Rừng nhập nhoạng, ba lâm tặc tìm gỗ sưa chạy bán sống bán chết vào Trạm biên phòng. Cả ba người vừa khóc vừa gào méo cả tiếng: “Xin các anh cấp cứu. Xin các anh cấp cứu. Chúng em có hai người bị con trâu đen, chân trắng, sừng cong húc chết ở bìa rừng…”. Trạm biên phòng mời ông thợ săn thú ở xóm Khe Vàng đến nghe để xác định con ác thú. Ông thợ săn nói đúng là con bò tót rồi. Nếu dưới cổ con thú có đám lông trắng hình chữ V là con trâu rừng; dưới cổ có cái yếm da thõng gần phết đất là con bò xám, bò rừng. Đây đúng là con bò tót. Loài thú này hung dữ lắm. Nếu bị vây đuổi hay nghe tiếng súng nổ, các loài thú khác bỏ chạy nhưng bò tót thì tìm người xông vào húc đến chết mới tha. Nó là loài thú “nhị đẳng sơn lâm” đấy. Mùa thu, tiết cỏ non sương giáng này là mùa nó động tình đi tìm bạn nên càng hung dữ hơn…
Sau này khi được đọc các tài liệu khoa học nói về loài bò tót hoang dã, lính biên phòng chúng tôi mới biết rõ về nó. Bò tót là loài thú quý hiếm, nước ta chỉ còn khoảng hơn 300 con. Bò tót đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, được phân hạng vào nhóm 1B. Nghị định 48/2002 của Chính phủ đã ghi rõ nghiêm cấm săn bắn, bẫy bắt, buôn bán; nghiêm cấm khai thác rừng nơi bò tót sinh sống để bảo vệ chỗ ở cho loài thú quý hiếm này. Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) đã công bố tổng số 41.415 loài sinh vật trong khoảng 1,9 triệu chủng loại trên thế giới đã xếp hạng, có 16.306 loài đang nguy cấp, 785 loài đã bị tuyệt chủng, 65 loài chỉ còn tồn tại trong môi trường nhốt. Loài bò tót hoang dã quý hiếm trong rừng Việt Nam được coi là đang nguy cấp. Với vóc dáng đồ sộ, có con nặng đến gần 2 tấn, cao 2,2m, dài hơn 3m, bò tót Việt Nam là loài động vật xếp thứ hai sống hoang dã trên cạn. Nó chỉ thua loài voi. Bà con người dân tộc vùng Tây Nguyên gọi bò tót là con min. Bà con người Thái, người Mông gọi nó là con tu ngưu pá… Bò tót thuộc bộ móng guốc ngón chân, họ trâu bò. Phần trước nó giống con trâu, phần sau giống con bò và có một lườn cơ bắp cuồn cuộn chạy từ bả vai đến sống lưng. Con bò tót đực có bộ sừng dài tới gần 1m uốn cong hình bán nguyệt, trông rất oai phong; có bộ lông ngắn mềm mượt màu nâu thẫm lấp lánh ánh kim trông huyền bí như màu áo của hiệp sĩ thời cổ xưa. Con bò cái lông màu vàng bóng như màu tơ lụa gấm nhung. Loài bò tót từ đầu gối trở xuống đều có màu lông trắng đục trông như “đi bít tất trắng”. Đặc trưng của loài bò tót hoang dã là dữ tợn, hung hãn và hiếu thắng.
