HV109 - Đằng sau bộ tiểu thuyết nổi tiếng Madame Bovary

Gustave Flaubert là một nhà văn Pháp gốc vùng Rouen, sinh năm 1821, mất năm 1880. Ông là tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng (và tai tiếng) Madame Bovary (năm 1857, nhan đề đầy đủ là Madame Bovary: Moeurs de province - tạm dịch: Bà Bovary: Nếp sống tỉnh lẻ). Cùng thời với Charles Baudelaire (1821- 1867), Flaubert được coi là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của nền văn chương Pháp nửa sau thế kỷ XIX, với một văn phong hết sức tôn trọng hiện thực được đánh dấu bởi năng lực phân tích tâm lý sâu sắc, tinh tế, một cái nhìn minh mẫn, và cả châm biếm nữa, về cách hành xử của các cá nhân cũng như của cái xã hội trong đó họ đang sống. Madame Bovary là tác phẩm đầu tay của ông, cũng là tác phẩm tiêu biểu nhất, được các nhà phân tích văn học sau này coi là tác phẩm tiên phong khơi dòng tiểu thuyết hiện đại. Ngoài ra, ông còn là tác giả của những cuốn tiểu thuyết lớn khác như Salammbo (1862), L’Education sentimentale (1869, tạm dịch: Giáo dục cảm xúc) cùng nhiều truyện ngắn, ghi chép…

Tháng 9 năm 1851, lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật, Flaubert (khi ấy vừa tròn 30 tuổi) bắt tay vào viết Madame Bovary. Ông đã chỉ hoàn tất việc này sau gần 5 năm làm việc cật lực, nhiều lần đi lại Paris để tìm hiểu thêm về cuộc sống của tầng lớp trung lưu trưởng giả, cũng như gặp gỡ trao đổi với các bạn văn khác, trong đó có văn hào Nga Ivan Turgenev (1818- 1883). Cuối năm 1856, cuốn tiểu thuyết được xuất bản trên tạp chí La Revue de Paris dưới dạng nhiều kỳ (feuilleton), đến năm 1857 thì được in thành sách (479 trang). Cũng lúc này ông bị kiện ra tòa vì sách ông bị cho là vi phạm “thuần phong mỹ tục”, may mắn sau đó ông được trắng án. Hai tháng sau, cuốn sách trở nên nổi tiếng, bán được 20.000 bản chỉ trong vài ngày…

Flaubert qua đời bất thình lình năm 1880 sau một cơn xuất huyết não trong cảnh thiếu thốn và bệnh tật. Đến dự đám tang có nhiều bạn văn hay hậu bối của ông như Émile Zola, Alphonse Daudet, Edmond de Goncourt, Guy de Maupassant… Năm 1914, hơn 30 năm sau ngày ông mất, cháu gái ông - bà Caroline Franklin Groult - đã hiến tặng toàn bộ bản thảo viết tay Madame Bovary của cậu mình cho Thư viện thành phố Rouen, nơi ông sinh ra. (Năm 1931, bà hiến tặng bản thảo cuốn tiểu thuyết L’Education sentimentale cùng 36 tập ghi chép về những chuyến du lịch, khảo cứu văn chương của ông… hiện do Thư viện thành phố Paris lưu giữ).

Flaubert chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Honoré de Balzac (1799-1850), tác giả Tấn trò đời (La comédie humaine), người được ông coi là “cha đẻ về mặt văn chương” của mình. Văn ông coi trọng hiện thực, miêu tả hiện thực chi tiết, tỉ mỉ.

Ông bị ám ảnh bởi việc chọn lựa, sử dụng ngôn từ, hình ảnh, thành ngữ, phép so sánh… sao cho đắt giá, nhằm phô diễn được hết mọi vẻ đẹp của các thành tố văn chương. Ông viết rất kỹ, viết đi viết lại (có những đoạn văn tồn tại tới hơn 50 “dị bản” - như đoạn miêu tả cảnh nữ nhân vật chính Emma gặp gỡ tình nhân Rodolphe ở chương 9 có tới 52 bản nháp khác nhau, để cuối cùng xuất hiện chỉ với 38 dòng trong tác phẩm!). Không những thế, ông còn đọc đi đọc lại thành tiếng những đoạn văn mình vừa viết ra, có khi trong nhiều giờ đồng hồ liền, để tự thân cảm nhận “hiệu ứng âm thanh”, “hiệu ứng vần điệu” của chúng.

4.546 trang bản thảo cho 479 trang in trên sách

Đã biết thế mà người ta vẫn không khỏi kinh ngạc trước khối lượng đồ sộ của bộ bản thảo Madame Bovary mà ông để lại: hơn 2.000 tờ giấy hai mặt, tổng cộng 4.546 trang chữ viết tay! Tuy được cháu ông hiến tặng từ năm 1914, những người quan tâm có thể tới Thư viện Rouen tham khảo, nhưng phải đợi đến đầu những năm 2000, nhờ tiến bộ của công nghệ tin học, bộ bản thảo mới được Trường đại học Rouen “scanner” (chụp hình số hóa) trọn bộ, đăng tải trên mạng để mọi người cùng được “mục sở thị”.

