* GS-TS Bùi Khánh Thế (ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM - HUFLIT):
1. Việc nêu lại vấn đề xây dựng Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam vào thời điểm lịch sử này là thích hợp và điều này chắc hẳn sẽ được các cơ quan hữu trách lắng nghe. Hội nghị lần thứ nhất, Quốc hội khóa IV vừa họp đã bàn nhiều vấn đề trọng đại của đất nước, trong đó có chương trình điểm lại và xây dựng các bộ luật của Quốc hội. Lắng nghe ý kiến và phản ánh đúng ý nguyện của các tầng lớp nhân dân là một định hướng quan yếu.
2. Hiện nay chúng ta đủ cơ sở lý thuyết và tập hợp được những kinh nghiệm thực tế của nhiều nước trên thế giới về việc xây dựng Luật Ngôn ngữ. Mặt khác kết quả nghiên cứu thực tế sinh hoạt ngôn ngữ của xã hội Việt Nam trong nhiều năm qua cũng giúp chúng ta xây dựng bộ Luật Ngôn ngữ Việt Nam sát hợp với tình hình đất nước.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tộc người, đa ngữ. Sinh hoạt giao tiếp ngôn ngữ ở Việt Nam từ xa xưa vẫn phổ biến là song ngữ/đa ngữ. Trong lịch sử Việt Nam không hề có sự xung đột ngôn ngữ. Đó là điểm mạnh trong quan hệ dân tộc, quan hệ ngôn ngữ ở Việt Nam. Việc đặt vấn đề xây dựng Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam không phải để giải quyết vấn đề xung đột ngôn ngữ, mà chính là để phân bổ chức năng xã hội của các ngôn ngữ dân tộc/tộc người trong cộng đồng đa ngữ, giúp cho mỗi ngôn ngữ dân tộc/tộc người xây dựng ngôn ngữ của mình phát triển và ngày càng phong phú trong mối tương quan với các ngôn ngữ khác thuộc cộng đồng đa dân tộc/tộc người, đa ngữ Việt Nam. Điều này đã được luật hóa trong Hiến pháp Việt Nam 2013: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình” (Điều 5, tiết 3).
* TS ngôn ngữ học Huỳnh Thị Hồng Hạnh (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM):
Ngôn ngữ luôn biến đổi, cái duy nhất bất biến của ngôn ngữ chính là tính biến đổi của nó (F. de Saussure). Biến đổi diễn ra do những thay đổi từ bên ngoài (môi trường chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, sự tiếp xúc ngôn ngữ…) và từ những yếu tố bên trong (xu hướng giản hóa, đồng hóa, dị hóa, việc du nhập những yếu tố mới và bỏ đi những yếu tố không còn giá trị). Sự biến đổi diễn ra ở nhiều bình diện, nhiều cấp độ. Vì vậy để đảm bảo sự nhất quán, sự thống nhất, tính hệ thống trong sử dụng, cần phải có sự quy chuẩn.
Hiện nay, có vẻ như các nhà khoa học, các phương tiện truyền thông đã dành nhiều sự quan tâm cho các vấn đề liên quan đến chuẩn hóa chữ viết, còn các vấn đề khác như chuẩn hóa về mặt từ ngữ, chuẩn hóa về cú pháp và phong cách văn bản dường như vẫn chưa thực sự được lưu tâm một cách đúng mức. Thực ra, trong khoảng 20 năm trở lại đây, diện mạo tiếng Việt đã có nhiều thay đổi và vấn đề này đã nảy sinh rất nhiều bất cập làm gia tăng các ý kiến đa chiều liên quan đến trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, của các cơ quan chức năng hữu quan…
Vấn đề chính tả:
- Cách viết i/y trong các trường hợp cụ thể.
- Cách sử dụng dấu câu trong văn bản.
- Cách viết hoa tên riêng (các trường hợp: tên cơ quan, tổ chức, tên riêng trong tiếng nước ngoài (đặc biệt tên tiếng Hàn, Nhật, Trung Quốc…).
- Việc đưa các ký tự f, j, w, z vào bảng chữ cái tiếng Việt...
Những vấn đề này không mới nhưng cho đến nay, chính vì không có những quy chuẩn thống nhất trong cách dùng nên bất cứ ai khi đề cập các vấn đề này đều không khỏi có những lúng túng nhất định.
Hiện tượng “ngôn ngữ giới trẻ” trên các mạng xã hội:
Có một thời “ngôn ngữ giới trẻ” còn được gọi là “ngôn ngữ chat” bởi những hiện tượng dị thường về chữ viết bắt đầu từ các “chat room” trên các mạng xã hội, và sau này phổ biến tên các thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại. Các hình thức chính tả kiểu như: bik rùi, fảj jị hôn, roài, bùn wé, pó taj… đã khiến cho các bậc phụ huynh, những người làm công tác giáo dục khá lo lắng.
