc hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành - phổ biến phim tại rạp của Trung tâm (Công ty) phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc - phía Nam”(*), hầu hết các tỉnh thành cả nước đều kêu cứu về tình trạng kiệt quệ của ngành chiếu bóng. Rạp chiếu gần như không còn hoạt động vì không có kinh phí đầu tư hệ thống máy chiếu 2K, vì thế không thể chiếu được các bộ phim Việt Nam đầu tư công nghệ cao, đừng nói đến các phim “bom tấn” của Mỹ. Ngay cả những thành phố lớn như thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, con số rạp chiếu của nhà nước cũng hoạt động trong tình trạng ngoắc ngoải. Ở TP.Hồ Chí Minh, vào thập niên 90, nếu như nhà nước nắm trong tay hơn 50 rạp chiếu phim thì hiện nay không còn rạp nào hoạt động. Ở thủ đô, chỉ trừ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, các rạp nhà nước như Đặng Dung, Bạch Mai, Tháng Tám, Kim Đồng, Ngọc Khánh đều kiệt quệ. Rạp Dân Chủ từng là niềm tự hào của thủ đô cũng đã đóng cửa từ cuối năm 2015. Các rạp chiếu này hầu hết là để phục vụ chiếu những phim do nhà nước tài trợ vào các ngày lễ lớn, riêng TP.Hồ Chí Minh vì hiện nay không còn rạp nên những phim do nhà nước đặt hàng mấy chục tỉ vẫn không thể ra rạp.
Còn nhớ, cách đây vài năm, khi bộ phim Sống cùng lịch sử được đưa về TP.Hồ Chí Minh chiếu kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng chỉ chiếu được ở một rạp Fafilm trong lặng lẽ với một suất chiếu buổi chiều và vài chục người đến xem, cả báo chí cũng không được thông báo để đưa tin. Bộ phim Những người viết huyền thoại đoạt giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 cũng rơi vào tình trạng đó nếu không có công ty BHD nhận chiếu trên hệ thống rạp của họ. Ngay với phim Việt Nam các nhà sản xuất cũng không dám đưa phim mình chiếu ở các rạp nhà nước bởi việc bảo vệ bản quyền phim rất khó, nhất là ở địa phương không mã hóa được nguồn phim, nên phim đưa về dễ bị ăn cắp.
Ai khuynh đảo thị trường điện ảnh Việt Nam?
Cũng theo báo cáo của Cục Điện ảnh, trong khoảng 4-5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của thị trường điện ảnh Việt Nam đạt 35%- 40%. Theo đó, tổng doanh thu từ các phòng vé năm 2014 khoảng 83 triệu USD và đến năm 2015 đã là 105 triệu USD. Dự kiến mức tăng trong năm 2016 tiếp tục ở mức cao 25%-30%.

"Tấm Cám - chuyện chưa kể" là một bộ phim thuộc thể loại thần thoại giả tưởng lấy cảm hứng dựa trên câu truyện cổ tích Việt Nam quen thuộc: Tấm Cám
Rõ ràng thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay là mảnh đất màu mỡ của các công ty nước ngoài. Riêng rạp phim, hai tập đoàn Hàn Quốc gồm CGV và Lotte đang chiếm thế thượng phong. Đứng đầu là CGV với 32 cụm rạp, tiếp đó là Lotte Cinema 25 cụm, BHD 6 cụm, Galaxy 6 cụm, Platinum Cineplex (sở hữu của Tập đoàn Multivision từ Indonesia) với 5 cụm rạp... Nghĩa là CGV chiếm 40% số phòng chiếu ở Việt Nam, tất chiếm đến 40% doanh thu chiếu bóng cả nước…
Thị trường trong nước nói riêng và quốc tế nói chung được chi phối bởi 6 studio lớn (MPA) của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ. Các MPA này là đại diện phát hành phim cho gần như toàn bộ thị trường thế giới. Phim các hãng lớn của Hollywood như: Disney, Sony, Paramount… đều thuộc quyền phát hành của 6 MPA này.
Tiền thân của CGV là công ty Megastar (Mỹ), Megastar đã đặt quan hệ và làm việc gần như độc quyền với 5 MPA, và được hai hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures và Buena Vista International ủy thác phát hành độc quyền tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là 90% phim Hollywood được nhập về Việt Nam đều qua Megastar. Sau khi CGV mua lại Megastar, vì là công ty thuộc Tập đoàn CJ Hàn Quốc (một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc hiện nay) nên họ được độc quyền nhập những phim do CJE phát hành ở Hàn Quốc.
Trong số các công ty phát hành trong nước, chỉ Galaxy có tham gia thị trường tương đối lâu, nên có quan hệ với 1, 2 MPA. Còn các nhà phát hành phim khác đều phải tìm kiếm nguồn phim từ những đơn vị nhỏ ngoài MPA. Với lợi thế được độc quyền phát hành những bộ phim “bom tấn”, CGV trở thành ông lớn của hệ thống phát hành và chiếu bóng toàn quốc và gần như thao túng việc phát hành phim ở Việt Nam.