Bò tót có tập tính sống bầy đàn: 8, 10 đến 15 con một đàn. Cũng có lúc nó sống đơn lẻ 1, 2 con, hoặc những con già nua, yếu ốm sống riêng với nhau thành một nhóm như “nhóm dưỡng lão”. Nơi bò tót sinh trú là vùng đồi cao gần 1.000m so với mặt nước biển. Những nơi ấy là rừng già, rừng hỗn giao nhiều cây xanh tre nứa và có suối khe. Ban ngày chúng rủ nhau đi kiếm ăn. Loài bò tót biết tìm chọn thức ăn tinh, ngon, sạch, không ăn tạp, xô bồ như các loài thú khác. Chúng ăn cỏ non, mầm lá, măng tre nứa, trúc lau, chuối rừng, cây non vừa mọc lên ba, bốn lá ở nơi rừng cháy, rừng mới đốt làm nương rẫy. Ban đêm, bò tót về quần tụ nơi thoáng mát. Gặp hổ báo gây sự, cả đàn lập tức đứng thành vòng tròn giương những cặp sừng nhọn thành hàng rào bảo vệ bê non, con già nua và các “nàng” bò cái. Bò tót mang bầu gần chín tháng và sinh con vào mùa thu. Mỗi năm đẻ một lứa, mỗi lứa một con. Ở nước ta, loài bò tót chọn nơi sinh trú ở vùng núi Sơn La, Mường Nhé, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, dọc biên giới miền Trung đến Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai… Các nước vùng Đông Nam Á: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc… cũng có loài bò tót sinh sống. Riêng ở Malaysia có loài bò rừng gọi là bò Malai. Ở Ấn Độ có loại bò rừng Bizon nhưng đều không có quan hệ huyết thống với bò tót Việt Nam mà nó gần với bò châu Âu, bò Bắc Mỹ.
Bò tót hoang dã sinh trú trong rừng Việt Nam được các chuyên gia động vật thế giới công nhận là loài bò tót lớn nhất trong tự nhiên, lớn hơn cả trâu rừng châu Á và bò rừng Bizon Bắc Mỹ. Với vóc dáng khổng lồ trời cho và sức mạnh vượt trội, bò tót không có kẻ thù trong thiên nhiên, ngoại trừ loài hổ. Nhưng phải là con hổ rất lớn, rất dữ dằn như hổ Bengal Ấn Độ mới dám đương đầu với nó.
Theo Bách khoa toàn thư mở, con bò tót trong đấu trường ở Tây Ban Nha là nòi giống bò hoang dã trên bán đảo Tây - Bồ được chọn lọc lai tạo với giống bò nhà Toro Bravo xuất hiện từ thời Đế chế La Mã cổ đại.
Những nghiên cứu về di truyền cũng chỉ ra rằng các con giống ấy có nguồn gien ADN cổ được tìm thấy trong loài bò ở châu Phi có niên đại từ thời chiếm đóng của người Hồi giáo trên đất Tây Ban Nha. Nó đều có nguồn gốc từ loài bò tót. Những con bò ấy được nuôi dưỡng và huấn luyện kỳ công trong thời gian bốn năm với những động tác cực kỳ táo tợn về khả năng gây hấn. Nó chỉ biết xông lên và… chết, không biết trốn tránh, chạy lùi. Người ta chỉ sử dụng nó một lần, vì lần sau nó không còn hung tợn nữa. Ngày xa xưa ấy con người đã sử dụng bò tót vào các trận chiến đấu với kẻ thù, sau đó mới đưa vào các đấu trường bò hiện đại ở Tây Ban Nha, rồi lan sang các nước Nam Mỹ vì người Tây Ban Nha sang định cư tại đó.
Hình ảnh những con bò tót có màu lông huyền bí, với cặp sừng kỳ vĩ bất khả chiến bại trong các trận đấu là một trong những biểu tượng hùng mạnh của đất nước Tây Ban Nha và là biệt danh của đội bóng đá quốc gia có bề dày đỉnh cao lịch sử.
Ở nước ta có điều bí ẩn mà chưa ai “giải mã” được. Nhiều bà con người dân tộc thiểu số sống lâu ở vùng Phước Bình (Đồng Nai) đã nói rằng, từ lúc họ lớn lên biết sáng làm rẫy, chiều bẫy chim đến nay tóc bạc như râu ngô, tóc vằn như lông cọp mới thấy có lần con bò tót tốt với bò nhà như thế, si mê “các em” bò nhà đến thế. Nó bỏ bầy đàn, lìa rừng sâu thẳm xăm xăm băng thác, vượt đồi ra ve vãn bò nhà nhỏ nhắn chỉ bằng một phần ba cơ thể nó. Năm 2008 từng có một chàng “hiệp sĩ” từ bỏ đại ngàn về chân núi TaNin. Và chỉ trong vài ngày, “hiệp sĩ” đã hạ gục gần chục “tình địch”, xua đuổi hết bò đực choai vừa biết mon men đi sau bò cái… để chiếm lĩnh trọn vẹn các “nàng” bò non tơ. Rồi, chỉ trong vài ba năm, hàng chục “hiệp sĩ” con ra đời.