Lý giải hiện tượng này, nhiều bạn trẻ cho rằng đây một phần là hệ quả của việc nhắn tin bằng điện thoại di động. Để có thể viết tin nhanh chóng và thuận tiện thì “i” được chuyển thành “j”, “qu” thành “w”, “b” thành “p”, “o” thành “u”... Ngoài ra, việc dùng các từ như: “thía” thay cho “thế”, “hok” thay cho “không”... là cách các bạn trẻ tự sáng tạo ra, hay nói cách khác là nói chệch đi để nghe “teen” hơn.
* PGS-TS ngôn ngữ học Nguyễn Văn Huệ (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM):
Một số vấn đề liên quan đến ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số:
Trong phạm vi của đề tài “Một số vấn đề liên quan đến ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”, trong cảnh huống ngôn ngữ hiện nay, chúng tôi thấy nổi lên các vấn đề sau:
1. Bảo tồn và phát huy ngôn ngữ dân tộc: Như đã trình bày ở trên, tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ chung (tiếng Việt toàn dân) ngày càng được sử dụng rộng rãi ở các cộng đồng dân tộc thiểu số. Đây là một xu hướng rất đáng mừng. Tuy nhiên, một vấn đề có thể nảy sinh từ xu hướng trên, đó là ở các cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở các cộng đồng dân tộc có dân số ít, cùng với việc mở rộng chức năng giao tiếp của tiếng Việt, chức năng giao tiếp của ngôn ngữ dân tộc sẽ bị thu hẹp. Và khi đó nhu cầu bảo tồn tiếng nói của dân tộc của bản thân dân tộc đó sẽ tăng cao. Làm thế nào để có thể bảo tồn và phát triển tiếng nói của dân tộc trong xu hướng nêu trên, đó là vấn đề cần được quan tâm suy nghĩ.
2. Đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ quốc gia (tiếng Việt) của học sinh dân tộc thiểu số: Theo tìm hiểu của chúng tôi, có một thực tế là các em học sinh dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên (Bahnar, Sedang…) khi bắt đầu vào cấp II có vẻ như đã thông thạo tiếng Việt (do có thể giao tiếp thông thường bằng tiếp Việt), nhưng kỳ thực vốn từ vựng tiếng Việt của các em còn ít, chủ yếu là những từ cụ thể. Nhiều em không hiểu nghĩa của những từ trừu tượng được dùng trong văn học, khoa học, khiến các em không hiểu rõ nội dung bài giảng (và do vậy có thể bị đánh giá là chậm tiếp thu bài giảng). Như vậy tiếng Việt là một rào cản trong học tập của một bộ phận học sinh dân tộc thiểu số không chỉ ở học sinh cấp I mà còn ở các cấp học cao hơn. Từ vấn đề này, thiết nghĩ cần có những khảo sát, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt của các em học sinh dân tộc thiểu số ở cấp II, cấp III để có biện pháp phù hợp giúp các em nâng cao năng lực tiếng Việt…
* PGS-TS ngôn ngữ học Lê Khắc Cường (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM):
Trong khi dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, tôi và đồng nghiệp thường đối diện với nhiều thắc mắc liên quan đến tiếng Việt của học viên nước ngoài. Bên cạnh những câu hỏi không dễ trả lời vì sự phức tạp về mặt khoa học còn có khá nhiều câu hỏi khó trả lời không kém do sự thiếu vắng các quy định mà lẽ ra không thể thiếu đối với một ngôn ngữ quốc gia như tiếng Việt...
Chính tả:
Hướng đến chuẩn chính tả là xu hướng chung của mọi hệ thống chữ viết và là tiêu chuẩn dễ đạt được so với chuẩn phát âm. Hiện nay chính tả tiếng Việt có một số trường hợp chưa thống nhất hoặc còn tranh cãi như sau:
Việc cân nhắc i hay y đã có từ thời kỳ phôi thai của chữ quốc ngữ vì ta bắt gặp không ít những trường hợp i/y được dùng lẫn với nhau.
Có hai trường hợp mà i/y được quy định thống nhất/ hầu như thống nhất về chính tả: 1) Khi nguyên âm /i/ phân bố sau âm đệm /w/ thì phải viết y: Ví dụ: tuy, thúy, hủy, chùy, chuyển, khuya… (trừ qui, quì, quĩ, quỉ, quí, quị có khi cũng được dùng luân phiên với quy, quỳ, quỹ, quỷ, quý, quỵ. Theo chúng tôi, viết ui trong những trường hợp trên là sai chính tả, dù không ảnh hưởng gì đến phát âm); 2) Khi i/y đảm nhận chức năng âm cuối: Nếu nó phân bố sau nguyên âm dài thì viết i, phân bố sau nguyên âm ngắn thì viết y; chẳng hạn: tai /taj/ - tay /tăj/. Những trường hợp khác viết không thống nhất, tùy thích, tùy thói quen của mỗi người.