Tỷ lệ chia sẻ doanh thu tại cụm rạp CGV áp dụng cho các nhà sản xuất Việt Nam trong thời gian gần đây ngày càng đi xuống, với tư thế của kẻ nắm đằng chuôi. Nghĩa là CGV áp dụng tỷ lệ 45%-55% (bên sản xuất hưởng 45%) khi chủ sản xuất Việt Nam mang phim chiếu ở CGV, nhưng khi CGV nhập phim đưa đến chiếu ở các rạp khác như BHD, Galaxy, Golden Media, Saigon Media… thì họ đòi ngược lại, rạp hưởng 45%, CGV hưởng 55%. Các doanh nghiệp chiếu bóng trong nước và các nhà sản xuất phim Việt Nam lâu nay phải chấp nhận bị chèn ép như vậy bởi một lý do rất dễ hiểu là do họ nắm trong tay nguồn phim lớn nhập từ Hollywood và Hàn Quốc, nên nếu không chấp nhận tỷ lệ này thì lấy phim đâu để chiếu. Và với các nhà sản xuất phim Việt Nam, nếu không chấp nhận tỷ lệ này thì phim sẽ bị hất khỏi hệ thống rạp CGV, nghĩa là bị hất khỏi 40% thị phần chiếu phim toàn quốc.
Việc phim Tấm Cám - chuyện chưa kể của công ty VAA và BHD chỉ là giọt nước tràn ly. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp sản xuất phim muốn đòi lại công bằng cho công sức và tâm huyết mình đã đổ ra suốt 2 năm trời. Bởi đây là tỷ lệ không hề có tiền lệ tại các quốc gia khác trên thế giới. Như chúng ta đã biết phim Tấm Cám - chuyện chưa kể lập tức bị hất ra khỏi hệ thống rạp CGV và giọt nước mắt của Ngô Thanh Vân trong cuộc họp báo công bố phim sẽ không được chiếu ở hệ thống này đã làm chấn động giới làm phim Việt Nam. Dư luận báo chí nói chung đã đứng về phía Ngô Thanh Vân để lên tiếng đòi lại công bằng cho nhà sản xuất và doanh nghiệp phát hành Việt Nam, nhưng CGV đã công khai phản pháo bằng luận điệu khá trịch thượng rằng đây là một nhóm nhỏ người đang cố gắng khai thác lòng tự tôn dân tộc cho lợi ích thương mại cá nhân…
Lòng tự tôn dân tộc trước sự chèn ép và khuynh đảo cả thị trường điện ảnh tại đất nước mình, sao gọi là khai thác? Dân tộc Hàn Quốc vẫn luôn luôn tự hào về lòng tự tôn dân tộc của mình, nhưng vì sao lại coi thường lòng tự tôn dân tộc của đất nước khác? Và họ đã nghĩ với thế thượng phong về rạp chiếu của họ trên đất nước này, nhà sản xuất nào dám chống lại thì phải chấp nhận cái kết đau thương là tiêu ma vốn liếng, vì hệ thống rạp đúng chuẩn để chiếu phim còn lại quá ít. Tất nhiên trong cuộc chơi này hệ thống rạp cũ kỹ của nhà nước chỉ có thể đứng bên lề giương mắt ngó!!
Nhưng cái kết hoàn toàn không hề đau thương như CGV lầm tưởng. Với doanh thu 48 tỉ đồng trong 10 ngày đầu ra rạp của Tấm Cám - chuyện chưa kể cho thấy nhân dân Việt Nam đứng về phía ai. Và đó chính là lòng tự trọng dân tộc của một đất nước đã chiến thắng bất kỳ kẻ xâm lược nào. Lòng tự trọng dân tộc xuất phát từ trái tim mỗi người con dân nước Việt, không cần ai khai thác, bởi họ biết đâu là lẽ phải, đâu là sự xúc phạm và nỗi nhục khi mà cả thị trường điện ảnh Việt hoàn toàn bị thao túng từ bàn tay của nước ngoài…
Và cũng từ đây để ta nhìn lại chính mình mà đau. Vì lẽ gì một đất nước mỗi năm bỏ hàng chục tỉ đồng để làm những bộ phim truyền thống, nhưng không thể chiếu được trên hệ thống rạp công cộng trên chính nước mình?! Vì lẽ gì mà bao nhiêu bộ phim hay được nhà nước đầu tư từng được giải vàng giải bạc như Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại, Những đứa con của làng… phải đem cất kho?! Chỉ có một lời đáp duy nhất: là bởi vì từ lâu cả thị trường điện ảnh Việt Nam đã hoàn toàn nhường lại cho những bộ phim bom tấn của Mỹ, của Hàn Quốc do CGV nhập về… Giới trẻ Việt Nam tự hào được xem những phim mới nhất của Hollywood, được đến những rạp hát sang trọng, đẳng cấp của CGV như là một cách biểu hiện mình đang sánh ngang tầm quốc tế. Đúng vậy, nhưng phải hiểu đó là giới trẻ thuộc tầng lớp nào? Có phải là các em công nhân nghèo làm việc không biết ngày đêm ở các xí nghiệp nước ngoài, hay những nông dân cắm mặt trên đồng ruộng để nuôi sống cả nước mà vẫn mãi nghèo đói vì giá lúa bấp bênh trồi sụt…?
Câu hỏi day dứt đó không ai có thể giải, trừ những người có trách nhiệm lớn đối với đất nước này…
_____
(*) Hội thảo tổ chức ngày 31-5-2016 tại Hà Nội và ngày 2-6-2016 tại TP.Hồ Chí Minh.