Lại mất thêm gần 10 năm nữa “giải mã”, hiệu đính những trang viết này để “người trần mắt thịt” trên toàn thế giới có thể đọc hiểu được! Bởi vì những trang giấy này đen đặc chữ, chữ thường xuyên trèo lên lề, chen vào những chỗ giữa dòng, lại còn có vô vàn nét gạch xóa ngang dọc, những dấu móc lên ngoặc xuống, chỉ ra dẫn vào…, chưa kể trình tự thời gian, trình tự sự việc bị xen cài, thay đổi… Nói như lời ông Yvan Leclerc, giáo sư văn học Trường đại học Rouen, người trực tiếp phụ trách việc thực hiện dự án này cùng với Thư viện Rouen, thì một người có giành cả đời để diễn dịch bộ bản thảo này cũng làm không xuể, bởi mỗi trang viết của Flaubert phải cần từ 3 tới 10 tiếng đồng hồ để “đọc, hiểu”! Đó chỉ có thể là một công trình tập thể. Trong chuyện này, mạng Internet đã giúp sức đáng kể. Khởi đầu, chỉ các giáo viên văn chương mới được mời tham gia. Nhưng sau đó dự án đã thu hút được 130 “tình nguyện viên”, tuổi đời từ 16 tới 76, đến từ 17 quốc gia trên thế giới (Pháp, Bồ Đào Nha, Áo, Bỉ, Colombia, Côte d’Ivoire, New Zealand, Hungary, Thụy Sĩ, Thái Lan, Mỹ…), chưa kể 17 lớp học sinh trung học (Pháp) cùng làm việc dưới dự hướng dẫn của thầy giáo dạy văn của mình. Tổng cộng, 600 con người đã góp sức vào dự án, tất cả đều chung một niềm “đam mê Flaubert”…

Đầu tiên, trong khuôn khổ luận án tiến sĩ của mình, cô Marie Durel đã sắp xếp lại các bản nháp của bộ bản thảo theo trình tự thời gian. Tiếp đó, trong hai năm 2002-2003, bộ bản thảo được Thư viện Rouen tiến hành chụp hình số hóa với độ phân giải cao. Chặng còn lại, cũng là chặng gian nan nhất, là diễn dịch từng trang từng trang một, trong đó có việc nhận định đúng đắn “ý đồ” sáng tác, “đường đi nước bước” khi viết của tác giả…

Với “phiên bản số hóa” được đăng tải trên mạng, bản thảo viết tay của Flaubert giờ không chỉ là một “vật thể” quý báu, duy nhất, mong manh, cần được bảo vệ gìn giữ, muốn đọc phải “xin phép”, phải tìm tới tận Thư viện Rouen, phải đeo găng trắng mỗi khi lần giở từng trang giấy xưa… mà đã có thêm một phiên bản “phi vật thể” mà bất cứ ai, ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào cũng có thể tham khảo, nghiên cứu, tham gia ý kiến, đóng góp chỉnh sửa, với bất cứ trang nào của tác phẩm, ở bất cứ đoạn văn nào mình thích… chỉ bằng một cú nhấp chuột! Song song

Văn Flaubert coi trọng hiện thực. Ông bị ám ảnh bởi việc chọn lựa, sử dụng ngôn từ, hình ảnh, thành ngữ, phép so sánh… sao cho đắt giá, nhằm phô diễn được hết mọi vẻ đẹp của các thành tố văn chương. bên cạnh hình ảnh mỗi trang viết tay nguyên bản là trang “phiên dịch” chép lại rõ ràng, rành mạch những gì tác giả đã viết, để người đọc có thể đối chiếu, cảm nhận. Năm 2009, công trình chính thức ra mắt bạn đọc bốn phương trên trang web www.bovary.fr.

Những người thực hiện công trình nhấn mạnh, đây không chỉ đơn thuần là việc “chép lại” những trang nháp “khó đọc” của Flaubert, mà ý nghĩa sâu xa hơn nằm ở chỗ giúp cho người đọc hiểu được “quy trình” sáng tác văn học của ông, công sức lao động mà ông đã bỏ ra (cả về mặt tinh thần lẫn thể chất) hầu đạt tới độ “thẩm mỹ lý tưởng” mà ông mong muốn. Những tài liệu còn giữ lại được như phác thảo kịch bản câu chuyện, các ghi chép, chú thích, hiệu đính, cả bản chép tay cuối cùng do người giúp việc làm trước khi nó được giao cho nhà xuất bản… đã giúp ích rất nhiều cho việc tìm hiểu này. Những gạch, những xóa, những bôi rồi lại viết, từ suy nghĩ, tâm tưởng tới những dòng chữ miên man… có thể hé lộ tài năng sáng tạo bắt đầu từ nội tâm của Flaubert.

Để phục vụ cho việc nghiên cứu văn chương ông, trang web L’Atelier Bovary còn cung cấp danh sách cùng “tần số” những từ ngữ thường được Flaubert sử dụng; danh sách 1.100 danh từ riêng (tên nhân vật, địa danh, khái niệm, hiện tượng…), 1.350 câu văn thể so sánh xuất hiện trong bản thảo; một “tự điển” nhỏ chú giải những thổ ngữ vùng Normandie (nơi có thành phố Rouen), kèm theo bản đồ địa phương thời đó đánh dấu địa điểm những nơi xảy ra câu chuyện…

Sau phiên bản điện tử, tháng 3-2016 vừa qua, bộ bản thảo viết tay (hình ảnh fac-similé) Madame Bovary lần đầu tiên được Nhà xuất bản Saints-Pères (Pháp) in thành sách dưới hình thức sang trọng, bìa bọc nhung đỏ, chữ dập vàng, dày 496 trang, in 1.000 bản có đánh số, giá 189 euro, đóng thành hộp nặng tới 3kg! Đã tròn 160 năm trôi qua, độc giả vẫn có thể cảm nhận được tác giả đã thai nghén tác phẩm dày công, khó nhọc như thế nào. Những trang bản thảo bị gạch xóa tơi bời cho thấy ông đã viết với cả một tâm tình mãnh liệt, tuôn trào, có dằn vặt, giận dữ, có nghi vấn, đắn đo… để thấy vì sao Madame Bovary được coi là một tác phẩm lớn của một nhà văn 62 của nền văn học Pháp…

NINH-HÀ NGUYỄN-QUỐC (Canada)