Năm 1980, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục ban hành quy định về chính tả trong sách cải cách giáo dục. Theo nguyên tắc này thì hầu hết các trường hợp nguyên âm i là âm chính đều được viết là i; trừ các trường hợp sau được viết là y: 1) Khi nguyên âm i phân bố sau âm đệm /w/ như khuy, tủy… nhằm mục đích khu biệt hai vần uy - ui; 2) Khi phía trước nguyên âm không có phụ âm (trên chữ viết) như: y tá, ý kiến, yên… (trừ các từ thuần Việt đã quen viết là i, như ầm ĩ, ị, lợn ỉ, í ới, im, in, inh ỏi).
Dù đã có quy định, nhưng chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục là tuân thủ triệt để quy tắc này. Đặc biệt là tình trạng viết nước đôi khi i/y phân bố sau các phụ âm /h/, /k/, /l/, /m/, /t/, /s/, /v/ (thường là từ Hán - Việt) rất phổ biến.
* Tiến sĩ Trương Thông Tuần (Đại học Tây Nguyên):
Sử dụng chưa phù hợp một số từ ngữ trong cuộc sống hằng ngày:
Trong giao tiếp hằng ngày bằng tiếng Kinh với người Kinh, người Êđê vẫn còn sử dụng một số từ chưa chính xác:
- Sử dụng đại từ: Ví dụ: Một ông cán bộ đi vào nhà của người Êđê, thấy cháu bé ở nhà, cán bộ hỏi: Cha cháu đi đâu? (Ti ama ih nao?). Đứa bé trả lời: Cha tao nó đi rẫy rồi (Ama kâo `u nao kơ hma leh). Hoặc đứa bé trả lời: mình không biết (người nói là vai nhỏ hoặc vai lớn hơn người nghe đều sử dụng từ mình)…
- Trong giao tiếp với người Kinh, vì vốn từ tiếng Việt của một số người ít biết tiếng Kinh còn hạn chế nên thường xưng tôi, tao (kâo) - mày (ih). Ví dụ: Ti anôk ih nao? (Mày đi đâu?)…
Về phía người Kinh, trong giao tiếp hằng ngày, người Kinh thường gọi tên bằng tiếng Kinh cho một số sự vật, sự việc có liên quan đến cuộc sống người Êđê chưa chính xác hoặc không phù hợp, cần điều chỉnh lại cho hợp lý. Chẳng hạn:
- Sử dụng sai một số từ ngữ thuộc lớp từ chỉ con vật như: heo Đê, heo tộc, gà Đê, gà tộc…
- Sử dụng sai một số từ ngữ thuộc lớp từ chỉ trái cây, thực phẩm như: thịt nướng mọi, bơ tộc, bắp tộc, lúa tộc, ớt tộc, ớt mọi…
- Sử dụng sai một số từ ngữ thuộc lớp từ chỉ người như: tộc, mọi, thượng, Đê, Đê gar, bà tộc, bà Đê, gái tộc, thằng tộc, con tộc, bọn tộc… Đối với các tên gọi như: tộc người Êđê, bộ tộc Êđê, dân tộc Êđê, dân tộc bản địa Êđê, dân tộc Êđê tại chỗ (theo ý của nhiều người Êđê thì nên gọi: người Êđê hoặc đồng bào Êđê).
- Sử dụng sai một số từ ngữ thuộc lớp từ chỉ địa danh, nơi chốn như: xứ mọi, xứ thượng, xứ tộc, vùng tộc, chợ Đê…
* TS Trần Quốc Dũng (tạp chí Sunflower):
Thật đáng tiếc là trong khi xu hướng chủ yếu của kinh tế thế giới ngày càng nghiêng về việc vận dụng những nguồn vốn phi vật chất trong đó có vốn ngôn ngữ, thì ở Việt Nam xu hướng vận hành nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu trên các nguồn vốn truyền thống, một sự vận hành chưa bao giờ cho phép nền kinh tế - kinh doanh Việt Nam có thể gia tăng năng suất.
Đáng tiếc hơn, trong tình hình như vậy, vốn ngôn ngữ lại không phải là một đề tài thu hút được sự quan tâm của giới chức trách và giới nghiên cứu. Càng ít hơn nữa những quan tâm tới vốn ngôn ngữ ở đa số các doanh nghiệp Việt Nam, bởi thế, do yếu tố năng suất, doanh nghiệp Việt Nam khó lòng cạnh tranh với các doanh nghiệp các nước khác. Và nếu một nền kinh tế, lực lượng doanh nghiệp không nâng cao được năng lực cạnh tranh thì sự tụt hậu và thất bại là điều có thể báo trước. Mà nếu như vậy thì mục tiêu của Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại trong những năm tới chỉ là một ước mong không có cơ sở. Việt Nam cần vốn ngôn ngữ hơn bất cứ lúc nào hết và phải đưa vốn ngôn ngữ vào trong chiến lược kinh tế quốc gia, coi đó là quốc sách. Điều đó cần sự quyết tâm không chỉ của chính phủ và các nhà hoạch định mà còn là quyết tâm của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam.
(Mời đón xem kỳ sau ý kiến của TS Phan Văn Hoàng, TS Phạm Thị Ly)