Một bác già người vùng Bạc Rây (Phước Bình) nói vui rằng, cái “chàng rể si tình” ấy về “ở rể” với các đàn bò nhà chỉ mấy năm từ chỗ nó hung tợn, nghênh ngáo đã trở nên “hiền ngoan, nhẫn nhịn”, đã thành kẻ “chăn coi” đàn bò thả rông; con cọp, con sói cũng phải lánh xa. Có lần bác đi theo đàn bò đến lúc mờ bóng núi mút chân đồi, bác tránh mắt con chim Ktia bay cao, tránh mắt con chim Ktao lượn vòng để nhìn “chàng rể si tình” chăm “các em” bò nhà mà thấy lạ, mà thấy vui.
Ví như khi nhìn thấy những con ruồi trâu, ruồi vàng đến bâu đậu trên mình các “nàng” là “chàng ta” ba chân bốn cẳng chạy đến dùng mõm, dùng đôi tai phẩy quạt xua đuổi. Rồi, chàng nghiêng mũi sừng kỳ cọ đám lông ấy để “em” không ngứa ngáy. Nhìn thấy con vắt xanh, con sên đất bấu vào chân “em” là “chàng” dùng mũi sừng gẩy rụng đi. Ban ngày “chàng rể si tình” thường dẫn dắt “các em” đến những mái đồi, lũng núi có nhiều cỏ non, và cuối chiều lại dẫn “các em” đến đoạn suối trong uống nước. Mỗi lần dẫn “các em” đi, “chàng rể si tình” cứ lượn vòng quanh phóng tầm mắt nhìn tám hướng rừng giống như một vệ sĩ. Những lúc ấy trông “chàng ta” đầy vẻ oai phong, huyền bí giống một hiệp sĩ với cặp sừng nhọn giương cao giữa đàn “mỹ nữ kiều diễm”.
Bác già kể rằng, thật là vui có những buổi cả đàn bò đang gặm cỏ thì “chàng rể si tình” đến cụng đầu, đọ mặt từng “em”. “Chàng” ngửi má, ngửi mõm rồi hòa nước bọt vào nhau. “Chàng” làm động tác âu yếm như “hôn” các “em”. Lúc ấy con vật nhắm tít mắt lại. Ôi! Thế có giống con người ta không nhỉ. Có nhà nghiên cứu tâm lý nói, con người ta khi ngủ, khi khóc, lúc nguyện cầu, lúc suy tưởng đến những ước mơ đẹp, hứng khởi nhất… và cả khi hôn nhau cũng nhắm mắt lại. Bởi vì những điều sung sướng nhất thường không thể nhìn thấy bằng mắt mà chỉ cảm nhận được trong lòng. Không biết con vật lúc ấy có nét nào giống con người ta không?
Thực ra việc loài động vật có vú biết hôn nhau để giao lưu tình cảm với nhau đã có từ lâu đời rồi. Có nhà nghiên cứu lâu năm về các loài động vật cho ta biết rằng hồ sơ lưu trữ cổ xưa ghi trong văn tịch bằng chữ Phạn của nền văn hóa Hindu đã nói về điều ấy. Từ thời Vệ Đà cách ngày nay hơn 3.500 năm đã mô tả loài động vật có vú biết hôn nhau. Nụ hôn như đã hút hồn chúng nó. Loài tinh tinh và vượn biết hôn nhau rất sớm. Một nhà tinh tinh học Mỹ nói ông ta đã chứng kiến nhiều trường hợp hai con tinh tinh ôm hôn nhau sau khi có xung đột với nhau như để hòa giải, để xin lỗi nhau. Loài vượn Bonobo họ hàng với tinh tinh còn biết dùng lưỡi lúc hôn nhau. Con cái sẽ nhận biết được con đực nào tiết ra nhiều chất hấp dẫn có sức cuốn hút thì quấn quýt với con đó. Loài động vật cũng giống như con người, lúc hôn nhau mùi hương có vai trò kích thích mạnh mẽ, nhất là thời kỳ sinh sản. Vì lúc ấy giống đực tiết ra nhiều chất pheromone trong nước bọt, trong mồ hôi. Chất đó làm hưng phấn bạn tình. Con người chúng ta cũng thừa hưởng những đặc điểm sinh học như các loài động vật có vú. Vì thế mà con bò tót hoang dã trở thành “chàng rể si mê” và những “nàng” bò son tơ đã mê mẩn để cùng được hưởng thụ “lộc trời” theo bản năng.
Chuyện ấy mấy năm vừa rồi đã diễn ra ở các Vườn quốc gia, ở Phước Bình, ở Ninh Thuận... Một “chàng rể si tình” đã lẳng lặng tách đàn về giao duyên với các “nàng” bò son tơ. Rồi “chàng rể” đã để lại những đứa con lai mang hình dáng “bố” như lột. Đúng là nòi nào giống ấy. Những con bê lai về hình dạng đều có sọc đen trên lưng, chân đi “bít tất trắng” và rất rõ tính năng vượt trội, thân hình to lớn gấp hai các chú bê nhà. Đặc biệt nó có giá trị tạo ra nguồn gien quý hiếm trong tự nhiên, tạo ra giống bò lai có năng suất cao về kinh tế, vì mỗi con sẽ cho đến 600-700kg thịt… Nó còn tạo ra những thế hệ bò lai lớn nhanh, sức đề kháng cao, chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời tiết, vượt qua được những bệnh tật mà giống bò nhà thường mắc phải.
Nghe bác già nói, tôi ngẫm nghĩ rằng phải chăng đây là một thông điệp cho con người. Nếu con người hiền hòa sống thân thiện, không đuổi đánh dồn ép những con vật hoang dã vào chỗ chết thì chắc chúng sẽ bớt dữ dằn hung tợn…
Điều rất vui là bà con người Raglai, người Churu nuôi bò ở đây đang tìm cách mai mối và vun vén cho những mối tình của các “nàng” bò nhà với các “chàng rể si tình”. Vì một lẽ các “nàng bò son tơ” dù đẹp mượt mà đến đâu cũng chỉ có giá trên 10 triệu đồng, nhưng khi đã “bén duyên” và nhận được “chút hoang dã” với “chàng rể si tình” thì giá tăng lên đến 70-80 triệu đồng. Và nếu có bê con chào đời thì lập tức giá tăng vọt lên đến 200-300 triệu đồng. Điều đó đã thực sự làm cho người dân sống ở buôn làng nơi thâm u vùng non nước cao xanh này đổi đời.
Các nhà khoa học ở Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật đang trăn trở thực hiện thành công Đề tài nghiên cứu giám định di truyền nguồn gien quý và đánh giá khả năng phát triển bò lai giống F1. Điều đó sẽ góp sức làm cho ngành chăn nuôi của chúng ta phát đạt. Và, điều đó không còn chỉ riêng trong phạm vi nước ta mà thế giới đã biết đến những điều kỳ lạ về “món quà thiên nhiên ban tặng chúng ta”. Được người bạn đồng nghiệp cho biết ở Vườn quốc gia Phước Bình có ông già tạo được chiếc kèn làm bằng sừng con bò tót. Chiếc kèn chỉ dài bằng bắp ngô. Nhưng chiếc kèn của ông đã cất lên tiếng trầm bổng du dương nghe như tiếng gió thổi đầu non, như tiếng thác reo trong lũng thẳm. Tiếng kèn như quy tụ âm hưởng của đất trời vùng non nước cao nguyên. Tiếng kèn đã gợi được đàn khỉ về nhảy nhót hót mừng. Tiếng kèn đã gọi được đàn voọc chà vá má hồng mông trắng về, gọi được con mang Trường Sơn đến, gọi được chim về làm tổ trên cành Knia… Bà con đang mong ông hãy thổi chiếc kèn K’rây ấy lên gọi những “chàng rể si tình” ở chốn non ngàn hoang dã về…